Sách Con đã về nhà không chỉ là câu chuyện riêng của Tăng Quang, mà còn là góc nhìn chân thực về cuộc sống nơi cách ly tập trung của những người con xa đất nước.
Bằng mạch cảm xúc lạc quan, Con đã về nhà đã truyền cảm hứng, lan tỏa điều tốt đẹp từ những câu chuyện ấm áp tình người.
Được sự đồng ý của NXB Phụ nữ Việt Nam, Zing xin trích một phần nội dung cuốn sách.
Khi Tây Ban Nha bắt đầu tuyên bố thảm họa dịch bệnh (tháng 3 nước này đã có gần 2.000 trường hợp, 38 người chết), tôi đã có lựa chọn rời khỏi Tây Ban Nha và cân nhắc chọn Mỹ hay Việt Nam để tránh dịch.
Tôi rất cảm kích vì tất cả
Trong khi Mỹ cho tôi thấy những đánh giá thấp và phản ứng chậm chạp của họ đối với căn bệnh toàn cầu này, tôi đã chọn Việt Nam với 100% niềm tin của mình.
Đối với một đất nước ngay giáp biên giới với Trung Quốc, vào những ngày đầu chúng tôi cũng đã có rất nhiều ca bệnh khác nhau. Chúng tôi bắt đầu trở nên vô cùng hoảng sợ giống như bất kỳ quốc gia nào khác khi lần đầu gặp biến cố, nhưng sau đó chúng tôi nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và vực dậy với những hành động mạnh mẽ, với những hỗ trợ và biện pháp vô cùng quyết đoán.
Trang bìa cuốn sách. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam. |
Trong vòng 3 tháng kể từ khi dịch bệnh xảy ra, trên cả nước vẫn chỉ có 76 trường hợp nghi nhiễm với 16 trường hợp đã được điều trị và tuyên bố khỏi bệnh, 16 trong số đó thực ra là người nước ngoài đến từ những nơi khác, phần còn lại, đa số là sinh viên và công nhân Việt Nam trở về từ các nước khác nhau, tìm kiếm sự giúp đỡ từ đất mẹ.
Cho đến khi tôi bị cách ly do các lệnh kiểm soát mạnh mẽ từ quyết định cứng rắn của chính phủ đối với tất cả các chuyến bay từ châu Âu trở về, tôi mới hiểu được tại sao đất nước này có thể chống cự lâu như thế và họ có thể làm những gì để đẩy lùi căn bệnh số 1, nỗi đe dọa toàn cầu này.
14 ngày của tôi ở trại cách ly là điều tôi cần phải viết ra cho mọi người cùng được biết! Bởi vì tôi rất tự hào và tôi rất cảm kích vì tất cả những gì đang xảy ra ngay lúc này đây.
Trong chuyến bay, tất cả hành khách được yêu cầu điền vào một tờ đơn khai báo y tế do chính phủ Việt Nam cung cấp để thu thập thông tin liên lạc của họ cũng như các quốc gia mà họ đã đến trong 14 ngày qua.
Ngay sau khi hạ cánh và xuống máy bay, tôi đã nhanh chóng được chuyển vào hàng chờ nơi có người kiểm tra và quét nhiệt độ. Có quân đội và nhân viên y tế xung quanh cùng với nhiều camera quét dọc hàng đứng chờ để phát hiện những người có thân nhiệt cao…
Lần đầu tiên được biết mình phải cách ly 14 ngày, tôi cũng khá bất ngờ và cũng cảm thấy mệt mỏi khi nghĩ đến việc không thể về nhà, đến sống ở một nơi tôi không biết sẽ như thế nào trong vòng nửa tháng…
Tôi sẽ ghi nhớ những ngày tháng ở đất nước này
Chúng tôi đã nhanh chóng được chuyển đến khu cách ly bằng xe buýt sau 2 giờ chờ đợi thực hiện kiểm tra an ninh, hoàn thành tất cả các giấy tờ cần thiết và nhận lại hành lý của mình…
Khu cách ly của chúng tôi ở lại là một khuôn viên của một trường quân sự. Chỉ trong thời điểm đặc biệt này, nó đã được biến thành một khu cách ly để chứa những người trở về từ các vùng dịch bệnh.
