Lâu nay, giới nghiên cứu văn học trung đại đều biết giữa thơ Nôm Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập và thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm với Bạch Vân thi tập bị lẫn lộn khoảng 30 bài, hiện chưa phân định rõ bài nào của tác giả nào.
Một vấn đề khó
Về mặt văn bản Nôm gốc, Quốc Âm thi tập của Nguyễn Trãi đã có bản in Phúc Khê, khắc in năm Tự Đức 21 (1868), nên các bản phiên âm đều theo bản in này. Còn thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm đều là bản chép tay (hiện trong kho sách của Viện Hán Nôm có tới 3 bản), chưa có bản in, nên cần bản có độ tin cậy cao để phiên âm.
Mặt khác, do tình hình văn bản thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm phức tạp, nên các công trình phiên âm chú giải không đồng nhất về số lượng các bài (có bản phiên âm chú giải 177 bài, có bản 176 bài, lại có bản 151 bài). Riêng hơn 30 bài trùng thơ Nôm của Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm, các công trình đều phát hiện nhưng chỉ đưa vào phần khảo dị để theo dõi, chứ chưa xác minh từng bài này thuộc về ai trong số hai nhà thơ.
Mặc dù sự nhầm lẫn này vẫn tồn tại, nhưng nhiều năm qua người ta vẫn phiên âm, xuất bản tác phẩm thơ Nôm (còn lẫn hơn 30 bài) của hai cây đại thụ văn học nước nhà. Điều đáng nói hơn là cho tới nay vẫn chưa có công trình, chuyên khảo nào quan tâm giải quyết thấu đáo tình trạng này để “trả lại cho César cái gì thuộc về César”.
Trước thực trạng nghiên cứu này, với tinh thần và trách nhiệm của một nhà khoa học từng trải về chữ Nôm nhiều năm, GS.TS Kiều Thu Hoạch đã thực hiện một cuốn sách chuyên khảo công phu tên là Thơ Nôm Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm khảo cứu văn bản học so sánh phiên âm chú giải mới. Qua đó, tác giả xử lý một vấn đề rất khó mà giới nghiên cứu văn học trung đại bỏ ngỏ, nếu không nói là chịu bó tay: phân định rõ hơn 30 bài thơ Nôm bị chép lẫn giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm tồn tại hơn 60 năm nay (Tính từ thời điểm xuất bản công trình Nguyễn Trãi quốc âm thi tập do Phạm Trọng Điềm, Trần Văn Giáp phiên âm chú giải, Nhà xuất bản Văn sử địa 1956, tới nay)..
Để thực hiện việc phân định này, việc đầu tiên tác giả tiến hành là khảo cứu lịch sử văn bản Quốc âm thi tập và Bạch Vân thi tập. Tiếp đó, ông thực hiện việc khảo cứu so sánh liên văn bản giữa hai tác phẩm, tạo cơ sở phân định tác giả của bài trùng lặp. Rồi sau đó, ông khảo cứu theo hướng ngôn ngữ học, trên cơ sở đó phân định/xác định rõ hơn 30 bài thơ bị chép lẫn nhau giữa Quốc âm thi tập và Bạch Vân thi tập, đồng thời xác định rõ tác giả của từng bài.
Lịch sử văn bản Quốc âm thi tập và Bạch Vân thi tậpVề khảo cứu lịch sử văn bản, tác giả đã xem xét lược sử hành trang của hai nhà thơ lớn của thế kỷ XV và thế kỷ XVI là Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm, cùng hoàn cảnh sáng tác hai tập thơ Quốc âm thi tập và Bạch Vân thi tập, trên cơ sở đó hiểu rõ lịch sử văn bản tác phẩm theo đúng nguyên tắc của Văn bản học.
Về hành trang của nhà thơ Nguyễn Trãi (1380-1442), tác giả đã tìm hiểu quá trình 10 năm tham gia khởi nghĩa Lam Sơn của ông, thời kỳ là quan dưới thời vua Lê Thái Tổ và thời vua Lê Thái Tông, thời kỳ xin nghỉ việc quan về ở ẩn Côn Sơn, sau đó ông bị án oan thảm khốc bị xử tội chết và tru di tam tộc (vụ án Lệ Chi Viên).
