Khách sạn Savoy nằm tại đường Strand ở trung tâm London, được khai trương vào năm 1889 “với sự hào hoa và thông tin rộng khắp”. Cuốn The Secret Life of The Savoy hé lộ lịch sử lừng lẫy của khách sạn này.
Cuốn sách ra mắt ngày 3/9. Ảnh: Amazon. |
Trong suốt một thế kỷ điều hành, gia tộc D’Oyly Carte luôn tập trung vào việc “quan tâm một cách cẩn trọng tới mua sắm những thứ có chất lượng tốt nhất”.
Savoy sử dụng hàng chục nghìn mét thảm đỏ và giấy dán tường sang trọng của William Morris. Họ cũng có thang máy thủy lực, hệ thống phát điện khẩn cấp và nguồn cung cấp nước giếng khoan.
Khách sạn còn vận hành một cơ sở chế biến sô cô la riêng, rang cà phê, in ấn (phục vụ việc in nổi thực đơn) và một tiệm bánh mì, nơi sản xuất 45 nghìn ổ bánh mì mỗi tuần.
“Thành phố Savoy” này chính là sản phẩm trí tuệ của Richard D’Oyly Carte, một ông bầu nhạc kịch tài năng, người đã làm giàu nhờ các vở kịch “nổi tiếng ly kỳ” như Gilbert và Sullivan.
Ông ấy có thể dễ dàng chi trả cho việc mạo hiểm kinh doanh Savoy vì doanh thu từ các chuyến lưu diễn trong nước và quốc tế có thể giúp bù đắp. Ý tưởng của ông là “Savoy nên duy trì các tiêu chuẩn của mình, bất kể chi phí ra sao”. Và đó là một công thức để ông ấy mang lại danh tiếng cho khách sạn.
Savoy có một vị trí đắc địa ở trung tâm London. Ảnh: Alamy. |
Thomas Dewar, người thừa kế hãng rượu whisky Dewar, đã nhận phòng và ở lại đây trong 40 năm. Nhà soạn kịch danh tiếng Oscar Wilde cũng đã trả các hóa đơn lên tới 6.000 bảng một tuần tại Savoy.
Nghệ sĩ kèn trumpet nổi tiếng của Mỹ Louis Armstrong được bố trí một căn phòng cách âm để có thể tập thổi kèn trên giường. Và nữ diễn viên huyền thoại Mae West được phục vụ một không gian tủ quần áo lớn chứa 150 bộ váy, 60 đôi giày khi cô đến ở một thời gian ngắn.
Về đồ ăn, D’Oyly Cartes muốn có một nhà hàng đẳng cấp thế giới, phục vụ “chủ yếu là đồ ăn Pháp trong những căn phòng ốp gỗ kín mít”.
Đầu bếp đầu tiên là Auguste Escoffier, được gọi là “vua đầu bếp” và “đầu bếp của các vị vua”, người đã ăn hàng tấn bơ Normandy mỗi tuần để tìm ra công thức nấu ăn của mình. Dù là người góp phần đặt nền móng cho tiêu chuẩn ẩm thực tại đây nhưng sau đó ông đã bị sa thải vì tội “nhận lại quả” từ các nhà cung cấp.
Trong thời kỳ suy thoái sau Thế chiến thứ nhất, Savoy lại phát triển một cách đầy nghịch lý. Những quý tộc đã bán hết các dinh thự ở London vẫn cần một nơi để ở khi đến đây.
Lúc này, khách sạn được trang trí lại theo phong cách nghệ thuật và có nhiều điểm nhấn theo cuốn tiểu thuyết đình đám lúc đó là Bright Young Things: Tuyết nhân tạo bao phủ nhà hàng vào dịp Giáng sinh, một chiếc máy bay nhỏ đáp tại tiền sảnh hay những con thiên nga trong hồ nước màu xanh dương sáng.
Nữ diễn viên người Italy Sophia Loren và đạo diễn phim Charlie Chaplin chụp ảnh tại Savoy năm 1965. Ảnh: Getty. |
Trong Thế chiến thứ hai, Thủ tướng Anh Churchill thường có mặt tại Savoy ba lần một tuần để tổ chức các cuộc họp nội các dưới tầng hầm, gặp nhà lãnh đạo Mỹ Roosevelt và lãnh đạo Pháp De Gaulle, hoặc uống rượu tại kho cá nhân.
Cho đến nay, dù không còn là khách sạn sang trọng bậc nhất London nhưng Savoy vẫn lưu giữ những giá trị lịch sử và biểu tượng quý giá.
Và cuốn The Secret Life of the Savoy đã làm sống lại một di sản văn hóa, đưa người đọc trở lại đời sống châu Âu hoa lệ ngay giữa lòng London suốt nhiều thập kỷ.