PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng lớn cho văn nghệ sĩ, vấn đề là làm sao tạo ra môi trường, trang bị kiến thức để có được tác phẩm xứng tầm.
Hàng năm vẫn có nhiều sách về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất bản, phát hành. Những tác phẩm ấy không chỉ xuất phát từ lòng kính yêu với lãnh tụ mà còn mang tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đến với bạn đọc. Với những người cầm bút, nhất là tác giả trẻ luôn trăn trở làm sao để viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền tải và lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đến với bạn độc một cách gần gũi, thân thiết, tin cậy.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương trò chuyện với Zing về chủ đề này.
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là đề tài lớn, lâu bền, khơi gợi nhiều cảm hứng
– Ông nhận xét thế nào về những cuốn sách về đề tài Hồ Chí Minh xuất bản trong vài năm gần đây?
– Chỉ tính những tác phẩm được viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018-2020 được trao gần đây, chúng tôi xin có mấy nhận xét sau:
Về thơ, người ta chú ý đến trường ca Trăng Tân Trào của Hữu Thỉnh. Nhà thơ Hữu Thỉnh viết trường ca này với phong cách mới, viết về Bác ở Việt Bắc trong những năm tháng đầy hy sinh, gian khổ chống xâm lược Pháp. Ngôn từ mộc mạc, không thiên nhiều về kỹ thuật; cách diễn đạt dung dị, chân thật, phản ánh được hình tượng Chí Minh, một lãnh tụ nhưng gần gũi, một thiên tài chính trị, quân sự, văn hóa nhưng rất đời thường.
Về văn có tiểu thuyết Cánh cung đỏ của Hà Lâm Kỳ viết về Bác Hồ cùng quân và dân ta ở Việt Bắc; bộ ba tiểu thuyết về Bác Hồ của nhà văn Hoàng Quảng Uyên Giải phóng, Mặt trời Pác Bó, Trông vời cố quốc.
Về lý luận phê bình nghệ thuật có thể kể đến cuốn Nửa thế kỷ thơ văn Hồ Chí Minh của GS Phong Lê, trước đó là cuốn sách Văn thơ Hồ Chí Minh của GS, NGND Hà Minh Đức; Thơ chúc tết mừng xuâncủa Bác Hồ của Lê Xuân Đức.
Về tiểu thuyết, tác giả Hà Lâm Kỳ có tác phẩm Cánh cung đỏ. Về văn nghệ dân gian, tác giả Trương Bi có tập sách Lòng dân Tây Nguyên với Bác Hồ. Đây là bộ sưu tập truyện kể dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên về Bác.
Tôi nghĩ, những tác phẩm như thế đã và sẽ được mọi người yêu thích. Đó là những tác phẩm có sức sống lâu bền trong văn học nghệ thuật, kể cả với giới trẻ.
Ông Nguyễn Thế Kỷ cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn là đề tài lớn với người cầm bút mọi thế hệ. |
– Tuy vậy, các tác giả như nhà thơ Hữu Thỉnh, GS Phong Lê, GS Hà Minh Đức… mà ông vừa kể tuổi đều đã cao. Ông thấy tác giả trẻ quan tâm ra sao tới đề tài Bác Hồ?
– Tôi không dùng từ “báo động”, nhưng đó là một thực tế cần suy nghĩ, trăn trở. Cảm hứng về Hồ Chí Minh với góc nhìn về nhà tư tưởng lớn, nhà văn hóa lớn, di sản đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… là một đề tài lớn, nhiều xúc cảm và lâu bền.
Trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai, Người luôn có sức hấp dẫn rất lớn. Trong dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người, tôi có bài viết “Hồ Chí Minh – nguồn cảm hứng bất tận về cách mạng và văn hóa” góp phần nhỏ bé lý giải điều này.
Có những nhà lãnh đạo, ta chỉ biết họ ở góc độ cải cách hay cách mạng; là người tập hợp, lãnh đạo nhân dân đứng lên lật đổ áp bức, bóc lột, xây dựng chế độ xã hội mới. Nhưng Bác Hồ của chúng ta, Người vừa là một lãnh tụ, một nhà cách mạng xuất sắc, vừa là một nhà văn hóa kiệt xuất, là danh nhân văn hóa thế giới.
Người ta kính trọng, tôn vinh Người ở tầm vóc cách mạng (giải phóng dân tộc, giải giai cấp, giải phóng con người). Người ta đón nhận Người, kính trọng Người ở tầm cao văn hóa, cách mà Người đề cao con người, đề cao nhân dân, lấy dân làm gốc.
Người sống khiêm nhường, Người lo trước cái lo của mọi người, Người gần như không dành điều gì cho mình, không hưởng thụ gì, nói như nhà thơ Tố Hữu “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”.
Về phong cách, Người gần gũi mọi người dân, cán bộ, chiến sĩ như một người ông, người cha, người bác trong gia đình. “Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng. Bác thương người chiến sĩ, đứng gác ngoài biên cương”…Đúng như vậy, Bác luôn luôn như vậy.
