Nhắc tới văn học thiếu nhi Việt Nam không thể không nói tới Tô Hoài. Ông là người tiên phong, xác lập vị thế vững chắc cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam. Ông là một trong những thành viên tham gia sáng lập, đặt tên cho NXB Kim Đồng.
Hơn 70 năm cầm bút, ông để lại lượng tác phẩm đồ sộ với gần 200 đầu sách trải rộng trên nhiều mảng đề tài.
Tri ân cây đại thụ làng văn, giới văn chương, hội họa, điện ảnh đã tề tựu trong buổi tọa đàm “Tô Hoài – nhà văn của mọi lứa tuổi” để tưởng nhớ tác giả Dế Mèn phiêu lưu ký.
Chương trình diễn ra ngày 25/9 tại NXB Kim Đồng, Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tô Hoài (1920-2020).
Dế Mèn phiêu lưu ký phiên bản đặc biệt kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tô Hoài. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Người sinh ra để viết
Dẫn dắt buổi tọa đàm, TS Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học – đặt vấn đề: Điều gì mang lại chiều sâu trong tác phẩm của Tô Hoài?
Đã có nhiều lý giải từ các nhà phê bình, người cho rằng Tô Hoài thành công vì các trang viết của ông đồng hành cùng dân tộc như Vợ chồng A Phủ. Người lại nhận định tác phẩm của ông khai thác, tìm hiểu lịch sử dân tộc. Người ca ngợi tài quan sát tinh tế trong những truyện đồng thoại của ông. Cũng có ý kiến nêu Tô Hoài thành công vì ông đã sống với Hà Nội, viết về Hà Nội…
Viện trưởng Viện Văn học cho rằng chính việc viết nhiều, viết không ngừng nghỉ đã làm nên tầm vóc của Tô Hoài.
Khi nhìn vào khối lượng tác phẩm đồ sộ của Tô Hoài, nhiều người trong giới văn chương sẽ không tránh khỏi cảm giác “ngốt” trước sức làm việc của ông.
TS Nguyễn Đăng Điệp nói: “Tô Hoài mang phẩm chất của cây bút chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp ở chỗ ngày nào ông cũng sờ đến bút, ngày nào cũng viết, mà viết kỹ chứ không sản xuất công nghiệp”.
Viện trưởng Viện Văn học cho biết viết với Tô Hoài giống như hít thở khí trời, một hình thức dưỡng sinh. Tô Hoài có thể viết mọi lúc, mọi nơi: Đi công tác, đi dưỡng bệnh, trong cuộc họp.
Trong một hội nghị, khi người ta cảm thấy chán ngán, ngáp dài với những bài phát biểu, Tô Hoài lại lấy giấy bút ra lúi húi ghi. Hóa ra, ông vừa nghe họp vừa sáng tác. Họp xong, ông về ngay để viết nốt những dòng còn dang dở.
“Ngày nào không viết hẳn ông sẽ buồn chân buồn tay đến độ bứt rứt”, TS Nguyễn Đăng Điệp nói.
Trong dịp sinh nhật lần thứ 70 của Tô Hoài, nhà thơ Tế Hanh đã nhận xét: “Có những người như Picasso sinh ra để vẽ. Ở mức độ nào đó, cũng có thể nói Tô Hoài sinh ra để viết”.
Nhà thơ Hữu Việt kể khi còn bé, anh thường được cha (nhà văn Hữu Mai) sai sang nhà tác giả Dế Mèn mỗi khi có việc.
Hữu Việt kể: “Ngày nào cũng vậy, đúng giờ, bác ăn mặc chỉnh tề như chuẩn bị đón khách đến chơi, nhưng là để ngồi vào bàn và cần mẫn làm việc. Không viết gì thì cũng cứ ngồi vào bàn, một thói quen không dễ với người nổi tiếng, nhiều thành tựu”.
Chân dung Tô Hoài do nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chụp. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Nhà văn của mọi lứa tuổi
Hơn 20 tuổi, Tô Hoài đã tạo nên kiệt tác Dế Mèn phiêu lưu ký. Sau đó, ông cho in hàng loạt tác phẩm hiện thực như Quê người (1941), Nhà nghèo (1942), Xóm Giếng ngày xưa (1944), Cỏ dại (1944)… Năm 1953, ông xuất bản tập Truyện Tây Bắc, trong đó tác phẩm nổi tiếng nhất là Vợ chồng A Phủ.
