Trong cuốn Buổi đầu quan hệ Mỹ – Việt 1787-1941 (nguyên tác The United States and Vietnam 1787-1941, Đoàn Khương dịch, NXB Văn hóa-Văn nghệ, 2018), tác giả Robert Hopkins Miller (8/9/1927-11/9/2017), nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu có kinh nghiệm ở Việt Nam và Đông Nam Á đã chỉ ra lý do tại sao Việt Nam và Mỹ lại bỏ lỡ cơ hội thiết lập quan hệ giữa hai nước vào đầu thế kỷ 19.
Chuyến tàu đầu tiên của Mỹ đến Việt Nam
Robert Hopkins Miller cho biết người Mỹ đầu tiên bày tỏ sự quan tâm đến Việt Nam, cụ thể là Đàng Trong [Cochinchine] là Tổng thống thứ 3 của nước Mỹ Thomas Jefferson. Năm 1788, khi còn là Công sứ Mỹ ở Pháp, Jefferson đã dành sự quan tâm đặc biệt của mình tới những giống lúa ở Cochinchine, mà theo ông là nó có thể giúp nước Mỹ thanh toán được các vùng ao hồ tù đọng. Năm 1789, dù rất nỗ lực, song Jefferson không tiếp cận được hạt giống lúa này, vì nó quá khó kiếm.
Tổng thống thứ 3 của nước Mỹ Thomas Jefferson. Ảnh tư liệu. |
Năm 1802, gia đình Crowninshield, ở Salem, Massachusetts quyết định gửi một con tàu đến Đàng Trong để thử tìm nguồn cung cấp đường cà phê. Con tàu được chọn cho hành trình này là Fame với thuyền trưởng là Jeremiah Briggs. Ngày 21/5/1803, tàu Fame thả neo ở vịnh Turon (Đà Nẵng), đánh dấu một thương thuyền Mỹ thực sự giong buồm vào một cảng ở Việt Nam. Sau đó, được sự giúp đỡ của những người Pháp, Jeremiah Briggs đã đi Huế để xin phép vua Gia Long được buôn bán ở các cảng dọc duyên hải. Nhà vua cho phép, nhưng cũng bày tỏ sự e ngại tàu sẽ dần buôn bán với kẻ thù của nhà vua (nhà vua mới sở hữu vùng đất này khoảng 6 tháng nay).
Hạ thủy tàu Fame vào năm 1802, tranh của Goerge Ropes. Ảnh tư liệu |
Tiếp theo tàu Fame, tàu Franklin của đại úy Hải quân Mỹ Jonh White được ghi nhận là tàu thứ 2 của Mỹ đến Việt Nam. Dù không nói rõ mục đích chuyến đi này, nhưng qua tường thuật của White xuất bản năm 1823 tại Boston, có thể thấy White đến Việt Nam tư cách cá nhân (không đại diện cho chính phủ Mỹ) và với mục đích thương mại, tìm và mang về những hàng hóa có lãi. Theo tường thuật của White, ngày 7/10/1819, tàu đến Sài Gòn. Ngày 30/01/1820, tàu rời Sài Gòn sau 4 tháng nỗ lực tìm kiếm hàng hóa. Sau đó, tàu đến Java lấy thêm hàng cho đủ trọng lượng rồi trở về nước.
Sứ bộ đầu tiên của Mỹ đến Việt Nam và hiệp định thương mại bị bỏ lỡ
Từ năm 1826-1932, John Shillaber, Lãnh sự Mỹ ở Batavia, Đông Ấn thuộc Hà Lan (Indonesia ngày nay) đã liên tục hối thúc Bộ Ngoại giao Mỹ xem xét thúc đẩy các hiệp định thương mại với Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản.
Đề nghị này của Shillaber nhận được hứa hẹn của Bộ Ngoại giao Mỹ. Ngày 5/1/1832, Tổng thống Mỹ Andrew Jackson chỉ định Edmund Roberts (vốn là một chủ buôn thường qua lại vùng biển của Việt Nam) làm “cơ mật phái viên ở vùng biển Ấn Độ”. Ngày 27/1/1832, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Livingston gửi cho Roberts chỉ thị về sứ mệnh bí mật tại Việt Nam. Theo đó, Roberts phải báo cáo càng nhiều thông tin càng tốt về các sản phẩm và việc buôn bán của Việt Nam và tìm cách đàm phán một hiệp định thương mại với quốc gia này.
Ngày 4/1/1833, tàu Peacock chở đặc sứ Edmund Roberts và sứ bộ Mỹ đậu ở Phú Yên (tàu không neo đậu được ở cảng Đà Nẵng do gặp thời tiết xấu). Edmund Roberts đã tiếp các chức sắc và quan cấp tỉnh trên tàu. Sau khi cho biết tàu Peacock do Tổng thống Mỹ phái đi và mang theo lá thư của Tổng thống gửi vua Việt Nam, Edmund Roberts đã nhờ chuyển một bức thư gửi về kinh đô giải thích sứ mệnh của mình.
Tổng thống Mỹ Andrew Jackson (bên trái) và vua Minh Mệnh (bên phải). Ảnh tư liệu. |
Ngày 17/1/1883, 2 viên quan của kinh thành Huế cùng phái đoàn xuống tàu. Theo tường thuật của Edmund Roberts, 2 vị này cho biết bức thư của Roberts gửi tới kinh đô bị lỗi về cách xưng hô, nên vị quan phụ trách thương mại và hàng hải không dám trình lên nhà vua. Hai vị còn cho biết tên nước giờ là Việt Nam chứ không phải là An Nam và được cai trị bởi một vị hoàng đế.
