Zing lược dịch và gửi tới độc giả giai thoại về quyết định chuyển tới Juventus của Zlatan Ibrahimovic ở chương 11 trong cuốn tự truyện có tên “Tôi là Zlatan” (I am Zlatan).
Cuốn tự truyện ghi lại thời điểm tiền đạo người Thụy Điển tỏa sáng ở Ajax, xảy ra mâu thuẫn với Rafael Van der Vaart và bất đồng với HLV Ronald Koeman. Những câu chuyện được sắp xếp liền mạch cũng lý giải về việc Zlatan Ibrahimovic gây ấn tượng ở kỳ Euro 2004 với bàn thắng kinh điển vào lưới ĐT Italy.
Zlatan Ibrahimovic gia nhập Juventus vào hè 2004, với mức giá 16 triệu euro. |
Rắc rối với truyền thông
Không ai biết Helena và tôi yêu nhau, kể cả mẹ cô ấy. Chúng tôi quyết định giữ bí mật vì những gì nhỏ nhất liên quan đến tôi cũng có thể bị đưa lên mặt báo. Chúng tôi không muốn truyền thông đào bới và viết về mối quan hệ này.
Tuy nhiên, mọi bí mật đều có cái giá của nó. Helena mất nhiều bạn bè, cảm thấy mình cô đơn và bị cô lập. Tôi phát điên với truyền thông hơn bao giờ hết. Đấy là khoảng thời gian mọi thứ đang diễn ra suôn sẻ ở Ajax, và tôi có tâm trạng tốt. Tôi nói chuyện thoải mái như ngày xưa, kể cả với tay phóng viên của tờ Aftonbladet từng có hiềm khích với mình.
Tuy nhiên, tôi không muốn giữ bất kỳ mối hận thù nào. Tôi bảo mình sẽ lập gia đình, sinh con vào thời điểm nào đấy trong tương lai. Đó là câu chuyện bình thường, nhưng bạn biết tay phóng viên ấy làm gì không?
Hắn viết bài như quảng cáo: “Bạn có muốn giành Champions League với mình không? Nam VĐV 21 tuổi, cao 1,92 m, nặng 84 kg, tóc sẫm, mắt nâu, muốn tìm người con gái phù hợp và nghiêm túc trong tình cảm”.
Tôi tức điên. Tôn trọng nhau kiểu gì thế? Tôi muốn hạ đo ván tay phóng viên ấy. Hôm sau tôi gặp tay phóng viên ấy trước cửa sân, hắn muốn xin lỗi vì nghe nói tôi rất điên tiết với bài viết ấy và muốn làm việc như bình thường.
“Mày là cái thằng chết tiệt kiểu gì vậy? Mày muốn truyền đạt cái gì? Tao có vấn đề đến mức không kiếm được bạn gái hả hay làm sao?”
“Tôi xin lỗi, tôi chỉ…”
“Tao sẽ không bao giờ trả lời phỏng vấn của mày đâu”, tôi hét lên rồi bỏ đi.
Chuyện tình Zlatan Ibrahimovic với Helena từng là chủ đề của giới truyền thông Hà Lan. |
Thành thật mà nói, tôi nghĩ làm như vậy sẽ khiến tên phóng viên ấy sợ hoặc ít nhất là tờ báo kia sẽ viết bài kiểu tôn trọng nhau hơn. Tuy nhiên, mọi thứ còn trở nên tồi tệ hơn.
Thụy Điển giành chiến thắng 5-0 trước San Marino, và tôi lập cú đúp. Vậy mà trang nhất của Aftonbladet không phải là “Chúng ta đến EURO” hay “Tuyệt vời Thụy Điển” mà là “Xấu hổ thay, Zlatan!”. Kiểu đó giống như tôi mới tuột quần giữa sân hoặc đánh trọng tài vậy.
Khi ấy tỷ số là 4-0, tôi bị kéo ngã trong vòng cấm và phạt đền. Theo thứ tự ưu tiên thì Kim Kallstrom được thực hiện phạt đền nhưng anh ấy đã ghi bàn. Anh ấy bảo tôi đưa bóng nhưng tôi đã tự thực hiện và ghi bàn. Tôi đã xin lỗi sau đó.
Dẫu sao, đấy cũng là bàn thắng. Tuy nhiên, Aftonbladet dành tới 6 trang chỉ để viết vì việc ấy. Tôi không thể hiểu nổi.
