Connect with us

Tác giả – Tác phẩm Văn 12

Vợ nhặt – Kim Lân

Được phát hành

,

Vợ nhặt – Kim Lân bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn văn 12

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

  • I. Tác giả
  • II. Tác phẩm
  • Nhận định

I. Tác giả

1. Tiểu sử- Cuộc đời

– Kim Lân (1920-2007) tên khai sinh Nguyễn Văn Tài.

– Quê quán: Tân Hồng-Từ Sơn-Bắc Ninh.

– Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chỉ học hết tiểu học, rồi vừa làm thợ sơn guốc, khắc tranh bình phong, vừa viết văn.

– Năm 1944, Kim Lân tham gia Hội văn hóa cứu quốc.

– Sau đó liên tục hoạt động văn nghệ phục vụ kháng chiến và cách mạng (viết văn, làm báo, diễn kịch, đóng phim).

2. Sự nghiệp sáng tác

a. Tác phẩm chính 

Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn, 1955) ; Con chó xấu xí (tập truyện ngắn, 1962),…

b. Phong cách sáng tác

– Là cây bút chuyên viết truyện ngắn có sở trường viết về nông thôn và người nông dân.

Có biệt tài miêu tả tâm lí nhân vật; văn phong giản dị nhưng gợi cảm, hấp dẫn; ngôn ngữ sống động, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày và mang đậm màu sắc nông thôn; am hiểu và gắn bó sâu sắc về phong tục và đời sống làng quê Bắc Bộ.

II. Tác phẩm

1. Tóm tắt tác phẩm

       Giữa lúc nạn đói đang hoành hành, Tràng (một chàng trai nghèo đói, lại là dân xóm ngụ cư) dẫn một người đàn bà lạ về nhà khiến mọi người đều ngạc nhiên. Trước đó, chỉ hai lần gặp gỡ, với mấy câu đùa vu vơ, vài bát bánh đúc, Thị đã chấp nhận theo Tràng về làm vợ. Về đến nhà, Tràng vẫn còn ngỡ ngàng. Mẹ Tràng từ ngạc nhiên đến lo lắng, xót thương, rồi cũng mừng lòng đón nhận nàng con dâu. Sáng hôm sau, vợ và mẹ Tràng dậy sớm thu dọn nhà cửa. Trông thấy cảnh tượng ấy, Tràng thấy thương yêu và gắn bó với gia đình của mình. Trong bữa cơm ngày đói, nghe tiếng trống thúc thuế, hình ảnh đoàn người đi phá kho thóc và lá cờ đỏ hiện lên trong óc Tràng.

2. Tìm hiểu chung

a. Xuất xứ

– In trong tập Con chó xấu xí (1962).

– Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết Xóm ngụ cư – được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng dang dở và thất lạc bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (1954), ông dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này.

b. Bố cục (4 đoạn)

– Đoạn 1 (từ đầu đến… thành vợ chồng.): Cảnh Tràng đưa cô vợ nhặt về nhà.

– Đoạn 2 (tiếp theo đến… cùng đẩy xe bò về.): Hoàn cảnh Tràng và Thị trở thành vợ chồng.

– Đoạn 3 (tiếp theo đến… nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng.): Tràng ra mắt cô vợ nhặt với mẹ và nỗi lòng của bà cụ Tứ.

– Đoạn 4 (còn lại): Bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới.

d. Ý nghĩa nhan đề

– Vợ là sự trân trọng, người vợ có vị trí trung tâm để xây dựng tổ ấm.

– Ở đây là nhặt được vợ, không phải lấy vợ đàng hoàng, có ăn hỏi cưới xin mà như nhặt được đồ vật người ta đánh rơi hay quên.

=> Cái giá con người trở nên rẻ rúng. Đồng thời cũng cho thấy trong hoàn cảnh khốn cùng con người ta vẫn luôn khao khát được sống hạnh phúc, niềm tin cuộc sống trong họ thật mãnh liệt.

e. Ý nghĩa tình huống truyện

– Vợ nhặt đã xây dựng được một tình huống truyện éo le, độc đáo, đau xót thấm đẫm tình người:

+ Anh Tràng – con nhà nghèo, xấu xí, ngây ngô, dân xóm ngụ cư bỗng dưng có vợ theo về mà lại là vợ nhặt trên đường trên chợ.

+ Việc Tràng có vợ khiến cả người dân xóm ngụ cư, bà cụ Tứ (mẹ Tràng) và cả chính Tràng cũng ngạc nhiên.