Từ một tòa nhà hoàn toàn với mục đích hỗ trợ đào tạo của quân đội, nó được thay đổi và trang bị tốt để trở thành một khu cách ly cho sinh hoạt hàng ngày.
Khoảnh khắc chúng tôi đến nơi, quá trình check-in không thể dễ dàng hơn, họ đã kiểm tra nhiệt độ chúng tôi một lần nữa khi chúng tôi đến và bắt đầu đưa chúng tôi đến phòng của mình…
Với khoảng gần 1.000 người ở trong khu cách ly, những người chiến sĩ phục vụ đều kiên nhẫn dành thời gian cho từng người một. Chúng tôi đã nhìn thấy những giọt mồ hôi trên khuôn mặt họ, sự mệt mỏi, thậm chí thở gấp nhưng không ai trong số họ phàn nàn bất cứ điều gì.
Một trang trong cuốn sách: tranh vẽ việc vận chuyển nước uống, thức ăn… lên 5 tầng lầu của một tòa nhà tại khu vực cách ly. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam |
Tất cả chúng tôi đều rất ngạc nhiên bởi sự cam kết và sự chu đáo của họ giúp chúng tôi giải quyết mọi vấn đề xảy ra trong thời gian chúng tôi ở lại thực hiện cách ly.
Tôi nhanh chóng được sắp xếp giường của mình, thu xếp đồ đạc và cũng từ đây, các bạn cùng phòng khác của tôi biết đến nhau và chúng tôi cùng tận hưởng từng khoảnh khắc và trải nghiệm cuộc sống này cùng nhau.
Chúng tôi được lấy mẫu dịch họng từ 2 đến 3 lần trong 14 ngày và kiểm tra nhiệt độ hai lần mỗi ngày. Những hành động đơn giản này đảm bảo rằng bất cứ ai có triệu chứng rõ ràng nhất hoặc không có triệu chứng gì cả đều được theo dõi theo một cách tuyệt đối.
Điều này đã cho chúng tôi sự yên tâm khi chúng tôi không bị lây nhiễm bởi một người khác trong thời gian chúng tôi ở cùng phòng với nhau.
Họ đã cung cấp cho chúng tôi mọi thứ mà chúng tôi chắc chắn sẽ cần trong cuộc sống hàng ngày: xà phòng, kem đánh răng, bàn chải đánh răng, cốc, dầu gội, sữa tắm, tất cả đều là trang bị cho từng cá nhân…
Bên cạnh đó còn có thực phẩm cung cấp hằng ngày và dịch vụ của họ đã vượt qua mọi trí tưởng tượng và kỳ vọng của chúng tôi.
Chất lượng và lượng thực phẩm tốt được cung cấp cho chúng tôi mỗi ngày hoàn toàn miễn phí, được chuyển đến tận cửa phòng của chúng tôi bởi những người lính tình nguyện…
Một trang trong sách: tranh vẽ một phòng nữ trong khu vực cách ly. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam. |
Không thể tin được! Hàng ngày, chúng tôi được phục vụ 3 bữa ăn với các lựa chọn thực đơn khác nhau từ các loại thực phẩm khác nhau từ rau, đồ mặn, canh đến nước sốt…
Và hơn thế nữa, ngoài rất nhiều điều tích cực mà mọi người đã nói trên internet, tôi muốn mang lại điểm nhấn đã làm cho thời gian cách ly của chúng tôi được thành công và trở thành khoảng thời gian quý giá nhất:
Đó là các chiến sĩ, các bác sĩ, các y tá, nhân viên và bất cứ ai đã tham gia tình nguyện giúp tổ chức, quản lý và thực hiện từng bước trong quá trình cách ly của chúng tôi, để giúp chúng tôi luôn cảm thấy an toàn, để bảo vệ đất nước này khỏi trở thành thảm họa của dịch bệnh toàn cầu khủng khiếp này và để giảm thiểu những mất mát mà chúng ta có thể phải đối phó giống như bất kỳ quốc gia nào khác tại khoảnh khắc này, thời gian này.
Sâu thẳm trong trái tim tôi, tôi thấy mình nợ đất nước này một lời cảm ơn to lớn và tất cả các công dân Việt Nam từ nước ngoài về đây được nhận hỗ trợ này, nợ họ những tiếng vỗ tay lớn nhất.
Nelly Phan – Trường Đại học Ramon Llull – Tây Ban Nha