Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh nói niềm tự hào, hạnh phúc nhất trong quãng đời làm phóng viên của ông là được chứng kiến và tác nghiệp trong giờ phút huy hoàng, trọng đại nhất của lịch sử đất nước.
Trần Mai Hạnh là phóng viên đã viết bài tường thuật về những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập, đăng trên Bản tin Đấu tranh Thống nhất của Việt Nam Thông tấn xã, trên Báo Nhân Dân và phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ông cũng là tác giả cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật thẩm định, ấn hành tháng 4/2014.
Cuốn sách đã giành những giải thưởng văn học danh giá và vừa được tái bản lần thứ 5 có bổ sung giữa những ngày kỷ niệm 45 năm thống nhất đất nước.
Cuốn sách được dịch sang tiếng Lào, Anh và đang được chuyển ngữ sang tiếng Latin.
– Ông đã tham gia chiến dịch Mùa xuân 1975 như thế nào? Ngày 30/4/1975, ông tiến vào Dinh Độc Lập từ hướng nào?
– Tôi được cử tham gia chiến dịch Mùa xuân 1975 trong đoàn cán bộ phóng viên đặc biệt do đích thân Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) ngày ấy là nhà báo Đào Tùng dẫn đầu.
Bám sát các binh đoàn chủ lực, đoàn đã tiến vào các thành phố, thị xã vừa được giải phóng suốt từ Huế, Đà Nẵng tới Tây Ninh, Sài Gòn. Khi tôi cột xong chiếc võng dù ở bãi trú quân dã chiến trên đường từ Tây Ninh về, ngay trước cửa ngõ Sài Gòn, đã gần 12 giờ đêm 29/4/1975 – đêm cuối cùng của chiến tranh.
Tôi trằn trọc, thao thức trong tâm trạng bồn chồn lạ lùng chưa từng trải qua trong đời. Mặt đất ầm vang tiếng rền của đủ loại vũ khí. Tiếng súng liên thanh rộ lên phía Trảng Bàng, Tây Ninh. Tiếng trọng pháo gầm, chớp lửa rực sáng bầu trời hướng đông nam trước mặt. Nơi đấy là Sài Gòn.
Chúng tôi được lệnh sáng mai sẽ bám theo các binh đoàn chủ lực tiến thẳng vào Sài Gòn trong trận đánh cuối cùng. Khi tôi và anh Văn Bảo (phóng viên ảnh) trên chiếc Honda 90 phân khối tới được Dinh Độc Lập, lá cờ chiến thắng đã được đại đội trưởng Bùi Quang Thận kéo lên ít phút trước đó.
– Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình vào thời điểm lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập. Bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc được ông thực hiện như thế nào?
– Như một cơn lốc, tôi lao vào công việc. Sau khi xác định được những thông tin cần thiết nhất để viết bài tường thuật, tôi ra ngay bến cảng nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Dưới sông, tàu hải quân của quân đội Sài Gòn bị trúng đạn pháo Quân Giải phóng bốc cháy, khói đen cuộn mù mịt.
Trên bến cảng, hàng trăm đồng bào tay cầm cờ đỏ sao vàng, cờ Giải phóng và ảnh chân dung Bác Hồ, ùa ra đón đoàn quân Giải phóng…
Khi tôi đặt bút viết bài tường thuật, khung cảnh cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ rạng rỡ trên bến cảng Sài Gòn bừng hiện trong tâm trí. Dòng chữ đầu tiên “chảy ra” trên trang giấy: Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng. Đó cũng chính là đầu đề bài tường thuật của tôi.
14h, bài tường thuật đã xong, nhưng không cách nào điện về Hà Nội được. Tôi cứ loanh quanh ở trụ sở Việt tấn xã (hãng thông tấn của chính quyền Sài Gòn mà Thông tấn xã Giải phóng – TTXGP – được lệnh tiếp quản) ngóng chờ xe chở điện đài và các điện báo viên của TTXGP. Đến chiều tối, các anh mới tới.