– Tình huống truyện là lời tố cáo chế độ thực dân, phát xít đã đẩy con người vào hoàn cảnh khốn cùng, đồng thời mang giá trị nhân bản sâu sa dù hoàn cảnh bi thảm đến đâu con người ta vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng và tin tưởng vào tương lai.

2. Tìm hiểu chi tiết

a. Nhân vật Tràng

* Giới thiệu:

– Xuất thân: Tràng – con nhà nghèo, nhà có 2 mẹ con, dân xóm ngụ cư, làm nghề kéo xe thuê.

– Ngoại hình: đầu cao, lưng to bè, 2 con mắt nhỏ tí, ngà ngà đắm vào bóng chiều, 2 bên quai hàm bạnh ra,…=> xấu xí, thô kệch.

– Ngôn ngữ: thô kệch, cộc cằn “rích bố cu, làm đếch gì có vợ,…

*  Vẻ đẹp tâm hồn:

– Tràng là một người có tâm hồn thuần hậu, hiền lành, chất phác: trẻ con trong xóm ai cũng thích,…

– Tâm hồn lạc quan, yêu đời: vừa lao động vừa hò hát, hay đùa với trẻ con

– Tấm lòng nhân hậu: giữa lúc đói khát, Tràng đã dang tay cứu vớt một cuộc đời, sẵn sàng cho người đàn bà xa lạ ăn, thậm chí không từ chối khi người đàn bà theo về. Tấm lòng nhân hậu ấy chủ yếu được thể hiện thông qua diễn biến tâm trạng của Tràng khi nhặt được vợ:

+ Khi về đến nhà:

     > Xăm xăm bước vào dọn dẹp sơ qua, thanh minh về sự bừa bộn vì thiếu bàn tay của đàn bà. Hành động ngượng nghịu nhưng chân thật, mộc mạc.

     > Khi bà cụ Tứ chưa về, Tràng có cảm giác “sờ sợ” vì lo rằng người vợ sẽ bỏ đi vì gia cảnh quá khó khăn, sợ hạnh phúc sẽ tuột khỏi tay.

      > Sốt ruột chờ mong bà cụ Tứ về để thưa chuyện vì trong cảnh đói khổ vẫn phải nghĩ đến quyết định của mẹ. Đây là biểu hiện của đứa con biết lễ nghĩa.

      > Khi bà cụ Tứ về: thưa chuyện một cách trịnh trọng, biện minh lí do lấy vợ là “phải duyên”, căng thẳng mong mẹ vun đắp. Khi bà cụ Tứ tỏ ý mừng lòng Tràng thở phào, ngực nhẹ hẳn đi.

+ Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy:

        > Tràng nhận thấy sự thay đổi kì lạ của ngôi nhà (sân vườn, quần áo, …), Tràng nhận ra vai trò và vị trí của người đàn bà trong gia đình. Cũng thấy mình trưởng thành hơn.

        > Lúc ăn cơm trong suy nghĩ của Tràng là hình ảnh đám người đói và lá cờ bay phấp phới. Đó là hình ảnh báo hiệu sự đổi đời, con đường đi mới.

=>  Từ khi nhặt được vợ, nhân vật đã có sự biến đổi theo chiều hướng tốt đẹp. Qua sự biến đổi này, nhà văn ca ngợi vẻ đẹp của những con người trong cái đói.

b. Nhân vật Thị

* Giới thiệu:

– Không có quê hương, gia đình.

– Tên tuổi cũng không có và qua tên gọi “vợ nhặt”=>  thấy được sự rẻ rúng của con người trong cảnh đói.

– Ngoại hình: quần áo tả tơi như tổ đỉa, gầy sọp, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn hai con mắt => xấu xí.

* Vẻ đẹp tâm hồn:

– Có khát vọng sống mãnh liệt:

+ Quyết định theo Tràng về làm vợ dù không biết gì về Tràng, chấp nhận theo không về không cần sính lễ vì Thị sẽ không còn phải sống cảnh lang thang đầu đường xó chợ.

+ Khi đến nhà thấy hoàn cảnh nghèo khổ, trái ngược lời tuyên bố “rích bố cu”, Thị “nén một tiếng thở dài”, dù ngao ngán nhưng vẫn chịu đựng để có cơ hội sống.

– Thị là người ý tứ và nết na:

+ Trên đường về, Thị cũng rón rén, e thẹn đi sau Tràng, đầu hơi cúi xuống, Thị ngại ngùng cho thân phận vợ nhặt của mình.

