Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ – Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội có cuộc trò chuyện với Zing, quanh câu chuyện về sách, tình yêu với văn hóa đọc, và những xu hướng mới ở thị trường sách.
– Sách “nhập khẩu” đã và đang chiếm lĩnh phần lớn thị trường sách ở Việt Nam, đặc biệt ở thể loại sách văn học. Chị đánh giá như thế nào về sức đọc và sức viết của các nhà văn Việt Nam hiện nay, dưới góc quan sát của mình?
– Tôi có thói quen mua sách từ mấy chục năm nay bởi nhiều lẽ. Thứ nhất là mua cho mình, thứ hai là quan sát những khách hàng khác mua và chọn sách, để hiểu xu hướng đọc của mọi người.
Điều đáng mừng là giữa sự phát triển vũ bão của nhiều nền tảng công nghệ, sách điện tử, sách in vẫn được mua, với nhiều thể loại, không chỉ riêng mảng văn học.
Về văn học dịch, ngày càng có nhiều tác phẩm đủ thể loại được dịch và phát hành. Đặc biệt, có những nhà sách dấn thân mua bản quyền, dịch thuật chất lượng cao với những tác phẩm nổi tiếng thế giới, dù kén người đọc. Nhìn một cách tổng quát, theo chủ quan của tôi, người đọc thời nay quả là sung sướng với sự lựa chọn sách cho mình.
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều phương tiện đọc, nhiều con đường tiếp cận với sách, và sách thì phát triển vượt bậc, đa dạng đề tài, thể loại.
– Về văn học Việt Nam kể từ thời Nguyễn Huy Thiệp “đắt giá” với loạt tuyển tập truyện ngắn, với liên tiếp các tác phẩm được chú ý như “Những người thợ xẻ”, “Muối của rừng”, “Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt”… rất lâu văn đàn Việt không có một tác giả “gây bão” theo cách như vậy. Chúng ta thiếu tài năng, hay chúng ta đang có một thế hệ nhà văn “lười”, theo chị?
– Với các nhà văn Việt Nam, tôi thấy họ vẫn viết. Nhiều tác phẩm đã hoặc chưa xuất bản. Từ thế hệ nhà văn từ 5X đến 8X vẫn ra sách, kể ra đây chắc hết dung lượng bài phỏng vấn mất. Bên cạnh những nhà văn kỳ cựu, nhiều tác giả mới, xuất hiện với cuốn đầu tay đã gây tiếng vang như Quân khu Nam Đồng (Bình Ca), Hồi ức lính, Kim Liên một thủa (Vũ Công Chiến), Chuyện lính Tây Nam (Trung Sĩ)…..
– Loạt tác phẩm chị kể, rất giống với trường hợp “Đêm núm sen” của Trần Dần, “Chuyện ngõ nghèo” của Nguyễn Xuân Khánh… những tác phẩm được viết từ lâu, giờ mới phát hành. Thế hệ các nhà văn hôm nay có thấy “thương nhớ văn học Việt”, có thấy tiếc nuối cho chính thế hệ mình?
– Tôi lại nghĩ về yếu tố thời điểm. Tính thời điểm cũng góp phần không nhỏ vào việc cuốn sách đến được với người đọc. Nhiều cuốn sách phải chờ đến thời điểm thích hợp mới bùng nổ. Và tôi tin các nhà văn lớn của chúng ta ai cũng đang có cuốn sách của riêng mình, chỉ là chưa đến thời điểm để đến với người đọc thôi.
– Có thể kể về cuốn sách chị đọc gần nhất và đặc biệt yêu thích?
– Thực sự là tôi đọc nhiều và thích cũng nhiều. Ví dụ như 2 cuốn Diệt vong, Đốn hạ của nhà văn Áo Thomas Bernhardđọc 2 lần. Vết nhơ của người của nhà văn Mỹ Philip Roth hay Herzog của nhà văn Mỹ Sual Bellow… Giờ mà kể thì nhiều lắm, vì có quá nhiều cuốn tầm cỡ thế giới được các nhà sách xuất bản mấy năm vừa rồi.
Tôi luôn bị cuốn vào từng cuốn với câu chữ, số phận nhân vật, hình ảnh, cộng thêm sự tưởng tượng về thế giới đó khiến mình càng đi sâu càng cuống quýt một cảm giác vừa mong đến đích lại vừa tiếc nếu giở đến trang cuối cùng.
