Cuốn sách ảnh Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh: Hành trình cứu nước được xuất bản bằng 4 thứ tiếng: Việt, Anh, Nga, Trung Quốc. Ấn phẩm ra mắt bạn đọc đúng dịp kỷ niệm 110 năm ngày Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng để bắt đầu hành trình tìm đường giải phóng cho dân tộc (5/6/1911-5/6/2021).
Công trình tư liệu này được NXB Thông tin và Truyền thông phối hợp Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn, xuất bản.
Bà Nguyễn Thị Bình (Phó trưởng phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch) – một trong ba thành viên chịu trách nhiệm biên soạn cuốn sách – chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi và ý nghĩa trong quá trình thực hiện ấn phẩm.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Bình, Phó trưởng phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: NVCC. |
Góp nhặt tư liệu, dựng xây ấn phẩm
– Được biết, bà cùng ông Đỗ Hoàng Linh và Nguyễn Văn Dương biên soạn cuốn sách ảnh “Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh: Hành trình cứu nước”. Bà đánh giá sao về nhiệm vụ này?
– Nhóm biên soạn gồm ba người: Ông Đỗ Hoàng Linh – Phó Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch – làm chủ biên. Ông Linh chính là người khởi xướng ý tưởng và lên toàn bộ khung nội dung. Tiếp đến là ông Nguyễn Văn Dương, trưởng phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu, và sau cùng là tôi.
Nếu ông Đỗ Hoàng Linh là kiến trúc sư, thì tôi và ông Nguyễn Văn Dương là những người thợ xây, tìm ghép từng viên gạch cho bản thiết kế ấy được hoàn thiện đúng tiến độ và yêu cầu.
Đây là niềm vinh dự và tự hào mà tôi tin rằng không chỉ đối với riêng cá nhân tôi, hai người còn lại cũng sẽ có cảm xúc như thế. Làm cuốn sách tư liệu này vừa là trách nhiệm được giao, vừa là tâm huyết chúng tôi muốn vun vén.
– Nhóm biên soạn đã phân công công việc như thế nào để hoàn thành cuốn sách ảnh này?
– Ông Đỗ Hoàng Linh là chủ biên, đưa ra chủ đề, đề cương khái quát và những chi tiết. Ông Nguyễn Văn Dương là người sưu tầm và tập hợp tư liệu. Còn tôi là người lắp ghép, hoàn thiện. Cụ thể, tôi sắp xếp những tư liệu tìm được theo đúng tiến trình lịch sử chặng đường Bác trải qua nơi xứ người.
Ý tưởng về cuốn sách này có từ khá lâu, chúng tôi bắt tay tiến hành làm vào năm 2020. Quá trình hoàn thiện mất gần một năm. Đến đầu năm 2021, nhóm biên soạn chúng tôi đã bàn giao bản thảo cho NXB Thông tin và Truyền thông.
– Nhóm biên soạn gặp phải khó khăn gì trong việc tìm kiếm những bức ảnh về hành trình tìm đường cứu nước của Bác?
– Những bức ảnh về hành trình tìm đường cứu nước của Bác được sưu tầm từ nhiều nguồn, mất rất nhiều thời gian tra cứu, xác minh thông tin. Nhiều bức ảnh chúng tôi tìm được có chất lượng ảnh kém nên phải qua khâu xử lý cẩn trọng để khi lên sách, ảnh giữ được độ nét tốt nhất có thể.
Tư liệu được đưa vào sách chủ yếu đến từ những nhà sưu tầm cá nhân tại Pháp, Nga và trong nước. Thật may là không có vấn đề gì về việc xác minh nguồn ảnh. Tuy nhiên, cũng có nhiều bức ảnh chúng tôi cần nhưng lại không tìm thấy ở bất cứ nguồn nào.
Cuốn sách ảnh Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh: Hành trình cứu nước được biên soạn bằng 4 ngôn ngữ: Việt, Anh, Nga, và Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Lê. |
Xúc động trước những tư liệu về Bác
– Bên cạnh những khó khăn đó, chắc chắn cũng có những thuận lợi, thưa bà? Điểm nào khiến bà ấn tượng nhất trong quá trình làm cuốn sách này?
– Quá trình làm cuốn sách ảnh này, chúng tôi có được những thuận lợi nhất định. Đáng kể nhất là sự hợp tác của các cá nhân, đơn vị. Họ là những nhân chứng cung cấp tư liệu, thông tin.
Điểm tiếp theo đó là sự thống nhất cao trong quá trình làm việc của nhóm biên soạn ba người. Và sau cùng là sự nhiệt tình, chuyên nghiệp của các dịch giả đã giúp dịch tác phẩm ra ba ngôn ngữ.
Nhóm biên soạn ngay từ đầu đã có ý tưởng biên dịch tác phẩm sang ngoại ngữ Trung Quốc, Anh, và Nga; sau đó nhận được sự thống nhất của NXB Thông tin và Truyền thông. Những ngôn ngữ quốc tế này được chúng tôi chọn với mong muốn tuyên truyền cho đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế về cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chí Minh một cách sâu rộng nhất có thể.
Cá nhân tôi luôn xúc động khi được tiếp xúc với những bức ảnh về thời gian Bác hoạt động ở nước ngoài. Tôi đặc biệt ấn tượng với những hồ sơ, tài liệu mật thám Pháp theo dõi Nguyễn Ái Quốc; những nguồn tư liệu về hai lần Người bị bắt giữ, giam cầm, tù đày tại Hong Kong (1931-1933) và tỉnh Quảng Tây (1942-1943).
– Tên sách “Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh: Hành trình cứu nước” đã nói lên trình tự thời gian mà những bức ảnh tư liệu về Người được sắp xếp trong ấn phẩm?
ThS Nguyễn Thị Bình cho biết bà là người lắp ghép, sắp xếp các bức ảnh tư liệu sưu tầm được để đưa vào cuốn sách. Ảnh: NVCC. |
– Đúng vậy, câu chuyện về người thanh niên mang tên Nguyễn Tất Thành ra đi từ bến cảng Nhà Rồng được kể lại bằng hình ảnh tư liệu theo biên niên từ năm 1911 đến 1945, khi trở thành lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Ngoài phần Tiểu sử và phần Biên niên sự kiện, nhóm biên soạn đã lựa chọn, giới thiệu tới bạn đọc hàng trăm bức ảnh tư liệu, tài liệu, bút tích quý giá có liên quan đến quá trình hoạt động của Người. Chúng tôi muốn góp phần tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, để mọi người nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn công lao và cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
– Bà muốn gửi gắm gì đến bạn đọc khi cuốn sách này ra mắt độc giả đúng dịp kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước?
– Nhóm biên soạn mong muốn cung cấp cho người đọc đầy đủ, chân thực về hành trình cứu nước gian khó của Người.
Đối với bạn đọc trẻ, tôi tin rằng đây sẽ là tài liệu phù hợp, vì cuốn sách với 252 trang được thiết kế theo hình thức linh hoạt gồm nhiều hình ảnh xúc động, giúp độc giả trẻ dễ tiếp cận.
Mỗi bức ảnh là một bài học nhẹ nhàng và sâu sắc về hành trình cứu nước đầy gian nan, vất vả nhưng vinh quang của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Qua đó, giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, lý tưởng, khát khao vươn lên, tinh thần ham học hỏi và cố gắng.