Chiều đầu hè, tại căn chung cư ở khu đô thị hiện đại Hà Nội, ông Đỗ Ca Sơn nhớ lại những ngày hè bỏng rát 66 năm về trước. “Tôi chỉ là người lính dưới chiến hào”, ông trầm ngâm.
Ông Đỗ Ca Sơn sinh năm 1932 ở Hà Nội, là chiến sĩ Trung đoàn 174 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông trở về, đi học, rồi trở thành giảng viên tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tham gia chiến dịch, Trung đoàn của ông trên dưới 3.000 quân, đến giờ số người còn lại không nhiều. “Đồng đội đã ngã xuống xứng đáng để kể chuyện hơn tôi, nhưng họ không thể”, ông Sơn nói.
Ở tuổi 88, ký ức về những ngày chiến đấu ở Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên trong ông Đỗ Ca Sơn. |
Vắt cơm có vị mồ hôi của đồng đội
Kể chuyện chiến đấu ở Điện Biên năm xưa, ông Đỗ Ca Sơn không nói về chiến thuật, cục diện, diễn biến. Ông chỉ nói về câu chuyện của mình cùng đồng đội – những người lính đánh cứ điểm đồi A1.
Cuốn sách Người lính Điện Biên kể chuyện (Đỗ Ca Sơn kể, Kiều Mai Sơn thể hiện, NXB Kim Đồng phát hành) cũng không đề cập đến chiến dịch ở tầm vĩ mô, mà chỉ kể câu chuyện giản dị thấm đẫm nhân văn về người lính.
Đồi A1 là cứ điểm trọng yếu, như chìa khóa án ngữ Sở chỉ huy cả Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Có ý nghĩa chiến lược như vậy nên De Castries đã bố trí một lực lượng quân tinh nhuệ nơi đây. Bên cạnh đó, đồi A1 (tướng De Castries đặt tên là Elian 2) còn được sự yểm trợ của máy bay, xe tăng, đại bác do Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm trực tiếp điều động. A1 là cứ điểm mạnh nhất của De Castries tại Điện Biên Phủ.
Trung đoàn 174 nhận nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm đồi A1. Trước đó, những người lính tham gia đào hầm, hào. Hàng tháng trời họ không cầm súng mà cầm quốc xẻng đào giao thông hào dễn đến đồi A1.
Ngày 30/3, theo nhiệm vụ, họ xuất phát đánh đồi A1, ngỡ rằng đó sẽ là đêm toàn thắng. Nhưng trận đánh chỉ làm địch ở A1 thiệt hại nặng, chúng bám trụ lại được dựa vào hỏa lực lợi hại trên đồi và một hầm ngầm bí mật mà phía ta chưa biết tới.
Ngày 31/3, ta củng cố quân số, điều thêm quân vào A1. Từ đó tới ngày chiến thắng, ông Đỗ Ca Sơn cùng đồng đội đã tham gia trận đánh kéo dài suốt 38 ngày đêm.
“Ta và địch giành nhau từng tấc đất, từng tấc đất theo đúng nghĩa đen của nó. Nghĩa là cứ giao tranh, bên nào cũng tiến lên muốn giành từng ít, từng ít một”, ông Đỗ Ca Sơn nói.
Ông kể: “Địch ở phía trước ta có mấy chục m, có thể nhìn thấy nhau, nói to là nó nghe thấy. Nên ta chỉ cần ngủ quên là nó thò sang, chợp mắt một chút thôi là nó ‘chộp’ ngay, nã súng đạn ngay. Chúng tôi cứ ở dưới hầm hào chi chít như vậy, ăn, ngủ tranh thủ”.
Khi được hỏi ở dưới hầm hào, việc ăn uống của người lính ra sao, ông Sơn giơ đôi bàn tay trắng hồng hào lên: “Thì cứ cầm cơm nắm cá khô mà ăn”. Ít ai nghĩ đôi bàn tay cầm phấn, cầm bút mực của nhà giáo ưu tú ấy từng cầm nắm cơm đôi khi có cả vị bùn đất, mùi máu.