+ Khi vừa về đến nhà, Tràng đon đả mời ngồi, chị ta cũng chỉ dám ngồi mớm ở mép giường, hai tay ôm khư khư cái thúng, thể hiện sự ý tứ khi chưa xác lập được vị trí trong gia đình.

+ Khi gặp mẹ chồng, ngoài câu chào, Thị chỉ cúi đầu, “hai tay vân vê tà áo đã rách bợt”, thể hiện sự lúng túng, ngượng nghịu.

+ Sáng hôm sau, Thị dậy sớm quét tước nhà cửa, không còn cái vẻ “chao chát, chỏng lỏn” mà hiền hậu, đúng mực.

+ Lúc ăn cháo cám, mới nhìn “mắt thị tối lại”, nhưng vẫn điềm nhiên và vào miệng, thể hiện sự nể nang, ý tứ trước người mẹ chồng, không muốn làm bà buồn.

=> Cái đói có thể cướp đi nhân phẩm trong khoảnh khắc nào đó chứ không vĩnh viễn cướp đi được tâm hồn con người.

– Thị còn là người có niềm tin vào tương lai: kể chuyện phá kho thóc trên Thái Nguyên, Bắc Giang để thắp lên hi vọng cho cả gia đình, đặc biệt là cho Tràng.

c. Nhân vật bà cụ Tứ

* Giới thiệu:

 Xuất hiện với dáng vẻ già nua, dáng đi lọng khọng, tiếng ho húng hắng, vừa đi, vừa lẩm nhẩm tính toán.

* Vẻ đẹp tâm hồn:

– Bà cụ Tứ là người mẹ nghèo, lam lũ nhưng có tấm lòng nhân hậu. Điều này được thể hiện thông qua việc nhà văn Kim Lân đặt nhân vật vào một tình huống: trong nạn đói bỗng dưng Tràng đưa một người phụ nữ lạ mặt về nhà.

Diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ khi đó:

        > Ngạc nhiên vì thấy có người đàn bà lạ ở trong nhà (hàng loạt câu hỏi đặt ra trong đầu bà ).

        > Bà càng ngạc nhiên hơn khi người đàn bà đó chào bà bằng “u”.

        > Đến khi Tràng phân trần thì bà đã hiểu: vừa đau đớn, tủi cực, vừa xót xa xen lẫn vui mừng => bà lão đã mở rộng tấm lòng để đón nhận con dâu và thương cho cảnh ngộ.

– Bà là người luôn nhen nhóm niềm tin vào tương lai cho cách con: Sáng hôm sau bà rạng rỡ hẳn lên (bà thu xếp nhà cửa cho quang cảnh nề nếp với ý nghĩ đời sẽ khác đi, làm ăn mới khấm khá lên, bàn định về tương lai, khơi dậy cho con cái niềm hi vọng mãnh liệt vào cuộc sống)

=> Tình cảm của bà cụ Tứ đối với con không chỉ là tình mẫu tử cao đẹp mà còn thể hiện đạo lí tốt đẹp giữa con người với con người, đó là sự cưu mang, che chở lẫn nhau của những con người cùng cảnh ngộ.

d.  Giá trị nội dung

– Giá trị hiện thực: Cho thấy một thảm cảnh thê thảm của những con người nghèo trong nạn đói 1945 do phát xít Nhật và thực dân Pháp gây nên.

– Giá trị nhân đạo:

+ Tố cáo tội ác của bọn thực dân phát xít.

+ Thể hiện lòng cảm thông sâu sắc đối với số phận con người trong nạn đói.

+ Là bài ca ca ngợi sự sống, tình thương, sự cưu mang, đùm bọc, khát vọng hạnh phúc.

+ Tác phẩm chỉ ra con đường giải phóng cho những con người nghèo khổ: chỉ có thể đi theo cách mạng để tự giải phóng, để thoát khỏi đói nghèo cơ cực.

e. Giá trị nghệ thuật

+ Cách kể chuyện giản dị nhưng rất có duyên, rất lôi cuốn.

+ Tình huống truyện độc đáo, éo le vừa nghịch lí lại vừa hợp lí.

+ Đối thoại sinh động như lời ăn tiếng nói hàng ngày ở các làng quê.

+ Miêu tả tâm lí nhân vật tự nhiên, tinh tế, chân thực, cá thể hóa logic, hợp lí.

