Trao đổi trong buổi tư vấn của ĐH Sư phạm Kỹ Thuật TP.HCM, PGS TS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng nhà trường, đã đưa ra một số lưu ý về việc điều chỉnh nguyện vọng.
Theo ông Dũng, nguyên tắc sắp xếp nguyện vọng là dựa trên sở thích của thí sinh về ngành học. Nguyện vọng 1 là ngành học và trường yêu thích. Các nguyện vọng tiếp theo là trường dự phòng hoặc ngành có đặc điểm tương đương với ngành thí sinh yêu thích. Những nguyện vọng cuối, thí sinh nên chọn các ngành có điểm chuẩn năm ngoái thấp hơn mức điểm của bản thân.
Từ nguyên tắc này, ông Dũng đã đưa ra nhiều lời khuyên để thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh minh họa: V.L. |
Cân nhắc sắp xếp nguyện vọng phù hợp
Nguyên hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng thí sinh nên dựa trên điểm thi của mình để sắp xếp nguyện vọng phù hợp.
“Đừng đâm đầu vào các ngành hot khi điểm thi không cao”, ông Dũng nói.
Nếu tổng điểm của tổ hợp xét tuyển thấp, thí sinh không nên đặt nguyện vọng 1 là các ngành có tỷ lệ chọi cao. Trường hợp này, ông Dũng đưa ra gợi ý thí sinh có thể chọn hệ chất lượng cao thay vì hệ đại trà của các ngành này, để có mức điểm chuẩn thấp hơn, tăng cơ hội đậu vào.
Trong mỗi nguyện vọng, thí sinh nên dựa trên điểm số của mình ở các tổ hợp xét tuyển, chọn tổ hợp có điểm cao nhất để điều chỉnh nguyện vọng. Cách điều chỉnh này sẽ giúp thí sinh tăng khả năng trúng tuyển.
Riêng ngành Ngôn ngữ Anh, ông Dũng phân tích, vì điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 ở môn Anh văn cao hơn năm ngoái nên ngành này có thể tăng điểm chuẩn. Thí sinh đặt nguyện vọng cần xem xét mức điểm của mình.
Năm 2021, Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần với thời gian điều chỉnh là 10 ngày, dự kiến là từ 7/8 đến 17/8. Ông Dũng khuyên thí sinh phải cân nhắc kỹ việc sắp xếp nguyện vọng của mình.
“Thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần hơn, nhưng đến lần thứ 3 thì phải cẩn trọng. Khi xác nhận hoàn tất việc điều chỉnh là không thể chỉnh sửa được nữa, vì vậy, thí sinh phải cân nhắc. Đừng làm sớm, khoảng thời gian suy nghĩ để sắp xếp nguyện vọng là rất nhiều, các em nên từ từ tính toán để đặt nguyện vọng”, PGS TS Đỗ Văn Dũng nói.
Nên xác nhận nhập học khi đã trúng tuyển
Đối với những thí sinh trúng tuyển ở các phương thức tuyển sinh đã được trường đại học công bố kết quả như xét học bạ, xét điểm bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia, tuyển thẳng hoặc ưu tiên tuyển thẳng, ông Dũng khuyên nên nhập học thay vì chần chừ, trễ thời gian làm mất cơ hội trúng tuyển của bản thân.
Những thí sinh này, sau khi được cấp giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc, sẽ nộp lại trường đại học mình trúng tuyển để xác nhận nhập học.
Mỗi thí sinh chỉ được cấp một bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi, vì vậy, ông Dũng khuyên, nên suy nghĩ kỹ, không nộp lung tung mà chỉ nộp vào một trường bản thân lựa chọn để xác nhận nhập học.
Thí sinh nên xác nhận nhập học khi đã trúng tuyển ở các phương thức xét tuyển đã công bố kết quả. Ảnh minh họa: V.L. |
Ông Dũng cũng lưu ý, những trường đại học có phương thức xét tuyển bằng kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia và xét tuyển bằng học bạ, chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ ít hơn, vì vậy, điểm chuẩn của phương thức này có thể cao hơn.
Nguyên hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM dự đoán điểm chuẩn các ngành đào tạo của trường năm nay sẽ tăng từ 0,25 đến 0,5 điểm. Năm 2020, điểm chuẩn các ngành đào tạo của trường dao động từ 16 đến 27 điểm.
Những thí sinh có nguyện vọng vào ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ông Dũng gợi ý, nếu điểm tổ hợp xét tuyển của thí trên 26 điểm thì nên nộp nguyện vọng vào các ngành thuộc hệ đào tạo nhân tài, để được nhận học bổng toàn phần (giảm 100% học phí) trong 4 năm học (sẽ xét lại từng năm theo kết quả học tập).
Các ngành này là Robot và Trí tuệ nhân tạo; Công nghệ thông tin (chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo); Công nghệ kỹ thuật Ô tô; Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử; Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; dạy hoàn toàn bằng Tiếng Anh.