Cuốn sách Nội tình của ngoại tình được viết bởi Esther Perel, đã mổ xẻ chi tiết chuyện ngoại tình từ cả ba phía: Người phản bội, người bị phản bội, người thứ ba, để tìm ra cách giúp những mối quan hệ bền vững hơn.
Được sự đồng ý của Saigon Books, Zing trích đăng một phần nội dung sách.
Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại chúng ta lại kỳ vọng nhiều ở hôn nhân như thế. Chúng ta vẫn muốn có mọi thứ mà gia đình truyền thống có: sự an toàn, con cái, của cải, được bạn đời tôn trọng; nhưng giờ đây chúng ta còn muốn người ấy yêu thương ta, khát khao ta, hứng thú với ta.
Vợ chồng nên đồng thời là bạn thân, là người tâm sự tin cậy và đặc biệt nên là một đôi tình nhân nồng nhiệt. Trí tưởng tượng của con người đã dựng lên một đỉnh Olympus mới, rằng tình yêu sẽ luôn luôn là vô điều kiện, sự thân thuộc mê hoặc và tình dục sẽ ôi-chao-tuyệt-làm-sao, sẽ mãi luôn là như thế và chỉ với duy nhất một người.
Sách Nội tình của ngoại tình. Ảnh: Saigonbooks. |
Chiếc nhẫn cưới nhỏ nhắn lại trên mình những lý tưởng mâu thuẫn khủng khiếp với nhau. Ta vừa muốn vợ/ chồng ta đem đến cho ta sự ổn định, an toàn, dễ đoán biết, đáng tin cậy – tức những điều cố định. Song, ta lại đồng thời muốn vợ/chồng ta phải có vẻ bí ẩn, thích phiêu lưu, ưa liều lĩnh, khiến ta không ngừng ngạc nhiên.
Điều này như thể ta nói với bạn đời của mình rằng hãy khiến anh/em vừa thoải mái vừa sợ hãi, vừa cảm thấy quen thuộc và cảm thấy lạ lẫm, hãy vừa làm thế liên tục vừa có lúc ngừng. Nhiều đôi vợ chồng ngày nay tìm cách mang những khao khát chưa bao giờ đội trời chung vào dưới một mái nhà.
Trong cuộc truy tìm một tâm hồn đồng điệu, chúng ta đã gộp chung những cái thuộc về tinh thần với những cái thuộc về quan hệ giữa con người với nhau, như thể chúng là một và hệt như nhau. Sự hoàn hảo mà chúng ta muốn nếm trải trong tình yêu trần thế này, xưa kia chỉ có thể kiếm tìm trong chốn tôn nghiêm của bậc thánh thần.
Khi chúng ta nhuộm sắc bạn đời bằng những thuộc tính thiêng liêng và kỳ vọng người đó sẽ nâng chúng ta từ sự tầm thường đến tuyệt vời, chúng ta đã tạo ra, theo Johnson, một “bòng bong báng bổ của hai tình yêu linh thiêng” vốn chỉ có thể khiến ta thất vọng mà chẳng giúp ích được gì.
Chúng ta vừa không ngừng đòi hỏi, vừa muốn được hạnh phúc. Chúng ta đã mang thiên đàng xuống trần gian, đặt nó ngay trong tầm với. Ngày nay, hạnh phúc không còn là sự theo đuổi mà là sự đòi hỏi.
Chúng ta kỳ vọng người bạn đời của ta sẽ trao cho ta tất cả những thứ mà có khi cần cả một cái làng mới đáp ứng đủ và ta phải sống đến hai lần may ra mới hưởng hết. Những đòi hỏi của ta hoàn toàn “quá tải” cho một mối quan hệ chỉ có hai người.
Tại nhiều hôn lễ, các cô dâu, chú rể thường rưng rưng xúc động nguyện thề, hứa hẹn, cam kết đủ điều tuyệt vời: chung thủy, tôn trọng nhau, đồng cam cộng khổ, không ngừng hoàn thiện bản thân, yêu nhau đến đầu bạc răng long…
Ảnh minh họa. Nguồn: Jemmia. |
Và tất nhiên, không ít người sau đám cưới trong mơ đã tự mình phá vỡ những lời hứa ngày nào ấy. Khi nghe cặp đôi nào đó cam kết, hứa hẹn quá nhiều trong ngày cưới, tôi lại tự hỏi liệu họ có thể “sống sót” qua nổi kỳ trăng mật mà vẫn giữ trọn cái danh sách lời hứa dài dằng dặc ấy hay không.
Chúng ta – những kẻ lãng mạn vô vọng – dẫu không thích cũng phải thừa nhận rằng những cuộc hôn nhân dựa trên tình yêu và sự cuốn hút lẫn nhau thường mong manh dễ vỡ hơn các cuộc hôn nhân dựa trên động cơ vật chất (tuy nhiên điều này không có ý cho rằng kiểu hôn nhân xưa cũ ổn định và hạnh phúc hơn).
Những cuộc hôn nhân bắt nguồn từ tình yêu và sự lãng mạn này dễ bị cái bóng ngoại tình phủ xuống chính bởi sự “thất thường” của con tim.