Hồ Anh Thái là một cây bút tạo được nhiều dấu ấn trên văn đàn. Gần bốn thập kỷ sáng tạo, ông luôn giữ cho mình một phong cách riêng, đa sắc nhưng vẫn không mất đi nét cá tính. Trong những trang văn của mình, ngoài sự sáng tạo của một tác giả, Hồ Anh Thái luôn thêm thắt vào đó nhiều kiến thức văn hóa, lịch sử thú vị. Nó tạo cho tác phẩm sức nặng nhất định.
Các tác phẩm tùy bút, tản văn, tạp văn, khảo cứu của Hồ Anh Thái cũng giành được tình cảm nhất định trong lòng độc giả. Không chỉ viết văn, tác giả còn là một nhà ngoại giao. Những chuyến đi tới các vùng đất lạ đã cho ông nhiều cảm xúc để sáng tác.
Sau Namaskar! Xin chào Ấn Độ thì Ở lại để chờ nhau là một cuốn sách khác nói về “xứ sở của món cà ri”. Lần này, thay vì tìm hiểu văn hóa Ấn Độ, tác giả đã kể lại một cách say sưa với người đọc những trải nghiệm mà mình có ở nơi đây.
Quốc gia Nam Á xinh đẹp hiện lên trong văn của Hồ Anh Thái thật sống động, như thể những kỷ niệm thời trai trẻ vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức.
Tập tản văn Ở lại để chờ nhau của nhà văn Hồ Anh Thái. Ảnh: Sống. |
Xin chào, chàng trai người Việt!
Đầu những năm 1990, nhà văn Hồ Anh Thái khăn gói lên đường sang Ấn Độ học tập. New Delhi chào đón tác giả bằng sự đông đúc và náo nhiệt vốn có của thủ đô đất nước hơn một tỷ dân. Giống như nhiều du học sinh khác sang đây theo diện học bổng, anh chàng người Việt sống trong ký túc xá của trường. Giờ đây bạn bè đồng môn của tác giả đến từ khắp năm châu.
Vừa mới chân ướt chân ráo vào nhận phòng, tác giả đã được một anh bạn người Hàn Quốc tên Lim nhắc nhở: Đừng cho anh bạn Modi cùng phòng vay tiền. Anh chàng này vay tiền nhiều người, nhưng chưa thấy trả cho ai. Đáng tiếc, để thể hiện ý tốt của người mới đến, tác giả đã cho “chúa chổm” mượn tạm ít tiền mất rồi. Hai anh bạn kia vẫn chậm hơn một bước.
Từ những câu chuyện nhỏ nhặt trong ký túc, những chàng trai trên khắp thế giới, bất kể màu da, bất kể dân tộc, đã trở thành bạn bè. Họ cùng nhau vượt qua những ngày tháng khó khăn ở miền xích đạo nóng như đổ lửa này. Ngoài mùi cà ri và gia vị nồng đến độ ai đi qua bếp cũng muốn hắt hơi, cùng những cô gái có đôi mắt đẹp mê hồn, Ấn Độ có rất nhiều điều thú vị để những người khách phương xa phải ngạc nhiên.
Đầu tiên, đừng dại mà hỏi đường người Ấn Độ, đi tới đâu, chúng ta cũng nên mang theo một tấm bản đồ. Khi có ai đó hỏi đường, nhất là người nước ngoài, người dân địa phương cũng chỉ đường một cách rất nhiệt tình, cho dù… họ không biết đường đi chăng nữa. Tốt nhất, hãy tự tìm đường, hoặc đi cùng một người đã thông thạo hết đường ngang ngõ tắt trong thành phố.
Thứ hai, nếu một người bạn Ấn Độ bảo bạn hãy chờ một phút, thì cứ chắc chắn một điều rằng, khoảng thời gian mà bạn phải chờ đợi đủ để uống một tách cafe, đọc một tờ báo, thậm chí là đi dạo thêm vài vòng. Thế nên, bạn cứ yên tâm mà đợi, chẳng phải vội làm gì.
Ấn Độ trong văn của Hồ Anh Thái là một xứ sở đầy màu sắc với nền văn hóa đa dạng. Ảnh: Visa. |
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn
Đọc Ở lại để chờ nhau của Hồ Anh Thái, độc giả sẽ dễ liên tưởng đến câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Chế Lan Viên. Gần 30 năm đã trôi qua, chàng sinh viên ngày nào giờ đây đã bước sang bên kia con dốc cuộc đời. Thế nhưng, những kỷ niệm về “đất nước nghìn điệu múa” vẫn còn vẹn nguyên trong tâm tưởng, giống như mọi chuyện chỉ vừa mới xảy ra ngày hôm qua.
Người Ấn tuy hơi kề cà trong chuyện giờ giấc, nhưng họ rất hiếu khách và chân thành. Vì hối hận, nên anh chàng chỉ nhầm đường cho tác giả đã mời người bạn Việt Nam không quen biết về nhà chơi, như một lời xin lỗi đầy thành ý.
Trong cuốn sách, còn có câu chuyện của bạn bè tác giả, những người Việt yêu Ấn Độ. Nhà văn Hồ Anh Thái nhớ mãi câu chuyện của một người bạn. Nếu không có gia đình của anh bạn Ravi tốt bụng, chắc cô du học sinh người Việt ấy đã tuyệt vọng khi đang bơ vơ xứ người.
Họ sẵn sàng cưu mang một cô du học sinh Việt suốt cả tháng trời. Đi đi chặng dài đến một đất nước xa xôi, đến nơi thì trường đại học nói rằng cô tới muộn cả tháng so với lịch khai giảng, nên không thể nhập học được nữa. Với tấm vé một chiều, cô gái đáng thương không có cách nào để về nước, đi không được mà ở cũng không xong.
Giữa lúc đó, một bà mẹ người Ấn đã truyền cho cô sức mạnh. Bà nhờ con dâu đưa cô đi chơi cho khuây khỏa. Sau đó, người mẹ lại kêu cậu con trai nghĩ cách để tìm cho cô một ngôi trường phù hợp. Trong khi nhân vật chính đang rất tuyệt vọng, thì bà mẹ Ấn vẫn cố tìm cách nhóm lên niềm hy vọng, để an ủi cô gái tội nghiệp.
Công việc ngoại giao cho nhà văn Hồ Anh Thái cơ hội trở lại Ấn Độ. Lần nào trở lại nơi đây, ông cũng cố tìm gặp những người bạn cũ, cùng nhau hàn huyên chuyện xưa. Đôi khi, có dịp gặp gỡ những người bạn ở ký túc xá năm nào, ai cũng nhắc về Ấn Độ. Trong cái nắng như thiêu như đốt của xứ sở nhiệt đới, bao nhiệt huyết của thời trai trẻ lại ùa về.
Giữa những dòng suy tư thâm trầm mà sâu sắc, đôi khi người ta thấy Hồ Anh Thái bông đùa, cách ông gây cười cũng rất duyên dáng. Nó thể hiện sự tinh tế và lịch thiệp của một trí thức. Hãy sống với một trái tim rộng mở và học cách yêu những điều khác biệt. Đó là chiếc chìa khóa để chúng ta chinh phục thế giới.