Giữa năm 1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời nước Pháp sang Liên Xô. Trên đất nước của Lenin, Người dày công học tập, nghiên cứu mong có ngày trở về Tổ quốc để giải phóng nước mình, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Nhà thơ Liên Xô Ô-xíp Man-đen-xtam đã gặp Nguyễn Ái Quốc vào thời điểm đáng nhớ đó và có bài viết về Người: “Từ Nguyễn Ái Quốc toả ra một nền văn hoá, không phải là văn hoá châu Âu mà có lẽ là nền văn hóa của tương lai”… “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giản dị và lịch sự. Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”.
Mấy chục năm sau, tại thủ đô Moskva của nước Nga, quảng trường mang tên Hồ Chí Minh do chính quyền và nhân dân Nga xây dựng. Ở đó, có tượng đài Hồ Chí Minh với dòng chữ bất hủ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Trường Đại học Tổng hợp của thành phố Saint Petersburg có Học viện Hồ Chí Minh, chuyên nghiên cứu về Hồ Chí Minh và lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có những năm tháng hoạt động trên đất nước Trung Quốc. Giữa thập niên hai mươi của thế kỷ trước, Người đến Quảng Châu và mở các lớp đào tạo cán bộ đầu tiên cho cách mạng Việt Nam. Ngôi nhà số 13 (nay là số 248-250) đường Văn Minh được Người chọn làm Trụ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Hơn 15 năm sau, Người có chuyến đi đến Quảng Tây và bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Cuốn Nhật ký trong tù ra đời trong hoàn cảnh ấy “Quảng Tây giải khắp mười ba huyện / Mười tám nhà lao đã trải qua”. “Thân thể ở trong lao / Tinh thần ở ngoài lao / Muốn nên sự nghiệp lớn / Tinh thần càng phải cao”. Ngày cũng như đêm, Người luôn đau đáu “Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”…
Càng về sau, các tác phẩm chính luận, báo chí, văn nghệ của Bác càng được công chúng trong và ngoài nước đánh giá rất cao cả về tính tư tưởng, tính nhân văn và nghệ thuật. Đó là các tác phẩm khởi đầu viết bằng tiếng Pháp Bản án chế độ thực dân Pháp, các truyện ngắn đăng trên báo Người cùng khổ, tiếp đó là Đường Kách mệnh, Nhật ký chìm tàu. Đặc biệt là tập thơ Nhật ký trong tù và hai áng hùng văn Tuyên ngôn Độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã trở thành bất hủ.
Tập thơ Nhật ký trong tù được Bác Hồ viết bằng chữ Hán gồm 133 bài theo thể Đường luật trong thời gian Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây, Trung Quốc, từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943. Trong tập thơ này, Người nêu một tuyên ngôn có tính định hướng cho thơ nói riêng, văn học, nghệ thuật nói chung “Nay ở trong thơ nên có thép / Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.
Tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chọn Chủ tịch Hồ Chí Minh như một đề tài, như mạch nguồn cảm xúc, chảy theo lịch sử.
Người truyền sức mạnh, niềm tin, sự lạc quan cho những ai đang trong cảnh nguy nan, khốn khó “Đi đường mới biết gian lao / Núi cao rồi lại núi cao trập trùng / Núi cao lên đến tận cùng / Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”.
Ngày 10/12/1951, Người viết thư gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa kháng chiến ở Việt Bắc. Trong thư, Người khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Với những người làm báo, Bác Hồ là người sáng lập, người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người căn dặn các nhà báo: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” .
Tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chọn Chủ tịch Hồ Chí Minh như một đề tài, như mạch nguồn cảm xúc, chảy theo lịch sử. Các nhà nghiên cứu nói rằng thời gian càng lùi xa, hình ảnh, tầm vóc, tư tưởng Hồ Chí Minh càng được nâng cao hơn.
– Như ông vừa nói, thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhìn thấy tầm vóc lớn lao của Hồ Chí Minh. Hình ảnh, tư tưởng, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh được giới cầm bút trẻ nhìn nhận ra sao?
– Thế hệ trẻ hiện nay rất thông minh, nhạy cảm trước đời sống, mọi hiện tượng xã hội. Giới trẻ tiếp xúc, thu nhận thông tin vừa rộng rãi vừa đầy đủ hơn. Cái gì là chân giá trị đều được mọi người, nhất là giới trẻ, nhìn nhận, sở hữu, tôn vinh.
Giới trẻ hiện nay, tuyệt đại đa số các em vẫn nhìn Bác Hồ với tư cách một lãnh tụ của Đảng, của nhân dân, của dân tộc, Bác Hồ kính yêu và gần gũi của các em. Nhiều em coi Bác là thần tượng của mình để hướng tới.
