Với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến biến phức tạp, Bộ GD&ĐT đã chốt tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 thành 2 đợt.
Đợt 1 của kỳ thi diễn ra vào các ngày 7-8/7 cho thí sinh không ở những nơi bị phong tỏa, cách ly xã hội, không thuộc nhóm đối tượng F0, F1, F2 theo phân loại của ngành y tế. Những thí sinh không thể tham gia thi đợt 1 sẽ được thông báo trước ngày 5/7.
Việc dời lịch thi hay tổ chức kỳ thi thành nhiều đợt không ảnh hưởng chỉ tiêu tuyển sinh chung của các trường. Nhưng trường đại học có thể điều chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức, đặc biệt là điều chỉnh tăng chỉ tiêu xét tuyển học bạ THPT, xét tuyển kết hợp.
Đại diện nhiều trường đại học cho biết họ đang chờ thông tin bao nhiêu địa phương phải tổ chức thi trong đợt 2 để phân chia tỷ lệ xét tuyển một cách hợp lý.
Có kinh nghiệm từ năm 2020, ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, lường trước vấn đề dịch bệnh có thể ảnh hưởng kỳ thi tốt nghiệp THPT nói chung, cũng như tuyển sinh của các trường nói riêng. Nhà trường đã tăng đáng kể chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp thí sinh có chứng chỉ SAT, IELTS, TOEFL, tham dự kỳ thi Đường lên đỉnh Olympia, học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia.
Năm nay, trường sẽ tuyển 6.000 chỉ tiêu, cho 54 mã ngành/chương trình, bằng 3 phương thức. So với năm ngoái, phương thức xét dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm 10% chỉ tiêu. Số chỉ tiêu này được chuyển sang cho phương thức xét tuyển kết hợp.
Các trường nhận hồ sơ xét tuyển trực tuyến. Ảnh: ĐH Bách khoa TP.HCM. |
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho hay, chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ THPT của trường là 40%, khoảng 1.400 sinh viên. Trường sẽ dành 5-10% chỉ tiêu cho đợt thi tốt nghiệp THPT thứ 2.
Thời gian nhập học của phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ THPT là như nhau, khoảng giữa tháng 8. Do đó, hiện nay, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng điểm học bạ THPT.
PGS Nguyễn Trường Thịnh, phụ trách ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho hay kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 chia làm 2 đợt, trường sẽ điều chỉnh lại đề án tuyển sinh, có thể tăng chỉ tiêu xét tuyển học bạ.
Chỉ tiêu xét tuyển học bạ sẽ được điều chỉnh phù hợp, tùy theo ngành nghề và hệ đào tạo. Đặc biệt, phương án tăng chỉ tiêu xét học bạ chỉ dành cho một số ngành khó tuyển hay thí sinh đăng ký ít.
Tương tự, ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển học bạ nhưng cần phải chờ thêm thông tin số lượng thí sinh dự thi mỗi đợt để xem xét.
Đối với ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF), năm 2021, trường tuyển sinh 29 ngành. Hiện tại, nhà trường giữ ổn định chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh như trong đề án đã công bố.
Theo đó, trường xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT (65%), dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM (5%), dựa vào học bạ THPT điểm tổ hợp 3 môn năm lớp 12 từ 18 điểm trở lên (15%), dựa vào học bạ THPT với tổng điểm trung bình 5 học kỳ từ 30 điểm trở lên (15%).
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh UEF, cho biết tất cả phương thức xét tuyển khi trúng tuyển đều học chung, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sinh viên, chương trình đào tạo, giá trị bằng cấp, chính sách học bổng tuyển sinh 25%, 30%, 50%, 100% như nhau, không có bất cứ sự phân biệt nào. Vì vậy, thí sinh có thể sử dụng một trong các phương thức hoặc tất cả phương thức xét tuyển để tăng cơ hội trúng tuyển của mình.
Nhiều trường đại học tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT cho đến giữa tháng 7. Đồng thời, các trường cũng cho thí sinh đăng ký xét tuyển online để tạo thuận lợi cho thí sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Đối với UEF, sau khi đăng ký online, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển qua đường bưu điện hoặc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tiếp tại trường.
Trường hợp thí sinh đến nộp hồ sơ trực tiếp tại trường, thí sinh phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định tại trường: Đeo khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế, giữ khoảng cách, nộp hồ sơ từng thí sinh không đi theo nhóm nhiều người.
Một số trường khác xét tuyển học bạ hoặc xét tuyển kết hợp như ĐH Tài chính – Marketing, khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng cho thí sinh đăng ký online, sau đó chuyển lệ phí hoặc nộp hồ sơ qua bưu điện, không nhận hồ sơ trực tiếp.
Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF) đồng hành cùng Zing thực hiện tuyến nội dung “Tiếp sức mùa thi 2021” nhằm cung cấp cho các sĩ tử hành trang thi cử, tuyển sinh trước thềm vượt vũ môn.
Năm 2021, UEF tiếp tục thu hút thí sinh xét tuyển bằng phương thức xét học bạ THPT và dành hơn 50 tỷ đồng mỗi năm để trao các suất học bổng cho tân sinh viên từ 25%, 50% đến 100% học phí. Trường nổi bật với chương trình đào tạo song ngữ 50% thời lượng học tập tiếng Anh, học thực tế tại doanh nghiệp, trải nghiệm học kỳ quốc tế dành cho mọi sinh viên trúng tuyển bất kể phương thức nào.
Thí sinh tham gia xét tuyển vào trường đăng ký tìm hiểu thông tin tại đây.