Connect with us

Sách hay

Top 10 cuốn sách công nghệ hay nhất mọi thời đại

Được phát hành

,

Trang The Verge đã chia sẻ 10 cuốn sách bằng tiếng Anh định hình và khẳng định vị thế của công nghệ.

top sach cong nghe anh 1
Close to the Machine: Technophilia and Its Discontents của Ellen Ulman. Tác giả không chỉ chia sẻ trải nghiệm trở thành một kỹ sư trong thời kỳ công nghệ bùng nổ mà trải nghiệm đó còn được diễn tả rất chân thực và đầy thú vị. Các lập trình viên tại nơi Ulman làm luôn nỗ lực vượt qua giới hạn của con người, đôi khi không rời tòa nhà làm việc trong ba ngày, để phát triển các mã code, đưa công nghệ đến gần những người yếu thế. Kể từ khi Ulman lần đầu ra mắt tác phẩm (năm 1997), con người ngày càng tiến gần hơn đến công nghệ nhưng đây có lẽ vẫn là cuốn sách có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từng được viết về thế giới công nghệ. Ảnh: The Verge.
top sach cong nghe anh 2
Technopoly: The Surrender of Culture to Technology của Neil Postman. Trong tác phẩm này, Postman giả định rằng nước Mỹ là một “nước công nghệ toàn trị” và con người bị đè bẹp dưới ngón tay cái của các Big Tech (Ông lớn công nghệ). Với việc các tổ chức xã hội bị lung lay, mọi người ít tin tưởng vào bản thân đến mức dựa dẫm hẳn vào những thiết bị công nghệ của mình, ví dụ các bác sĩ sẽ không điều trị triệu chứng bệnh mà sẽ kê đơn dựa trên xét nghiệm máu. Có yếu tố hài hước nhưng đầy u buồn, Postman cho rằng con người đang trở nên quá phụ thuộc vào các công cụ của mình. Ảnh: The Verge.
top sach cong nghe anh 3
Uncanny Valley của Anna Weiner. Gây ấn tượng trong số các cuốn hồi ký ở Thung lũng Silicon bằng một câu chuyện cá nhân đau lòng, tác giả Anna bày tỏ về những cảm giác của bà khi làm việc tại các công ty khởi nghiệp công nghệ thường đánh giá cao những nam nhân viên có khả năng viết mã code. Bên cạnh đó, đây cũng là câu chuyện về sự thay đổi, từ việc di chuyển khắp đất nước, nhận công việc mới với đồng nghiệp mới, cùng những nhận thức mới rằng thế giới đang ngày càng quan tâm tới công nghệ nhưng những giá trị công nghệ vào đầu những năm 2010 chưa thực sự được đảm bảo. Ảnh: The Verge.
top sach cong nghe anh 4
This Machine Kills Secrets: Julian Assange, the Cypherpunks, and Their Fight to Empower Whistleblowers của Andy Greenberg. Đây được cho là một tác phẩm khó nhằn nhưng hấp dẫn với nội dung về giới tin tặc, những người tố cáo và giới chính trị gia. Từ Daniel Ellsberg đến WikiLeaks, cuốn sách chỉ ra sự liên kết giữa những yếu tố ít được biết đến đã thổi bùng lên căng thẳng địa chính trị và tiếp tục bóp méo xã hội ngày nay. Những câu chuyện về cypherpunk (phong trào thúc đẩy việc sử dụng mật mã và các công nghệ tập trung vào quyền riêng tư khác để thúc đẩy tiến bộ xã hội và chính trị) và “cuộc chiến tiền điện tử” của thập niên 90 được dệt nên thông qua những bức chân dung hấp dẫn của cả những anh hùng và kẻ thủ ác. Ảnh: The Verge.
top sach cong nghe anh 5
Hamlet on the Holodeck: The Future of Narrative in Cyberspace của Janet Murray. Tác giả Murray là người có ảnh hưởng rất lớn đối với cách công chúng nghĩ về trò chơi điện tử và web. Và Hamlet on the Holodeck là một chuyên luận lớn về khả năng tiềm tàng của máy tính, chia sẻ về các thí nghiệm giờ đã bị lãng quên cũng như việc thế giới công nghệ từ lâu đã chú ý tới các chatbot và mạng xã hội nhiều người tham gia. Ra mắt từ năm 1997, Hamlet on the Holodeck vẫn mang nhiều giá trị về cách con người đi tới bước phát triển hiện tại ra sao sau khi nổ ra nhiều tranh cãi về quyền lực của máy móc hay sự sa đà vào thế giới công nghệ. Ảnh: The Verge.
