Nhắc đến Lý Tiểu Long, người ta nghĩ ngay đến một võ sư – diễn viên huyền thoại, một nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều người trên thế giới. Ông còn là người có tư tưởng, luôn theo đuổi chân lý và giải phóng bản ngã.
Sách Tư duy phi thường – Minh triết cho đời sốngthường nhật. Ảnh: Minh Châu. |
Khơi dậy “hành động” chứ không trừu tượng hóa tư duy
Sách Tư duy phi thường – Minh triết cho đời sốngthường nhật là những chắt lọc tinh túy nhất trong tư tưởng của ông về mọi khía cạnh của cuộc sống, từ tinh thần đến giải phóng bản thân, từ đời sống gia đình đến việc làm phim.
Cuốn sách do biên tập viên John Little – chuyên gia về Lý Tiểu Long, người duy nhất được phép tiếp cận với toàn bộ ghi chép cá nhân, phác thảo và bình chú của Lý Tiểu Long để lại, người có cái nhìn sâu sắc về đời sống, tư tưởng, phương pháp rèn luyện và triết lý – tuyển chọn, biên tập.
Theo John Little, Lý Tiểu Long là người đã làm thay đổi thế giới võ thuật và thế giới điện ảnh châu Á và Mỹ. Tầm ảnh hưởng của Lý Tiểu Long không phải là nhất thời, ông vẫn tiếp tục truyền cảm hứng và khơi dậy tinh thần của rất nhiều người trong nhiều thập niên.
Ngày càng có nhiều người quan tâm đến tư tưởng của Lý Tiểu Long và coi ông như một người có viễn kiến, một triết gia đương đại. Họ tìm thấy trong những tuyên bố của ông lời giải cho những khúc mắc hiện tại, cũng như xem ông là hình mẫu của kỷ luật, sức mạnh và sự thông tuệ.
Triết lý của Lý Tiểu Long chính là sự pha trộn độc đáo giữa phương Đông và phương Tây, giữa triết học cổ điển và lối nghĩ hiện đại. Nó được hình thành trong quá trình học hỏi không ngừng của ông, mà trọng tâm của nó là giải phóng tinh thần bằng việc tự nhận thức bản thân.
Theo John Little, tựa sách gốc Striking thoughts xuất phát từ một tiêu đề Lý Tiểu Long đặt cho loạt cách ngôn (câu nói ngắn gọn, súc tích, có ý nghĩa nhiều mặt, được nhiều người coi là chuẩn mực, khuôn thước…) ông đã viết sau khi đọc cuốn First and Last Freedom (Tự do đầu tiên và cuối cùng) của triết gia Jiddu Krishnamurtri.
Lối trình bày trong cuốn sách cũng được Lý Tiểu Long sử dụng là thủ pháp cách ngôn. Mục đích của cách ngôn là khơi dậy hành động một cách chân thành chứ không trừu tượng hóa tư duy, dù sự trừu tượng đó đúng đắn đến đâu. Nói như một cách ngôn của ông trong cuốn sách đó là “Hồi kết của con người là hành động, mà không phải là tư duy, dù tư duy cao quý nhất”.
Lý Tiểu Long trong phim Long tranh hổ đấu. Nguồn: cinemacao. |
Tự kiến giải và áp dụng
Tư duy phi thường – Minh triết trong đời sống thường nhật của Lý Tiểu Long được trình bày thành 8 phần, tương ứng với 72 chủ đề và 825 cách ngôn.
Phần 1. Những nguyên tắc đầu tiên, gồm 10 chủ đề: Cuộc sống, sự tồn tại, thời gian, gốc rễ, hiện tại, thực tiễn, quy luật, sự lệ thuộc lẫn nhau, sự trống rỗng và cái chết
Phần 2. Làm người, 19 chủ đề: Nhân loại, hành động, vô vi, tâm trí, tư duy, khái niệm, tri thức, ý tưởng, lĩnh ngộ, bản ngã, sự tập trung, lý trí, cảm xúc, hạnh phúc, sợ hãi, ý chí, thiện chí, ước mơ, tinh thần.