Văn nghiệp thành công vang dội với Dế Mèn phiêu lưu ký, Tô Hoài vẫn viết không ngơi nghỉ. Ông tiếp tục sáng tác tới cuối đời. Những tác phẩm như Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Ba người khác, Chuyện cũ Hà Nội… được xem là xuất sắc trong văn nghiệp của Tô Hoài.
Phiên bản tiếng Anh tác phẩm Đám cưới chuột với minh họa của họa sĩ Vũ Xuân Hoàn. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Đến khi Tô Hoài qua đời, di cảo của ông vẫn tiếp tục được in thành sách như Những ký ức không chịu ngủ yên, Người con gái xóm Cung, Giữ gìn 36 phố phường.
Khối tác phẩm Tô Hoài để lại đồ sộ. Ở mảng thiếu nhi, ngoài Dế Mèn phiêu lưu ký, Tô Hoài còn được yêu thích qua những tác phẩm kể lại truyện dân gian.
Tiến sĩ giáo dục Thụy Anh – Chủ nhiệm câu lạc bộ Đọc sách cùng con – nói Tô Hoài có biệt tài khi miêu tả loài vật, cỏ cây. Truyện thiếu nhi của ông không dạy dỗ, hay đưa ra những bài học luân lý cứng nhắc.
Tô Hoài thành công khi viết về Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Trương Quý – tác giả nhiều đầu sách về Hà Nội – nói trong số các tác giả văn xuôi đóng góp vào đề tài Hà Nội, “Tô Hoài đem lại một danh mục tác phẩm đa giọng điệu”.
Từ truyện ngắn, tiểu thuyết cho đến tạp văn, Hà Nội trong văn Tô Hoài luôn đậm dấu ấn quan sát hoặc trải nghiệm suốt cuộc đời hơn 90 năm của tác giả.
“Qua Tô Hoài, Hà Nội không chỉ là phông cảnh cho các hoạt động mà thực sự hiện diện như đề tài lớn của một tác giả”, Nguyễn Trương Quý nhận định.
Về văn phong Tô Hoài, TS Nguyễn Đăng Điệp cho rằng tác giả Vợ chồng A Phủ tài năng trong việc sử dụng ngôn ngữ. Ông ít dùng thứ ngôn ngữ óng ả, sặc mùi sách vở. Chữ nghĩa của ông cất lên từ đời sống, nhưng được chắt lọc kỹ lưỡng.
“Tô Hoài đặc biệt giỏi trong nghệ thuật tạo không khí. […] Viết về người hay vật, viết về cổ hay kim, Tô Hoài đều biết cách đặt chúng trong không khí nào. Màu sắc đời sống, không khí lịch sử trong truyện của Tô Hoài ám rất sâu vào tâm trí người đọc vì đó là thứ không khí toát lên từ tình thế, từ các chi tiết rất gần gũi đời thường”, TS Nguyễn Đăng Điệp nói về nghệ thuật văn xuôi của Tô Hoài.
Tranh minh họa Dế Mèn phiêu lưu ký với phong cách hiện đại do họa sĩ Đậu Đũa thể hiện. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Ông Bùi Tuấn Nghĩa – Giám đốc NXB Kim Đồng – cho biết năm 2005, nhà văn Tô Hoài đã ủy nhiệm cho NXB Kim Đồng quản lý, khai thác toàn bộ tác phẩm của mình. Từ đó, thêm nhiều tác phẩm của Tô Hoài viết cho mọi lứa tuổi được nhà xuất bản phát hành.
“Chúng tôi tự hào vì trong 15 năm qua đã thực hiện khai thác tốt gia tài mà ông trao gửi”, ông Bùi Tuấn Nghĩa nói.
“Dế Mèn phiêu lưu ký được phát huy theo nhiều hình thức phong phú. Điều đó chứng tỏ sức sống mãnh liệt của tác phẩm trong lòng bạn đọc. Chúng tôi mong muốn một ngày nào đó chú Dế Mèn có thể được chuyển thể lên màn ảnh rộng đến với khán giả nhỏ Việt Nam”, Giám đốc NXB Kim Đồng bày tỏ.