Được học của Tara Westover là cuốn hồi ký ghi lại hành trình khó khăn để được đến trường và tiếp tục học trên chính đất Mỹ. Ở tuổi 17, Tara bắt đầu đi học như một trang giấy trắng, nhưng bằng nghị lực phi thường của mình, cô giành được học vị tiến sĩ tại Đại học Cambridge danh tiếng chỉ sau 10 năm.
Được sự cho phép của NXB Phụ nữ Việt Nam – đơn vị giữ bản quyền tiếng Việt tác phẩm – Zing trích đăng một phần nội dung cuốn sách.
“Hãy đăng ký xin trợ cấp đi! Con nghèo mà!”
Tôi lái xe trở lại BYU và trả tiền thuê nhà. Sau đó, vì biết mình sẽ không có khả năng trả tiền thuê nhà vào tháng hai, tôi nhận thêm một việc làm nữa, dọn dẹp nhà cửa. Tôi lái xe hai mươi phút về phía bắc ba ngày mỗi tuần để lau dọn những ngôn nhà đắt tiền ở Draper.
Giám mục và tôi vẫn gặp nhau vào mỗi chủ nhật. Robin đã kể với ông rằng tôi không mua sách giáo khoa cho kỳ học mới. “Thật buồn cười” – ông nói – “Hãy đăng ký xin trợ cấp đi! Con nghèo mà. Đó là lý do tại sao các khoản trợ cấp tồn tại”.
Sự phản đối của tôi nằm ngoài lý trí, nó là bản năng.
“Ta kiếm được nhiều tiền” – giám mục nói – “Ta đã đóng thuế nhiều. Hãy nghĩ đó là tiền của ta”. Ông in mẫu đơn xin trợ cấp ra và đưa cho tôi. “Hãy suy nghĩ đi. Con cần học cách nhận giúp đỡ, thậm chí từ chính phủ”.
Cuốn sách Được học của Tara Westover. Ảnh: Ngọc Hiền. |
Tôi cầm lấy tờ mẫu đơn. Robin điền vào đơn cho tôi. Tôi không chịu gửi chúng đi.
“Hãy cứ lo giấy tờ”, chị nói. “Rồi hãy xem cảm giác đó như thế nào”.
Tôi cần tờ khai thuế của bố mẹ mình. Tôi thậm chí không chắc bố mẹ có khai thuế, nhưng nếu họ có thì tôi biết bố sẽ không đưa tờ khai cho tôi nếu bố biết lý do tôi muốn có nó.
Tôi ngẫm nghĩ cả tá lý do giải thích tại sao tôi lại cần giấy tờ đó, nhưng không lý do nào đáng tin cả. Tôi hình dung ra tờ khai thuế nằm trong cái tủ lớn đựng giấy tờ ở trong bếp. Rồi tôi quyết định lấy trộm.
Tôi lên đường về Idaho ngay trước lúc nửa đêm, hy vọng sẽ về đến nhà lúc 3h và lúc đó nhà vẫn im ắng. Về tới núi Buck, tôi cho xe bò lên lối dành cho xe đỗ, co rúm người lại trước mỗi viên sỏi bật lách tách dưới lốp xe của mình.
Tôi mở cửa xe thật khẽ để không gây tiếng động, sau đó đi bộ qua bãi cỏ, luồn vào nhà bằng lối cửa sau, di chuyển lặng lẽ trong nhà, dùng tay lần tìm đường tới cái tủ đựng giấy tờ.
Tôi chỉ vừa mới bước được vài bước thì nghe thấy tiếng “cách” quen thuộc.
“Đừng bắn!” Tôi kêu lên. “Em đây mà!”.
“Ai?”.
Tôi bật đèn lên và nhìn thấy Shawn đang ngồi ở đầu kia của căn phòng chĩa súng vào tôi. Anh hạ khẩu súng xuống. “Anh cứ nghĩ mày là… ai khác”.
“Hẳn thế”, tôi nói.
Chúng tôi đứng trong lúng túng một lát, sau đó tôi đi ngủ.
