Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều vừa nhận được bức thư từ Ủy ban Nobel thuộc Viện Hàn lâm Thụy Điển. Nội dung thư có đoạn: “Thay mặt cho Viện Hàn lâm Thụy Điển, chúng tôi vinh dự mời ngài đề cử một ứng viên Việt Nam tham dự xét giải Nobel Văn chương năm 2022”.
Bức thư do ông Anders Olsson, Chủ tịch Ủy ban Nobel, ký tại Stockholm vào tháng 12/2021. Thư đến tay ông Nguyễn Quang Thiều khi thời hạn đề cử đã qua (thời hạn nhận đề cử cho giải Nobel Văn chương 2022 là ngày 31/1).
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói ông sẽ viết thư hồi đáp, cảm ơn Ủy ban Nobel đã quan tâm tới nền văn học của chúng ta. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ góc nhìn về giải Nobel Văn chương và vấn đề quảng bá văn học Việt ra thế giới.
Ông Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: Thạch Thảo. |
Một khởi đầu tốt đẹp
– Khi nhận thư từ Ủy ban Nobel, cảm xúc của ông ra sao?
– Tôi vui, xúc động vì lần đầu tiên trong lịch sử, Hội Nhà văn Việt Nam nhận được thư đề cử từ Ủy ban Nobel. Chắc chắn họ phải có thông tin về chúng ta.
Những năm gần đây, sự xuất hiện của các nhà văn Việt Nam trên thế giới nhiều hơn, rộng hơn, được dịch ở nhiều thứ tiếng như Pháp, Mỹ, Anh, Tây Ban Nha… Đó là các nước có nền văn học mạnh, phát triển.
Khá nhiều tác giả Việt đã nhận những giải thưởng văn học ở các quốc gia đó như: Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê…
Có thể từ những tín hiệu đó, hoặc chủ trương của Ủy ban Nobel muốn khám phá vào những vùng văn học mà họ chưa biết đến, nên họ có thư gửi Hội Nhà văn Việt Nam, cho dù thư đến muộn.
– Ông có nuối tiếc khi bức thư đến muộn?
– Tôi không nuối tiếc vì thư đến muộn. Đây là khởi đầu tốt đẹp, một giải thưởng danh giá nhất ở lĩnh vực văn chương đã để ý đến, kể tên Việt Nam là một trong những đối tượng mà họ muốn kiếm tìm giá trị văn chương. Đó là tín hiệu vui cho văn học Việt Nam.
– Nếu thư đến kịp, ông sẽ giới thiệu tác giả nào, tiếng nói nào của văn chương Việt đến hội đồng xét giải Nobel?
– Theo tôi được biết các đối tượng được mời đề cử cho giải thưởng gồm: Tổ chức, cá nhân giảng dạy, phê bình uy tín trên thế giới, người từng đoạt giải Nobel.
Đây là thư mời tôi đại diện cho tổ chức (Hội Nhà văn Việt Nam). Tôi nghĩ Hội Nhà văn Việt Nam phải ngồi với nhau để lắng nghe, chọn lựa nhà văn.
Chúng ta phải đưa vấn đề ra các nhà phê bình văn chương, nhà nghiên cứu, nhà báo… để cùng bàn thảo, chọn lựa. Ta chưa có một tác giả bứt hẳn lên, có ảnh hưởng kéo dài trong một thời gian và tầm ảnh hưởng trên thế giới nhưng vẫn cần giới thiệu để họ tiếp cận phần nào văn học Việt.
– Khi thư mời đề cử nhà văn Việt cho giải Nobel được công bố, có luồng quan điểm cho rằng Việt Nam khó có tác giả, tác phẩm xứng tầm. Ông nghĩ sao về nhận định đó?
– Chúng ta từng đọc nhiều tác phẩm của nhà văn đoạt giải Nobel. Khi tác phẩm Nobel dịch ở Việt Nam, có người nói viết như này thì Nobel không phải khó quá, chẳng qua văn học Việt chưa được dịch nhiều, nếu dịch thì chúng ta không kém cạnh, sẽ có ứng viên sáng giá. Có những tác giả trong nước chưa phải ngôi sao sáng, khi dịch ra nước ngoài lại được đánh giá cao.
