Connect with us

Sách hay

Vẻ đẹp châu Âu qua du ký ‘Và mùa thu chầm chậm đi qua’

Được phát hành

,

Khung cảnh yên bình, nên thơ của thành phố Venice, Paris, London… khám phá các thành phố từ những biểu hiện mùa là cách mà cuốn sách “Và mùa thu chầm chậm đi qua” để lại cho du học sinh Việt nhiều kỷ niệm.

Cuốn sách là nhật ký về miền ký ức 10 năm dạo chơi trên những cánh đồng, bên những dòng sông, trong những thành phố cổ các lục địa Âu, Mỹ, Phi của Thùy Dương.

Bằng thứ ngôn từ dịu dàng như mùa thu, tác giả viết về nhịp sống, nhịp đi một cách trầm bình qua những cảm nhận sâu lắng chứ không đơn thuần là miêu tả. Dưới ánh nhìn lạc quan, yêu đời của tác giả, mỗi thành phố, từng miền quê đều có những nét hấp dẫn riêng biệt.

Khám phá mùa xuân London, mùa hè Milan, Paris xưa cũ

Dù là một Aarhus của Đan Mạch khắc nghiệt với “tuyết trắng trời trắng đất” thì khi mùa xuân đến vào tháng Ba, bình minh sẽ xanh thắm và hoa bồ công anh sẽ nở vàng khắp chốn, thành phố trở về với vẻ bình yên kỳ lạ trong sự nhỏ bé và tĩnh lặng của mình.

Sách Và mùa thu chầm chậm đi qua là trang nhật ký, gia tài tuổi trẻ của tác giả Thùy Dương.

Sách Và mùa thu chầm chậm đi qua là trang nhật ký, gia tài tuổi trẻ của tác giả Thùy Dương. (Ảnh Zing)

Nếu bạn yêu London, thích Paris hay ao ước một lần được tới thăm những thành phố cổ của Italy như Milan hay Florance nhưng chưa có điều kiện ghé đến, thì cuốn sách sẽ giúp bạn đắm chìm thực sự trong vẻ đẹp quyến rũ của cảnh sắc bốn mùa, tận hưởng thời khắc lúc bình minh khi hoàng hôn của những thành phố nổi tiếng thế giới này.

Trong những bức thư tác giả gửi cho người yêu, cho bạn bè từ bờ Bắc sông Thames, London những ngày xuân hạ thu đông hiện lên dịu dàng, cổ kính lại có những sôi động hấp dẫn riêng.

“Khi những bông hoa chuông tuyết bắt đầu nhú ra khỏi mặt đất còn lớm chớm tuyết những ngày tháng giêng”, là mùa xuân nước Anh bắt đầu. Vào cuối tháng ba, hoa anh đào đã nở trắng và thủy tiên vàng rực khắp nơi.

Những ngày tháng sáu mùa hè, trời London sẽ đột ngột đổ mưa, con sông sẽ đục ngầu màu đất, “phía xa rơi rớt một ráng chiều tím lịm”. London của tháng mười là những bình minh đầy sương. Góc phố nhỏ, nếp nhà xinh hiện lên dịu dàng, quyến rũ và dòng sông êm đềm chảy trong sương mờ, nắng nhẹ của mùa thu.

Mùa đông đến với thành phố sương mù xinh đẹp của nước Anh vào tháng mười hai. “Ngoài phố dân tình choàng lên áo khoác, rồi khăn, rồi mũ; ai cũng lạnh lùng và vội vã”.

Nếu mùa hè xứ lạnh dịu dịu 15 độ C thì trong miêu tả của tác giả, Milan của Italy luôn nhiều nắng, “tàu đông đúc, ngột ngạt và nóng bức”, thành phố chộn rộn tiếng kèn và nhạc, chuông nhà thờ lảnh lót rung. Tuy nhiên, thành phố này có những nét hấp dẫn riêng với những “cuộc triển lãm thời trang đường phố phóng khoáng, tự do và đầy màu sắc”, khi mỗi người xuống đường đều có ý thức phải ăn mắc đẹp, “đẹp từ cách chọn kiểu váy, cách phối màu sắc, cách cầm túi xách tay…”. Bên cạnh đó, Milan cũng là thánh đường của những người say mê hội họa.