top sach cong nghe anh 6
Super Pumped: The Battle for Uber của Mike Isaac. Đây là bức chân dung ly kỳ về Uber dưới triều đại của CEO Travis Kalanick được khắc họa rất chi tiết và hấp dẫn. Theo đó, công ty khởi nghiệp này luôn hướng về mục tiêu cao nhất là lợi nhuận, thay vì các giá trị đạo đức thông thường. Nhưng chính sự kết hợp giữa cái tôi và tham vọng của Kalanick đã dẫn đến việc nhân viên quay lưng lại với ông. Cuối cùng, Kalanick phải nhìn nhận lại sự phát triển của Uber khi mọi thứ diễn ra khác với cách ông mong đợi. Ảnh: The Verge.
top sach cong nghe anh 7
Broad Band: The Untold Story of the Women Who Made the Internet của Claire Evans. Đây là một câu chuyện rất mới mẻ khi đề cao những người phụ nữ làm khoa học máy tính. Tác phẩm đi sâu vào những phát minh thú vị và đột phá, đồng thời nói về những người rất thông minh và cũng đã có chút danh tiếng về sản phẩm của họ. Bên cạnh đó, Broad Band cũng đi sâu vào những phần ít được biết đến của lịch sử máy tính, khai thác những hệ thống thầm lặng hoặc bị đánh giá thấp cùng những con người đã tạo ra nó để công nghệ có thể tiếp tục phát triển vượt bậc như ngày nay. Ảnh: The Verge.
top sach cong nghe anh 8
The Boy Kings: A Journey into the Heart of the Social Network của Kate Lose. Tác phẩm này vừa là hồi ký của tác giả và vừa là một bức chân dung chân thực về Facebook. The Boy Kings hé lộ nhiều điều từ rất lâu trước khi Cambridge Analytica tiết lộ những mặt trái mà đế chế của Mark Zuckerberg và Big Tech nói chung đã tạo ra. Trong tác phẩm này, Lose đã tiếp cận được với một Zuckerberg trẻ hơn, ngây thơ hơn và bà thân thiết với vị CEO trẻ đến mức bà trở thành người ghi chép cho ông. Khi đó, Zuckerberg vẫn còn mơ hồ về tương lai và đang trong quá trình theo đuổi những ý tưởng công nghệ không tưởng để tìm ra một con đường mới. Ảnh: The Verge.
top sach cong nghe anh 9
Common as Air: Revolution, Art, and Ownership của Lewis Hyde. Vào những năm 2000, trong khi nhiều người còn chưa quan tâm tới vấn đề bản quyền hay sở hữu trí tuệ cá nhân và cộng đồng trên Internet, thì Hyde đã nhìn thấy một điều rất nguy hiểm: Sự xói mòn các giá trị văn hóa phổ quát khi coi tri thức chỉ là tài sản cá nhân đơn thuần. Và Common as Air là lời giải thích mạnh mẽ nhất về các giá trị công cộng. Bên cạnh lập luận chặt chẽ về nguyên tắc tổ chức của truyền thông hiện đại, đây là cuốn sách có thể khiến độc giả hào hứng với viễn cảnh các nghệ sĩ xây dựng ý tưởng cho nhau. Ảnh: The Verge.
top sach cong nghe anh 10
Like, Comment, Subscribe: Inside YouTube’s Chaotic Rise to World Domination của Mark Bergen. YouTube thực sự là gì? Một nền tảng lưu trữ video? Mạng xã hội hay công cụ tìm kiếm? Dịch vụ âm nhạc lớn nhất thế giới hay thay thế hoàn toàn được truyền hình? Tất cả điều này được Like, Comment, Subscribe giải thích rất chi tiết. Cuốn sách là hành trình lịch sử đầy biến động của YouTube, từ những ngày đầu khởi nghiệp nhỏ bé cho đến vị trí thống trị trên Internet và nền kinh tế văn hóa toàn cầu và cách nền tảng này thay đổi mục tiêu và tùy biến nội dung để bắt kịp thời đại. Ảnh: The Verge.

