Tôi học cùng Trịnh Công Sơn, ngồi cạnh Sơn cùng một bàn ở lớp nhất Trường tiểu học Trần Quốc Toản. Sau đó, mỗi người rẽ một ngả, tôi học tiếp bậc trung học ở trường Khải Định (lúc này cấp II của trường Khải Định đóng trụ sở ở trường Việt Anh) còn Sơn thì đổi sang học những trường Pháp ở Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn.
Hồi ấy, chúng tôi có giờ âm nhạc hàng tuần với thầy Ngô Ganh và thỉnh thoảng, chúng tôi lại xếp hàng hai đi theo thầy vào học ở hồ Tịnh Tâm. Ở đó chúng tôi ngồi bệt trên nền xi măng, còn thầy thì ngồi ở vị trí tâm của vòng tròn do chúng tôi tạo thành. Chúng tôi vừa vỗ tay đệm nhịp, vừa hát những bài hát thiếu nhi do thầy hoặc những nhạc sĩ khác ở Huế sáng tác.
Tôi luôn luôn xếp hàng đi bên cạnh hoặc ngồi học nhạc ở hồ Tịnh Tâm kế bên Trịnh Công Sơn. Chắc là thầy Ngô Ganh không thể ngờ rằng cậu bé có chiếc răng khểnh và được thầy vỡ lòng bằng những bài hát thiếu nhi đương thời như Trăng đóm đèn hoặc Chuột cắp trứng năm ấy, bây giờ lại là một nhạc sĩ tài danh, với một sự nghiệp lừng lẫy, tên gọi Trịnh Công Sơn.
Tranh vẽ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của họa sĩ Đinh Cường in trong cuốn sách. Nguồn: NXB Trẻ cung cấp. |
Trong cuộc đời nhạc sĩ của mình, theo tôi biết, thì Trịnh Công Sơn cũng viết một ít cho thiếu nhi, nhất là vào giai đoạn cuối và vào thời đi dạy học ở B’lao về Huế nghỉ hè. Vào khoảng những năm 1964-1965, Trịnh Công Sơn có hát cho tôi nghe trong một quán cà phê ở Thành Nội bài hát Ông tiên vui. Tôi vẫn còn nhớ những câu cuối của bài hát ấy: “Ông tiên vui ông thường hay nói dối – chốn thiên đình không có tháng ngày trôi…”
Không phải Sơn không quan tâm đến thiếu nhi, ngược lại là đằng khác, mà vì tâm trạng của Sơn đã quá “già” so với tuổi thơ ngây của các cháu. Tất cả sự nghiệp của Sơn chủ yếu là dành cho lứa tuổi thanh niên, trĩu nặng ưu tư, về chiến tranh, thân phận và tình yêu.
Huế trong những năm tháng đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX đang rạo rực một cơn chuyển mình để thoát ra khỏi những rêu phong của một thành phố cố đô. Trường Mỹ thuật Huế, chung cho cả miền Trung vừa mới được thành lập, với một thế hệ những giáo sư trẻ được mời về từ Pháp. Họ mang theo tư tưởng mới tinh khôi của hội họa phương Tây thời hậu chiến.
Vì thích cái mới của nó trong hội họa, nhiều thanh niên đã rời bỏ Trường Mỹ thuật Gia Định (mà các vị giáo sư đều tài giỏi, nhưng thuộc tầng lớp lớn tuổi, vẫn tiếp tục hướng hội họa cũ), một sinh viên đã từ Nam ra Huế “tìm cái mới”, và từng đoạt giải thưởng quốc tế về nghệ thuật mới (art moderne) là họa sĩ Đinh Cường, bạn thân của Trịnh Công Sơn.
Chính Cường đã nối lại liên lạc của tôi và Sơn sau những năm tháng biệt tin nhau, hồi bấy giờ tôi đang dạy học ở Huế.