Tôi mua đủ các thể loại sách. Tất nhiên có chọn lọc, ví dụ theo tên tác giả. Đôi khi tôi cũng mua cuốn sách đang được PR rầm rộ để xem thực hư thế nào. Nhưng nhiều nhất là sách của các tác giả tôi thích, săn lùng mua đủ bộ và nghiền ngẫm chúng.
– Một cuốn sách hay, và một cuốn sách bán chạy, kiếm được bộn tiền cho nhà xuất bản, theo chị có hay không sự khác biệt và sự tương đồng giữa chúng?
– Sách hay và sách bán chạy do gu đọc của người mua. Đôi khi, cũng do truyền thông góp phần nên có những cuốn đáng đọc lại không bán chạy. Giữa thời đại bùng nổ thông tin và nhiều tiện ích như hiện nay, việc sách giấy bán không dễ như những năm cuối thập kỷ trước.
Nhưng không vì thế mà người ta quên sách giấy. Sách giấy, theo tôi vẫn có quyền năng riêng. Cầm quyển sách thơm mùi giấy, và lật từng trang vẫn luôn đem lại khoái cảm cho người mê đọc .
– Khi một cuốn sách bước vào thị trường, gây bão, kiếm bộn tiền. Theo chị, lý do nằm ở cách tiếp cận đề tài, cách viết của tác giả, nằm ở chiến lược truyền thông chuyên nghiệp hay hoàn toàn là số phận của cuốn sách?
– Tôi nghĩ, ban đầu là do tên tuổi của nhà văn đó đã có trong nhiều thế hệ người đọc yêu mến họ. Tiếp đến là do bản chất cuốn sách đó phải hay, hấp dẫn dù khai thác đề tài gì. Thứ ba là truyền thông, truyền miệng. Những năm gần đây, một hình thức truyền miệng qua các trang cá nhân cũng mang lại hiệu quả lớn. Cuối cùng mới là số phận của cuốn sách, điều này phụ thuộc vào thời điểm nó được sinh ra.
Cách đây ba năm, cuốn Quân khu Nam Đồng xuất hiện và lập tức phá kỷ lục (chỉ sau các phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh). Tác giả lại không phải là nhà văn chuyên nghiệp, và đây là cuốn đầu tay. Nhưng Quân khu Nam Đồng thành công vang dội do cách kể tài hoa của người viết về những câu chuyện một thời khốc liệt của Hà Nội nói chung và khu Nam Đồng nói riêng những năm Mỹ đánh bom Hà Nội. Nếu không nhờ cách kể hóm hỉnh nhưng sâu sắc, đầy hình ảnh đó, đơn thuần chỉ viết về những trận bom và mọi người chiến đấu ra sao, chưa chắc bạn đọc đón nhận như vậy.
– Văn hóa đọc đang được thúc đẩy ở Việt Nam với nhiều hoạt động, phong trào tích cực. Ai đó đã nói việc đọc sách cũng giống như tình yêu nam nữ, chỉ cần có tình yêu (độc giả yêu sách), thì việc đọc sẽ trở thành bản năng, thành nhu cầu tự nhiên. Chị có nghĩ như vậy?
– Điều này có phần đúng qua quan sát của tôi. Rất nhiều bạn tôi biết, không thích đọc sách văn học cho tới ngày, xem một bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học, họ tìm sách đọc, rồi mê đọc dần. Hay có người được cho mượn một cuốn sách từ người bạn rất tâm đắc, họ đọc thấy mê, rồi nghiện đọc. Có rất nhiều con đường dẫn người ta tới sách, không nhất thiết ở mảng văn học. Nhưng tình yêu, thói quen đọc giúp họ không để trống thời gian vì có sách.
Quan sát ở Việt Nam, tôi thấy phần lớn bố mẹ không có thói quen đọc sách và không đọc sách cho con từ ngày nhỏ phần nào dẫn đến sự xa rời sách khi trưởng thành.
– Theo chị, để độc giả yêu một cuốn sách, tác giả cần phải viết về những thứ độc giả cần, độc giả muốn đọc, hay ngược lại, tác giả cứ viết về những điều mình yêu, mình ám ảnh, và cần một cách viết tài năng, hấp dẫn, để thuyết phục độc giả?
