Nếu việc tự thán, tự thương hại bản thân hóa ra lại gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực lên chính bản thân đến vậy, tại sao con người còn làm việc này? Và tại sao đôi khi sự ta thán lại làm cho ta thấy rất dễ chịu và thậm chí là như được cảm thông và an ủi rất nhiều?.
Sách 13 điều người có tinh thần thép không làm. Ảnh: Saigonbooks. |
Con người có tâm lý than thân trách phận
Ai trong chúng ta cũng dễ rơi vào cái bẫy tự ca thán thương thân. Có điều, chừng nào còn xem cách hành xử và trạng thái tinh thần này như “liều thuốc an thần”, bạn còn trì hoãn đối mặt với những nỗi sợ thực sự của chính bản thân.
Thay vì chủ động cải biến khó khăn và tiến lên phía trước, việc phóng đại tình trạng bất lợi của bản thân lên thành xấu xí và tồi tệ cho bạn cái cớ bao biện vì sao mình không nên làm bất cứ điều gì để cải thiện tình thế.
Mặt khác, nhiều người trong xã hội thường sử dụng sự tự thương hại như một cách để thu hút sự chú ý. Đối với những người sợ bị từ chối, việc tự thương hại có thể là một cách gián tiếp giúp họ nhận được sự giúp đỡ.
Thật không may, nỗi khổ sở không thích ở một mình, nó gây ra những hệ quả tâm lý không hay khác. Có lúc, vì cứ tự thương hại mà chúng ta tự “ban” luôn cho mình cái quyền được tha hồ phét lác, tranh đua với người khác xem giữa ta và họ ai mới phải trải qua tổn thương nhiều hơn trong đời.
Tự thương hại cũng có thể là lý do để né tránh trách nhiệm. Việc nói với sếp của bạn rằng cuộc sống của bạn tệ đến thế nào có thể xuất phát từ hy vọng ông ấy sẽ không đòi hỏi quá nhiều ở bạn.
Thậm chí, việc tự ta thán, thương thân làm cho chúng ta trở nên cứng đầu và ù lỳ. Cứ như thể càng bướng bỉnh dậm chân tại chỗ thì chúng ta càng dễ trở thành “cột mốc” nhắc nhở cho thế giới biết rằng chúng ta đòi hỏi và xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn.
Nhưng đó không phải cách thế giới này vận hành. Không có một thế lực nào cao hơn – hay một người nào có nhiều quyền năng hơn – có thể bỗng đâu xuất hiện và bảo đảm cuộc sống của tất cả nhân gian đều được công bằng, bình đẳng.
Học cách biết ơn để ngừng than thân trách phận
Để giảm bớt những cảm giác thương hại bản thân, bạn cần thay đổi hành vi của chính mình và tự cấm mình chìm đắm trong những suy nghĩ tôi đáng thương thế này đời bất công thế nọ.
Học cách biết ơn đòi hỏi phải nỗ lực, nhưng không phải khó. Bất cứ ai cũng có thể học hỏi và rèn luyện để luôn cảm thấy biết ơn, nhất là bằng cách phát triển những thói quen mới.
Hãy bắt đầu công nhận sự tử tế và lòng hảo tâm của người khác. Hãy khẳng định những điều tốt lành trên thế giới và bạn sẽ dần dà nhận ra và đánh giá cao giá trị của những gì mình đang có.
Dưới đây là một số thói quen đơn giản có thể giúp bạn nhận ra được những điều thật đáng để biết ơn trong đời:
• Có một cuốn nhật ký biết ơn. Mỗi ngày hãy viết ra ít nhất một điều mà bạn biết ơn; có thể là những niềm vui đơn giản, như có không khí trong lành để thở hoặc được nhìn thấy ánh nắng mặt trời, hoặc những phúc lành lớn như có công ăn việc làm hoặc một gia đình đầm ấm.
• Nói lời biết ơn. Nếu bạn không quen với việc viết nhật ký thì hãy tập thói quen nói lời biết ơn. Mỗi sáng khi thức dậy và mỗi tối trước khi đi ngủ, bạn hãy tìm một trong những món quà của cuộc sống khiến bạn cảm thấy biết ơn, rồi nói thành lời to và rõ, kể cả khi bạn chỉ nói với chính mình. Việc nghe được những lời biết ơn sẽ làm tăng cảm giác biết ơn trong bạn.
• “Đổi kênh” khi bạn đang cảm thấy tự thương hại mình. Khi nhận thấy sự buồn tiếc cho bản thân bỗng đâu đã xuất hiện và đang dâng lên, hãy chuyển hướng chú ý.
• Hỏi người khác xem họ biết ơn những gì. Khơi lên những cuộc trò chuyện về lòng biết ơn để giúp bạn khám phá những người khác cảm thấy biết ơn điều gì; lắng nghe họ, bạn có thể được gợi nhắc về nhiều điều khác trong đời xứng đáng được biết ơn.
• Dạy con trẻ biết ơn. Nếu bạn đã là bố mẹ, dạy con mình biết ơn những gì mà chúng có cũng là một trong những cách tốt nhất để làm chủ thái độ của chính bạn.