Câu chuyện người thanh niên 21 tuổi, không có gì trong tay vẫn lên tàu sang Pháp – sào huyệt của thực dân đế quốc – để xem họ như nào mà đi xâm lược mình nước mình, làm khổ nhân dân mình; có cách gì để cứu nước cứu dân. Sự lựa chọn của Người chính là nguồn tham khảo cho các em khi bước vào đời, xác định hoài bão, lý tưởng sống, quan điểm sống và cách sống. Bác làm phụ bếp, thợ ảnh, viết báo; Bác nung nóng viên gạch để ủ ấm những đêm đông giá buốt… tất cả đều là bài học quý, thiết thực cho những em muốn vượt khó vươn lên, thực hiện mơ ước đẹp đẽ của mình.
Giới trẻ không thờ ơ với đề tài chính trị, lịch sử dân tộc
– Vậy giới trẻ cầm bút hôm nay cần chuẩn bị những gì để viết về Người thật hay, xúc động, truyền cảm hứng?
– Giới trẻ ngày nay không thờ ơ với chính trị, lịch sử, văn hóa dân tộc đâu. Họ quan tâm, thậm chí rất quan tâm. Chính trường thế giới thế nào; Mỹ, châu Âu, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ… thế nào; Việt Nam mình sẽ ra sao sau mười, hai mươi, ba mươi năm nữa ? Mấy năm tới, nhiều năm tới… thế giới sẽ đi về đâu.
Với người viết cũng thế. Người viết có thể lựa chọn sáng tác văn học, chính trị, xã hội, đời sống người dân, môi trường… Nhưng đề tài Bác Hồ vẫn luôn là đề tài lớn, rất lớn. Người trẻ muốn viết hay, đúng, giàu cảm xúc về Bác, phải hiểu nhiều hơn, sâu hơn về Bác.
Người cầm bút nói chung, giới trẻ nói riêng, trước hết cần có cách nhìn thấu đáo và đúng đắn về thế giới, về mọi vấn đề. Nhìn đúng đắn rồi mới hành động đúng đắn được, mới có thể thành công…
Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải trở thành hành động tự giác. |
– Vậy làm sao để thế hệ trẻ tiếp bước cha anh, viết về Bác với những tác phẩm xứng tầm?
– Cần tạo ra môi trường nhất định để người cầm bút học tập, làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh. Ta tạo môi trường để người trẻ học tập, nhưng không được biến nó thành thủ tục hành chính, hành chính hóa nó.
Việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải trở thành hành động tự giác, tích cực, chủ động của các bạn trẻ, như là nhu cầu tự thân. Làm sao để tình cảm ấy lớn lên trong người viết, đủ trải nghiệm, đủ chi tiết, đủ chất liệu, nhất là phải tràn đầy cảm hứng thì tác phẩm mới chân thành, sâu sắc, sinh động và xúc động.
Ta cũng không nhất thiết ép tác phẩm phải có những tiêu chuẩn gì, nhưng điều phải có là các giá trị chân , thiện, mỹ, là văn minh của nhân loại: Tình yêu con người với quê hương, đất nước, yêu lao động, ghét giả dối, tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc và thời đại.
Hiện nay, giới trẻ vẫn viết những bài văn, bài thơ, ca khúc, tác phẩm mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh… về Bác. Các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương… cần có những lớp bồi dưỡng, tập huấn cho văn nghệ sĩ trẻ, các nhà lý luận phê bình trẻ về các đề tài như thế.
Chủ đề Bác Hồ vẫn là đề tài rất lớn. Người trẻ muốn viết phải hiểu về Bác, trang bị kiến thức và có nhãn quan đúng đắn.
Trong những lớp tập huấn ấy, không phải là một người lên giảng bài, người dưới ngồi nghe. Theo tôi, nên có những chủ đề mới, cấp thiết để thảo luân. Hy vọng, chúng ta tiếp tục có những tác phẩm hay, tốt, tác phẩm đỉnh cao về Bác như trước đây (ví dụ trong âm nhạc có những bài như Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Trông cây lại nhớ đến Người, Vào lăng viếng Bác, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng).
– Ông cũng là một nghệ sĩ sáng tác, vậy ông có ấp ủ tác phẩm nào về đề tài Hồ Chí Minh?
– Tôi có một số bài viết, dự kiến in thành sách với tên gọi “Bác Hồ của chúng ta”. Tôi có may mắn mấy năm làm Bí thư Huyện ủy Nam Đàn – quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quê hương, những người thân trong gia đình Bác, các nhân vật lịch sử ở quê Bác… tôi nghiên cứu khá sâu, khá kỹ. Tình yêu đất nước, yêu thương nhân dân, chí căm thù giặc của Bác được hình thành, được bồi đắp từ lời ru của bà, của mẹ, chí khí, bản lĩnh của cha, truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng của quê hương, của đất nước.
Tôi cũng đang viết kịch bản sân khấu Bông sen đẹp nhất nói về thuở thiếu thời của Bác Hồ. Đây là vở kịch thứ 8 của tôi, chắc là sẽ ra mắt công chúng trong tháng 7 hay tháng 8 năm nay.