Vì điện báo viên ngày ấy phải phát tín hiệu từng chữ, chữ “a”, chữ “b”, chữ “c”…, nên điện xong bài tường thuật gần 2.000 chữ mất rất nhiều thời gian…
– Vì sao bài tường thuật ông điện từ Sài Gòn được phát báo ngay trong đêm 30/4/1975 trên Bản tin “Đấu tranh Thống nhất” của VNTTX có nhan đề “TP.HCM rực rỡ sao vàng” nhưng khi đăng Báo Nhân Dân số đặc biệt ra ngày 2/5/1975 lại có đầu đề “Tiến vào ‘Phủ Tổng thống’ nguỵ”?
– Khi điện báo viên điện xong bài tường thuật, tôi thở phào nhẹ nhõm, nhưng cũng không biết số phận bài viết của mình sẽ như thế nào, có điện được về Tổng xã Hà Nội không, có được đăng trên bản tin của VNTTX không?
Trưa 1/5/1975, tôi và Văn Bảo, với chiếc đài bán dẫn mang theo, đang trên ôtô giữa đường phố Sài Gòn sôi động, nườm nượp dòng người của ngày hội lớn, thì nghe được buổi thời sự đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Sau bản tin đặc biệt của TTXGP: “Từ sáng 1/5/1975, toàn bộ miền Nam nước ta đã hoàn toàn giải phóng”, đài đã đọc trang trọng bài tường thuật “TP.HCM rực rỡ sao vàng” của tôi.
Âm thanh radio được mở hết cỡ, bài tường thuật vang lên giữa biển người và cờ hoa chào đón của Sài Gòn giữa trưa nắng đẹp chan hoà của Ngày Quốc tế Lao động 1/5 đầu tiên đất nước thống nhất.
Tôi cảm động tới rơi nước mắt. Đời phóng viên chiến trường, có hạnh phúc nào bằng? Sau này tôi được biết, bài tường thuật của tôi được VNTTX phát báo ngay trong đêm 30/4/1975, cũng với đầu đề “TP.HCM rực rỡ sao vàng”, nhưng vì quá khuya nên các báo ra ngày 1/5/1975 không kịp đăng.
Báo Nhân Dân, trong số ra đặc biệt ngày 2/5/1975, đã đăng toàn văn bài tường thuật nhưng đặt lại đầu đề là “Tiến vào ‘Phủ tổng thống’ nguỵ”.
– Ý tưởng viết cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” nảy sinh trong ông như thế nào, cụ thể trong thời điểm và bối cảnh như thế nào?
– Tối 30/4/1975, trên chiếc com-măng-ca cắm cờ giải phóng, tôi đi khắp Sài Gòn, say sưa ngắm nhìn “Hòn ngọc Viễn Đông” lộng lẫy trong đêm đầu tiên trở về trong lòng dân tộc.
Khi về tới trụ sở Việt tấn xã (hãng thông tấn của chính quyền Sài Gòn) mà TTXGP vừa tiếp quản, đêm đã khuya. Tôi ngủ thiếp đi. Khi choàng tỉnh, giây phút đầu tiên tôi choáng váng trước ánh điện sáng trưng và không hiểu điều gì đã xảy ra.
Thế rồi, tôi định thần lại và chợt hiểu: Chiến tranh đã chấm dứt, đất nước đã thống nhất, bài tường thuật chiến thắng lịch sử của dân tộc tôi viết cũng đã điện được về Tổng xã ở Hà Nội.
Tôi bước ra sân, Dinh Độc Lập ngay trước mặt, cả bốn tầng rực sáng ánh điện. Những quả pháo hiệu liên tục được bắn lên bầu trời như pháo hoa mừng chiến thắng, khiến khung cảnh càng trở nên rực rỡ, lung linh.
Thành phố đã bước sang ngưỡng cửa ngày 1/5. Những sự kiện lịch sử trưa 30/4 vừa diễn ra tại Dinh Độc Lập phút chốc đã trở thành quá khứ, và sẽ ngày một lùi xa trong lớp bụi thời gian. Những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống một lần.
