Đến nay, ta lần ngược về lịch sử để xem sản xuất lương thực đã nảy sinh như thế nào ở một ít trung tâm và từ đó đã bành trướng nhanh chậm khác nhau đến thế nào sang các khu vực khác.
Những khác biệt địa lý đó chính là lời đáp hệ trọng và tối hậu cho câu hỏi của Yali về việc tại sao dân tộc này lại khác dân tộc khác đến vậy về sức mạnh và sự dồi dào sung túc.
Tuy nhiên, bản thân sản xuất lương thực không phải nguyên nhân trực tiếp. Khi đánh nhau một đối một, một nông dân trần trụi chẳng có ưu thế nào trước một người săn bắt hái lượm trần trụi cả.
Thay vì vậy, tại sao nhà nông lại có sức mạnh vượt trội một phần là bởi sản xuất lương thực có thể nuôi sống những quần thể dân cư đông đúc hơn nhiều: Khi đánh nhau, mười nông dân trần trụi cầm chắc là có ưu thế so với một người săn bắt hái lượm trần trụi. Mặt khác, trên thực tế, chẳng nhà nông lẫn người săn bắt hái lượm nào là trần trụi cả, ít nhất là không trần trụi theo nghĩa ẩn dụ.
Các nông dân có xu hướng thở ra nhiều vi trùng độc hại hơn, có vũ khí và áo giáp tốt hơn, nói chung là sở hữu những kỹ thuật mạnh mẽ hơn, sống dưới sự cai quản của những chính phủ tập trung hóa với giới tinh hoa biết chữ có khả năng tiến hành tốt hơn những cuộc chiến tranh chinh phục.
Từ đó, bốn chương kế tiếp sẽ khảo sát xem làm cách nào cái nguyên nhân tối hậu là sản xuất lương thực đã dẫn đến những nguyên nhân trực tiếp là vi trùng, chữ viết, công nghệ và chính phủ tập trung hóa.
Sách Súng, vi trùng và thép. Ảnh: Việt Linh. |
Về những mối liên hệ giữa gia súc và cây trồng với vi trùng, tôi có một ví dụ minh họa không thể nào quên, ấy là trường hợp xảy ra bên trong bệnh viện mà tôi được biết thông qua người bạn làm bác sĩ.
Hồi bạn tôi hãy còn là một bác sĩ mới chập chững vào nghề, có lần người ta gọi anh ấy đến phòng bệnh để khám cho cặp vợ chồng đang căng thẳng vì căn bệnh bí hiểm.
Đã vậy, hai vợ chồng còn gặp khó khăn trong việc nói cho nhau hiểu và cho anh bạn tôi hiểu. Người chồng nhỏ nhắn, rụt rè, bị lao do một loại vi trùng chưa thể xác định gây ra, lại chỉ biết võ vẽ chút tiếng Anh. Đóng vai thông dịch là cô vợ đẹp của ông ta, chị ta cứ lo sốt vó về tình trạng của chồng và sợ chết khiếp trước khung cảnh bệnh viện, thấy gì cũng lạ.
Bạn tôi cũng đang rất căng thẳng vì bù đầu với công việc ở bệnh viện suốt cả tuần, lại phải căng óc cố hình dung xem những nhân tố rủi ro không bình thường nào đã dẫn tới căn bệnh lạ lùng nọ. Nỗi căng thẳng khiến bạn tôi quên rằng ở trường người ta luôn dạy phải biết tôn trọng quyền riêng tư của bệnh nhân: Anh đã phạm sai lầm chết người khi yêu cầu người phụ nữ hỏi chồng xem liệu ông ta đã có hành vi tính dục nào có thể khiến bị lây nhiễm không.
Dưới con mắt quan sát của ông bác sĩ, người chồng đỏ lên như gấc, co rúm lại khiến anh ta trông càng nhỏ con hơn nữa, cố sao cho biến mất dưới tấm chăn, cứ ấp úng từng lời bằng giọng hầu như không nghe được.
Cô vợ bất thần thét lên đầy phẫn nộ, tiến lại gần, chồm xuống, cao lừng lững phía trên anh ta. Bác sĩ chưa kịp ngăn thì cô ta đã vớ lấy một cái chai nặng bằng kim loại, vận hết sức bình sinh giáng lên đầu chồng rồi sầm sầm ra khỏi phòng.
Phải mất một hồi lâu bác sĩ mới cứu sống được cả anh chồng và còn phải mất thời gian hơn thế mới luận ra nổi từ những câu tiếng Anh cọc cạch của anh ta rằng anh ta đã nói gì để khiến vợ nổi cơn tam bành như vậy.
Lời giải đáp dần dần lộ ra: Anh ta thú nhận đã nhiều lần có quan hệ tính dục với cừu trong chuyến về thăm nông trại của gia đình gần đây; có lẽ đó là nguyên nhân khiến anh ta đã nhiễm giống vi trùng kỳ bí đó.
Chuyện này thoạt nghe có vẻ chỉ là ngoại lệ hiếm có và không thể có ý nghĩa gì lớn. Song trên thực tế nó minh họa cho một vấn đề có tầm quan trọng to lớn: Ấy là những căn bệnh ở người có nguồn gốc từ động vật.
Rất ít ai trong chúng ta yêu loài cừu theo nghĩa tính dục như ông bệnh nhân này. Nhưng hầu hết chúng ta yêu các loài thú cưng như chó hay mèo theo nghĩa tinh thần.
Với tư cách xã hội, chắc chắn là chúng ta có một lòng yêu thích thái quá đối với cừu và các loài gia súc khác, xét từ việc chúng ta nuôi chúng với số lượng quá ư đông đảo.
Chẳng hạn, tại thời điểm thống kê gần đây, cả nước Australia chỉ có 17.085.400 người nhưng lại nuôi đến 161.600.000 con cừu, đủ thấy người Australia yêu loài cừu đến mức nào.
Một số người lớn chúng ta, trẻ con thì lại càng nhiều hơn, bị lây bệnh truyền nhiễm từ thú nuôi. Thường thì chúng chỉ gây chút bực mình nho nhỏ, song một vài căn bệnh đã tiến hóa thành những thứ nghiêm trọng hơn nhiều.
Nguyên nhân tử vong của con người trong suốt lịch sử gần đây – đậu mùa, cúm, lao, sốt rét, dịch hạch, sở và dịch tả – đều là những bệnh truyền nhiễm đã tiến hóa từ các căn bệnh ở loài vật, mặc dù thật nghịch lý rằng hầu hết vi trùng gây bệnh truyền nhiễm ở người ngày nay đều chỉ gây bệnh cho người mà thôi.
Bởi các căn bệnh từng là tác nhân giết người lớn nhất, cho nên chúng cũng đồng thời là những tác nhân có vai trò quyết định hình thành nên lịch sử.
Cho đến Thế chiến thứ hai, số người chết vì các vi trùng nảy sinh trong điều kiện chiến tranh cao hơn số người chết vì bị thương trong chiến đấu. Các sách sử nhà binh, vốn chuyên tán dương các vị tướng, rõ ràng là đã quá đơn giản hóa cái sự thật nhãn tiền này: Kẻ thắng các cuộc chiến trong quá khứ không phải bao giờ cũng là các đạo quân có những vị tướng tài ba nhất và vũ khí hùng hậu nhất, mà chẳng qua chỉ là những đạo quân mang những thứ vi trùng độc hại nhất để lây nhiễm cho kẻ địch mà thôi.