Và Italy còn có thành Rome, một trong những công trình cổ kính mang nặng dấu thời gian. Nơi đây sở hữu nhiều công trình kiến trúc cổ như quảng trường, nhà thờ, tu viện, hoàng cung, trường đấu mãnh thú, miếu thần, pháo đài cổ, các tượng thần, vòi phun nước… Theo dấu chân của tác giả trong cuốn sách, bạn sẽ như bị thôi miên bởi lịch sử đan xen nhịp sống của thành phố Vĩnh Hằng này.

London dịu dàng trầm lặng, Milan sôi động thời thường, còn Paris như thế nào dưới sự quan sát của tác giả? Đó là những điều mang vẻ đẹp xưa cũ. Là “vài cụ già đang uể oải thu lại những chồng sách báo cũ cho vào chiếc hòm sắt sơn xanh, kết thúc một ngày thu dềnh dàng như mọi ngày”, là “những con đường lát đá thơ mộng bên bờ sông Seine”, là những cây cầu bắc ngang dòng sông trong trung tâm thành phố, là những họa tiết trang trí kiểu hoàng gia, là ly café thơm lừng tại quán nhỏ ven sông, là hiệu sách Shakespeare & Company và là tháp truyền hình Eiffel thu hút hơn hai trăm triệu lượt khách mỗi năm.

“Nếu bạn may mắn được sống ở Paris khi còn trẻ, thì rồi sau này bạn có đi đâu, quãng thời gian đó sẽ luôn bên bạn”. Câu nói của tiểu thuyết gia lỗi lạc người Mỹ Hemingway trở thành tiểu kết những ngày sống với vẻ đẹp hoài niệm của Paris của tác giả này. Và một ngày, trong căn phòng nhỏ ở London, cô viết lại những ký ức về Paris, ngoài cửa sổ “mùa thu đang chầm chậm đi qua”.

Châu Phi và những hồi ức khó quên

Không chỉ dừng lại ở Châu Âu.

Không chỉ dừng lại ở những cảm nhận sâu sắc và chân thực về các thành phố của âu Châu lục địa, châu Phi, Zanzibar hay Brazil là những hồi ức không thể quên mà tác giả đã kể trong cuốn sách của mình.

“Tôi chưa bao giờ biết một buổi sáng châu Phi khi thức dậy mà lòng không hạnh phúc”, nữ tác giả đã dùng dòng văn đầy hào hứng của Hemingway để nói về ngày mới đầy rộn ràng của mình khi ở Vườn quốc gia Kruger Nam Phi.

Sách do Quảng Văn liên kết Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành tháng 8.

Sách do Quảng Văn liên kết Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành tháng 8.(Ảnh Zing)

Nơi đây là “một trong những khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã lớn nhất thế giới với thảm thực vật phong phú và hàng trăm loài động vật khác nhau”.

Đến với Kruger, bạn sẽ được đắm chìm trong thiên nhiên, lặng lẽ lắng nghe từng bước chuyển động của những chú hươu cao cổ, đàn ngựa vằn, những chú voi… giữa tiếng lá rung cây.

Trong chuyến hành trình được ghi lại trong cuốn sách, bạn còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi đá, của biển xanh trên đường đến Mũi Hảo Vọng, nơi cực Nam châu Phi.

Khi đọc những dòng nhật ký của tác giả, ước muốn được đặt chân đến địa danh này của bạn sẽ mãnh liệt hơn bao giờ hết. “Trời đổ về chiều, gió lạnh hơn, mặt trời trút những ánh vàng lai láng cuối cùng nhuộm vàng rặng đá xô hướng đầu ra biển, hải âu bay thành từng đàn, xô thành những vệt đen dài trên nền trời đầy mây cuộn lại”.

Một thành phố của đất nước Nam Mỹ mà ít người du lịch Việt Nam biết đến là Rio de Janeiro của Brazil, cũng mang đến nhiều trải nghiệm thú vị về  văn hóa, lịch sử và cảnh đẹp cho người đọc.

Nơi đây có bức tượng chúa Jesus lớn nhất thế giới, có những đường bờ biển dài và quyến rũ như Ipanema, Copacabana, hay Leblon, đặc biệt có đô thị Santa Tereza – “nơi chẳng có gì, nhưng lại có mọi thứ”.