Nguồn: https://zingnews.vn/top-10-cuon-sach-cong-nghe-hay-nhat-moi-thoi-dai-post1443905.html

Sách hay

Dám làm

Được phát hành

,

Bởi

“Dám làm: Những bài học về lãnh đạo của tôi tại GE” ghi lại những kinh nghiệm và bài học của Jeff Immelt, cựu CEO của General Electric (GE), từ thời gian lãnh đạo tập đoàn này.

Tôi là một gã chăm “cày cuốc” đích thực, một tín đồ chân chính, đã có hình xăm “thịt viên” của GE (cách người trong nhà gọi logo của công ty) bên eo trái để làm bằng chứng.

Năm 2001, tôi trở thành CEO của một công ty, nơi nhận thức không tương đương với hiện thực. Công ty tôi kế thừa từ Jack Welch có một văn hóa hùng mạnh và những con người tuyệt vời. Nhưng chúng tôi đã cạn kiệt ý tưởng. Một năm trước, khi đang điều hành GE Healthcare, tôi đã cố mua một công ty siêu âm tên Acuson, nhưng Jack gạt đi vì nó nằm ở Mountain View, California và “dân ở đấy điên lắm”.

Tôi không đồng tình; địa điểm của nó sẽ cho chúng tôi một bàn đạp (như nó đã mang lại cho đối thủ Siemens của chúng tôi, tập đoàn về sau đã mua lại nó) tại Thung lũng Silicon, thiên đường của đổi mới. Trong khi một số người trong nội bộ GE tin rằng công ty chắc chắn sẽ ăn nên làm ra mãi mãi, song tôi lại lo lắng rằng chúng tôi đã trở nên quá trì trệ và thiếu óc tò mò.

Than chu anh 1

Hình ảnh Jeff Immelt gắn liền với thương hiệu GE. Ảnh: CNBC.

Trong ít nhất một thập kỷ, chúng tôi đã sử dụng gã khổng lồ dịch vụ tài chính GE Capital để thúc đẩy tăng trưởng và hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp của mình. Nhưng khi tôi tiếp quản chức vụ, rất hiếm nhà quan sát hiểu được rằng chúng tôi đã đầu tư ít ỏi đến mức nào vào các doanh nghiệp công nghiệp đó.

Chúng tôi là một tập đoàn đa ngành cồng kềnh, ôm đồm đủ mọi thứ từ động cơ phản lực đến mạng truyền hình hay hợp đồng bảo hiểm cho chó mèo. Tuy nhiên, chúng tôi được định giá như một công ty công nghệ, về cơ bản là được giao dịch ở mức cao hơn đáng kể so với giá trị của các doanh nghiệp mà chúng tôi có.

Vì vậy, khi lên làm CEO, tôi đã nỗ lực cải tổ công ty, tái đầu tư vào danh mục đầu tư công nghiệp, cải thiện công nghệ và mở rộng dấu ấn toàn cầu của chúng tôi. Và tôi đã làm điều đó mà không hở một lời tiêu cực nào về Jack Welch.

Đó là một lựa chọn đầy rủi ro. Rất khó thúc đẩy thay đổi trong khi đội ngũ của bạn cảm thấy mọi thứ đều đã hoàn hảo. Nhưng vào thời điểm đó, cách tiếp cận này có vẻ đúng đắn. Người tiền nhiệm của tôi được xem là CEO tốt nhất trong lịch sử. Hy vọng của tôi là bảo tồn di sản của ông bằng cách khắc phục những chỗ mà tôi thấy là đã hỏng hóc trước khi chúng kịp hủy hoại chúng tôi.

Nhưng quá thường xuyên trong nhiệm kỳ của tôi, mong muốn bảo vệ GE bằng cách phát triển nó phải bị đặt xuống hàng thứ yếu khi các cuộc khủng hoảng đe dọa thành công của công ty – và nhiều khi là chính sự tồn vong của nó.