Mỗi phía đều có lý cả. Chúng ta đang đợi chờ ứng viên xứng đáng, tức là đang đòi hỏi nghiêm cẩn ở văn chương nước nhà. Đó là thái độ của chúng ta với văn học.
– Trong các nhà văn đương thời, theo ông, có những gương mặt nào sáng giá?
– Ở đây, tôi muốn nói về những tác phẩm giá trị, tác giả cống hiến, chứ chưa bàn đến việc họ sẽ được giải thưởng gì. Những tác giả đương thời như Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư, Mai Văn Phấn… được đọc nhiều, dịch nhiều, đoạt giải thưởng văn chương trên thế giới.
Có những tác giả như Mai Văn Phấn, có sách dịch trên 10 ngôn ngữ, ông cũng đoạt giải Cikada – một giải thưởng thơ quan trọng của Thụy Điển.
Ông Nguyễn Quang Thiều cho biết Hội Nhà văn Việt Nam đang thực hiện công việc truyền bá văn chương Việt ra thế giới. Ảnh: Việt Linh. |
Cần có chiến lược, hành động truyền bá văn chương Việt
– Theo ông, giải Nobel ảnh hưởng gì tới đời sống văn chương Việt?
– Hàng năm, giới văn chương, phê bình, sáng tác đều đợi chờ vào tháng 10 khi giải công bố. Mỗi lần một cái tên được xướng lên, giới văn chương đều đi kiếm tìm tác phẩm của người được giải để đọc. Tác giả được trao Nobel, với bất cứ lý do nào, quốc tịch nào, ngôn ngữ nào, cũng ở tầm cỡ nhất định.
Nobel luôn là nơi giữ gìn giá trị, sẽ tác động rất nhiều tới văn đàn trong nước.
– Theo ông, chúng ta cần làm gì để quảng bá văn chương Việt ra thế giới?
Văn chương Việt và bạn đọc thế giới giống hai người đứng ở hai bờ sông mà không có con đò nào kết nối. Cần chiến lược và hành động để truyền bá văn chương Việt.
Ông Nguyễn Quang Thiều
– Chúng tôi trình Chính phủ dự án dịch thuật, không chỉ nhằm tiếp cận Nobel, mà để giới thiệu những di sản văn học từ cổ điển đến đương đại ra thế giới. Nhiều nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều có chiến dịch quảng bá văn học tốt. Ngay cả một nước từng có mấy giải Nobel như Ba Lan cũng có viện dịch thuật để truyền bá tác phẩm.
Chúng ta phải làm điều đó, không chỉ từ nỗ lực của nhà văn, mà cần Nhà nước, Chính phủ… đồng hành. Việc này đòi hỏi chiến lược, chọn lựa, tư duy, ngân sách, sự am hiểu về bạn đọc trên thế giới…
Ngay trong nhiệm kỳ này, Hội Nhà văn đang tiến hành những công việc nhằm truyền bá văn học Việt Nam ra thế giới.
– Có ý kiến rằng văn chương Việt không phải chưa hay, mà do chúng ta viết bằng ngôn ngữ ít người trên thế giới biết. Ông nghĩ sao về điều này?
– Đó là một thiệt thòi. Sáu năm trước, dịch giả Điền Tiểu Hoa dịch 40 truyện ngắn Việt sang tiếng Trung. Khi bà đưa bản dịch cho các dịch giả khác, bà cùng đồng nghiệp đánh giá: Truyện ngắn Việt Nam xuất sắc, một nền văn học rất đáng nể trọng.
Lâu nay chúng ta và bạn đọc thế giới giống như hai người đứng ở hai bên bờ sông mà không có con đò nào để kết nối hai bên đến với nhau.
Hội nghị quảng bá văn học Việt của Hội Nhà văn trước kia mới là một lời chào, rằng “chúng tôi là Việt Nam, chúng tôi có một nền văn học”. Còn nền văn học ấy như thế nào, có tác giả tác phẩm nào, giờ chúng ta phải dịch nhiều hơn. Tôi tin thế giới sẽ biết về văn chương Việt Nam nhiều hơn.