Santa Tereza ngày nay vẫn còn lưu giữ lại những hình ảnh xưa cũ và truyền thống với những chiếc xe lửa cổ, khi đi xe du khách chỉ phải trả một số tiền mang tính tượng trưng. Với tác giả, Santa Tereza gợi nhớ về “những dãy phố nhỏ bé và cũ kỹ của Hà Nội”, và cần phải vừa ngắm nhìn vừa cảm nhận sâu sắc từng nhịp sống, từng ngôi nhà, từng ngõ nhỏ mới thấy được cái hồn của đô thị nhỏ bé này.

Điểm dừng của một cuộc dạo chơi, như người ta vẫn nói, đi là để trở về. Ký ức về Châu Âu những mùa xuân, mùa đông hay mùa thu, mùa hạ ngày nào trở thành gia tài riêng. Châu Âu trở thành nơi xa, tác giả trở về với Hà Nội của mình. “Nơi ấy tôi từng gọi là nhà, nơi đón tôi trở về sau mỗi chuyến đi xa, nơi tôi chìm trong những yêu thương quen thuộc rồi một ngày lại khao khát ra đi”.

Đời người như những chuyến tàu, ai cũng sẽ đi rồi dừng lại. Và ngoài kia, qua đông xuân hạ, mùa thu đang chầm chậm đi qua.

Tác giả Thùy Dương sinh năm 1985 tại Hà Nội và hiện sống ở Anh. Cô tốt nghiệp cử nhân Đại học Ngoại Thương và thạc sĩ tại Học viện giáo dục London (Anh). Năm 20 tuổi, Thùy Dương có chuyến xuất ngoại đầu tiên tới Kenya – quốc gia thuộc miền Đông châu Phi.

Sách hay

‘Bản đồ’ cơ thể người

Được phát hành

,

Bởi

Được biên soạn công phu, giáo trình y khoa “Sobotta Atlas giải phẫu người (đầu, cổ, chi trên, ngực, bụng, chi dưới)” có thể hỗ trợ hiệu quả cho công tác nghiên cứu, khám chữa bệnh.

Theo GS.TS Đào Văn Dũng, giải phẫu học tuy là môn cơ bản bắt buộc đối với những ai học khối ngành sức khỏe, nhưng lại là môn khó học. Giải phẫu đầu mặt cổ, giải phẫu thần kinh trung ương và ngoại biên nằm trong chương trình năm nhất của sinh viên y khoa, đồng thời liên hệ mật thiết với các môn học bệnh học về sau này.

Do đó, giáo trình giải phẫu học cần đảm bảo sự hấp dẫn để lôi cuốn sinh viên, giảm cảm giác nhàm chán trong quá trình học tập. Atlas giải phẫu học cơ thể người vì vậy đã ra đời.

Trước đây, trong trường y của nước ta, môn Giải phẫu học giảng dạy bằng tiếng nước ngoài. Atlas giải phẫu in trắng đen, chú thích bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Latin. Điều này ít nhiều gây khó dễ cho người học, nhất là với những sinh viên trình độ ngoại ngữ còn những hạn chế nhất định.

“Có những cuốn atlas giải phẫu người chính xác về mặt chuyên môn, chuẩn về mặt thuật ngữ bằng tiếng Việt, lại in màu đẹp là ước mơ của người học trong khối ngành sức khỏe”, GS Dũng cho hay.

sobotta anh 1

Sách Sobotta Atlas giải phẫu người (đầu, cổ, chi trên, ngực, bụng, chi dưới). Ảnh: Đ.A.

Theo đánh giá của Hội đồng Giảm khảo Giải Sách Quốc gia hạng mục Sách Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Sobotta Atlas giải phẫu người(đầu, cổ, chi trên, ngực, bụng, chi dưới) in lần thứ 14 bản dịch tiếng Việt đã đáp ứng được những yêu cầu trên.

Sobotta Atlas giải phẫu người(đầu, cổ, chi trên, ngực, bụng, chi dưới) vốn là kiệt tác do nhà giải phẫu học nối tiếng người Đức, GS Giải phẫu học Johannes Sobotta (1869-1945) biên soạn. Sách đã được dịch ra 20 thứ tiếng trên thể giới, qua nhiều lần chỉnh lý, bổ sung với sự tham gia của nhiều nhà giải phẫu học nổi tiếng khác của các trường đại học khối ngành sức khoẻ nước Đức. Trong lần in thứ 14, sách được chỉnh lý, bổ sung hoàn thiện và do hai GS giải phẫu học R. Putz và R. Pabst hiệu đính.