Nhận định

Một số nhận định về tác giả, tác phẩm

1. “Chỉ với ba truyện Vợ Nhặt, Làng, Con chó xấu xí… Kim Lân đã có thể đàng hoàng ngồi vào chiếu trên trong làng văn Việt Nam”.

2. “Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với “đất” với “người” với “thuần hậu nguyên thuỷ” của cuộc sống nông thôn.”

3. “Nhà văn dùng Vợ nhặt để làm cái đòn bẩy để nâng con người lên trong tình nhân ái. Câu chuyện Vợ nhặt đầy bóng tối nhưng từ trong đó đã lóe lên những tia sáng ấm lòng.”

            (Dẫn theo Hoài Việt – Nhà văn trong nhà trường: Kim Lân, NXB Giáo dục)

4. “Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hy vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”.

                                                                                                     Kim Lân

Hoctotnguvan.vn

Tiếp tục đọc

Tác giả – Tác phẩm Văn 12

Tác giả Hồ Chí Minh

Được phát hành

,

Bởi

Tìm hiểu tác giả Hồ Chí Minh gồm các nội dung tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp sáng tác, phong cách văn học và đóng góp cho nền văn học

1. Tiểu sử

– Hồ Chí Minh (19/05/1889 – 02/09/1969) tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung.

– Quê quán: Kim Liên – Nam Đàn – Nghệ An.

– Gia đình: nhà Nho nghèo, cha là Nguyễn Sinh Sắc, mẹ là Hoàng Thị Loan.

– Quá trình hoạt động cách mạng:

+ Năm 1911, ra đi tìm đường cứu nước.

+ Hoạt động cách mạng ở nhiều nước: Pháp, Trung Quốc, Thái Lan…

+ Ngày 3-2-1930, thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.

+ Năm 1941, trở về nước, lãnh đạo phong trào CM trong nước.

+ Tháng 8-1942, sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ của quốc tế, bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam đến tháng 9-1943.

+ Ra tù, Người trở về nước, lãnh đạo phong trào CM, tiến tới tổng khởi nghĩa tháng 8-1945.

+ Ngày 2-9-1945, đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước VNDCCH, giữ chức vụ Chủ tịch nước.

+ Lãnh đạo nhân dân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ.

=> Là vị lãnh tụ tài ba, vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới. 

 


2. Sự nghiệp văn học

a. Quan điểm sáng tác:

– Coi văn học là một vũ khí chiến đấu phục vụ cho sự nghiệp cách mạng.

– Luôn chú trọng tính chân thực và tính dân tộc.

– Luôn chú ý đến mục đích và đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm.

b. Di sản văn học:

– Văn chính luận:

+ Tác phẩm chính: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Tuyên ngôn độc lập (1945), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Không có gì quý hơn độc lập tự do (1966)…

– Truyện và kí:

+ Tác phẩm chính: Pari (1922), Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922), Con người biết mùi hun khói (1922), Vi hành (1923), Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (1925), Nhật kí chìm tàu (1931), Vừa đi đường vừa kể chuyện (1963)…

– Thơ ca:

+ Tác phẩm chính: Nhật kí trong tù (viết trong thời gian bị giam cầm trong nhà lao Tưởng Giới Thạch từ 1942-1943), chùm thơ viết ở Việt Bắc từ 1941-1945.

=> Di sản văn học lớn lao về tầm vóc, phong phú về thể loại và đa dạng về phong cách.

c. Phong cách nghệ thuật:

– Thống nhất:

+ Về mục đích sáng tác, quan điểm sáng tác, nguyên tắc sáng tác.

+ Về cách viết ngắn gọn.

– Đa dạng:

+ Văn chính luận: ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng thuyết phục, giàu tính luận chiến, kết hợp nhuần nhuyễn mạch luận lí với mạch cảm xúc, giọng điệu uyển chuyển.

+ Truyện và kí hiện đại, giàu tính chiến đấu, nghệ thuật trào phúng sắc bén, nhẹ nhàng, hóm hỉnh nhưng thâm thúy, sâu cay.

+ Thơ ca: thơ tuyên truyền cách mạng mộc mạc, giản dị, dễ nhớ, dễ thuộc; thơ nghệ thuật kết hợp hài hòa giữa yếu tố cổ điển với yếu tố hiện đại, cô đọng, súc tích. 

Tiếp tục đọc

Tác giả – Tác phẩm Văn 12

Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh

Được phát hành

,

Bởi

Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn văn 12

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

  • I. Tác gia
  • II. Tác phẩm
  • Nhận định

I. Tác gia

1. Tiểu sử 

– Hồ Chí Minh (19/05/1889 – 02/09/1969) tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung.