Hai mươi năm sau vụ án Lệ Chi Viên, Nguyễn Trãi được vua Lê Thánh Tông giải oan và cho người đi tìm di cảo thơ văn ông (khi xảy ra thảm án Lệ Chi Viên thơ văn ông đã bị tiêu hủy hoặc bị thất lạc hầu hết). Sau 13 năm cất công đi tìm, Trần Khắc Kiệm (sống cùng thời Lê Thánh Tông) đã sưu tầm di cảo của Nguyễn Trãi soạn thành Ức Trai ditập (1840).
Sau đó, Ức trai di tập lại bị thất lạc. Phải đến đời vua Minh Mệnh và Tự Đức, Ức trai di tập mới được sưu tập và dựng lại. Và may mắn thay, Quốc âm thitập là một bộ phận thơ Nôm trong Ức trai di tập, gồm hơn 200 bài, là tập thơ Nôm xưa nhất tìm lại được.
Theo tác giả, Quốc âm thi tập phần lớn đều được sáng tác trong thời gian Nguyễn Trãi nghỉ ở Côn Sơn, vì khi nghỉ ở đây cũng là lúc tâm hồn ông thư thái nhất, mà cũng nhiều tâm trạng nhất.
Về hành trang của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), tác giả tìm hiểu quá trình 8 năm làm quan dưới triều Mạc, thời gian treo ấn từ quan nghỉ ở quê nhà, dựng Bạch Vân am, lấy thưởng ngoạn phong cảnh, ngâm vịnh thơ Hán, thơ Nôm, dạy học làm vui.
Theo tác giả, thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm được sáng tác vào thời gian ông về trí sĩ tại Bạch Am Vân. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đi vào công chúng yêu thơ qua mấy trăm năm, suốt từ thế kỷ XVI đến XX nhưng vẫn chưa được khắc in. Do cứ sao đi chép lại mãi thì chuyện tam sao thất bản khó tránh khỏi và đây cũng là nguyên do khiến văn bản của Bạch vân thi tập lẫn lộn với Quốc âm thi tập.
GS.TS Kiều Thu Hoạch. Ảnh: M.Đ. |
“Trả lại cho César cái gì thuộc về César”
Về khảo cứu so sánh liên văn bản giữa hai tác phẩm, GS.TS Kiều Thu Hoạch cho biết cả Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm đều làm thơ chữ Hán và chữ Nôm mà điều thú vị là có một số câu thơ Nôm phảng phất ý tứ của thơ Hán. Do đó, khi phát hiện ra sự song trùng như vậy, thì chúng ta coi đó là cứ liệu văn bản học để nắm chắc chủ thể sáng tạo bài thơ đó là ai.
Chẳng hạn bài Du Nam Hoa tự (Chơi chùa Nam Hoa) trong thơ Nguyễn Trãi có hai câu cuối bài: Môn tiền nhất phái Tào Khê thủy / Tẩy tận nhân gian kiếp kiếp trần (Trước cửa một dòng nước Tào Khê chảy / Rửa sạch bao nhiêu bụi bặm kiếp nhân gian). Trong Quốc âm thi tập, bài 64 có hai câu cuối: Tào Khê rửa ngàn tầm suối / Sạch chẳng còn một chút phàm. Câu thơ Nôm rõ ràng là cùng ý tưởng không muốn nói là dịch nghĩa từ chữ Hán. Như vậy, có thể xác định bài thơ Nôm này đích thực là của Nguyễn Trãi.
Ở Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có tình hình tương tự. Người đọc cũng bắt gặp những câu chữ Hán cùng chung ý tưởng với những câu thơ Nôm. Và điều đó góp phần xác định vị trí đích thực về mặt văn bản của thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ví dụ bài thơ chữ Hán Tân niên hý tác (Năm mới làm thơ chơi) của Nguyễn Bỉnh Khiêm có hai câu cuối: Hà nhật tái phùng Nghiêu Thuấn thế / Thái bình thiên tử thái bình dân (Bao giờ lại gặp được thời Nghiêu Thuấn / Vua của thời thái bình dân của thời thái bình). Bài thơ Nôm 133 trong Bạch Vân thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có câu tương tự: Mừng thấy thời vần đời mở trị / Thái bình thiên tử thái bình dân.