Đối với tôi, GE là một câu chuyện không thể đậm tính cá nhân hơn. Tôi là con trai của người đã làm đại diện thu mua của GE suốt 38 năm. Trước khi trở thành CEO, tôi đã bước lên từng nấc thang trong công ty, học hỏi tại ba mảng của GE. Tôi là một gã chăm “cày cuốc” đích thực – một tín đồ chân chính, đã có hình xăm “thịt viên” của GE (cách người trong nhà gọi logo của công ty) bên eo trái để làm bằng chứng. (Tôi sẽ nói thêm về vụ đó sau).

Tôi là gã cuối tuần nào cũng làm việc, là gã không bao giờ tiêu một xu để trang trí văn phòng của riêng hắn, là gã mang tem mình tự mua đến công ty để dán lên thư cá nhân. Nếu tôi có một câu thần chú, thì đó sẽ là: Tôi không phải trung tâm, GE mới là trung tâm.

Nguồn: https://znews.vn/than-chu-cua-ceo-tap-doan-da-quoc-gia-post1533409.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Bộ não đau buồn

Được phát hành

,

Bởi

Sách mang đến một góc nhìn mới nhưng không kém phần hấp dẫn về ảnh hưởng của nỗi đau đối với bộ não và phương pháp bộ não mã hóa tình yêu của con người đối với người thân, giúp chúng ta hiểu rõ nguồn gốc của nỗi đau khi không còn người thân bên cạnh và giải pháp vượt qua các cảm xúc khủng hoảng đó.

Bạn đang sử dụng bản đồ não để đi tới đi lui trong không gian quen thuộc này, thân thể bạn sẽ đến nơi mà não bạn đã gửi nó đi.

Khi giải thích mặt sinh học thần kinh của nỗi đau buồn, tôi thường bắt đầu bằng một phép ẩn dụ dựa trên một trải nghiệm quen thuộc. Tuy nhiên, để phép ẩn dụ này dễ hiểu, bạn phải chấp nhận một giả thiết. Giả thiết ấy là có kẻ nào đó đã trộm mất chiếc bàn ăn nhà bạn.

Tưởng tượng là bạn trở mình dậy khát khô lúc nửa đêm. Bạn bước khỏi giường và đi tới phía bếp lấy một ly nước. Xuống hành lang, bạn băng qua phòng ăn tối đen về phía nhà bếp. Đúng lúc hông bạn đáng ra sắp va vào góc cứng bàn ăn, bạn cảm thấy… hừm, bạn cảm thấy gì? Không gì hết. Bạn đột nhiên nhận ra là bạn không cảm thấy có bất cứ điều gì ở chỗ cao ngang hông bạn.

Đó là điều bạn nhận ra được, bạn không cảm thấy có điều gì đó, điều gì đó cụ thể. Chuyện vắng mặt thứ gì đó là điều đã thu hút bạn chú ý. Điều này thật lạ kỳ, ta thường nghĩ phải là điều gì đó mới thu hút ta chú ý, làm sao không gì cả có thể thu hút ta chú ý?

Ban do anh 1

Não bộ có một cơ chế vận hành đặc biệt. Ảnh: Science Magazinee.

Vâng, thực tế là bạn không chỉ bước đi trong mỗi thế giới này. Hay chính xác hơn, hầu hết thời gian là bạn đang cùng bước đi trong hai thế giới. Trong đó một thế giới là bản đồ thực tế ảo được tạo nên hoàn toàn trong đầu bạn. Não bạn đang dịch chuyển con người bạn xuyên qua bản đồ ảo mà nó đã tạo ra, đó là lý do tại sao bạn có thể đi lại quanh nhà khá dễ dàng trong bóng đêm; bạn hiện không sử dụng thế giới bên ngoài để định hướng. Bạn đang sử dụng bản đồ não để đi tới đi lui trong không gian quen thuộc này, thân thể bạn sẽ đến nơi mà não bạn đã gửi nó đi.

Bạn có thể coi bản đồ não ảo về thế giới này như bản đồ Google trong đầu bạn. Bạn đã từng bao giờ trải nghiệm làm theo chỉ dẫn di chuyển bằng giọng nói mà hoàn toàn không chú ý nơi mình đang lái xe tới chưa? Có lúc giọng nói yêu cầu bạn rẽ vào một con đường, song bạn phát hiện ra đó thực ra là đường cho xe đạp.