– Quê quán: Kim Liên – Nam Đàn – Nghệ An.

– Sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo, yêu nước

– Người là một vị lãnh tụ tài ba, vĩ đại, người đã đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi cảnh nô lệ, lầm than.

– Được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới.

2. Sự nghiệp văn học

a. Quan điểm sáng tác:

– Coi văn học là một vũ khí chiến đấu phục vụ cho sự nghiệp cách mạng.

– Luôn chú trọng tính chân thực và tính dân tộc.

– Luôn chú ý đến mục đích và đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm.

b. Tác phẩm chính

Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Tuyên ngôn độc lập (1945), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Không có gì quý hơn độc lập tự do (1966), Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (1925), Nhật kí trong tù,…

c. Phong cách nghệ thuật:

– Thống nhất:

+ Về mục đích sáng tác, quan điểm sáng tác, nguyên tắc sáng tác.

+ Về cách viết ngắn gọn.

– Đa dạng:

+ Văn chính luận: ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng thuyết phục, giàu tính luận chiến, kết hợp nhuần nhuyễn mạch luận lí với mạch cảm xúc, giọng điệu uyển chuyển.

+ Truyện và kí hiện đại, giàu tính chiến đấu, nghệ thuật trào phúng sắc bén, nhẹ nhàng, hóm hỉnh nhưng thâm thúy, sâu cay.

+ Thơ ca: thơ tuyên truyền cách mạng mộc mạc, giản dị, dễ nhớ, dễ thuộc; thơ nghệ thuật kết hợp hài hòa giữa yếu tố cổ điển với yếu tố hiện đại, cô đọng, súc tích.

II. Tác phẩm

1. Tìm hiểu chung:

a. Hoàn cảnh ra đời :

– Thế giới:

+ Chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc.

+ Nhật đầu hàng Đồng minh.

– Trong nước: Cả nước giành chính quyền thắng lợi.

+ 26 – 8 – 1945: Hồ chủ tịch về tới Hà Nội.

+ 28 -8 1945: Bác soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập tại tầng 2, căn nhà số 48, phố Hàng Ngang, Hà Nội.

+ 2 – 9 – 1945: đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

b. Mục đích sáng tác:

– Khẳng định quyền độc lập tự do của dân tộc trước quốc dân và thế giới.

– Tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến; khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và bày tỏ quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.

c. Bố cục:

– Đoạn 1: Từ đầu… “không ai chối cãi được” => Nêu nguyên lí chung của bản tuyên ngôn độc lập.

– Đoạn 2: Từ “Thế mà” …. “phải được độc lập” => Tố cáo tội ác của thực dân Pháp, khẳng định thực tế lịch sử nhân dân ta đấu tranh giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

– Đoạn 3: (Còn lại) => Lời tuyên bố độc lập và ý chí bảo vệ nền độc lập.

d. Nội dung chính:

     Vạch trần tội ác của thực dân Pháp cướp nước ta; tuyên bố nền độc lập dân tộc; khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc.

2. Tìm hiểu chi tiết:

a. Cơ sở pháp lí của bản tuyên ngôn độc lập.

– Trích dẫn hai bản tuyên ngôn của Mĩ và Pháp làm cơ sở pháp lí cho tuyên ngôn độc lập của Việt Nam:

=> Ý nghĩa:

+ Tôn trọng những tuyên ngôn bất hủ của người Mĩ và Pháp vì những điều được nêu là chân lí của nhân loại.

+ Dùng cách lập luận “gậy ông đập lưng ông” để buộc tội Pháp và ngăn chặn âm mưu tái xâm lược của chúng.

+ Thể hiện quyền tự hào dân tộc: đặt 3 cuộc cách mạng, 3 bản tuyên ngôn, 3 dân tộc ngang hàng nhau.

b. Tố cáo tội ác của thực dân Pháp và khẳng định quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam:

* Tố cáo tội ác của Pháp:

+ Tố cáo tội ác tàn bạo của thực dân Pháp trên mọi mặt đời sống khi cai trị nước ta: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội (liệt kê hàng loạt dẫn chứng đanh thép, hùng hồn về tội ác của Pháp).

+ Giải thích rõ ràng, mạch lạc: từ mùa thu 1940 đến 9/3/1945, thực dân Pháp đã bán nước ta hai lần cho Nhật (khi thì quỳ gối đầu hàng khi thì bỏ chạy), vì vậy không còn bất kì quyền lợi cai trị nào ở nước ta.