Sách do Elsevier – một công ty xuất bản học thuật, chuyên tài liệu y học và khoa học – in và giữ bản quyền. Bản dịch tiếng Việt do các giảng viên Bộ môn Giải phẫu học, Khoa Y Đại học Y Dược TP.HCM thực hiện. Trong đó có BS Nguyễn Hoàng Vũ, GS.TS.BS Lê Văn Cường, PGS.TS.BS Dương Văn Hải, TS.BS Võ Văn Hải, ThS.BS Nguyễn Xuân Anh, ThS.BS Nguyễn Phước Vĩnh, ThS.BS Trang Mạnh Khôi, ThS.BS Nguyễn Trường Kỳ, ThS.BS Võ Thành Nghĩa, BS Nguyễn Trung Hiếu.

Sobotta Atlas giải phẫu người có phần hướng dẫn sử dụng sách rất chi tiết và khoa học. Sách gồm 13 chương, các mục nhỏ được ký hiệu bằng 3 chữ số. 148 nội dung chi tiết với hơn 2.000 hình ảnh được trình bày khoa học, ngắn gọn, dễ hiểu. Mỗi chương được in bằng một màu xác định có sơ đồ tổng quan ngay từ những trang đầu để người đọc tra cứu, theo dõi.

Mô tả rất chi tiết cấu trúc giải phẫu người nhưng sách không làm mất đi tính tổng thể của giải phẫu người. Theo GS Dũng, nét đặc sắc này giúp người học tham khảo trong quá trình học tập và áp dụng vào hoạt động lâm sàng về sau.

GS.TS Nguyễn Khoa Cường nhận định bản dịch thể hiện được chính xác nội dung khoa học, đồng thời vẫn giữ lại các thuật ngữ tương ứng bằng tiếng Anh, tạo thuận lợi cho người đọc khi tra cứu, đối chiếu.

Đặc biệt, với mục đích giải phẫu học phục vụ thực hành lâm sàng, các nội dung biên dịch được bổ sung các hình ảnh lâm sàng, tích hợp các kĩ thuật hình ảnh học mới như chụp X – quang, chụp cộng hưởng từ, cắt lớp điện toán…, các hình nội soi, ảnh màu trong lúc mổ, ảnh bệnh nhân với các triệu chứng điển hình – được thiết kế phù hợp với mọi chương trình học.

Với giá trị khoa học, thực tiễn của mình, Sobotta Atlas giải phẫu người (đầu, cổ, chi trên, ngực, bụng, chi dưới) được đề cử tại Giải thưởng Sách Quốc gia 2024.

Hội đồng giám khảo cho rằng cuốn sách có nội dung phù hợp, rất cần thiết cho học tập, nghiên cứu trong đào tạo đại học, sau đại học… Sách đặc biệt có ý nghĩa với hoạt động giảng dạy theo module và áp dụng vào lâm sàng. Theo đó, công trình này sẽ giúp đội ngũ y bác sĩ chẩn đoán bệnh được chính xác hơn, nhất là chẩn đoán định khu, phẫu thuật thực hành và trong thực hành các kỹ thuật của y học truyền thống (châm cứu, bấm huyệt…).

Nguồn: https://znews.vn/ban-do-co-the-nguoi-post1513256.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Điều ẩn sâu trong thế giới lượng tử

Được phát hành

,

Bởi

Theo nhà vật lý lý thuyết Sean Carroll, cơ học lượng tử và thuyết đa Vũ Trụ không chỉ mang lại tri thức khoa học mà còn góp thêm một góc nhìn để trả lời câu hỏi triết học ngàn đời: Ta là ai?

Sự phát triển của cơ học lượng tử trong những năm đầu thế kỷ XX, với những cái tên như Planck, Einstein, Bohr, Heisenberg, Schrödinger, và Dirac là thành tựu trí tuệ vĩ đại trong lịch sử loài người.

The gioi luong tu anh 1

Sách Điều gì đó ẩn sâu. Ảnh: ML.

