Hiện, TP.HCM trở thành địa phương đứng thứ 2 về số lượng ca mắc Covid-19, chỉ sau Bắc Giang. Từ ngày 27/4 đến nay, thành phố ghi nhận 3.056 ca mắc Covid-19 trong nước.
TP.HCM đã hoãn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 nhưng đến hiện tại vẫn chưa chốt tham gia thi tốt nghiệp THPT vào ngày 6-8/7 tới theo lịch của Bộ GD&ĐT hay chờ đợt sau.
Trường THPT ở TP.HCM gấp rút gửi giấy báo dự thi qua bưu điện cho thí sinh trước ngày 27/6. Ảnh: Thanh Phú. |
Thí sinh ngoại tỉnh gặp nhiều khó khăn
Những ngày qua, Nguyễn Đặng Hồng Nhung, học sinh lớp 12, trường THCS-THPT Đào Duy Anh và gia đình như ngồi trên đống lửa, thấp thỏm đợi lịch thi tốt nghiệp THPT chính thức của TP.HCM.
Nhung quê ở Bình Phước nhưng lên TP.HCM học tập. Em cũng sẽ dự thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM. Từ 27/5, TP.HCM đã yêu cầu cho học sinh lớp 9, 12 dừng ôn thi tập trung tại trường, cơ sở nội trú dành học sinh của các trường cũng phải dừng hoạt động. Những học sinh ở tỉnh như Nhung phải trở về quê để tiếp tục ôn tập online.
“Bây giờ đã sát ngày thi nhưng TP.HCM vẫn chưa biết thi vào đợt nào. Chúng em rất lo lắng, vừa ôn tập vừa thấp thỏm chờ đợi thông tin. Bạn bè, mạng xã hội bàn tán rất nhiều khiến em phần nào ảnh hưởng đến sự tập trung khi ôn tập”, nữ sinh chia sẻ.
Nhung cho biết trong tình hình hiện nay, nếu TP.HCM cho học sinh dự thi đợt 1, điều khó khăn nhất với em là phải tìm phương tiện di chuyển từ Bình Phước lên thành phố, chưa kể việc phải tìm chỗ ăn ở, nghỉ ngơi trong thời gian thi.
“Dịch bệnh nên các loại xe dịch vụ từ Bình Phước đi TP.HCM đều đã dừng, em không thể đi xe lên thành phố được. Nếu người nhà đưa đi thi thì khi quay về Bình Phước phải cách ly 21 ngày. Em cần tìm chỗ ở lại trong mấy ngày thi. Trong khi dịch bệnh tại TP.HCM ngày càng căng thẳng, cả em và bố mẹ đều rất lo lắng nếu phải đi thi trong hoàn cảnh này, dù biết ở trường thi có các biện pháp đảm bảo an toàn”, nữ sinh nói.
Dù đã ôn tập, chuẩn bị kiến thức sẵn sàng cho đợt thi đầu tiên nhưng cá nhân Nhung mong TP.HCM sẽ cho học sinh tham gia thi đợt sau, khi tình hình dịch bệnh đã cải thiện hơn.
Những nỗi lo của Nhung cũng là vấn đề khiến thí sinh Trần Thanh Tân và gia đình đau đầu trong hơn hai tuần qua. Tương tự Nhung, Tân quê ở Long An nhưng lên TP.HCM học tập và sẽ dự thi tốt nghiệp THPT tại đây. Năm nay, Thanh Tân đăng ký nguyện vọng 1 vào ĐH Kinh tế TP.HCM, nguyện vọng 2 vào ĐH Tôn Đức Thắng.
“Long An ngay bên cạnh TP.HCM, gia đình có thể đưa em lên thành phố bằng xe máy. Em cần tìm chỗ ở trong những ngày thi, vì phòng nội trú của trường không thể ở được nữa. Thi xong, em phải về quê cách ly 21 ngày”, Thanh Tân cho hay.
Nam sinh chia sẻ thời gian qua phải ôn thi online khiến việc tiếp thu kiến thức, luyện giải bài tập của em không được như ý. Thiếu không khí máu lửa khi ôn thi trực tiếp ở lớp phần nào khiến Tân cảm thấy chán chường.
“Nếu thi đợt 1 thì em cũng có phần lo lắng cho an toàn sức khỏe của bản thân nhưng em mong có thể thi ngay luôn. Vì kéo dài thêm nữa em cảm thấy rất mệt mỏi, không biết khi nào mới kết thúc”, nam sinh nói.