* Khẳng định quyền độc lập tự do của dân tộc:

Trình bày cuộc đấu tranh xương máu giành độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam:

+ Nhân dân Việt Nam đã nổi dậy giành chính quyền, lấy lại đất nước từ tay Nhật.

+ Quân và dân ta đã nhiều lần kêu gọi người Pháp cùng chống Nhật nhưng bị từ chối, khi Pháp thua chạy, đồng bào ta vẫn khoan hồng và giúp đỡ họ.

+ Dân ta đánh đổ các xiềng xích phong kiến, thực dân, phát xít.

+ Quân và dân ta tin tưởng vào sự công bằng của các nước Đồng Minh.

 => Khẳng định, đề cao tinh thần xả thân giữ nước, thành quả cách mạng của nhân dân ta. Chúng ta hoàn toàn xứng đáng với nền độc lập có được bởi chính máu xương của mình.

c. Giá trị nội dung:

– Là văn kiện lịch sử tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về việc chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta.

– Đánh dấu kỉ nguyên độc lập, tư do của nước Việt Nam mới.

d. Giá trị nghệ thuật:

– Là một áng văn chính luận mẫu mực.

– Lập luận chặt chẽ.

– Lý lẽ đanh thép.

– Ngôn ngữ hùng hồn.

– Dẫn chứng xác thực, lấy ra từ lịch sử cụ thể.

Nhận định

Một số nhận định về tác giả, tác phẩm

1. Có ý kiến đánh giá: “Tuyên ngôn độc lập một văn kiện có trị lịch sử to lớn, một bài văn chính luận ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, đanh thép, lời lẽ hùng hồn, đầy sức thuyết phục”.

2. Có ý kiến cho rằng: “Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh là áng văn mẫu mực của văn xuôi chính luận Việt Nam”.  

3. Đồng chí Trường Chinh nhận xét: “Về văn phong, cách nói và cách viết của Hồ Chủ Tịch có những nét rất độc đáo: Nội dung khảng khái, thấm thía đi sâu vào tình cảm của con người, chinh phục cả trái tim và khối óc con người ta: Hình thức sinh động, giản dị, giàu tính dân tộc và tính nhân dân.”

Tiếp tục đọc

Tác giả – Tác phẩm Văn 12

Tác giả Phạm Văn Đồng

Được phát hành

,

Bởi

Tìm hiểu tác giả Phạm Văn Đồng gồm các nội dung tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp sáng tác, phong cách văn học và đóng góp cho nền văn học.

 1. Tiểu sử 

– Phạm Văn Đồng (1906 -2000)

– Ông sinh ra ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

– Tham gia cách mạng từ sớm và là nhà hoạt động cách mạng xuất sắc; là nhà giáo dục tâm huyết và một nhà văn hóa, văn nghệ lớn.

– Năm 1936, Phạm Văn Đồng ra tù, hoạt động ở Hà Nội.

 Năm 1940, ông bí mật sang Trung Quốc cùng với Võ Nguyên Giáp, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và được Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ về nước xây dựng căn cứ địa ở biên giới Việt – Trung.

– Năm 1945, tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, Phạm Văn Đồng được bầu vào Ủy ban Thường trực gồm 5 người thuộc Ủy ban Dân tộc giải phóng, chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám.

Phạm Văn Đồng là Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1976 cho đến khi nghỉ hưu năm 1987.

Trước đó ông từng giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1955 đến năm 1976.

Phạm Văn Đồng là vị Thủ tướng Việt Nam tại vị lâu nhất (1955–1987) và là học trò, cộng sự của Hồ Chí Minh.

=> Với bề dày hơn 70 năm hoạt động trong sự nghiệp Cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó nhiều năm giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt, Phạm Văn Đồng được nhiều nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản và học giả trong nước, những người gần gũi với ông đánh giá là có nhiều đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, văn học,…

 2. Sự nghiệp văn học

– Thể loại: Các tác phẩm nghị luận xuất sắc.

– Văn phong nghị luận của ông đầy nhiệt tình, lôi cuốn người đọc bằng những luận điểm mới mẻ, sâu sắc với lời văn trong sáng, nhiều hình ảnh.

– Tác phẩm chính: Hồ Chí Minh – Một con người, một dân tộc, một thời đại; Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc, Văn hóa đổi mới… 

Tiếp tục đọc

Xu hướng