Một cách lý giải hợp lý theo thuyết thích nghi cần điểm tựa là một phép phân tích kỹ thuật độc lập với phần trí óc mà chúng ta đang cố gắng giải thích. Phân tích bắt đầu với một mục tiêu cần đạt được cùng với rất nhiều nguyên nhân và hệ quả để đạt được nó, và đi tiếp đến bước xác định loại thiết kế phù hợp hơn để đạt được mục tiêu ấy.
Thật không may cho những người nghĩ rằng các phân khoa trong một trường đại học phản ánh sự phân chia kiến thức rạch ròi, bởi điều đó có nghĩa là các nhà tâm lý học phải tìm kiếm bên ngoài ngành tâm lý nếu muốn giải thích nhiệm vụ của các phần trong trí óc.
Để hiểu thị giác, chúng ta phải tìm đến quang học và hệ thống thị giác máy tính. Để hiểu chuyển động, chúng ta phải tìm đến robot học. Để hiểu tình dục và những cảm xúc liên quan đến gia đình, chúng ta phải tìm đến di truyền học Mendel. Để hiểu sự hợp tác và xung đột, chúng ta phải tìm đến lý thuyết toán học về trò chơi và mô hình kinh tế.
Khi chúng ta có một bản “thông số kỹ thuật” cho một trí óc được thiết kế tốt, chúng ta có thể xem Homo sapiens có kiểu trí óc đó không. Chúng ta thực hiện các thí nghiệm hoặc khảo sát để đào sâu vào sự thật về một chức năng tinh thần, sau đó xem liệu chức năng có đáp ứng các thông số kỹ thuật không: xem liệu nó có cho thấy các dấu hiệu của sự chính xác, phức tạp, hiệu quả, độ tin cậy và chuyên môn hóa trong việc giải quyết vấn đề được giao hay không, đặc biệt là so với số lượng lớn các thiết kế thay thế có thể phát triển về mặt sinh học.
Logic của kỹ thuật đảo ngược đã hướng dẫn các nhà nghiên cứu về nhận thức thị giác (visual perception) trong hơn một thế kỷ, và đó có thể là lý do chúng ta hiểu về thị giác rõ hơn bất kỳ phần nào khác của trí óc. Chẳng có lý do gì mà kỹ thuật đảo ngược được hướng dẫn bởi lý thuyết tiến hóa lại không mang lại cái nhìn sâu sắc về các phần còn lại của trí óc.
Một ví dụ thú vị là lý thuyết mới về chứng ốm nghén của nhà sinh học Margie Profet. Nhiều thai phụ cảm thấy buồn nôn và không thể chịu được một số loại thực phẩm nhất định. Mặc dù chứng ốm nghén của họ thường được giải thích là tác dụng phụ của hormone, nhưng không có lý do gì để hormone có thể gây buồn nôn và sự khó chịu với thức ăn chứ không phải là, chẳng hạn, sự tăng động, tính hung hăng hoặc ham muốn.
Ốm nghén là cơ chế phòng vệ được hình thành trong quá trình tiến hóa. Nguồn: cerrahi. |
Lý giải kiểu Freud cũng không đem lại sự thỏa mãn: ốm nghén đại diện cho sự ghê tởm của người phụ nữ đối với người chồng và mong muốn vô thức với việc đào thải thai nhi qua đường miệng.
Profet dự đoán rằng ốm nghén khi mang thai sẽ mang lại một số lợi ích bù đắp cho sự suy giảm dinh dưỡng và năng lực. Thông thường, buồn nôn là một chế độ bảo vệ cơ thể khỏi việc ăn phải độc tố: thực phẩm độc hại được đẩy ra khỏi dạ dày trước khi có thể gây hại và sự thèm ăn với các loại thực phẩm tương tự sẽ giảm đi trong tương lai.
Có lẽ chứng ốm nghén bảo vệ phụ nữ khỏi việc ăn hoặc tiêu hóa các loại thực phẩm có độc tố có thể gây hại cho thai nhi đang phát triển.
Kể cả với mấy tiệm rau củ sạch xung quanh nhà bạn thì cũng không có gì đặc biệt lành mạnh trong thực phẩm tự nhiên. Cây bắp cải, một sinh vật phát triển theo thuyết Darwin, không hề có mong muốn bị ăn nhiều hơn bạn, và vì không thể tự bảo vệ bản thân mình bằng hành động nên nó dùng đến “chiến tranh hóa học”.
Hầu hết loài thực vật đã phát triển hàng chục chất độc trong mô của chúng: chất trừ sâu, chất chống côn trùng, chất gây kích ứng, chất làm tê liệt, chất độc và các biện pháp khác để chống lại động vật ăn cỏ. Đến lượt động vật ăn cỏ, chúng cũng tiến hóa các biện pháp đối phó, như lá gan có thể giải độc và cơ quan vị giác cảm nhận vị đắng để ngăn chặn cảm giác muốn tiếp tục ăn những chất độc ấy.
Nhưng các biện pháp phòng thủ thông thường có thể không đủ để bảo vệ một phôi thai bé nhỏ.
Đến đây, thuyết này nghe có vẻ không hợp lý hơn thuyết nôn-ra-em-bé kiểu Freud, nhưng Profet đã tổng hợp hàng trăm nghiên cứu được thực hiện độc lập với nhau và độc lập với giả thuyết của bà để chứng minh nó.
Bà đã tỉ mỉ chứng minh bằng tư liệu rằng:
(1) Những độc tố thực vật ở liều lượng mà người lớn chịu được lại có thể gây dị tật bẩm sinh và sảy thai nếu thai phụ ăn phải;
(2) Ốm nghén bắt đầu vào thời điểm các hệ cơ quan của phôi thai đang hình thành và phôi thai đang ở giai đoạn dễ bị tổn thương nhất bởi các tác nhân gây dị tật bẩm sinh (bao gồm cả các hóa chất) nhưng đang có tốc độ phát triển chậm và có nhu cầu khiêm tốn về chất dinh dưỡng;
(3) Ốm nghén giảm đi ở giai đoạn các hệ cơ quan của phôi thai gần hoàn thiện và nhu cầu lớn nhất là các chất dinh dưỡng để giúp nó phát triển;
(4) Phụ nữ bị ốm nghén tránh một cách có chọn lọc các thực phẩm vị đắng, cay, đậm hương vị và các thực phẩm lạ – thực ra là những thực phẩm khả năng cao có chứa độc tố;
(5) Khứu giác của phụ nữ trở nên cực kỳ mẫn cảm trong giai đoạn bắt đầu ốm nghén, sau đó sẽ trở nên ít nhạy cảm hơn bình thường;
(6) Những người hái lượm (có thể gồm cả tổ tiên của chúng ta) có nguy cơ ăn phải độc tố thực vật cao hơn bởi họ ăn thực vật hoang dã chứ không phải các loại hoa màu được trồng để ăn;
(7) Ốm nghén là thứ phổ quát của mọi nền văn hóa;
(8) Phụ nữ ốm nghén ít bị sảy thai hơn;
(9) Phụ nữ ốm nghén nặng hơn có ít khả năng sinh con bị dị tật bẩm sinh hơn. Sự phù hợp giữa cách thức vận hành của một hệ thống “sản xuất trẻ em” trong hệ sinh thái tự nhiên và hệ thống cảm giác ở phụ nữ hiện đại là rất ấn tượng, và phần nào củng cố giả thuyết của Profet.
You must be logged in to post a comment Login