Chúng ta chưa thực sự hiểu đúng về cơ học lượng tử

Cơ học lượng tử là lý thuyết tốt nhất để giúp chúng ta hiểu về thế giới vi mô, nó mô tả cách thức nguyên tử và các hạt tương tác thông qua các lực của tự nhiên, đem lại những tiên đoán thực nghiệm với độ chính xác đáng kinh ngạc. Các nhà vật lý thiên văn, vật lý hạt, vật lý nguyên tử, vật lý laser – tất thảy họ ngày ngày đều sử dụng cơ học lượng tử. Chất bán dẫn, transitor, vi mạch, laser và bộ nhớ máy tính đều hoạt động dựa trên cơ học lượng tử.

Tuy nhiên, trong cuốn Điều gì đó ẩn sâu Sean Carroll lại chỉ ra một điều nghe có vẻ thật lạ lùng nhưng lại đang diễn ra trong ngành vật lý lý thuyết đó là cơ học lượng tử là lĩnh vực ai cũng “kinh sợ”.

Nguyên nhân của sự “kinh sợ” này là các nhà vật lý chân chính thừa nhận rằng chúng ta chưa thực sự hiểu đúng về cơ học lượng tử, dù chúng ta đang sử dụng khoa học lượng tử để thiết kế những công nghệ tiên tiến và tiên đoán kết quả thử nghiệm.

Theo Sean Carroll, từ thuở bình minh của lĩnh vực này cho đến nay, các nhà vật lý vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về nền tảng thực sự của cơ học lượng tử và vẫn chưa đi đến thống nhất về cơ học lượng tử thực sự nói gì.

Các nhà vật lý có xu hướng sử dụng cơ học lượng tử để giải thích thế giới. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể làm được điều đó, bởi có những cách xử lý phổ biến có khuynh hướng cường điệu hóa rằng cơ học lượng tử mang tính huyền bí, khó giải thích, không thể thấu hiểu. Điều này đi ngược với những nguyên tắc căn bản của khoa học, trong đó bao gồm quan niệm cho rằng thế giới về cơ bản là có thể hiểu được.

Điều này cũng dẫn tới tình trạng nhiều cơ sở nghiên cứu không coi trọng việc tìm hiểu ý nghĩa của cơ học lượng tử. Các nhà khoa học chỉ coi trọng những kết quả hữu hình – những công nghệ mới lạ, những tiên đoán cụ thể, có khả năng thương mại hóa.

Trước thực trạng này, tác giả đặt ra câu hỏi: Vậy ai sẽ tìm hiểu về bức tranh toàn cảnh, mà nếu không có nó, ngành Vật lý rất khó đi được xa thêm?

The gioi luong tu anh 2

Nhà vật lý lý thuyết Sean Carroll. Nguồn: preposterousuniverse.

Cơ học lượng tử và thuyết đa Vũ Trụ

Điều gì đó ẩn sâu là nỗ lực của Sean Carroll trong việc lấy lại vị thế của cơ học lượng tử. Sách cố gắng làm cho cơ học lượng tử dễ hiểu – ngay cả khi chúng ta vẫn chưa hiểu được nó – và việc đạt được những hiểu biết như vậy phải là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của khoa học hiện đại.

Cơ học lượng tử là độc nhất vô nhị trong số các lý thuyết vật lý nhằm mô tả sự khác biệt rõ ràng giữa những gì chúng ta quan sát thấy với những gì mới là thực tại. Điều đó đặt ra thách thức đặc biệt đối với tư duy của các nhà khoa học (và toàn thể những người còn lại), những người đã quá quen thuộc với lối suy nghĩ về những gì chúng ta quan sát thấy là “thực tế” không phải bàn cãi và cố gắng giải thích mọi thứ cho phù hợp.

Nhưng đó không phải là chướng ngại vật không thể vượt qua, và nếu giải phóng được tư duy của mình khỏi lối tư duy trực giác và lạc hậu thì chúng ta sẽ thấy rằng cơ học lượng tử không hề huyền bí một cách tuyệt vọng hoặc không thể giải thích được. Nó chỉ đơn thuần là vật lý mà thôi.

Điều gì đó ẩn sâu cũng chỉ ra những bước tiến trong việc thấu hiểu cơ học lượng tử đã đạt được, theo cách tiếp cận mà tác giả cho là con đường nhiều triển vọng nhất: Cách diễn giải Everett (*) hay đa Vũ Trụ về cơ học lượng tử.

Theo tác giả sách, cơ học lượng tử là rường cột chống đỡ các định luật khoa học mô tả hành vi bất thường của photon, electron hay bất kỳ hạt nào tạo nên Vũ Trụ.

