Cuốn sách Nội tình của ngoại tình được viết bởi Esther Perel, đã mổ xẻ chi tiết chuyện ngoại tình từ cả ba phía: Người phản bội, người bị phản bội, người thứ ba, để tìm ra cách giúp những mối quan hệ bền vững hơn.
Được sự đồng ý của Saigon Books, Zing trích đăng một phần nội dung sách.
Những từ ngữ chúng ta dùng trong thực tế khi nói về ngoại tình đã hàm chứa sự sỉ nhục, phản đối hành vi này: kẻ phản bội, kẻ dối trá, kẻ nghiện tình dục, kẻ trăng hoa, người đàn bà lăng loàn… Những từ ngữ này không chỉ phản ánh phán xét của chúng ta mà thậm chí còn khuyến khích sự phán xét đối với ngoại tình.
Từ “ngoại tình” (adultery) có nghĩa gốc từ tiếng Latin là “thối nát” (corruption). Khi cố gắng tìm cách mang đến một góc nhìn trung dung hơn về chủ đề ngoại tình, tôi đã gặp một số khó khăn khi tìm kiếm những từ ngữ trung tính.
Bênh vực hay phản đối chuyện ngoại tình?
Ngay cả các nhà trị liệu tâm lý cũng hiếm khi có những đối thoại không thiên kiến về chủ đề ngoại tình. Họ thường tập trung chú ý đến những tổn thương do ngoại tình gây ra, cách ngăn ngừa những tổn thương hoặc làm sao phục hồi sau khi bị phản bội.
Sách Nội tình của ngoại tình. Ảnh: Saigonbooks. |
Vay mượn từ ngôn ngữ của bộ luật hình sự, các nhà trị liệu viên thường gọi người bị phản bội là “bên bị tổn thương” và người phản bội là “kẻ phạm tội”.
Nói chung, người bị phản bội thường được quan tâm rất nhiều. Các nhà trị liệu tâm lý thường có rất nhiều lời khuyên chi tiết cho người đã lỡ “ăn vụng” về những việc cần làm để giúp vợ/chồng mình vượt qua nỗi đau bị phản bội.
Hậu quả của ngoại tình có thể hết sức đau đớn, và không có gì ngạc nhiên khi hầu hết mọi người đều muốn có quan điểm rõ ràng đối với ngoại tình, hoặc là phản đối, hoặc là ủng hộ.
Mỗi khi tôi kể với ai đó rằng tôi đang viết một quyển sách về ngoại tình, người đó liền lập tức hỏi: “Chị bênh vực hay phản đối chuyện ngoại tình?”, cứ như thể chỉ có hai thái độ có thể lựa chọn đối với chuyện ngoại tình. Tôi thường chỉ trả lời lập lờ rằng: “Vâng…”.
Đằng sau câu trả lời lập lờ nước đôi này chính là mong mỏi chân thành của bản thân tôi muốn mở ra một cuộc đối thoại ít phán xét và tế nhị hơn về chủ đề ngoại tình và những tình thế khó xử mà ngoại tình tạo ra.
Chuyện tình yêu, ham muốn vốn rất phức tạp, thế nên chúng ta không thể dễ dàng phân định rạch ròi tốt – xấu, đúng – sai, nạn nhân – thủ phạm.
Xin nói rõ hơn, không kết tội không đồng nghĩa với tha thứ, và có một sự khác biệt rất lớn giữa thấu hiểu và bào chữa cho ngoại tình. Nhưng một khi ta thu gọn cuộc đối thoại về ngoại tình xuống mức chỉ còn là đưa ra những phán xét thì chúng ta sẽ chẳng còn gì để nói với nhau!
Nhiều người xem ngoại tình sẽ gây ra những nỗi đau không cách nào xoa dịu được, và thường sẽ khiến quan hệ tan vỡ. Nhưng cũng có người nhờ… bị phản bội mà nhận ra nhiều điều, từ đó thay đổi bản thân theo hướng tích cực.
Ta hoàn toàn có thể chữa lành vết thương lòng khi bị phản bội, thậm chí, khi cơn bão ngoại tình quét qua, người trong cuộc thêm hiểu nhau, trân trọng và gắn bó với nhau hơn.
Bạn có từng bị ảnh hưởng bởi chuyện ngoại tình không?
Những bí mật, dối trá vang vọng khắp các thế hệ, để lại đằng sau những tình yêu bị phụ bạc, những con tim tan nát. Ngoại tình không đơn thuần là câu chuyện của hai hay ba người mà gắn chặt vào cả một mạng lưới quan hệ.
Ngoại tình là câu chuyện mà hai người (hoặc nhiều hơn) có trải nghiệm hoàn toàn khác nhau, thế nên nó trở thành nhiều câu chuyện nhỏ.
Do đó, chúng ta cần một cái khung nhận thức khách quan, toàn diện, đa chiều có thể chứa đựng tất cả các câu chuyện khác nhau, thậm chí đối chọi nhau này.
Chúng ta cần một chuyện kể phù hợp với cuộc sống để giúp những con người trong thực tế lèo lái bản thân qua muôn mặt của chuyện ngoại tình, tức những động cơ, ý nghĩa và hậu quả của nó.
Chắc chắn sẽ luôn có những người cương quyết rằng ngoại tình không đáng được thấu hiểu, nhưng đây chính là công việc của một nhà trị liệu.