Ám ảnh tích trữ là thuật ngữ chỉ các hành vi tích trữ một cách quá mức những vật ít giá trị hoặc hoàn toàn vô giá trị. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc di chuyển trong nhà, nấu nướng, vệ sinh cá nhân, thậm chí cả ngủ.
Xét trên một mức độ nào đấy, ám ảnh tích trữ hay sở hữu và sưu tập rất gần nhau. Thường ban đầu, người ta nói rằng mình yêu thích và sưu tập gì đó, nhưng rồi từ từ chuyển sang việc tích trữ lúc nào không hay.
Nhiều người biết chắc không thể đọc hết nhưng vẫn tích trữ sách. Ảnh minh họa: The Ascent. |
Từ người mua và đọc sách bình thường
Với người đọc sách bình thường, việc mua sách ban đầu tưởng như thói quen tốt. Họ có thể mua ở các phố sách, nhà sách hay trên mạng. Việc mua online cũng bao gồm cả sách mới ra lẫn cũ, sách tiếng Việt và nước ngoài.
Khi bắt đầu, họ mua nhỏ giọt, một vài cuốn của tác giả A, tác giả B, các cuốn sách được giải thưởng Nobel, Goncourt, Man Booker, Pulitzer…, gần hơn nữa là giải thưởng Văn học Asean mà nhiều nhà văn của Việt Nam được trao như Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Đỗ Chu, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh…
Đây là giai đoạn mở đầu của việc tích sách. Nếu chỉ dừng ở mức mua một số cuốn yêu thích, đọc hết mua tiếp, hoặc những lúc có hội sách, hay giảm giá sâu 60-70% trên mấy trang bán sách online, mua nhiều hơn bình thường cũng chấp nhận được. Sách lúc này mới chỉ rơi vào mức nhiều chứ chưa gọi là tích trữ.
Nếu chỉ dừng ở mức đầu tiên này, bạn yên tâm vì là người đọc cân đối. Thời gian trong ngày, ngoài đọc sách, còn có các hoạt động khác như chơi thể thao, nấu ăn, học hành, cà phê, viết lách linh tinh…
Việc có cuốn sách này không có cuốn sách kia là một điều gì đó rất bình thường. Việc bạn cần ở mỗi quyển sách là giá trị tri thức hoặc giải trí chúng mang lại, chứ không phải sở hữu bằng được, rồi dành ra hàng giờ ngồi ngắm nghía chồng sách ngày một cao lên.
Thậm chí, lúc này, bạn còn cho hoặc bán rẻ bớt sách đi, chỉ giữ lại những thứ thật sự cần. Bạn để không gian đó cho một chậu hoa be bé, một cái máy chạy bộ, một tấm thảm để tập yoga…
Nhiều người biết chắc không thể đọc hết nhưng vẫn tích trữ sách. |
Đến ám ảnh tìm kiếm
Trở lại ban đầu của người đọc bình thường, mốc chỉ dẫn cho việc đọc là các giải thưởng hoặc tác giả yêu thích.
Với tác giả, cả ở trong lẫn ngoài nước, có mấy người chỉ viết một hai cuốn sách như JD Salinger với Bắt trẻ đồng xanh, Margaret Mitchell với Cuốn theo chiều gió, Emily Bronte với Đồi gió hú, Harper Lee với Giết con chim nhại và Hãy đi đặt người canh gác, Nguyễn Khắc Trường với Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh…
Còn lại, đa số tác giả đều có cho mình một số lượng tác phẩm đồ sộ. Chỉ tính riêng tác giả Việt, như Nguyễn Ngọc Tư, cũng có trên 20 tác phẩm, gồm cả truyện ngắn, tản văn, tạp văn, tiểu thuyết, thơ.
Ví dụ như Ngọn đèn không tắt, Giao thừa, Cánh đồng bất tận, Nước chảy mây trôi, Gió lẻ và 9 câu chuyện khác, Biển của mỗi người, Yêu người ngóng núi, Khói trời lộng lẫy, Gáy người thì lạnh, Sông, Chấm, Hành lý hư vô…
Rồi đến Nguyễn Nhật Ánh, tính sơ sơ cũng 40-50 đầu sách, không tính tái bản. Như: Kính vạn hoa (gồm 54 tập), Chuyện xứ Lang Biang (gồm 4 tập), Mắt biếc, tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Làm bạn với bầu trời, Ngồi khóc trên cây, Đảo mộng mơ, Những chàng trai xấu tính, Cây chuối non đi giày xanh, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng…
Đến các tác giả đoạt giải Nobel văn học như Mạc Ngôn, chỉ tính sách dịch sang tiếng Việt đã hơn 20 cuốn. Có thể kể tên như Cao lương đỏ, Báu vật của đời, Đàn hương hình, Ếch, Cây tỏi nổi giận, Người tỉnh nói chuyện mộng du, Tứ thập nhất pháo, Thập tam bộ, Sống đọa thác đày, Tửu quốc, Rừng xanh lá đỏ…
Và tác giả Nobel văn học được dịch nhiều nhất ở Việt Nam là Pearl Buck, với hơn 50 cuốn. Trong đó, cuốn được in sớm nhất là Gió đông gió tây, năm 1945, bởi nhà xuất bản Hàn Mặc. Người dịch là nhà thơ Việt Nam tiền chiến Huyền Kiêu.
