Trong giới sưu tầm, khái niệm “sách hiếm” dành cho một số sách xuất bản trước năm 1945. Trong vài năm trở lại đây, với sự số hóa và cập nhật liên tục của Thư viện Quốc gia Pháp (Gallica) và vài tổ chức khác, khái niệm “sách hiếm” gần như không còn nữa ở góc độ văn bản.
Số hóa và cho tải miễn phí, ai cũng có thể tiếp cận nguồn sách/báo/tạp chí xưa một cách dễ dàng. Giới nghiên cứu và ngành xuất bản vì thế cũng được hưởng lợi rất nhiều.
Chọn việc nhẹ nhàng hay việc khó?
Nhẹ nhàng là chọn được bản nền đẹp, rõ và chuẩn, tìm được cộng tác viên đánh máy giỏi (tức có sao đánh vậy, không được tự ý sửa chữ, dấu câu…), sau đó sửa morasse, bỏ dấu gạch nối trong văn bản cũ và chỉnh sửa cách viết hoa/viết thường đối với địa danh hoặc nhân danh, đồng nhất một số chữ trên toàn văn, sửa chính tả theo chính tả hiện hành rồi chuyển xin giấy phép in.
Khó, đầu tiên là tiêu chí nhập liệu, bản nền/bản cái sao thì bản đánh máy ra y như vậy cho dù thấy sai, tôn trọng tuyệt đối kể cả dấu chấm dấu phẩy. Tùy theo độ khó khi xử lý văn bản, chất lượng bản nền, mức độ xử lý và can thiệp nhiều hay ít vào văn bản mà biên tập viên định ra một “thể lệ biên tập” với các nội dung đại khái:
Tôn trọng nguyên tác, chỉnh sửa một số lỗi ấn loát, rà soát từng trích dẫn (nếu đủ nguồn tài liệu thì tuyệt, tệ hơn thì có bao nhiêu tra bấy nhiêu), cấu trúc hệ thống cước chú (nếu thấy thực sự hợp lý và khoa học), bổ sung cước chú (chú thêm về địa danh, phương ngữ cũng như một số chi tiết sai về sử liệu nhờ công nghệ và tài liệu bây giờ dễ tiếp cận hơn xưa)…
Nếu xuề xòa, muốn êm chuyện, nhanh để ra sách phục vụ mục tiêu kinh doanh thì cứ quay qua phương án việc nhẹ nhàng ở trên là xong chuyện, sai cứ đổ thừa cho tác giả.
Phiên bản Việt Nam sử lược do Đông A thực hiện. |
Lựa chọn bản nền
Lựa chọn bản nền dựa trên tiêu chí gì là vấn đề quan trọng, cần phải đặt ra một cách nghiêm túc. Các phiên bản Việt Nam sử lược (in lần đầu năm 1920) được tái bản gần đây đều dựa trên bản in lần thứ năm (NXB Tân Việt, 1954) vì căn cứ vào thời điểm tác giả mất tháng 12/1953, và được cho là tác giả đã chỉnh sửa văn bản lần cuối trước khi qua đời.
Tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng được tái bản năm 2020 dựa theo bản “huyền thoại” của Lê Cường Editeur MCMXXXVIII (1938). Đây được xem là bản đầu tiên in đầy đủ và cũng là bản sách duy nhất được in khi tác giả Vũ Trọng Phụng còn sống.
Về văn bản học, bản 1938 – được định từ nhiều kỳ báo (chưa đầy đủ) đăng trên Hà Nội báo năm 1936 – là bản chuẩn để nghiên cứu văn bản học và dùng làm bản nền trong xuất bản.
Với Ngồi tù Khám Lớn của Phan Văn Hùm, sau loạt bài đăng nhiều kỳ trên báo Thần Chung và bị dừng giữa chừng vì thực dân Pháp cấm, đến năm 1929, cuốn sách được in tại nhà in Bảo-Tồn (Saigon). Cuốn sách bị thu hồi ngay sau đó, đến năm 1957 mới được NXB Dân tộc in lại với nhiều sai khác. Đến nay, mỗi đơn vị khi in lại dựa trên các bản khác nhau.