Còn đa Vũ Trụ – giả thuyết về các Vũ Trụ tồn tại song song như trong phim khoa học viễn tưởng, nơi tồn tại bản sao của con người Trái Đất – là “phương pháp thuần khiết nhất” để hiểu cơ học lượng tử. Đó cũng chính là đích đến nếu chúng ta bước trên cung đường có ít sự chống cự nhất khi bàn về các hiện tượng lượng tử một cách nghiêm túc.

Bằng những câu chuyện hay cuộc đối thoại, Carroll dẫn dắt người đọc kết nối những kinh nghiệm thường ngày của chúng ta với một thế giới đa Vũ Trụ.

Theo Carroll “Tất cả đều là lượng tử”; những lý thuyết về hàm sóng và đa Vũ Trụ không chỉ mang lại tri thức khoa học mà còn góp thêm một góc nhìn để trả lời câu hỏi triết học ngàn đời: Ta là ai? Ta đang ở đâu? Ta sẽ như thế nào?

Ví dụ ta là chính ta của ngày hôm qua nhưng đồng thời cũng khác, và sẽ một phần, nhưng không phải toàn bộ, của ta ngày mai. Và cùng một thời điểm này, theo đa Vũ Trụ, sẽ có rất nhiều “ta” ở những Vũ Trụ khác nhau. Những bản sao không ngừng được sinh ra.

Điều gì đó ẩn sâu cũng nêu lên những lý thuyết đề xuất mới mẻ, chưa hoàn toàn được công nhận, trong nỗ lực tìm hiểu bản chất của không – thời gian, và nguồn gốc cùng với số mệnh sau cùng của Vũ Trụ. Đồng thời, sách cũng xem xét các nghiên cứu quan trọng khác từ góc độ cơ học lượng tử, ví dụ như những công bố về lỗ đen của Stephen Hawking.

——————–

*. Ý tưởng đa Vũ Trụ ban đầu do nhà vật lý Hugh Everett viết trên một tờ báo vào năm 1957.

Nguồn: https://znews.vn/dieu-an-sau-trong-the-gioi-luong-tu-post1513275.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Chỉ có bạn mới trả lời được câu hỏi của cuộc đời mình

Được phát hành

,

Bởi

108 chủ đề được bàn luận trong sách đều là những vấn đề rất thiết thực, gần gũi, đặc biệt trong giai đoạn nhân loại chịu nhiều tổn thất sau đại dịch Covid, như: cách điều khiển những cảm xúc tiêu cực; cách lắng nghe tâm trí và thân thể mình; cách đặt ra lằn ranh cho bản thân; cách để ngừng trì hoãn và thực hiện những điều mình yêu thích, v.v…

Khi bạn trao cho người khác quyền được quyết định xem bạn có đáng được yêu thương hoặc có giá trị hay không, bạn đã tự phản bội chính mình rồi.

Sự hài lòng đến từ bên trong

Nếu có thể dành cho chính mình lúc trẻ một lời khuyên, thì tôi sẽ bảo rằng: Sự hài lòng không nằm ở đâu xa vời cả; nó ở ngay trong mình.

Khi bạn trao cho người khác quyền được quyết định xem bạn có đáng được yêu thương hoặc có giá trị hay không, bạn đã tự phản bội chính mình rồi, bạn thân yêu ạ. Khi bạn hướng tới người khác để đạt được sự công nhận rằng mình đã “đủ giỏi” hay đang làm “tốt”, bạn chỉ đang tự tạo khoảng cách với con người thật của mình.

Hãy nhìn vào sâu bên trong và lắng nghe bản thân.

Hai long anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: BBC.

Bạn là người duy nhất hiện diện mọi ngày trong cuộc đời của bạn. Khi đưa ra những quyết định dựa trên những gì hợp lý hoặc không đối với mình, bạn đã kiến tạo một cuộc đời chân thật của riêng mình. Mọi ý kiến khác sẽ dần phai đi một khi bạn trân trọng và tin tưởng vào những điều mang lại cho bạn ý nghĩa và hạnh phúc.

Khi những tiếng ồn của thế giới bên ngoài trở nên quá náo nhiệt – điều chắc chắn sẽ xảy ra – hãy nhớ ngừng lại, đứng yên, và tự hỏi mình:

Điều gì phù hợp và chân thành nhất đối với mình?