Sáng hôm sau, sau khi bố đã rời khỏi nhà đến bãi phế liệu, tôi nói dối mẹ rằng trường BYU cần tờ khai thuế của mẹ. Mẹ biết tôi nói dối – tôi có thể biết điều đó bởi vì bố đột nhiên bước vào và hỏi tại sao mẹ lại in tờ khai thuế, mẹ nói mẹ in để lưu.
Tôi cầm bản sao tờ khai thuế và trở lại BYU. Shawn và tôi không nói với nhau lời nào trước khi tôi lên đường. Anh không bao giờ hỏi tại sao tôi lại lén lút mò vào nhà của chính mình lúc 3h, còn tôi chưa bao giờ hỏi anh đang đợi ai mà đêm hôm ngồi đó với khẩu súng đã nạp đạn.
“Tôi chỉ cần 1.400 USD thôi”
Đơn xin trợ cấp nằm trên bàn của tôi trong một tuần trước khi Robin đi cùng đến bưu điện và nhìn tôi đưa chúng cho nhân viên ở đó. Không mất nhiều thời gian, một tuần, có lẽ là hai.
Tôi đang lau nhà ở Draper thì thư đến, vậy nên Robin để lá thư lên giường của tôi.
Tôi xé phong bì thư và một tấm ngân phiếu rơi xuống giường. Tấm ngân phiếu 4.000 USD. Tôi cảm thấy tham lam, sau đó tôi sợ lòng tham của mình. Có số điện thoại để liên lạc. Tôi bấm số.
“Có vấn đề ạ” – tôi nói với người phụ nữ trả lời điện thoại – “Tấm ngân phiếu trị giá 4.000 USD, nhưng tôi chỉ cần 1.400 USD thôi”.
Đường dây im lặng.
“A lô? A lô?”.
“Cho phép tôi nói thẳng nhé” – người phụ nữ nói – “Cô nói rằng tấm ngân phiếu đó trị giá quá nhiều tiền ư? Cô muốn tôi làm gì nào?”.
“Tôi sẽ gửi trả lại tấm ngân phiếu này, bà có thể gửi cho tôi một tấm khác không ạ? Tôi chỉ cần 1.400 USD thôi. Để chữa tủy răng”.
“Nghe này, cưng” – bà nói – “Cô được nhận trợ cấp nhiều như vậy bởi vì đó là số tiền cô được nhận. Đổi nó ra tiền mặt hoặc không, tùy cô thôi”.
Tôi đi chữa răng. Tôi mua sách giáo khoa, trả tiền thuê nhà, mà vẫn còn tiền. Giám mục nói tôi nên mua cho bản thân một thứ gì đó, nhưng tôi nói tôi không thể, tôi phải tiết kiệm tiền. Ông nói tôi có thể chi tiêu nhiều hơn một chút.
“Nhớ nhé” – ông nói – “con có thể xin một khoản trợ cấp như thế vào năm tới”. Tôi mua một chiếc váy mới để mặc đi nhà thờ.
Tôi tin rằng khoản tiền đó được sử dụng để điều khiển tôi, nhưng điều mà nó làm là cho phép tôi giữ lời hứa với bản thân: Lần đầu tiên, khi tôi nói tôi sẽ không bao giờ làm việc cho bố mình nữa, tôi tin điều đó.
Hành trình “được học” của Tara Westover đã truyền cảm hứng trên toàn thế giới. Ảnh: Lorentz Gullachsen. |
Bây giờ, tôi tự hỏi phải chăng cái ngày tôi lấy trộm tờ khai thuế không phải là lần đầu tiên tôi rời khỏi nhà để đi lên núi Buck. Đêm đó, tôi đã bước vào nhà của bố mình như một kẻ xâm nhập. Đó là một thay đổi trong ngôn ngữ tinh thần, một sự từ bỏ nơi mình xuất thân.
Ngôn từ của chính tôi đã xác nhận điều đó. Khi những sinh viên khác hỏi quê quán tôi, tôi đáp, “Tớ ở Idaho”, một câu nói chưa từng thuận miệng tôi dù tôi đã nhắc đi nhắc lại nó bao năm qua.
Khi bạn là một phần của nơi đâu, khi đất đai đó trở thành máu thịt bạn, sẽ chẳng cần phải nói bạn từ đâu đến. Tôi chưa bao giờ thốt ra câu “Tớ ở Idaho” cho đến khi tôi rời khỏi đó.