Viện Đại học Huế cũng vừa mới được thành lập năm 1957 cung cấp cho thành phố một lực lượng trí thức trẻ là những sinh viên. Chính họ là những tín đồ của triết học hiện sinh lúc bấy giờ cũng đang thịnh hành ở châu Âu, mà hai nghệ sĩ tiêu biểu rất được Huế sùng thượng, J.P. Sartre và A. Camus.
Có thể nói rằng thanh niên ở Huế đã tạm dẹp những sách vở Nho giáo của một thời, để say mê đọc hiện sinh, với hai cuốn La Nausée của J.P. Sartre và l’Étranger của A. Camus. Tuổi trẻ Huế cũng đang mê mải phổ biến nhạc thánh ca da đen với điệu blue quen thuộc và thoang thoảng một chút buồn của những số phận nô lệ, cũng đến từ Pháp hoặc Mỹ qua những đĩa hát và những ca sĩ lừng danh như Dalida.
Đến lượt Huế, thanh niên cũng lại thích nhạc Rock kiểu Pháp, nghĩa là không có đập phá và thác loạn, chỉ một thoáng ngậm ngùi. Thật ra Huế như là một thành phố vệ tinh của Paris, vì cả hai cùng đọc một cuốn sách, cùng hát một bài hát.
Có lẽ cũng cần lưu ý thêm một điều nữa, rằng dành cho việc giải trí của thanh niên lúc bấy giờ, thanh niên Huế cũng không có gì ngoài những quán cà phê và những rạp chiếu bóng. Môn chiếu bóng và những tên tuổi gạo cội của Hollywood như Robert Taylor, Clark Gable, Montgomery Clift, Gregory Peck, Marilyn Monroe, Elizabeth Taylor… và những không gian lớn của miền Viễn tây Mỹ đã cuốn hút và làm thay đổi khiếu thẩm mỹ của thanh niên Huế.
Nhất là về sau này, xuất hiện một nhân vật với vẻ mặt khắc khổ, dửng dưng với mọi thứ hạnh phúc ở đời, và với một đôi giày lù xù, đi hoang khắp nơi, không cần biết là mình sẽ đi tới đâu, nhân vật ấy tên là James Dean – “Không gian lớn” luôn luôn để lại dấu ấn rất dễ nhận trong hội họa của Đinh Cường; còn vị “anh hùng của sự cô đơn” James Dean trở thành một “mô hình” của thân phận con người rất được yêu mến bởi Trịnh Công Sơn, được anh treo tấm ảnh lớn ở cầu thang.
Không thể nào tìm thấy một niềm hạnh phúc trên đời, ngay cả trong tình yêu. Chủ nghĩa hiện sinh hàm chứa một tư tưởng khổ hạnh về mặt đạo đức. Điều ấy có nghĩa là dù thế nào chăng nữa, thì người ta cũng phải sống một cách xứng đáng hơn, và có lẽ vì vậy, người ta thêm vào đó hai chữ “phi lý” và “trách nhiệm”.
Không có cái gì đáng gọi là hợp lý cả, nhưng con người muốn sống xứng đáng thì phải “đoạt lấy trách nhiệm”. Điều này tỏ ra thích hợp hoàn toàn với Trịnh Công Sơn, và những bạn bè thân thiết của anh.
“Phi lý” là cái lõi tư tưởng của nhân sinh quan của họ Trịnh cùng với các bạn của anh là Đinh Cường và Bửu Ý. Trong khi “trách nhiệm” là nguyên lý ứng xử của nhà thơ Ngô Kha và Hoàng Phủ Ngọc Tường; cả bốn người này luôn luôn gắn bó với nhau trong một không khí gọi là “văn nghệ Huế”.
Ngoài những sự thay đổi ngấm ngầm ấy thì đường phố Huế đầy rẫy xe tang nhà binh, và những đám đông của sinh viên xuống đường đòi chấm dứt chiến tranh. Chính trên bối cảnh gay gắt đó, Trịnh Công Sơn đã bước lên sân khấu của lịch sử âm nhạc Việt Nam, và tạo nên một tên tuổi chói lọi.