Cuốn Cuộc tái ngộ, truyện của Komatsu Kiyoshi (Tiêu Tùng Thanh, 1900-1962), do Giảng Nguyên dịch, đăng không liên tục trên báo Trung Bắc Chủ nhật, khởi đăng lần đầu ở số 208 (25 Juin [6] 1944) và kết thúc ở số 237 (21 Janvier [1] 1945). Gần hai tháng sau, xảy ra cuộc đảo chính 9/3/1945 (25 tháng Giêng năm Ất Dậu).
Tháng 8/1945, toàn bộ bản dịch này được in thành cuốn sách với nhan đề Cuộc tái ngộ, tên dịch giả đổi thành Nguyễn Giang, nhà in Trung Bắc Tân Văn. Ở cuối sách, Nguyễn Giang cho hay: “[so với bản đăng trên báo, bản in này] có thêm đủ các đoạn, các chữ, đã bị ty Kiểm duyệt cũ xóa bỏ bằng bút chì mầu”. Tức là bản dịch trên báo Trung Bắc Chủ Nhật được chính tay Nguyễn Giang định bản, về văn bản học thì bản in ngày 25/8/1945 là khả tín nhất cho công tác nghiên cứu và xuất bản.
Vẫn còn đó một số cuốn sách gọi là “tuyệt bản”, ví dụ như tập thơ Gái quê của thi sĩ Hàn Mạc Tử in tháng 10/1936 tại nhà in Tân Dân. Vì vậy, các tập thơ tái bản (in lẻ hay trong tuyển tập) lâu nay đều là những dị bản khác trên bản nền thứ cấp, có bản in dựa trên nội dung đánh máy từ bản 1936… Giới nghiên cứu và xuất bản chờ đợi một lúc nào đó ấn bản được cho là “tuyệt bản” kia xuất hiện.
Xử lý văn bản
Tùy theo lựa chọn chủ quan, cách tổ chức bản thảo mà các cuốn sách tái bản trở thành dị bản khác nhau.
Trong quy trình tái bản một cuốn sách, khâu đầu tiên và quan trọng là đối chiếu bản đánh máy với bản gốc. Khâu này đôi khi bị bỏ qua, vì vậy sách in ra có một số lỗi phát sinh như: Thiếu chữ, thêm chữ, thiếu đoạn, câu què, sửa chữ (thời/thì, chánh/chính, mệnh/mạng…), sửa i thành y và ngược lại…
Cùng một nội dung đăng nhiều kỳ trên báo Tri Tân và Thanh Nghị của học giả Nguyễn Văn Tố, năm 2019 có hai bản in với hai nhan đề khác nhau: 1) Đại Nam dật sự (làm lại văn bản từ nguồn là các bài báo), 2) Đại Nam dật sử (tái bản theo bản in 1997).
Các bài viết này chưa được định bản, tức in thành sách, khi Nguyễn Văn Tố còn sống, cho nên người đời sau căn cứ vào nội dung định ra các bản in khác nhau dựa trên cách hiểu và xử lý văn bản khác nhau. Trong trường hợp này, bản “dật sự” đúng hơn bản “dật sử” về nhan đề, lựa chọn bản nền (dù rằng bản 1997 cũng phục dựng từ báo) và thực tế xử lý văn bản.
Liên quan đến Việt Nam sử lược vừa nói ở trên, các dị bản khác nhau được người đời nay tạo ra từ các ý tưởng làm sách, cách hiểu và tổ chức khác nhau trên cùng bản nền 1954. Mỗi bản mỗi vẻ, mỗi phương pháp làm việc, in đẹp và cầu kỳ hơn, tuy nhiên chỉ xử lý được phần nào những sai sót, khiếm khuyết lúc bấy giờ của học giả họ Trần.
Hoặc như vì thiếu thông tin mà bản in Một tháng ở Nam kỳ năm 2018 khảo lại văn bản trên tạp chí Nam Phong giai đoạn 1918-1919 và bổ sung nhiều chú thích, hình ảnh cùng “thể lệ biên tập”.
Tuy nhiên, qua trang sachxua.net chúng ta biết được thông tin rằng, sau khi ba kỳ báo được đăng trên Nam Phong, phần nội dung đó đã được in thành sách với nhan đề Một tháng ở Nam kỳ. Vì vậy, về văn bản học, bản in thành sách đó có giá trị hơn các bài đăng trên báo. Tiếc là cho đến nay chúng tôi vẫn chưa tiếp cận được cuốn sách này.
