Lâu nay, khi viết về lịch sử văn minh nhân loại, các tác giả thường nhắc đến những yếu tố như chữ viết, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sự thiết lập thể chế chính trị… Tuy nhiên, tác giả Jared Diamond đã giải mã lịch sử tiến hóa nhân loại qua ba nhân tố: Súng, vi trùng và thép.
Tác giả cho rằng ba yếu tố này giúp người Tây Âu chinh phục lãnh thổ và định hình trật tự thế giới ngày nay. “Súng” là các loại vũ khi vượt trội đã tạo ra những cuộc chinh phục. Tác động của vi trùng ở chỗ khả năng miễn dịch yếu với các căn bệnh đã tàn phá người dân bản địa. Còn “thép” chính là sự tinh thông kỹ thuật công nghệ đã giúp người Tây Âu viễn chinh xuyên các đại dương.
Cuốn sách Súng, vi trùng & thép cho thấy vi trùng – những sinh vật nhỏ bé – lại có tác động to lớn tới trật tự thế giới. Chúng có thể gây ra bệnh dịch và đôi khi viết lời cáo chung cho cả một bộ lạc.
“Quà tặng” chết người từ động vật, bệnh của đám đông
Nhiều căn bệnh loài người lây trực tiếp từ động vật, hoặc vi trùng từ động vật vào cơ thể người và tiến hóa thêm. Những loài vật, gia súc gần gũi với con người đôi khi mang vi trùng gây chết người. Ví dụ bò chính là con vật mang tác nhân gây bệnh sởi, lao, đậu mùa; lợn và vịt mang vi trùng gây bệnh cúm; lợn và chó có vi trùng mang tác nhân gây bệnh ho gà; chim mang tác nhân gây bệnh sốt rét…
Jared Diamond viết: “Cứ xét theo chỗ chúng ta gần gụi thế nào với những loài vật chúng ta yêu thì ắt hẳn chúng ta thường xuyên bị giội bom bởi các loại vi trùng của chúng. Những kẻ xâm lược đó được sàng lọc dần qua chọn lọc tự nhiên, chỉ một số ít trong đó thành công trong việc tự biến mình thành mầm gây bệnh ở người”.
Xâm nhập cơ thể con người, vi trùng tiếp tục tiến hóa. Chúng lựa chọn những cá thể có hiệu năng cao nhất trong việc sinh con đẻ cái và giúp con cái của chúng phát tán đến những nơi thích hợp nhất để sống. Chúng đã “sáng tạo” ra nhiều cách để phát tán từ loài vật sang loài người và từ người này sang người khác.
Khi vi trùng xâm nhập vật chủ và lây lan ra những bệnh nhân khác, cơ thể người có thể sốt, tiêu chảy, đau… Con người gọi đó là “triệu chứng bệnh”, còn theo quan điểm của vi trùng thì đó là lúc chúng đang tiến hóa sao cho con người trở thành phương tiện phát tán vi trùng hiệu quả.
Một bức tranh tái hiện sự tàn phá của đại dịch. |
Nguy hại của vi trùng khi gây bệnh là ở chỗ nó truyền nhiễm dưới dạng đại dịch. Đầu tiên chúng phát tán nhanh chóng hữu hiệu từ người bị nhiễm sang người khỏe mạnh xung quanh, khiến toàn bộ quần thể bị nhiễm trong thời gian ngắn. Các bệnh này đều ở dạng “bệnh cấp tính”, khiến bệnh nhân chết hoặc bình phục hoàn toàn trong thời gian ngắn.
Tác giả Diamond cho rằng để có thể tồn tại được, bệnh truyền nhiễm cấp tính cần một quần thể người đủ đông, mật độ dân cư đủ cao để ngay tại thời điểm bệnh bắt đầu suy yếu lại có một lứa bệnh nhân dễ lây mới. Do đó, các bệnh truyền nhiễm này được gọi là “bệnh của đám đông”.
Những dòng di cư, các con đường thương mại quốc tế là cơ hội tốt của vi trùng. Ví dụ con đường thương mại quốc tế thời đế quốc La Mã nối liền các quần thể cư dân châu Âu, châu Á, Bắc Phi hình thành cơ sở sản sinh khổng lồ cho các loài vi trùng. Đó là lúc bệnh đậu mùa đến La Mã, tạo nên trận dịch Antoninus giết chết hàng triệu công dân La Mã từ năm 165 đến 180.
Bệnh dịch hạch xuất hiện ở châu Âu từ những năm 542, nhưng đến khi một con đường thương mại nối châu Âu với Trung Hoa hình thành thì dịch hạch Cái chết Đen năm 1346 mới ập xuống châu Âu.
Vi trùng ảnh hưởng ra sao tới thế giới?
Jared Diamond cho rằng vi trùng gây chết người ảnh hưởng quan trọng tới lịch sử nhân loại.
