Năm 2021, cũng như nhiều lĩnh vực khác, ngành xuất bản chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Trong hoàn cảnh đó, các đơn vị trong ngành không chỉ nỗ lực vượt qua khó khăn, mà còn phải tìm ra hướng đi mới nhằm đa dạng hóa hình thức, nội dung xuất bản phẩm để phù hợp thị hiếu của độc giả trong thời đại 4.0.
Mới đây, hội thảo giao lưu với chủ đề “Đi tìm tầm nhìn mới cho ngành xuất bản” được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, thu hút hàng trăm người làm công tác xuất bản và sinh viên theo học ngành xuất bản tham dự.
Số liệu tổng hợp từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Xuất bản Việt Nam. Ảnh: Đỗ Thu. |
Giới làm sách đối mặt nhiều khó khăn
Nhìn lại hành trình 2 năm qua, ông Nguyễn Cảnh Bình – Chủ tịch HĐQT Alpha Books – nhận thấy đại dịch Covid-19 mở ra nhiều cơ hội, song cũng đặt ra thách thức mới cho giới làm sách.
Ông Bình cho rằng toàn ngành gặp khó khăn do thị trường xuất bản trong nước còn nhỏ hẹp. Trước những khủng hoảng của dịch bệnh, người làm sách phải chịu ràng buộc bởi nhiều quy chế, quy định chặt chẽ từ các cơ quan nhà nước.
Bàn về những khó khăn này, ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – đưa ra những số liệu cụ thể. Năm 2019, số sách bán được là 440 triệu bản, trong đó có tới 80% là sách giáo khoa.
“Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm nay. Nguyên nhân nằm ở tỷ lệ đọc của người dân còn thấp, dẫn đến sức mua kém. Đây là rào cản lớn cho sự phát triển của ngành sách”, ông Lê Hoàng nhận định.
So sánh với Malaysia, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết năm 2002, tỷ lệ đọc của nước bạn là 2 cuốn/người/năm. Đến năm 2019, con số này là 15.
Còn ở Việt Nam, theo số liệu thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), nếu tính cả sách giáo khoa, tỷ lệ đọc trong năm 2019 chỉ đạt 4,13 cuốn/người/năm.
Số đầu sách từ năm 2014 đến 2019 tăng 30%. Trong khi đó, số lượng bản in/đầu sách chỉ tăng 19%. Điều này cho thấy số lượng sách bán được chưa khả quan và không tỷ lệ thuận với số lượng đầu sách được xuất bản.
Theo ông Lê Hoàng, việc đầu tư để cho ra đời một cuốn sách tốn nhiều công sức, nhưng hiệu quả mang lại (số sách in được, bán được) lại “không như mong đợi”, từ đó cho thấy số lượng đầu sách dù có tăng, vẫn không quyết định hiệu quả kinh doanh của ngành xuất bản.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân mà ông Nguyễn Cảnh Bình chỉ ra là sự nổi lên của phong trào tự xuất bản sách để phục vụ nhu cầu riêng. Điều này tạo cơ hội cho các cá nhân không chuyên được làm sách, song cũng “vô tình khiến các đơn vị xuất bản mất đi thị phần”.
Cuối năm 2021, Hội Xuất bản Việt Nam công bố “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học”. Ảnh: Thu Thủy. |
Đi tìm giải pháp
Trước những thực trạng đó, ông Lê Hoàng cho rằng nâng cao sức đọc của người dân là giải pháp mấu chốt giúp tháo gỡ nhiều khó khăn của toàn ngành.
“Chúng ta cần tìm cách để tạo dựng thói quen đọc sách trong cộng đồng. Việc tổ chức các hội sách, sự kiện về sách chỉ góp phần tác động đến phong trào mua và đọc sách của người dân, chứ không tạo nên thói quen đọc. Thói quen đó phải được hình thành từ khi còn nhỏ tại hai môi trường chính: Trường học và gia đình”, ông Lê Hoàng nói.
Những năm qua, Hội Xuất bản Việt Nam đã luôn nỗ lực để tìm cách tác động thông qua việc dạy và học. “Danh mục sách hỗ trợ dạy và cấp tiểu học” (do Hội Xuất bản Việt Nam – Văn phòng đại diện phía Nam, Công ty Đường sách TP.HCM cùng các nhà xuất bản, công ty sách thực hiện), các thư viện nhà trường, mô hình tủ sách… là những việc làm cụ thể.
Song theo ông Lê Hoàng, trong mỗi gia đình, cha mẹ cũng cần ý thức về vai trò của sách và duy trì thói quen đọc cùng con. Việc tác động mạnh mẽ từ nhiều phía sẽ tạo nên sự xoay chuyển tích cực, góp phần hình thành thói quen đọc sách cho trẻ.
Đồng tình với ý kiến đó, bà Vũ Thùy Dương – Trưởng Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền – cũng nhận định rằng nên giáo dục thói quen đọc sách cho trẻ từ cấp bậc nhỏ nhất, để trẻ ý thức được tầm quan trọng của sách.
“Đây cũng là vai trò, trách nhiệm của nhà trường. Các hoạt động này sẽ vừa mang tính chất bắt buộc, vừa khuyến khích tình yêu sách. Chúng ta có thể tổ chức các cuộc thi nhỏ về sách và trao quà để khích lệ các em”, bà Dương gợi ý.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn của ngành xuất bản. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Tận dụng công nghệ
Nhìn nhận về vai trò của ứng dụng công nghệ trong bối cảnh đại dịch và nhu cầu chuyển đổi số hiện nay, ông Lê Hoàng đánh giá sự phát triển của công nghệ là tiền đề cho nhiều hướng đi mới của toàn ngành.
Cụ thể, nếu biết tận dụng công nghệ, giới làm sách trong nước sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn các đơn vị xuất bản trên thế giới. Từ đó, việc mua, bán bản quyền sách sẽ diễn ra nhanh hơn. Ngoài ra, công nghệ còn khiến quá trình truyền thông, quảng bá sách được rút ngắn, nhưng lại lan rộng đến bạn đọc nhiều hơn.
Là giảng viên với 24 năm kinh nghiệm giảng dạy tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bà Vũ Thùy Dương thông tin hiện nay, trường đã xây dựng thư viện số, sinh viên có thể đọc tham khảo tất cả tài liệu, giáo trình liên quan các môn học.
Trong các chuyên ngành của Khoa Xuất bản tại trường, xuất bản điện tử đang là lĩnh vực được đông đảo sinh viên và người làm công tác giảng dạy quan tâm.
“Chúng tôi nhận thấy nhiều đơn vị xuất bản chuyên làm ebook, audio book đang rất cần nhân lực được đào tạo bài bản về chuyên ngành này. Đó cũng là một trong những hướng đi mới của toàn ngành”, bà Dương lý giải.