“Nếu như có ai phải xấu hổ, đấy chính là Aftonbladet!”, tôi nói trong cuộc họp báo sau đó.
Bàn thắng kinh điển vào lưới Italy
Thụy Điển sở hữu đội hình chất lượng ở Euro 2004. Chúng tôi là những cầu thủ giỏi, trừ một kẻ giận dỗi (Zlatan ám chỉ Freddie Ljungberg – PV). Hắn cứ mở miệng là “Bọn mày biết không? Ở Arsenal bọn tao đá thế này, thế kia”.
Điều đó làm tôi bực mình. Sau đó, Lars Lagerback đã nói chuyện với tôi về hắn: “Zlatan ơi, mày làm ơn hãy cố gắng giải quyết việc này theo cách chuyên nghiệp được không? Bọn mình không thể để xảy ra bất kỳ xung đột nào trong đội hình”.
“Này”, tôi nói. “Nếu hắn tôn trọng, tôi cũng sẽ tôn trọng hắn. Hết chuyện nhé”.
Trừ việc đó ra thì, ôi Chúa ơi, bầu không khí thật tuyệt vời. Chúng tôi nghiền nát Bulgaria với tỷ số 5-0 ở trận mở màn tại Lisbon. Sự kỳ vọng vào chúng tôi tăng dần lên. Tuy nhiên, Euro chỉ thật sự khởi đầu với trận đấu lớn mà mọi người đang mong đợi, Thụy Điển gặp Italy ở Porto vào ngày 18/6.
Không điều gì có thể che giấu Italy sẵn sàng để phục thù. Họ chỉ có được kết quả hòa trước Đan Mạch ở lượt trận mở màn và không ai quên được việc họ đã thua tuyển Pháp ở trận chung kết của kỳ Euro trước.
Pha bay người giật gót của Zlatan Ibrahimovic vào lưới Italy tại vòng bảng Euro 2004. |
Italy quyết tâm vô địch ở giải đấu này và họ sở đội hình tuyệt vời với Nesta, Fabio Cannavaro và Gianluca Zambrotta ở hàng phòng ngự, Gianluigi Buffon trong khung thành và Christian Vieri trên hàng công. Đó là trận đấu quan trọng nhất của tôi cho đến lúc ấy, bố tôi đã có mặt ở sân để theo dõi và bầu không khí thật tuyệt vời.
Tôi đã chiến đấu với hàng phòng ngự Italy và mọi chuyện không hề dễ dàng. Ở gần cuối hiệp một, Italy mở tỷ số trước nhờ Antonio Cassano, tiền đạo trẻ thay thế Francesco Totti. Chúng tôi đã có cơ hội trong hiệp hai nhưng Italy vẫn kiểm soát trận đấu và việc gỡ hòa là không hề đơn giản.
Italy sở hữu hàng phòng ngự hay nhất thế giới. Nhưng khi trận đấu chỉ còn 5 phút, chúng tôi đã có cơ hội. Marcus Allback sút và Olof Mellberg cũng vậy, mọi thứ thật hỗn loạn. Quả bóng bay lên cao, tôi lao đến, nhảy lên và giật gót, hơi giống kungfu một tí.
Gót chân của tôi cao ngang vai, quả bóng bay qua đầu Christian Vieri rồi đi vào góc trái khung thành của Italy. Đó là Euro. Đó là pha giật gót và trận đấu chỉ còn 5 phút. Tôi chạy ăn mừng như điên, cả đội đuổi theo tôi cũng vậy. Chúng tôi tiến vào tứ kết và đối đầu Hà Lan. Tất nhiên, đó cũng là trận đấu căng thẳng (Thụy Điển bị loại sau khi thua 4-5 ở loạt sút luân lưu với Zlatan thất bại ở lượt sút của mình – PV).
“Mày phải sang Juventus”
Tháng 8 là là khoảng thời gian bận rộn. Kỳ chuyển nhượng kết thúc vào ngày 31 và tin đồn ầm ĩ ở khắp nơi. Đó là khoảng thời gian báo chí không có gì để viết ngoài những dòng tiêu đề: Anh ta sẽ đến CLB này chứ? Hay CLB kia? Tiền chuyển nhượng là bao nhiêu?
Tin đồn chuyển nhượng ngày càng trở thành chủ đề nóng và các cầu thủ cũng cảm thấy căng thẳng, đặc biệt là ở Ajax, nơi ai cũng muốn chuyển đến những CLB lớn. Tôi vẫn cố tập trung cho bóng đá. Ở trận đấu gặp Utrecht, tôi bị thay ra giữa chừng.