Bệnh truyền nhiễm lây lan, và có thể xóa sổ cả một bộ lạc. Ví dụ mùa đông năm 1902, một trận dịch kiết lị do một thủy thủ trên tàu đánh cá Active mang lại đã giết chết 51 trong tổng số 56 người Eskimo Sadlermiut – một bộ tộc người sống biệt lập trên đảo Southampton ở Canada.
Khi y học chưa phát triển, bệnh truyền nhiễm là hung thần đáng sợ của nhân loại. Trận dịch đáng sợ nhất trong lịch sử loài người là dịch cúm làm chết 21 triệu người vào cuối Chiến tranh thế giới thứ nhất. Cái chết Đen (dịch đậu mùa) đã giết chết một phần tư dân số châu Âu từ năm 1342 đến năm 1352, ở một số thành phố, tỷ lệ chết lên tới 70%.
Bệnh truyền nhiễm cũng tác động tới những cuộc chinh phục, tranh đấu của các tộc người. Tác giả dẫn chứng qua việc người châu Âu chinh phục và làm chết hầu hết cư dân ở Tân Thế Giới: “Số người châu Mỹ bản địa chết trên giường vì các vi trùng của Âu – Á cao hơn rất nhiều so với người chết trên giường vì súng và gươm của người Âu. Các vi trùng này đã xói mòn sức kháng cự của người Anh-điêng bằng cách giết chết gần hết người Anh-điêng cùng các lãnh tụ của họ và khiến những người sống sót nhụt hết nhuệ khí”.
Sách Súng, vi trùng & thép. |
Năm 1519, Hầu tước Córtes cùng 600 người Tây Ban Nha đổ bộ lên bờ biển Mexico để chinh phục đế quốc Aztec với dân số nhiều triệu người. Người Aztec đã chiến đấu ngoan cường nhưng điều khiến đội quân Tây Ban Nha chiếm ưu thế chính là bệnh đậu mùa đổ bộ sang Mexico năm 1520 cùng một nô lệ bị nhiễm bệnh. Trận dịch đã làm chết gần nửa dân số Aztec, những người sống sót thì mất hết tinh thần trước căn bệnh “bí hiểm” đã giết chết người Aztec mà không hề động đến người Tây Ban Nha.
Tương tự, năm 1531, Francisco Pizarro đổ bộ lên bờ biển Peru để chinh phục đế quốc Inca. Lúc này bệnh đậu mùa đã lan đến xứ Peru bằng đường bộ, giết chết hầu hết dân số Inca, trong đó có cả hoàng đế Huayna Capac. Chuyện này dẫn đến một cuộc chiến dành ngôi kế vị, tạo ra nội chiến. Pizarro lợi dụng tình hình để chinh phục Inca.
Góp phần hủy diệt các xã hội sống ở khu vực thung lũng sông Missisippi (Mỹ) trước đây không chỉ có các cuộc chinh phục của người châu Âu mà còn bởi các vi trùng. Năm 1540, Hernando de Soto – nhà chinh phục người châu Âu đầu tiên hành quân sang vùng đông nam Mỹ – ông đã đi qua những thành thị của người Anh-điêng bị bỏ hoang từ hai năm trước bởi dân cư đã chết sạch do bệnh dịch.
“Tầm quan trọng lịch sử của các bệnh có nguồn gốc từ loài vật còn đi xa hơn nhiều… Các vi trùng Âu – Á đóng vai trò then chốt trong việc giết chết gần hết các dân tộc bản địa ở nhiều vùng khác nhau trên thế giới, trong đó có dân hải đảo Thái Bình Dương, người châu Úc bản địa và các dân tộc Khoisan ở phía nam châu Phi”, tác giả Súng, vi trùng & thép viết.
Tác giả kết luận, bên cạnh ưu thế lớn về vũ khí, công nghệ và tổ chức chính trị, người châu Âu chiếm ưu thế còn bởi vi trùng. “…một nhúm di dân châu Âu ít ỏi có thể hất cẳng cư dân bản địa ở châu Mỹ và một số vùng khác trên thế giới vốn đông hơn gấp bội. Điều đó ắt đã không xảy ra nếu không có cái tặng phẩm tai hại mà châu Âu mang lại cho các châu lục khác – những giống vi trùng tiến hóa được nhờ lục địa Âu – Á”.
Súng, vi trùng và thép từng đạt các giải thưởng như: Pulizer (1997), giải Aventis của Anh cho cuốn sách khoa học phổ biến hay nhất (1998). Sách cũng được dựng thành phim tài liệu (NatGeo sản xuất năm 2005).
Đây là cuốn sách đã phát hành hàng triệu bản trên thế giới, nhận nhiều lời ngợi ca từ bạn đọc, nhà nghiên cứu, và là nguồn cảm hứng để Yuval Harari viết nên tác phẩm để đời Sapiens: Lược sử loài người.