Tự dưng tôi bật ra ý tưởng phục dựng những giờ phút đó, phục dựng sự thật lịch sử đã diễn ra trong những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa bằng chính các tài liệu tuyệt mật, bản văn tin cậy, hành động điều hành cuộc chiến của phía bên kia (Việt Nam Cộng hoà và Mỹ). Tôi bắt tay ngay vào việc sưu tầm tài liệu.
Đó chính là công việc chủ yếu của tôi trong những ngày tháng đầu tiên của Sài Gòn giải phóng 45 năm trước với nhiệm vụ là phóng viên của Phân xã VNTTX tại Sài Gòn.
– Làm sao để ông khi đó, một nhà báo mới 32 tuổi, có thể tiếp cận và thu thập được khối lượng lớn tư liệu, trong đó có rất nhiều tài liệu tuyệt mật của phía bên kia, để xây dựng cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”?
– Tổng biên tập Đào Tùng khi đó vừa là cố vấn cho Ban lãnh đạo TTXGP, đồng thời là trợ lý cho lãnh đạo Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Ông trực tiếp chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ của Phân xã VNTTX tại Sài Gòn những ngày đầu giải phóng.
Là phóng viên VNTTX tại Sài Gòn, tôi đồng thời được giao làm trợ lý kiêm thư ký giúp việc cho ông. Nhờ đó, tôi may mắn được tháp tùng ông trong hơn một tháng đầu của Sài Gòn giải phóng, dự hàng loạt cuộc hội họp, tiếp xúc đủ các ngành giới, Ủy ban Quân quản, các cơ quan trong và ngoài quân đội.
Với Giấy công tác đặc biệt của Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn – Gia Định cấp ngay sáng 1/5/1975, với thẻ nhà báo là phóng viên của VNTTX, với tờ báo Nhân Dân số đặc biệt có đăng bài tường thuật ghi rõ tên tác giả Trần Mai Hạnh, đặc biệt là với sự “bảo lãnh” của Tổng biên tập Đào Tùng, tôi dễ dàng tạo được niềm tin trong việc tiếp cận, khai thác những tài liệu quý giá.
Trong đó, có nhiều tài liệu tuyệt mật (ở thời điểm đó) của phía bên kia, phục vụ việc xây dựng cuốn sách của mình.
– Ông đã xử lý khối tư liệu đồ sộ thu thập được sau hơn ba thập kỷ như thế nào trong qúa trình viết cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”? Tại sao ông quyết định công bố toàn văn 31 tài liệu tuyệt mật (ở thời điểm đó của cuộc chiến) trong lần tái bản sách?
– Công việc tập hợp, phân tích, sàng lọc, kiểm nghiệm tính xác thực của các sự kiện, sự việc, tình tiết và cả chi tiết cần thiết để phục vụ việc xây dựng tác phẩm từ khối tư liệu đồ sộ thu thập được cả ở trong nước và ngoài nước sau hơn ba thập kỷ, mất không ít thời gian và công sức.
Quyết định xây dựng một tác phẩm văn học chứ không phải báo chí, cụ thể ở đây là cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử, bắt buộc người viết phải hoá thân sang phía bên kia để phục dựng trung thực và sống động những ngày sụp đổ cuối cùng của cả một chế độ.
Tôi chọn in nguyên văn 31 tài liệu trong phần Phụ lục tài liệu tham khảo đặc biệt của cuốn sách tái bản lần này với hy vọng đáp ứng nhu cầu của bạn đọc và những ai có mong muốn nghiên cứu, tìm hiểu sâu thêm về những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của Việt Nam Cộng hoà.
Đó hầu hết là các tài liệu ta thu được tại bàn làm việc và nơi ở của Nguyễn Văn Thiệu, tổng thống chính quyền Sài Gòn tại Dinh Độc Lập, và tại phòng làm việc của Cao Văn Viên, đại tướng, tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa, tại trụ sở Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn vào buổi trưa và chiều tối 30/4/1975.
Cơ may lịch sử, cơ duyên cuộc sống cùng sự giúp đỡ của các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài quân đội, đã giúp tác giả tiếp cận, khai thác được những tài liệu quý giá đó..