Zlatan Ibrahimovic quyết định không thể tiếp tục chơi bóng tại Ajax nữa và chuyển sang Juventus. |
Ronaldo Koeman vẫy tôi vào, và tôi đá vào tấm biển quảng cáo. Cái quái gì thế? Sao tôi lại phải lên ghế dự bị? Ngày ấy, tôi có thói quen gọi Mino sau các trận đấu. Nói chuyện với anh ấy rất dễ chịu, nhưng lần này thì không và tôi đã hét lên: “Gã chết tiệt ấy dám đưa tôi ra kìa? Hắn có ngu không chứ”. Tôi đã mong đợi sự thông cảm và đồng tình từ Mino.
Song, Mino trả lời: “Rút ra là phải. Mày đá ngu nhất sân. Mày thật rác rưởi”.
“Ông nói cái gì vậy?”
“Mày ngu. Lẽ ra mày phải bị thay ra sớm hơn đấy”.
“Này”, tôi nói.
“Cái gì?”, Mino hỏi.
“Biến đi. Cả ông lẫn thằng HLV đó”.
“Đã bao lần tao nói mày rồi? Mày ngu thì mày ra, mày đá biển quảng cáo làm gì. Mày phải trưởng thành”.
“Cút đi”.
“Mày cũng biến đi”.
“Khốn kiếp. Tôi muốn đi khỏi đây”
“Mày phải sang Turin thôi”.
“Ông nói cái gì đấy?”.
“Mày phải sang Juventus?”.
“Nói lại xem nào”.
“Mày phải nghe tao”.
“Ông thỏa thuận bán tôi cho Juventus à?”.
“Có lẽ thế. Chưa có gì chắc chắn cả nhưng tao đang tìm cách”.
Đó là điều gì đó khác biệt hẳn với Southampton.
Zlatan Ibrahimovic tự triệt đường sống của mình ở Ajax và phải tìm đến Mino Raiola để sang Juventus. |
Tuy nhiên, tiến trình thương thảo tốn nhiều thời gian, và tôi phải tiếp tục ở Ajax chờ đợi. Trận giao hữu với Hà Lan đã đến và với chúng tôi nó có ý nghĩa quan trọng. Ai cũng muốn chứng tỏ mình dư sức đánh bại Hà Lan và chỉ thua tại Euro do không gặp may.
Tôi có bóng ngoài vòng cấm và bị 4 cầu thủ theo kèm, trong đó có Van der Vaart. Họ lôi kéo nhưng rốt cục tôi vẫn thoát ra và chuyền cho Matias Jonson ghi bàn. Van der Vaart lăn lộn trên sân đau đớn và rời sân trên cáng. Đau mắt cá, nhưng chả đến mức phải diễn như vậy.
Nghỉ 1 hay 2 trận là cùng. Vậy mà báo chí làm như tôi vừa giết hắn vậy. Khi ấy Van der Vaart là cục cưng của báo lá cải, còn tôi là kẻ thù công chúng. Thật vô lý, tôi thậm chí chả phạm lỗi, mà hắn là đội trưởng của tôi cơ đấy. Tuy nhiên, tôi cũng xin lỗi và bảo mình không cố tình.
Tôi nói cả trăm lần, kể cả với báo chí, nhưng thằng điên ấy cứ tiếp tục nói là tôi cố tình chơi hắn. Đồng đội kiểu quái gì vậy. Nội bộ Ajax chia rẽ, phe Hà Lan theo hắn còn phe cầu thủ nước ngoài theo tôi. Đến mức Koeman phải triệu tập cuộc họp.
“Zlatan cố ý chơi tôi”, Van der Vaart nói.
“Tao đã nói tao không có. Mày mà nói thêm lần nữa tao bẻ gãy 2 chân mày, lần này là bẻ thật cho mày coi”.
Van der Vaart chỉ chờ có vậy: “Thấy chưa? Thằng này điên mà”.
Đến lượt Van Gaal gọi chúng tôi tới. Gã độc tài nói: “Tôi là giám đốc điều hành, yêu cầu 2 anh bỏ qua hiềm khích và thi đấu tiếp”.
Tôi nói: “Không bao giờ có chuyện đó. Chừng nào có hắn, tôi sẽ không ra sân”.
Rồi tôi ra về, mọi hy vọng tìm CLB mới đặt hết cả vào tay Mino.