Phần 3. Về vấn đề hiện sinh, 13 chủ đề: Sức khỏe, hẹn hò, tình yêu, hôn nhân, nuôi dạy con, giáo dục, giảng dạy, đạo đức, phân biệt chủng tộc, nghịch cảnh, đương đầu, khả năng thích nghi, triết học.
Phần 4. Về thành tựu, 9 chủ đề: Làm việc, chất lượng, động lực, mục tiêu, niềm tin, thành công, tiền bạc, danh vọng, xu nịnh.
Phần 5. Về nghệ thuật và nghệ sĩ, 3 chủ đề: Nghệ thuật, làm phim, diễn xuất.
Phần 6. Về giải phóng cá nhân, 7 chủ đề: Hệ thống, tách rời, vô trí (vô tâm), thiền trong đạo, thiền định, về trở thành trọng tâm, tự do.
Phần 7. Về quá trình trở thành, 6 chủ đề: Thể hiện bản thân, tự lực, tự biết mình, tự thể hiện, trưởng thành, sự đơn giản.
Phần 8. Những nguyên tắc tối hậu (cuối cùng) chủ đề: Âm – dương, tổng thể, đạo, chân lý (sự thật).
Những chủ đề, châm ngôn trên được rút ra từ bao cuộc trò chuyện, phỏng vấn, trao đổi giữa Lý Tiểu Long và các nhà báo, bạn bè và đồng nghiệp. Số khác được ông gõ lại bằng máy chữ, một số được ghi chú nhanh trước khi chúng vượt khỏi tâm trí.
Lý Tiểu Long thường sử dụng cách ngôn mở đầu bằng khía cạnh quen thuộc và quan trọng trong cuộc sống, sau đó đưa ra luận điểm để thức tỉnh mọi người về những chủ đề đang nói đến. Kết quả là độc giả buộc phải tự động não vấn đề, từ đó đưa ra giải đáp cho riêng mình.
Chẳng hạn, nói về chủ đề cuộc sống, ông đưa ra cách ngôn Khởi điểm trống rỗng và cắt nghĩa: “Để thưởng thức ly nước của tôi, đầu tiên bạn phải tìm ly nước của mình đã. Bạn ơi, hãy vứt bỏ hết những định kiến và giữ thái độ trung lập. Bạn có biết vì sao cái ly này nó hữu dụng không? Vì nó rỗng”.
Hay trong chủ đề thích nghi, Lý Tiểu Long đưa ra cách ngôn Hãy tái sinh. Ông cắt nghĩa: “Buông bỏ và xóa tan bế tắc bên trong. Một tư duy thích nghi không bao giờ là tư duy tự do. Xóa sạch và làm tan biến mọi trải nghiệm của tư duy, sau đó hãy “tái sinh”.
Hoặc nói về chủ đề tự do, Lý Tiểu Long đưa ra cách ngôn Về giải phóng bản thân: “Để giải phóng bản thân, hãy quan sát kỹ những gì bạn thực hiện. Đừng chỉ trích hay tán thành, chỉ quan sát”.
Với những cách ngôn như vậy, Lý Tiểu Long thách thức các học trò không chỉ tán đồng hay phản đối, hay nhất nhất tuân thủ giáo lý của ông, mà còn phải phát triển tư duy phản biện. Nói cách khác, bản chất của những cách ngôn của Lý Tiểu Long về cuộc sống là chính bạn phải tự tìm ra giá trị cho bản thân.
Theo lối tư duy này của Lý Tiểu Long thì mọi câu trả lời của ông đều vô giá trị với bất kỳ ai, trừ phi người đó nhận ra giá trị của vấn đề nhờ vào suy nghĩ độc lập của bản thân.
Đây là lý do các ghi chép của Lý Tiểu Long là công cụ hữu hiệu để kéo bạn đi sâu vào tâm trí và rộng hơn là triết học. Nói cách khác, những gì Lý Tiểu Long truyền đạt lại trong cuốn sách này là hoàn toàn để bạn tự kiến giải và áp dụng.