– Ông từng nói cốt lõi của lịch sử là sự thật. Vậy sự thật được đảm bảo và thể hiện như thế nào trong “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”?
– Theo tôi, điều cốt lõi nhất của lịch sử chính là sự thật. Sự thật là món quà vô giá mà tạo hoá đã ban cho con người. Tôi là tín đồ của sự thật, và sự thật cũng là điều cốt lõi của tác phẩm này.
Khi xác định xây dựng cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử, có nghĩa, tôi đã khu trú tác phẩm của mình khỏi các tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết dã sử khác. Hai chữ “tư liệu” nghĩa là nói có sách mách có chứng.
Dùng hai chữ “biên bản” đặt tên sách, có nghĩa tôi đã ký thác sinh mạng chính trị của mình vào các sự kiện, sự việc, nhân vật và tình tiết lịch sử trình bày trong cuốn sách.
Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 dựng lên một giai đoạn lịch sử của đất nước mà đó là lịch sử đương đại, hàng triệu người gắn bó với nó mật thiết từ các phía, và còn cả gia đình của họ nữa, chỉ cần sai một chi tiết sẽ bị phản ứng ngay.
Đơn cử, trong sách (ở lần tái bản thứ 5 có bổ sung kỳ này), có tất cả 285 nhân vật, người thật việc thật, từ Nguyễn Văn Thiệu tới tướng lĩnh, sĩ quan các quân đoàn, sư đoàn, tiểu đoàn, rồi tới các cấp chính quyền dưới nữa. Nó phải chính xác cả tên, họ, tên lót và phận sự công việc mà con người đó đảm nhận.
Muốn đảm bảo được sự thật, phải sưu tầm đầy đủ nhất (có thể) các tài liệu gốc, bản văn tin cậy (những bức điện chỉ huy tác chiến của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn trong toàn bộ quá trình diễn ra sụp đổ cuối cùng, tường trình của các tướng lĩnh thất trận tại các quân khu, quân đoàn, các tuyến phòng thủ, các báo cáo phân tích tình báo…).
Từ đó, căn cứ thêm các tài liệu tin cậy từ rất nhiều lĩnh vực khác, tác giả hoá thân sang phía bên kia để phục dựng.
– Kể từ lần đầu ra mắt năm 2014 đến nay, sách được tái bản liên tiếp 5 lần, giành được các giải thưởng danh giá. Ông đã thật sự hài lòng với tác phẩm của mình chưa? Ông có ý định viết thêm tác phẩm gì nữa về đề tài Đại thắng Mùa Xuân 1975?
– Phát biểu tại lễ ra mắt Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 phiên bản tiếng Anh ngày 27/4/2017, tôi nói: “Với việc thẩm định và xuất bản, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật – cơ quan xuất bản chính trị của Đảng và Nhà nước – đã cấp giấy khai sinh cho Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 đi vào cuộc sống với số phận của mình”.
Tôi nghĩ hãy để cho tác phẩm tự thân cất bước trong sự phán xét của thời gian và bạn đọc. Không nên nói trước điều gì. Đã nói là ý định thì có thể mãi mãi vẫn chỉ là ý định.
– Bài tường thuật về những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập và hoạt động báo chí trong những ngày đầu tiên của Sài Gòn giải phóng giữ vị trí như thế nào trong cuộc đời hơn 50 năm làm báo, viết văn của ông?
– 45 năm đã trôi qua. Trong quãng đời hoạt động của mình, được sự tin cậy của Đảng và cơ quan, tôi đã được chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, song những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập và phút giây chuyển giao lịch sử của dân tộc diễn ra những ngày đầu tháng 5/1975 tại Sài Gòn vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi.
Niềm tự hào, hạnh phúc nhất trong quãng đời làm phóng viên TTXVN của tôi là đã được chứng kiến và tác nghiệp trong những giờ phút huy hoàng, trọng đại nhất của lịch sử đất nước.
Đó cũng chính là bệ đỡ tinh thần và là cội nguồn làm nên giá trị các tác phẩm báo chí và văn chương của tôi.