Về khảo cứu theo hướng ngôn ngữ học để tìm hiểu tác giả của Quốc âm thi tập và Bạch Vân thi tập, tác giả đã xem xét bài khảo cứu khá công phu của nhà ngôn ngữ Nguyễn Tài Cẩn “Thử tìm cách xác định tác giả một số bài thơ hiện chưa rõ của Nguyễn Trãi hay Nguyễn Bỉnh Khiêm” và đưa ra những so sánh, nhận định và quan điểm của mình.
Theo đó, để phân định thơ Nôm của Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm, tác giả cho rằng chúng ta cần chú ý đến đặc ngữ của từng tác giả. Nghĩa là chúng ta tìm ra cái ngôn từ mà Nguyễn Trãi hay dùng, còn Nguyễn Bỉnh Khiêm không dùng và ngược lại. Ví dụ như cách kết hợp các từ tổ, hư từ (lọ, hễ…): chẳng hạn, mở đầu, hễ chỉ thấy ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, còn lọ chỉ thấy ở Nguyễn Trãi. Ở Nguyễn Trãi, từ ngoài chưng rất hay dùng ở câu thứ 7. Cũng như vậy, nếu ta thấy từ đã từng, đạo thường, lâng lâng, hồng trần kết thúc ở vị trí gieo vần, ta biết ngay đó là tác phẩm của Nguyễn Trãi. Còn khi ta thấy từ phận tự nhiên kết thúc câu, hay chúa thánh minh kết thúc bài thì đó là thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Sau đặc ngữ, tác giả cho rằng môi trường sinh thái nhân văn, cũng như hoàn cảnh địa lý mà nơi Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm cư ngụ, cũng là một trong những yếu tố để phân định thơ của hai ông. Chẳng hạn ngữ liệu quen dùng của hai nhà thơ ở nơi ẩn dật, Nguyễn Bỉnh Khiêm thường hay nói thuyền và bến, còn Nguyễn Trãi là vùng đồi núi Côn Sơn với ngàn thông cổ thụ cao vút, khe suối róc rách…
Ngoài ra, tác giả còn đề cập đến một số yếu tố phân định khác như cách dùng điển cố, điển tích, triết lý của hai nhà thơ, thói quen sử dụng ngôn từ (Nguyễn Bỉnh Khiêm dùng từ đậm chất dân dã, thơ ông hay nói đến con vật… Hiện tượng này không có trong Quốc âm thi tập…), chủ đề thơ (Nguyễn Trãi nói về đạo thường, còn Nguyễn Bỉnh Khiêm là phát huy khôn dại trong ứng xử)…
Trên cơ sở tổng hợp các cứ liệu ngôn ngữ học và cứ liệu văn bản học, tác giả sách đã so sánh và xác định rõ “quyền tác giả” của từng bài. Từ đó ông đã loại 13 bài khỏi Quốc âm thi tập và 22 bài khỏi Bạch Vân thi tập.
Sau khi hoàn thành vấn đề xác định văn bản học giữa Quốc âm thi tập và Bạch vân thi tập, GS.TS Kiều Thu Hoạch còn thực hiện việc phiên âm chú giải lại hai tập thơ này theo một phương pháp tiếp cận mới, phiên âm theo ngữ âm học lịch sử và chú giải theo thần thuyên thích (giải thích kỹ càng, nói đủ cả sự, cả lẽ) các từ cổ và điển cố, có ghi xuất xứ cụ thể rõ ràng.
Ghi nhận những gì mà cuốn sách đem lại, PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm viết: “Đây là một công trình khoa học rất công phu của một người có thâm niên tích lũy và thực hành về Hán Nôm học và văn học cổ […] Cho nên, sách khi xuất bản chắc chắn sẽ là một đóng góp vô cùng bổ ích để bạn đọc hiểu rõ hơn về hai danh nhân văn hóa vĩ đại của dân tộc”.
You must be logged in to post a comment Login