Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn văn 12
Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn
- I. Tác giả
- II. Tác phẩm
I. Tác giả
1. Tiểu sử
– Nguyễn Trung Thành tên thật là Nguyễn Văn Báu, ông sinh ngày 5 tháng 9 năm 1932 tại Quảng Nam. Ông có bút danh là Nguyên Ngọc.
– Ông là nhà văn trưởng thành trong cả kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
– Ông gia nhập quân đội năm 1950, hoạt động chủ yếu và gắn bó mật thiết với chiến trường Tây Nguyên.
– Sau Hiệp định Genever ông làm phóng viên và tập kết ra Bắc
– Năm 1962 ông trở về Nam vừa tham gia chiến đấu vừa hoạt động văn nghệ
– Sau chiến tranh ông làm Phó Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam và Tổng Biên tập báo văn nghệ.
– Hiện nay ông vẫn tham gia hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – giáo dục và đã dịch một số tác phẩm lý luận văn học.
2. Sự nghiệp sáng tác
a. Phong cách nghệ thuật
Các tác phẩm của ông mang đậm âm hưởng sử thi và cảm hứng lãng mạn:
– Ở đó, chất thơ hoà quyện với độ hoành tráng của núi rừng Tây Nguyên, của những người anh hùng cách mạng bất khuất, kiên trung với quê hương, đất nước.
– Sức sống bất diệt và khả năng trỗi dậy phi thường của con người, sự sống luôn được đề cao trong tác phẩm của ông.
b. Tác phẩm chính
Đất nước đứng lên (1954-1955); Mạch nước ngầm (1960); Rẻo cao (1961); Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc (1961); Đất Quảng; Rừng xà nu (1965); Cát cháy…
3. Vị trí và tầm ảnh hưởng
Nguyễn Trung Thành là một trong số những cây bút xuất sắc của nền văn học Việt Nam. Ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị và ghi dấu ấn đậm nét trong nền văn học nước nhà.
II. Tác phẩm
1. Tóm tắt
Sau ba năm tham gia lực lượng cách mạng, Tnú được về thăm làng. Trong đêm ấy, cụ Mết kể lại cho dân làng nghe về câu chuyện của Tnú. Tnú mồ côi từ nhỏ, được dân làng nuôi lớn và sớm tiếp nối tinh thần cách mạng. Tnú tham gia nuôi giấu chiến sĩ cách mạng và làm liên lạc. Tnú vốn là một cậu bé thông minh, can đảm và gan dạ: “chọn nơi rừng khó đi, nơi sông khó qua” để tránh kẻ thù. Lúc bị bắt dám thách thức quân giặc “nuốt vội lá thư và chỉ tay vào bụng mình”. Tnú bị bắt, bị tra tấn dã man nhưng nhất định không khai. Sau khi ra tù, Tnú về làng cưới Mai và cùng dân làng chuẩn bị chiến đấu. Nghe tin đó, thằng Dục – tay sai của chính quyền Mỹ – Diệm đưa lính đến đàn áp. Không bắt được Tnú chúng đem vợ con anh ra đánh đập đến hết. Tnú đau xót xông ra nhưng không cứu được vợ con mà còn bị chúng thiêu đốt mười đầu ngón tay bằng nhựa cây xà nu. Trong khi đó cụ Mết cùng dân làng mang vũ khí cất giấu trong rừng trở về và chiến đấu thắng lợi. Tnú gia nhập giải phóng quân và chiến đấu dũng cảm nên được cấp phép về thăm làng. Cụ Mết tự hào kể về anh cũng như nhắc nhở bài học xương máu: ”Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Cuối truyện là hình ảnh cụ Mết và Dít tiễn Tnú về đơn vị, xa xa là những rừng xà nu, đồi xà nu bạt ngàn, chạy tít tắp đến chân trời.
2. Tìm hiểu chung
a. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác
– Truyện ngắn “Rừng xà nu” được viết năm 1965 và in trong tập “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc”.
– Truyện được viết khi tác giả đang tham gia chiến đấu chống Mỹ cứu nước và hoạt động trên chiến trường Tây Nguyên anh hùng.
b. Bố cục
– Phần 1 (phần chữ nhỏ): Tnú sau ba năm theo cách mạng giờ về thăm làng.
– Phần 2 (còn lại): cụ Mết kể câu chuyện về cuộc đời của Tnú và người dân làng Xô Man.
3. Tìm hiểu chi tiết
Tìm hiểu theo các khía cạnh của tác phẩm
a. Hình ảnh rừng xà nu
– Rừng xà nu là hình tượng xuất hiện xuyên suốt toàn bộ tác phẩm.
– Rừng xà nu có mối quan hệ chặt chẽ và gắn bó sâu sắc với mảnh đất Tây Nguyên
+ Có trong mối quan hệ hằng ngày: bếp lửa đốt bằng cây xà nu, lửa mười đầu ngón tay Tnú tẩm bằng nhựa cây xà nu, khói xà nu làm thành bảng đen cho Tnú và Mai học chữ, …
+ Xuất hiện cả trong những sự kiện trọng đại: Cụ Mết kể chuyện cho dân làng nghe, ngọn lửa cây xà nu chiếu sáng cho cả dân làng mài giáo đánh giặc,…
+ Ăn sâu vào suy nghĩ, tiềm thức của người dân Xô Man : sống cùng cây xà nu, chết cạnh cây xà nu.
