Đọc trong cảm giác của những đánh lừa thường trực, thách thức những mĩ cảm truyền thống và cả sự kiên nhẫn của một người luôn hụt hơi trong cuộc rượt đuổi chữ nghĩa. Có cảm giác, trường từ vựng của Trang Thanh, trong thơ, là một mê hồn trận.
Ở đó, chữ và chữ, khi thì chen lấn, chồng chất, khi lại nhoay nhoáy, thia lia như viên sỏi được ném băng ngang mặt hồ nước lặng. Rồi rũ ra, rồi chìm. Ấy là khi đã bắt đầu mon men đặt chân đến khu vườn huyền bí của thơ Trang Thanh. Khu vườn của mùa thu, của tình yêu và một căn phòng. Mùa thu vĩnh hằng, tình yêu vĩnh cửu và căn phòng vĩnh viễn đóng khung bằng hoài niệm quá khứ. Bằng cách đó, Thanh không hiển lộ.
Thanh không không phải là một tập hợp, dồn ghép mang tính cơ học của các bài thơ mà là một bài thơ dài, một trường thiên tự sự. Ở đó, mỗi bài thơ là một khúc đoạn, một lát cắt của ý nghĩ, trong chuỗi mạch câu chuyện tình yêu. Một thứ tình yêu gắn với con người cụ thể, tình cảnh cụ thể. Một câu chuyện của cá nhân được kể lại bằng những kí ức, đôi khi vụn vặt; bằng những liên tưởng, đôi khi chắp nối; bằng những ẩn ức, đôi khi phô bày: em biết không / nỗi phấp phỏng trong ta / chờ một tiếng thu reo là đập cánh… và: hãy nhổ cho thật sạch / nỗi trầm uất đang chực bật mầm.
Những câu thơ trên chính là lời tự thuật của nhà thơ. Đó là mạch nguồn cảm hứng xuyên suốt cả tập thơ, cũng là giọng điệu chủ đạo trong thơ Trang Thanh. Nó gợi ra một thức nhận về bản năng thi sĩ của nhà thơ, và cả ý tưởng mà nhà thơ định phơi bày. Không phải và không nên coi đó là thông điệp mà nhà thơ muốn gửi gắm. Tôi nghĩ thế.
Thanh không là một chuyến đi dài, về những miền thân thuộc xa thẳm. Ở đó, lung linh rực sáng một chân trời kỉ niệm. Không phải êm đềm, mà là những cơn sóng lừng mạnh mẽ; không phải dịu ngọt, mà là những đắng đót lên men; không phải bình an, mà là những đa đoan số phận.
Thanh không là một giấc mơ triền miên trong trò chơi định mệnh. Nó đem lại những khoái cảm của mong ước vụn vỡ. Nó đem lại những bất an của âu lo thảng thốt. Nó đóng đinh một dự cảm về hạnh phúc vời xa, về những khát khao ngoài tầm tay với: ngày tình yêu trắng đá phong rêu người đàn bà ngồi khóc / son phấn gẫy ngang gò má.
Nhà thơ Trang Thanh. |
Người thơ ấy, mạnh mẽ và can trường, bé nhỏ và tội nghiệp, khôn ngoan và vụng dại, si mê và cuồng điên… trong cuộc tình mộng du cõi người. Đi qua tập thơ, người đọc dễ rơi vào trạng thái ám thị của cảm thức, với hình ảnh đóa hoa mẫu đơn một mình nhưng nhức đỏ/ nỗi nhớ cũ buồn người thiếu phụ/ đeo kính khóc một mình trong nắng tàn thu.
Mặc cảm tình yêu chính là mặc cảm thân phận. Nó xóa nhòa mọi ranh giới của thực – ảo, của quá khứ-hiện tại: Chúng ta đang ở đâu / thế giới chật đầy lo âu sợ hãi.
Chuyển đổi linh hoạt và luân phiên các chủ thể chữ tình em, anh, nàng, chúng ta thực ra là những biến thể của một cảm thức, một tâm trạng. Nó giống nhau ở giọng điệu có cùng tần số và sự lặp lại của ý nghĩ, của hình ảnh, thậm chí, của rất nhiều hành động, từ vô thức.
Ngôn từ luôn tố cáo tâm thức của kẻ sáng tạo ra nó. Nỗ lực đến mấy, nhà thơ cũng phải đau đớn mà thú nhận, rằng “mình sắp ăn đến những chữ cuối cùng”. Nỗi đau đớn, bất lực của một “kẻ lưu đầy trong thương nhớ”. Ngay cả khi gắng gượng hình dung, hơn là trải nghiệm, về những hạnh phúc vụt ngang như ảo ảnh: thức dậy nào ngày mới của anh / tiếng chuông hẹn ngân lên và giọng em ngái ngủ / anh chạy đến trên đường bay của gió / gió chậm hơn ý nghĩ đang cuộn cuồn hương nhớ / trong anh cuống quýt dại khờ.Thanh không, như tên gọi của nó. Một sự lặng im bay bổng.
Nguồn: https://znews.vn/trong-con-khat-cua-mua-thu-post1451863.html
You must be logged in to post a comment Login