Hãy để câu hỏi đó chín muồi cho tới khi câu trả lời từ từ hiện ra. Và rồi thực hiện điều đó.

Tận dụng tài năng của mình

Tôi từng trò chuyện với một tiểu thuyết gia về cuốn sách cô ấy đã ấp ủ suốt mười năm (tận mười năm!). Khi tôi hỏi cuốn sách đã được viết đến đâu rồi và khi nào tôi có thể đọc thử, cô ấy bảo, “Ồ, tớ không biết nữa. Có quá nhiều tiểu thuyết đã được viết rồi. Tớ không biết có đáng để viết không. Đằng nào thì cũng đã có người thực hiện nó rồi.”

Trong mọi nỗi sợ liên quan đến niềm thôi thúc và ước mơ mà tôi từng được nghe kể, “Đã có người thực hiện rồi” là thứ khiến tôi đau lòng nhất.

Dĩ nhiên, đúng là đã có hàng triệu quyển sách, bộ phim và các phát minh được sáng tạo trên thế giới này. Nhưng bạn có muốn biết thêm một sự thật không?

Chưa thứ nào trong số đó được sáng tạo bởi bạn.

Khi truyền tải những kinh nghiệm sống, góc nhìn và cảm xúc của mình vào một tác phẩm – một thứ gì đó phản ánh lòng hiếu kỳ và chuyện đời của bạn – những gì bạn tạo ra sẽ chân thật, nguyên bản và độc nhất.

Vì vậy, mỗi khi bạn chùn bước vì nghĩ rằng “đã có người thực hiện điều đó rồi” – hãy nhớ lấy điều này:

Có thể nó đã được thực hiện. Nhưng nó chưa được thực hiện bởi bạn.

Tận dụng tài năng của mình sẽ mang lại rất nhiều điều kì diệu, niềm vui và bất ngờ cho cuộc sống của bạn – nếu bạn chấp nhận chúng. Hãy xem như đây là lời mời gọi bạn tiến một bước nhỏ đến điều đang thôi thúc mình ngày hôm nay.

Tìm sự tường tận trong hành động

Một dược sĩ từng tìm đến tôi với mong mỏi được kết nối với bản chất nghệ sĩ bên trong mình. Khi chia sẻ những hoài bão và ước mơ với tôi, cô ấy luôn kéo theo sau một chuỗi các câu hỏi “lỡ như”:

Lỡ như tôi không thích làm điều đó? Lỡ như tôi không giỏi làm điều đó? Lỡ như nó không thành công? Lỡ như hoá ra nó khác với những gì tôi nghĩ? Lỡ như tôi đang phí phạm thời gian của mình?

Lỡ như…Lỡ như…Lỡ như…

Cuộc trò chuyện đó khiến tôi nhớ lại quãng thời gian chuẩn bị tiến một bước trọng đại ở một hướng đi mới, nhưng lại bị mắc kẹt ở giai đoạn chuyển giao, cố gắng hiểu tường tận mọi thứ trước khi dám cất bước đầu tiên.

Dù là rời khỏi thế giới công nghệ để theo đuổi con đường nghệ thuật, chuẩn bị “chời bài ngửa” trong một mối quan hệ, hay tạo ra một thay đổi lớn trong việc kinh doanh của mình – tôi từng nghĩ rằng một khi có được “kế hoạch hoàn hảo” thì mới có thể bắt đầu được.

Sự thật là như thế này: Không có kế hoạch nào là hoàn hảo cả. Sự rõ ràng sẽ đến khi ta hành động. Chúng ta không thể biết chắc được điều gì thành công hay thất bại, có thích hợp hay khôgn, cho đến khi tự mình nhìn thấy, chạm vào trải nghiệm. Chỉ khi đó ta mới có được sự khôn ngoan và hiểu biết để tự điều chỉnh và phát triển – rồi từ đó đưa ra các lựa chọn sáng suốt hơn để bước tiếp.

Bạn có đang chờ một kế hoạch hoàn hảo để bắt đầu theo đuổi điều gì đó? Thay vào đó, bước đầu tiên bạn có thể làm là gì?

Hãy nhớ rằng: Sự rõ ràng theo sau hành động. Từng bước, từng bước một.

Nguồn: https://znews.vn/ai-la-nguoi-ban-can-lam-hai-long-nhat-post1513431.html

Tiếp tục đọc

Xu hướng