Trên đây, mới chỉ điểm qua vài tác giả mà việc làm sao kiếm cho đủ sách của họ cũng đã là một điều mệt mỏi. Chưa kể việc cần đến không gian khá rộng để chứa sách, còn đọc hết là điều gần như không thể.
Làm sao kiếm cho đủ sách của họ đã mệt, chưa kể đến một không gian khá rộng để chứa sách. Còn việc đọc hết là gần như không thể.
Nếu bạn chỉ đọc hú họa, nhà sách, nhà xuất bản ra quyển nào đọc quyển đấy, không tìm sách in cách nay 5, 10 năm đến vài chục năm thì chẳng nói làm gì.
Nhưng liệu cơn tò mò, day dứt không kéo bạn đi ư. Ví dụ như Haruki Murakami đã được dịch khá nhiều ở Việt Nam, nhiều người trẻ yêu thích ông.
Chỉ đọc ông ở những tác phẩm mới in gần đây như Lắng nghe gió hát, Những người đàn ông không có đàn bà, Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương, 1Q84, Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển, Rừng Nauy…, bạn đã cảm thấy đủ và thừa, ơn giời, là tốt.
Còn không, ham muốn sở hữu ồ ạt kéo đến, cơn tích trữ ám ảnh trồi lên, bạn sẽ phải ngược về nữa để tìm những cuốn như Người tivi, Ngày đẹp trời để xem kangaroo, Sau cơn động đất, Đom đóm, Bóng ma Lexington, Sau nửa đêm.
Rồi ngược đến bản dịch Rừng Nauy in năm 1997 của Kiều Liên và Hải Thanh, Bùi Phụng hiệu đính chứ không phải bản dịch của Trịnh Lữ (cũng bản in trên năm 1996 từng chia ra hai tập để in, nhưng chỉ in được một tập).
Ở các giải thưởng, Nobel được trao bắt đầu từ năm 1901, người mới nhất là Peter Handke cũng có tác phẩm được dịch là Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình.
Cạnh đó, giải Goncourt được trao từ năm 1903, giải Man Booker từ năm 1969, giải Pulitzer bắt đầu năm 1917, cùng hệ thống giải thưởng khác như Pen, Faulkner, IMPAC Dublin, Giller, Costa, Giải sách quốc gia Mỹ, Mao Thuẫn…
Các giải thưởng này đều có lịch sử lâu đời, trao hàng năm. Việc tìm đầy đủ sách của một giải thưởng đã được dịch ra tiếng Việt là điều không thể.
Ám ảnh tích trữ sách, sách trở thành cuộc sống, thú vui duy nhất, bạn biến thành con mọt sách lúc nào không hay. |
Ám ảnh sở hữu và tích trữ
Khi biết có một cuốn sách A, sách B của tác giả hoặc giải thưởng, bạn tìm kiếm và nghĩ đến việc làm sao sở hữu chúng nhanh nhất, bằng mọi cách.
Chẳng hạn, bạn rình các trang bán sách trên mạng, lượn lờ các hiệu sách cũ dặn dò, cho số điện thoại khi có gọi ngay, hoặc lân la làm quen với các nhà sưu tập sách để hỏi mua, đổi (ở đây không tính sách mới, chỉ một vài cú nhấp chuột là xong).
Sách cũ để sở hữu thường tốn thời gian, công sức và cả tiền của. Bạn đam mê một tác giả, một giải thưởng, nhưng từ một chuyển sang ba, năm, bảy lúc nào không hay.
Với tác giả cũng thế, tác giả cùng trường phái, quốc gia, vùng miền, rồi từ từ lấn sang các mảng sách khác như lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu xã hội…
Lúc này, bạn ở tình trạng sách gì cũng muốn có, sở hữu ngay. Nhưng có rồi thì sao, để chất đống lộn xộn cả phòng, hoặc đóng thùng cất đi. Sách lúc này có giá trị không?
Vẫn có nhưng thường ít, bạn động đến cuốn nào cũng muốn đọc, nhưng chỉ đọc vài ba trang là chuyển ngay sang cuốn khác. Sự kiên nhẫn khi đọc sách không còn, bạn chìm vào ham muốn mua bán và sở hữu. Thời gian dành cho các mối quan tâm xã hội, gia đình, bạn bè cũng bị cắt béng đi.
Sách lúc này trở thành cuộc sống, niềm vui thú duy nhất, thế giới của riêng bạn. Và dần dần, như trong Hóa thân của Franz Kafka, bạn biến thành con mọt sách lúc nào không hay…