GPS và thế giới thực không phải lúc nào cũng khớp nhau. Giống bản đồ của Google, bản đồ não dựa trên thông tin trước đó nó có về khu vực. Tuy nhiên, để giữ an toàn cho bạn, não có những khu vực chuyên dành phát hiện lỗi, nhận biết bất kỳ tình huống nào bản đồ não và thế giới thực không khớp nhau. Nó chuyển sang thông tin thị giác nhận vào mỗi khi một lỗi được phát hiện (và nếu trời tối, thì ta sẽ quyết định bật đèn).

Ta dựa vào bản đồ não vì việc dẫn dắt cơ thể theo bản đồ tâm trí sẽ bớt tốn công tính toán lại rất nhiều so với xuyên qua ngôi nhà quen thuộc như thể đó là trải nghiệm đầu tiên, như thể mỗi lần lại phải khám phá lại vị trí của ô cửa, bức tường và đồ nội thất, rồi quyết định làm sao định vị và đi qua từng thứ.

Không ai mong đợi bàn ăn nhà họ bị trộm mất. Và càng không ai mong đợi người thân yêu mất. Ngay cả khi một người bị bệnh trong một thời gian rất dài, cũng không ai biết được để bước tiếp trên thế giới này mà không có họ thì sẽ ra sao.

Là một nhà khoa học, đóng góp của tôi là nghiên cứu nỗi đau buồn từ góc độ của não, từ góc độ mà não đang cố giải quyết một vấn đề khi đối diện việc người quan trọng nhất cuộc đời ta không còn.

Nỗi đau buồn là một vấn đề đau lòng thắt ruột mà não phải giải quyết và việc đau buồn đòi hỏi bạn phải học cách sống trong một thế giới vắng mặt người bạn yêu thương đậm sâu, người đã khắc ghi vào hiểu biết trong bạn về thế giới. Điều này có nghĩa là đối với não, người thân yêu của bạn mất đi nhưng đồng thời cũng còn mãi, và bạn đang bước xuyên qua hai thế giới cùng một lúc. Bạn đang phải lèo lái cuộc sống của mình dù thực tế là nó đã bị cướp mất khỏi bạn, một giả thiết vô nghĩa, vừa khó hiểu vừa khó chịu.

Nguồn: https://znews.vn/vi-sao-ban-di-chuyen-duoc-trong-bong-dem-post1533397.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Rủi ro từ những đồng tiền ảo như Pi, Bitcoin

Được phát hành

,

Bởi

Những loại tiền ảo như Pi, Ethereum, Bitcoin có thể tồn tại nhiều rủi ro từ pháp lý, bảo mật cho đến biến động thị trường.

pi network anh 1

Ảnh minh họa Pi Network. Nguồn: The Crypto Times.

Tiền ảo, đặc biệt là Bitcoin và Pi, đã trở thành một hiện tượng tài chính toàn cầu, thu hút sự chú ý của giới đầu tư cũng như các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển nhanh chóng, tiền ảo cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đáng lo ngại, từ pháp lý, bảo mật, gian lận đến biến động thị trường.

Những vấn đề của tiền ảo

Một trong những vấn đề người chơi tiền ảo phải đối mặt là rủi ro pháp lý. Theo cuốn sách Cryptocurrencies and Cryptoassets của nhà xuất bản Taylor & Francis, Bitcoin từng bị sử dụng trong các giao dịch chợ đen, rửa tiền và trốn thuế. Điều này khiến nhiều chính phủ trên thế giới phải đưa ra các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt.

Trung Quốc đã cấm hoàn toàn hoạt động giao dịch tiền ảo, trong khi Nhật Bản yêu cầu các sàn giao dịch phải tuân thủ quy định về chống rửa tiền (AML) và xác minh danh tính khách hàng (KYC). Việc thiếu đi một hệ thống pháp lý thống nhất giữa các quốc gia có thể đặt ra câu hỏi về tính thanh khoản và khả năng tồn tại lâu dài của tiền ảo.

Bên cạnh đó, rủi ro bảo mật là mối lo ngại thường trực. Mặc dù nền tảng Bitcoin chưa từng bị tấn công nghiêm trọng, nhưng các sàn giao dịch tiền ảo lại là mục tiêu thường xuyên của tin tặc.

pi network anh 2

Mark Karpeles, CEO Mt. Gox là người giúp sàn giao dịch này vươn lên vị trí số một vào năm 2013. Ảnh: Bloomberg.