– Tôi nghĩ, tác giả cứ viết về những điều mình ám ảnh, văn chương hấp dẫn, cẩn trọng với chữ, trước là thuyết phục và thỏa mãn chính mình, sau mới đến độc giả. Không một nhà văn nào có thể chiều lòng được đa số độc giả để tìm cách thỏa mãn họ. Mỗi độc giả có gu đọc riêng, vậy, nhà văn hãy viết cho mình trước, rồi độc giả sau. Có như vậy, thế giới văn chương mới đủ sắc màu.
Mỗi khi viết, tôi quên thế giới xung quanh, quên mình là ai. Tôi sống và nhập vào nhân vật, hoàn cảnh, không gian, thời gian và bị cuốn đi, đến dòng cuối cùng. Tôi không bao giờ viết mà nghĩ, mình viết truyện này độc giả có thích không, hay sách có bán được không.
Mỗi một truyện khi mình viết xong, nó không còn của mình nữa. Và khi xuất bản, giống như mũi tên bay đi, không bao giờ quay lại. May mắn thì có nhiều người đồng cảm, thích. Còn không, tôi cũng không buồn. Giống tôi thôi, có nhiều cuốn bạn bè khen nhưng tôi đọc không vào, do không đúng gu, chứ không phải cuốn đó tệ. Và ngược lại, có cuốn tôi cực thích, bạn bè lại lắc đầu. Chuyện ấy rất bình thường.
– Có nhà văn từng mang sách dạy làm giàu ra để chê độc giả bây giờ thực dụng, chỉ thích đọc sách dạy kiếm tiền, dạy kỹ năng nịnh sếp ở công sở, hay sách đưa lời khuyên làm thế nào để thành đạt nhanh chóng. Môi trường xã hội, đặc thù thế hệ – có chi phối đến sở thích, thói quen đọc của độc giả không, theo chị?
– Tôi luôn có quan điểm tôn trọng sở thích và phong cách cá nhân. Tôi không bị cực đoan khi thấy những quan điểm khác mình. Với tôi, những cuốn sách dạy kỹ năng sống có giá trị riêng. Bất cứ cuốn nào, dù ít hay nhiều đều có những câu đúc kết ý nghĩa.
Để viết ra những cuốn đó, người viết một là đã trải qua, hai là rút kinh nghiệm từ những người thành công hay thất bại mà họ biết, lại thêm sự hiểu biết về tâm lý, kinh nghiệm sống, làm việc… Viết được những cuốn sách đó không hề dễ. Có điều, người may mắn sẽ học được từ đó nhiều thứ, để đương đầu với những sai lầm, ít phải trả giá hơn. Biết rút kinh nghiệm từ sai lầm của người khác là người khôn mà (cười). Còn người kém may là đọc xong, rồi quên.
– Năm nay, vì tình hình dịch bệnh kéo dài, Ngày Sách Việt Nam sẽ tổ chức Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 (mua bán sách online tại địa chỉ book365.vn), từ 19/4 đến giữa tháng 5, với sự tham gia của nhiều nhà xuất bản, chị đánh giá như thế nào về sự kiện này?
– Ngành xuất bản đã bắt kịp thị trường và tôi tin là với sự quyết tâm này, hiệu quả sẽ lớn trong thời gian tới. Lâu nay, ngoài việc mọi người ra các nhà sách chọn mua sách thì việc mua trên mạng cũng phát triển.Tất nhiên điều đó còn phụ thuộc vào việc phát triển truyền thông của từng nhà xuất bản, nhà sách.
Tuy nhiên, để người đọc biết đến nhiều sách mới xuất bản hay và quý, cần sự quảng bá nhiều hơn. Ví dụ như tôi, là người chịu khó mua sách, tuần nào cũng rẽ vào các nhà sách nhưng để biết hết những cuốn mới và hay, đúng tác giả mình thích lại không dễ nếu không tự tìm hoặc do bạn bè nhắn tin.
– Chị đánh giá như thế nào về cơ hội của các nhà phát hành, và cơ hội của chính độc giả yêu sách ở Hội sách trực tuyến quốc gia?
– Tôi cho đây là bước tiến mới, quan trọng và có ích với người đọc và các đơn vị xuất bản. Sau Hội sách trực tuyến này, tôi nghĩ đơn vị chủ trì và các nhà sách, nhà xuất bản tăng cường thêm hình thức này để sách có thể đến với người đọc nhiều hơn nữa.
– Chị có ý định tham gia mua sách online với Hội sách trực tuyến lần này?
– Chắc chắn là có rồi!