Các sĩ tử đang gấp rút ôn tập, chuẩn bị sẵn sàng cho phương án thi tốt nghiệp THPT ngay trong đợt 1. Ảnh: Tran Minh. |
Chuẩn bị sẵn sàng thi đợt 1
Chia sẻ với Zing, Trần Huỳnh Phương Anh, học sinh lớp 12A5, trường THPT Diên Hồng (quận 10), cho biết bản thân đã sẵn sàng để “chinh chiến” kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Mục tiêu của Phương Anh là xét tuyển ngành Quản trị khách sạn, ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM.
Đứng trước các thông tin “gây nhiễu” trên mạng xã hội về các đợt thi khác nhau của TP.HCM, Phương Anh không quan tâm, chỉ tập trung vào việc ôn luyện. Nữ sinh nói: “Đối với em, bản thân học bài thật kỹ thì dù thi tốt nghiệp THPT đợt 1 hay đợt 2 cũng không ảnh hưởng gì nhiều”.
Đã nộp hồ sơ xét tuyển học bạ nhưng Phương Anh vẫn thực hiện việc ôn luyện thường xuyên để có kết quả tốt nhất. Ban ngày, nữ sinh tham gia các lớp học online do nhà trường tổ chức để luyện đề. Đến tối, Phương Anh học thêm các lớp tiếng Anh và toán, tới 21h sẽ nghỉ ngơi. Luyện thi online liên tục từ thứ 2 đến thứ 7, Phương Anh cảm thấy mỏi mắt và sức khỏe bị ảnh hưởng nhiều.
Cùng cảm thấy mệt mỏi vì luyện thi liên tục qua máy tính từ 8h sáng tới 20h tối, bạn Huỳnh Việt Kha, học sinh lớp 12A2, trường THPT Marie Curie (quận 3) phải sắp xếp lịch học thuận tiện nhất để không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Dự định của Kha là xét tuyển vào ngành Lưu trữ học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Quá trình ôn luyện hiện tại của Kha là nắm chắc những kiến thức cơ bản để tránh sai sót khi làm bài. Các buổi sáng trong tuần, Kha đều tham gia các buổi luyện thi online do nhà trường tổ chức. Thời gian rảnh em sẽ tự học và học thêm hai môn tiếng Anh và Toán để củng cố kiến thức.
“So với đợt nghỉ dịch trước đây, thì đợt nghỉ này em cảm thấy khó khăn nhiều hơn vì phải nắm vững hết tất cả kiến thức. Việc luyện thi online có nhiều bất cập. Khi em không rõ kiến thức nào thì chỉ có thể hỏi thầy cô qua tin nhắn. Đôi khi em không thể bày tỏ được hết thắc mắc của mình với thầy cô vì không thể gặp trực tiếp” – Kha nói.
Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên khi nghe thông báo thành phố dự kiến tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 1, em cảm thấy rất lo lắng. Tuy nhiên, Kha vẫn muốn được thi đợt 1 để bớt áp lực hơn.
Hàng ngày, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, bạn Lâm Võ Thị Thủy Tiên, học sinh lớp 12A12, trường THPT Bình Phú (quận 6) đã dậy từ 4h sáng. Ngoài các buổi luyện thi với lớp học online do nhà trường tổ chức, Tiên sẽ tự học thêm các kiến thức vận dụng và vận dụng cao.
“Nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp, TP.HCM phải tổ chức thi đợt 2 thì em vẫn sẽ ôn luyện theo kế hoạch như hiện tại. Nhưng em mong có thể được thi đợt 1 để thoải mái tinh thần hơn” – Tiên nói.
Luyện thi online khiến Tiên cảm thấy tủi thân vì không được như các khóa thí sinh trước. Việc luyện thi cũng gặp nhiều khó khăn do kết nối Internet, tuy nhiên, Tiên luôn cảm thấy được an ủi vì có thầy cô hỗ trợ tận tình và bố mẹ động viên.
Trong báo cáo gửi UBND TP.HCM, Sở GD&ĐT TP.HCM đã đề xuất tổ chức cho học sinh không thuộc khu vực phong tỏa, không thuộc các diện F0, F1, F2, F3 thi tốt nghiệp THPT vào đợt 1, từ ngày 6-8/7.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, kỳ thi này thành phố có 155 điểm thi với 4.134 phòng, 89.275 thí sinh và 15.812 người coi thi.
Sở đề xuất làm xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi tốt nghiệp THPT và cả thí sinh tham gia kỳ thi. Công tác xét nghiệm này sẽ thực hiện trong ngày tổng duyệt phương án thi, tức ngày 2/7.