“Sự sụp đổ của sàn Mt.Gox tại Nhật Bản do bị đánh cắp hàng triệu đôla Bitcoin là một minh chứng điển hình. Năm 2018, vụ tấn công vào sàn Coincheck khiến hơn 530 triệu USD tiền ảo bị thất thoát. Trong chín tháng đầu năm đó, tổng giá trị tiền ảo bị đánh cắp lên đến 927 triệu USD“, trích từ cuốn sách Cryptocurrencies and Cryptoassets.

Ngoài vấn đề bảo mật, gian lận cũng là một nguy cơ lớn đối với thị trường tiền ảo. Theo số liệu từ Anh, chỉ riêng trong tháng 6 và 7 năm 2018, có tới 203 vụ lừa đảo liên quan đến tiền điện tử với tổng thiệt hại hơn 2 triệu euro, trung bình mỗi nạn nhân mất hơn 10.000 euro.

Một rủi ro khác là tính biến động cao của tiền ảo. Bitcoin từng có thời điểm mất đến 61% giá trị chỉ trong một ngày vào năm 2013 và giảm tới 80% trong năm 2014. Năm 2018, thị trường tiền ảo tiếp tục chứng kiến sự lao dốc mạnh mẽ trước khi phục hồi dần vào giữa năm 2019. Giá trị của Bitcoin và các đồng tiền khác phụ thuộc phần lớn vào tâm lý thị trường và sự chấp nhận của người dùng, khiến chúng trở thành công cụ đầu tư có độ rủi ro cao.

Khi một sàn giao dịch phá sản, nhà đầu tư có thể mất trắng

Theo cuốn sách Cryptocurrency Risk and Governance Challenges (2023), nhiều nhà kinh tế học lo ngại rằng tiền điện tử không có đầy đủ đặc điểm của một loại tiền tệ thực sự mà chỉ là tài sản đầu cơ với mức độ rủi ro cao hơn nhiều so với các loại tài sản khác.

pi network anh 3

Cuốn sách Cryptocurrency Risk and Governance Challenges của nhà xuất bản Taylor & Francis. Ảnh: Amazon.

Ngân hàng Trung ương Malaysia (Bank Negara Malaysia) từng chỉ ra rằng trái ngược với vàng hay ngoại tệ, những tài sản có tính thanh khoản cao trong thời kỳ bất ổn, tiền điện tử chủ yếu được nắm giữ để đầu cơ, khiến giá trị của chúng dễ bị tổn thương trước sự thay đổi của thị trường. Nếu các bên tham gia không sẵn sàng chấp nhận giao dịch bằng tiền ảo, giá trị của chúng có thể trở nên vô nghĩa.

Những biến động giá mạnh, rủi ro bảo mật cũng là một vấn đề lớn đối với các nhà đầu tư tiền ảo. Theo cuốn The Book of Crypto của tác giả Henri Arslanian, các nền tảng giao dịch tiền ảo không có sự bảo vệ của các tổ chức bảo hiểm như FDIC (Mỹ) hay các hệ thống bảo đảm tiền gửi truyền thống. Khi một sàn giao dịch phá sản, nhà đầu tư có thể mất toàn bộ số tiền của mình.

Ngoài ra, nhiều dự án tiền ảo kêu gọi vốn bằng hình thức ICO (Initial Coin Offering) nhưng thực chất chỉ là mô hình lừa đảo Ponzi. Các nền tảng cho vay tiền ảo cũng đối mặt với nguy cơ sụp đổ do quản lý rủi ro kém, như trường hợp của nền tảng Cred – công ty tuyên bố phá sản vào năm 2020 khiến nhiều nhà đầu tư mất trắng.

Không thể phủ nhận rằng thị trường tiền điện tử vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn. Dữ liệu từ báo cáo của Fidelity năm 2021 cho thấy hơn 90% tổ chức tài chính đang quan tâm đến loại tiền này nhưng mức độ tham gia vẫn còn hạn chế do tính bất ổn và thiếu khung pháp lý rõ ràng.

Nguồn: https://znews.vn/rui-ro-tu-nhung-dong-tien-ao-nhu-pi-bitcoin-post1533272.html

Tiếp tục đọc

Xu hướng