=> Mối quan hệ rất đặc biệt, gắn bó khăng khít và trở thành một phần máu thịt của dân làng Xô Man.
– Rừng xà nu như một sinh thể, chịu sự tàn phá dữ dội của chiến tranh: “cả rừng xà nu hàng vạn cây không cây nào là không bị thương,….”
– Cây xà nu có sức sống mãnh liệt, sinh sôi, nảy nở rất nhanh và rất khỏe: “cạnh cây xà nu mới gục ngã đã có 4,5 cây con mọc lên”,…
– Loại cây ham ánh sáng mặt trời: giống như những con người Tây Nguyên luôn khao khát tự do và có một sức sống mãnh liệt.
=> Hình ảnh biểu tượng cho sức sống mạnh mẽ và sự nối tiếp của các thế hệ con người Tây Nguyên.
b. Các thế hệ anh hùng Tây Nguyên
* Nhân vật cụ Mết
– Ngoại hình: “Râu dài tới ngực và vẫn đen bóng”, “mắt sáng và xếch ngược”, “ngực căng như một cây xà nu lớn”…
– Tính cách: Yêu nước, thương dân, biết nhìn xa trông rộng. Đại diện cho thế hệ anh hùng đi trước, tiêu biểu cho vẻ đẹp con người Tây Nguyên quả quyết, gan dạ, sáng suốt.
* Nhân vật Tnú
– Xuất hiện qua lời kể của cụ Mết ( Có sự đáng giá khách quan)
– Là một chiến sĩ có nhiều phẩm chất tốt đẹp
+ Thông minh, gan góc: nuôi giấu cán bộ cách mạng, đi liên lạc
+ Dũng cảm, trung thành với cách mạng: Bị tra tấn dã man cũng không khai
+ Có tính kỷ luật cao: Được về phép một đêm, sáng sớm hôm sau đi luôn
– Là một công dân có lòng yêu nước, thương dân:
+ Khi bị giặc tra tấn dã man và đốt mười đầu ngón tay vẫn không chịu khuất phục, mà quyết tâm chiến đấu cứu nước, cứu làng.
+ Được nghỉ phép liền về thăm dân làng.
– Là một người chồng, người cha hết mực yêu thương vợ con : “hai con mắt là hai cục lửa lớn”. Tnú biết nén nỗi đau cá nhân để phục vụ cho lợi ích cộng đồng.
=> Tnú là người con ưu tú của dân tộc, là một chiến sĩ nòng cốt của cách mạng, tiêu biểu cho kiểu người anh hùng cách mạng.
* Nhân vật Dít và bé Heng:
– Dít: Là một cô gái gan dạ, dúng cảm, biết nén nỗi đau cá nhân để góp sức cho cộng đồng, dân tộc
+ Khi chị Mai mất cô đau đớn nhưng không hề than khóc
+ Đem gạo vào rừng cho dân làng
+ Không sợ và không khai báo khi giặc bắn súng dọa
– Bé Heng:
+ Còn nhỏ tuổi đã tham gia làm nhiệm vụ cách mạng và rất thông minh, tài giỏi: Thông thuộc từng hố trông, từng chiến điểm; Dũng cảm dẫn đường cho cán bộ cách mạng và khách đến làng.
+ Là thế hệ tiếp nối, kế tục cha ông để cuộc chiến đấu thắng lợi.
=> Đây là các thế hệ anh hùng nối tiếp nhau, đại diên cho các thế hệ anh hùng người Tây Nguyên. Họ tiêu biểu cho vẻ đẹp và phẩm chất của người Tây Nguyên nói riêng và con người Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ và anh dũng.
c. Giá trị nội dung
Đây là chuyện của một đời người được kể trong một đêm. Đồng thời đó cũng là chuyện về những con người ở một bản làng Tây Nguyên, bên những cánh rừng xà nu bạt ngàn, xanh bất tận. Qua đó, tác giả đặt vấn đề có ý nghĩa lớn lao đối với dân tộc và thời đại: Để cho sự sống của nhân dân và đất nước mãi mãi trường tồn, không có cách nào khác hơn là phải cùng nhau đứng lên, cầm vũ khí chống lại kẻ thù tàn ác.
d. Giá trị nghệ thuật
– Đặc sắc, đậm đà chất sử thi hùng tráng:
+ Đề tài có ý nghĩa lịch sử: Cuộc chiến đấu của dân làng Xô Man
+ Bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, hoành tráng. Rừng xà nu làm nền cho bức tranh về cuộc đấu tranh chống giặc “Cả rừng … ào ào rung động, lửa cháy khắp rừng”, ….
+ Các nhân vật tiêu biểu được miêu tả trong bối cảnh trang nghiêm, hùng vĩ, vừa mang phong cách Tây Nguyên vừa mang phẩm chất của anh hùng thời đại: Tnú, Dít, Heng,…
+ Giọng điệu và ngôn ngữ trang trọng, mang đậm sắc màu Tây Nguyên.
– Kết cấu vòng tròn: mở đầu, kết thúc là hình ảnh rừng xà nu.
– Cách thức trần thuật: kể theo hồi tưởng qua lời kể của cụ Mết (già làng), kể bên bếp lửa gợi nhớ lối kể ” khan”- giống sử thi của các dân tộc Tây Nguyên.
Hoctotnguvan.vn