Một số sách |
Phục dựng trên tinh thần tôn trọng nguyên tác
Tiểu thuyết Nho phong của nhà văn Nhất Linh in lần đầu năm 1926 tại Nghiêm Hàm ấn quán, tên tác giả là Nguyễn Tường Tam, ký tên thật là lựa chọn của riêng ông, chúng ta phải tuyệt đối tôn trọng. Thế nhưng, bản in năm 2020 sửa tên tác giả trên bìa là Nhất Linh, một sự tùy tiện của người đời nay.
Người làm xuất bản, cụ thể ở đây là biên tập viên sách tái bản, có những lựa chọn khác nhau trong vấn đề xử lý văn bản. Tuy nhiên, cần cân nhắc thật kỹ khi sửa chữ của người xưa, vì ngôn ngữ có lịch sử, tính địa phương, vùng miền và phong cách riêng.
Với những tác giả đã mất, với các bài viết chưa in thành sách khi tác giả còn sống, với tác phẩm có nhiều bản in theo thời gian, lựa chọn bản nền đúng là điều kiện cần để có thể mơ về một cuốn sách tốt. Ấy là chúng ta nghĩ thế, biết đâu đấy tái bản hoặc định bản sách của người xưa là đã vô tình làm trái ý họ, đó là chưa nói sự can thiệp đôi khi thô bạo vào văn bản, trong đó có sự cắt xén…
Đối với tác giả còn sống và có sách in nhiều lần qua thời gian, chọn bản in năm nào làm bản trục phải theo sự chỉ định của họ.
Nhìn chung, biên tập sách tái bản là một việc khó và đôi khi mất nhiều thời gian hơn biên tập sách mới nếu làm theo đúng quy trình: Chọn đúng bản nền, đối chiếu lại bản đánh máy, biên tập trên tinh thần tôn trọng tối đa nguyên tác. Tuân thủ một số nguyên tắc: Thống nhất cách viết hoa tên địa danh và nhân danh; bỏ dấu gạch nối (-) theo cách viết cũ; về phiên âm Hán Việt, một số từ cũ tác giả dùng nên được giữ nguyên…
Để bạn đọc tiện theo dõi, biên tập viên có thể bổ sung thêm một số cước chú cần thiết ở cuối trang nhằm làm rõ một số địa danh cũ nay là gì và ở đâu, nhân danh; cung cấp nghĩa tiếng Việt hiện hành tương đương với tiếng Việt ngày xưa tác giả dùng; giải nghĩa một số từ cũ ít còn sử dụng, cải chính một số chỗ sai nếu có của tác giả…
Tái bản cũng là tạo ra dị bản, điều hướng tới là phục dựng được một văn bản tốt nhất, chuẩn nhất và tiệm cận tối đa văn bản gốc. Hoặc có thể lựa chọn phương án ảnh ấn, tức scan lại các trang sách xưa rồi dàn trang chuyển in, một giải pháp cũ có cả ưu và nhược điểm.
Cùng việc số hóa của Gallica, các cuốn sách quý hiếm của Trần Hữu Độ (Quân Hiến), Đào Duy Anh, Nhất Linh, Khái Hưng, Nguyễn Tuân… chủ yếu được in thập niên 1940 trở về trước, nay được tiếp cận rất dễ dàng, rộng rãi.
Trong đó có những cuốn sách lâu nay ít hoặc không được nhắc tới trong thư mục tác giả, như cuốn Thế giới sử (Nhà in Tiếng Dân, 1931), Thực dân là gì (Nhà in Tiếng Dân, 1928) của Vệ Thạch Đào Duy Anh…
Điều chúng ta mong chờ là ngày càng có thêm nhiều cuốn sách phục dựng lại những cuốn sách quý hiếm có giá trị về nội dung, mang đến cho độc giả một văn bản có chất lượng với ít sai sót nhất có thể.
Biên tập sách tái bản là việc khó và cần sự kiên nhẫn, cùng với đó là thái độ, cách hiểu văn bản, cách xử lý và ứng xử với văn bản, sự hiểu biết về bối cảnh lịch sử và lịch sử xuất bản liên quan.