Dưới hào, nhiều khi gặp đồng đội bị thương, tử trận, tay người lính không thể không dính máu. Chẳng thể rửa, tay của họ chỉ kịp xoa vào đất, nhưng mùi máu vẫn còn ở kẽ tay. Lót miếng vải dù cầm cơm ăn, họ ngửi thấy mùi máu.
Suốt 38 ngày đêm dưới hầm hào, họ thiếu nước nên không tắm, không rửa mặt đánh răng, không được thay quần áo mới. Mỗi người lính có 2-3 bộ quần áo, sau một ngày chiến đấu lại cởi ra, không giặt mà gấp vào rồi lấy bộ quần áo cũ thay. Nước uống còn không có, nước sinh hoạt trở thành xa xỉ.
Ở dưới hầm hào, những người lính sợ nhất mỗi lần di chuyển. Hào chi chít như mạng nhện, lại ở gần địch như vậy, mỗi lần di chuyển nhấp nhô dễ khiến địch trông thấy mà nã đạn vào.
Nhưng đáng sợ nữa với người lính khi ấy là di chuyển mà gặp thi thể đồng đội. Đồng đội ngã xuống thì nằm luôn ở đấy, chưa kịp cáng đi. Trời đầu hè nắng nóng, thịt dễ phân hủy.
“Di chuyển dưới hào, thấy đồng đội nằm đấy mà đau xót. Tình thế cam go ấy chẳng thể nhảy qua, mà phải dẫm lên đồng đội thì không đành; phải dẫm vào chân, vào tay cho đồng đội đỡ đau để mình tiếp tục di chuyển chiến đấu. Thương đồng đội vô cùng”, ông Sơn nhớ lại.
Sách Người lính Điện Biên kể chuyện do Đỗ Ca Sơn kể, Kiều Mai Sơn thể hiện, NXB Kim Đồng phát hành. |
“Chúng mày ơi, sống rồi”
Ngày 7/5, khi biết quân ta đã chắc thắng, phía địch đầu hàng, người lính chiến đấu ở đồi A1 rất vui mừng nhưng chẳng ai reo hò. “Chúng tôi không thể reo hò, không nhảy lên ăn mừng, không nhảy múa khi biết mình chắc thắng. Không phải chúng tôi không vui. Ngược lại, chúng tôi sung sướng lắm chứ. Nhưng chúng tôi kiệt sức rồi”, ông Sơn kể.
Ông tiếp lời: “38 ngày đêm ròng hầu như không ngủ, hầu như không lên mặt đất, không tắm, không giặt, không đánh răng không thay quần áo. Đến ngày 7/5, chúng tôi rã rời, không còn sức để reo hò nhảy múa”.
Khi ấy, những người lính chiến hào nắm chặt tay nhau, ôm lấy nhau, ai còn tí sức thì đấm vào nhau. “Tôi cũng nắm tay đồng đội rồi lên khỏi hầm hào. Lên mặt đất, tôi nằm thẳng cẳng, ngửa mặt lên nhìn trời xanh và nói: ‘Chúng mày ơi sống rồi’”.
Ông Đỗ ca Sơn và những người lính đồi A1 trong một lần tới thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh chụp lại. |
Chiến dịch thắng lợi. Giây phút ấy, ông Sơn nghĩ tới mẹ và các em đang ở vùng tạm chiếm. “Sau trận này thế nào cũng được về gặp mẹ và các em. Tôi sẽ về lại ngôi nhà của mình ở phố Chân Cầm. Tôi chỉ nghĩ được vậy, mà bạn tôi cũng chỉ nghĩ được vậy thôi. Chiến thắng là được về thăm bố mẹ”.
Ngoài gia đình, ông Sơn cũng nhớ những đồng đội đã hy sinh của mình: “Có những đứa chỉ ngã xuống vài tiếng đồng hồ trước giờ chiến thắng. Thương lắm những thằng bạn dũng cảm tiến lên mà không được nhìn thấy phút chiến thắng”.
Giờ đây, ở tuổi 88, nước mắt đã khô, nghĩ về giờ phút chiến thắng, ông Sơn vẫn nghẹn lòng khi nhắc tới đồng đội. Phút chiến thắng cũng như giờ đây hòa bình, phát triển, không thấy tiếng bom đâu, chỉ thấy tiếng sóng dậy trong lòng nhớ thương đồng đội đã ngã xuống.