Theo đúng thể thức, vị đặc sứ phải gửi thư cho vị thượng quan phụ trách thương mại, hàng hải đề nghị vị này tâu lên đức vua. Hai viên quan cũng đề nghị được xem bức thư Tổng thống gửi vua Việt Nam có lỗi gì về thể thức hay không… Roberts giải thích rằng, thư của Tổng thống là thư giới thiệu vị đặc sứ với nhà vua và vị đặc sứ sẽ tiến hành đàm phán những mục tiêu cụ thể sau khi đến Huế.
Lời giải thích này hoàn toàn không thỏa đáng và 2 viên quan trên lại tiếp tục quay trở lại những vấn đề cũ. Khi được hỏi về cung cách trong bức thư gửi vị thượng quan, 2 viên quan đã soạn ra một bức thư mẫu cho sứ bộ Mỹ. Tuy nhiên, Roberts cho rằng giọng điệu trong bức thư này khó chấp nhận vì ngoài sự khúm núm về văn phong, ngôn ngữ chung là của kẻ thuộc cấp. Ông ta đã đề nghị tự viết một bức thư khác gửi vị thượng quan, đồng thời khẳng định sẽ sửa chữa theo ý của 2 viên quan nọ.
Tình trạng này cứ diễn ra như vậy suốt phần còn lại của sứ mệnh Robert tại Việt Nam. Robert thì không muốn nước Mỹ chấp nhận sự nhục nhã với những thể thức giao tiếp khúm núm hạ mình, còn các viên quan Việt Nam không muốn hứng chịu cơn thịnh nộ của hoàng đế khi chấp nhận thể thức giao tiếp không phù hợp. Ngày 7/2/1833, các quan triều đình Huế thông báo rằng con tàu phải lên đường trong ngày hôm sau.
Hai bên nâng ly chúc mừng sức khỏe Tổng thống và Hoàng đế. Các quan triều đình Huế rời tàu, chúc tàu thuận buồm xuôi gió và nhanh chóng trở lại. Người Mỹ trả lời họ không mong trở lại và giong buồm lên đường sáng ngày hôm sau (8/2/1833).
Tàu phương Tây buôn bán ở vùng biển Việt Nam khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Ảnh tư liệu. |
Đề cập về việc này, chính sử Đại Nam thực lục chép như sau: Tháng 11, năm Nhâm Thìn (1832) Quốc trưởng nước Nhã Di Lý (nước này ở Tây dương hoặc gọi là Hoa Kỳ, hoặc gọi là Ma Ly Căn, hoặc gọi là Tân Anh Cát Lợi đều là biệt hiệu của nước ấy) sai bọn bề tôi là Nghĩa Đức Môn La Bách (Edmund Roberts), Đức Giai Tâm Gia (David Geisinger, thuyền trưởng tàu Peacock) đem quốc thư thông thương thuyền ở cửa Vũng Lấm [Vũng Lắm] thuộc Phú Yên. Vua sai Viên ngoại lang Nguyễn Tri Phương, Tư vụ Lý Văn Phức đi hội với quan tỉnh, lên thuyền thiết tiệc, hỏi lý do đến đây làm gì. Họ nói “Chỉ đến vì muốn giao hiếu và thông thương”. Nói năng rất cung kính. Đến lúc dịch thư ra có nhiều chỗ không đúng thể thức.
Vua bảo không cần đệ trình thư ấy. Rồi cho quan quyền lãnh chức Thương bạc làm tờ trả lời. Đại lược nói: “Nước ấy muốn xin thông thương, cố nhiên là ta không ngăn trở, nhưng phải tuân theo luật pháp đã định. Từ nay, nếu có buôn bán thì cho đỗ ở vụng Trà Sơn, tấn sở Đà Nẵng, không được lên bờ làm nhà, vượt quá kỷ luật, rồi giao thư bảo họ đi”.
Nhắc đến sứ mệnh bất thành này, trong báo cáo tóm lược của mình, Roberts phán đoán rằng nếu thời tiết thuận lợi hơn tàu đã thả neo ở Đà Nẵng và kết quả đi sứ của ông sẽ tốt hơn. Ông cũng ghi nhận rằng, công việc sẽ có kết quả khi ông thuận theo những “nghi lễ làm mất phẩm giá” ở triều đình Huế.
Ba năm sau, Edmund Roberts và tàu Peacock trở lại Việt Nam để thực hiện cho một nỗ lực đàm phán khác. Phái bộ đến Đà Nẵng ngày 14/5/1836 và dành 8 ngày để chuẩn bị việc đàm phán một hiệp định thương mại với Việt Nam. Tuy nhiên, bệnh tật và cái chết giữa chừng của Roberts đã khiến cho nỗ lực ngoại giao của ông ta thêm một lần nữa bất thành.
Theo Robert Hopkins Miller nguyên nhân dẫn đến nỗ lực bất thành trên là do hai nền văn hóa xa xôi không gặp nhau và do tầm quan trọng của bên này với bên kia vẫn chưa đủ lớn, nên cả Việt Nam và Mỹ đã không vượt qua những trở ngại ban đầu. Roberts cũng không thuyết phục nổi Việt Nam, rằng Mỹ khác với các nước châu Âu, những nước chỉ quan tâm đến chinh phục, lập thuộc địa… Việt Nam cũng coi Mỹ cùng hội cùng thuyền với các nước châu Âu nên chưa sẵn sàng cho mối quan hệ.