GS.TS Đinh Xuân Dũng tại hội thảo kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Ảnh: Báo Văn hóa. |
Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930), nhân dân ta đã phải sống hơn nửa thế kỷ dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Từ ngày bị đế quốc Pháp xâm chiếm, nước ta là một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác. Trong mấy mươi năm khi chưa có Đảng, tình hình đen tối như không có đường ra”. Mất độc lập, tự do là mất tất cả. Lúc đó, giải phóng dân tộc là nhiệm vụ thiêng liêng, cấp bách nhất, là vấn đề sống còn của cả dân tộc.
Trước sự đòi hỏi gay gắt đó của lịch sử, các phong trào yêu nước chống Pháp lúc bấy giờ, dù theo khuynh hướng, lập trường nào – hệ tư tưởng phong kiến, nông dân, tiểu tư sản hay tư sản… đều tập trung tất cả cho các cuộc vận động chính trị hay đấu tranh vũ trang. Từ năm 1930, sau khi được thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng triển khai hoạt động của mình theo hướng đó – vận động chính trị, tiến lên vận động chuẩn bị đấu tranh vũ trang, tức là “làm cách mạng chính trị” như Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã khẳng định.
Song, có một điểm khác căn bản với các phong trào cách mạng và yêu nước khác, không chỉ ở mặt ý thức hệ, mà ở chỗ, ngay khi tập trung cho việc vận động chính trị và chuẩn bị đấu tranh vũ trang để giải phóng dân tộc, vào thời điểm cao trào và nóng bỏng nhất (năm 1943), Đảng Cộng sản Việt Nam đã rất tỉnh táo và bản lĩnh, dành trí tuệ, tâm huyết chuẩn bị đường hướng cho việc tiến hành một sự nghiệp lớn: Đấu tranh xây dựng “một nền văn hóa mới”.
Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời vào năm 1943 là sự thể hiện đầy sức thuyết phục về tầm nhìn, bản lĩnh và sự nhiệt huyết đó của những người cộng sản Việt Nam. Ở đây không phải chỉ là việc sử dụng phương thức hoạt động văn hóa để thực hiện mục tiêu vận động chính trị (như các chí sĩ yêu nước lúc đó thường làm) mà là sự chuẩn bị lý luận, cương lĩnh cho sự ra đời một nền văn hóa mới sau khi cách mạng chính trị thành công, là sự vận động văn hóa như là một mặt trận, một sức mạnh đặc biệt góp phần cho sự phát triển của cách mạng chính trị.
Ba luận điểm làm rõ “thái độ của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với văn hóa” được trình bày ngắn gọn, cô đúc trong Đề cương, có giá trị khai phá mở đường, khẳng định tính nguyên tắc và trách nhiệm của Đảng đối với sự nghiệp văn hóa:
a) Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động.
b) Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa.
c) Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.
Phải chăng, các phong trào cách mạng và yêu nước khác, vào thời điểm đó, dù thể hiện đến tận cùng khát vọng giải phóng dân tộc, nhưng đều rơi vào thất bại, vì bế tắc về đường lối cứu nước, trong đó có nguyên nhân vì không kết hợp được sức mạnh của hai cuộc vận động lớn: vận động chính trị và vận động văn hóa. Từ sự nhìn nhận thực tiễn lịch sử đó, rõ ràng là Đề cương không chỉ nói về văn hóa hoặc chỉ có giá trị đối với lĩnh vực văn hóa cụ thể, mà còn góp phần tạo nên cội nguồn, động lực cho sức mạnh tổng hợp của cách mạng để dẫn tới thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945.
Nếu từ tầm nhìn đó, có thể thấy rằng, mặc dù sau 80 năm nhìn lại, trong Đề cương có một số nhận định, đánh giá cụ thể chưa chính xác, cần điều chỉnh, bổ sung, nhưng giá trị lớn của Đề cương vừa có ý nghĩa lịch sử mang tính bước ngoặt của giai đoạn 1943-1945 đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, vừa có tầm nhìn như là sự khai phá mở đường, đặt nền móng vững chắc và đúng đắn cho toàn bộ quá trình tìm tòi, xây dựng hệ thống quan điểm cơ bản của Đảng về văn hóa.
Không chỉ có giá trị gắn với yêu cầu của thời kỳ 1943-1945, mà Đề cương còn hàm chứa một nội dung rất sâu sắc, đó chính là những dự báo sáng suốt về tương lai của văn hóa Việt Nam. Vào thời điểm năm 1943, khi đất nước đang đứng trước những biến cố lớn, khó lường do Chiến tranh thế giới thứ hai đang diễn ra khốc liệt, cuộc vận động cách mạng đang khẩn trương, Đề cương đã nêu lên hai “ức thuyết”: một là, “nền văn hóa phát xít (văn hóa trung cổ và nô dịch hóa) thắng thì văn hóa Việt Nam nghèo nàn, thấp kém”, và hai là, “văn hóa Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới”.
Từ hai “ức thuyết” đó, Đề cương dự báo: “Căn cứ vào điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội hiện nay, cách mạng dân tộc Việt Nam nhất quyết sẽ làm cho ức thuyết thứ hai trở nên sự thực”. Đến nay, ức thuyết trên đã trở thành hiện thực trong gần 80 năm qua. Song, đặt ức thuyết đó vào thời điểm chúng ta đang “tay trắng” thì phải thấy rằng, đó là một dự báo tài tình, là kết quả của sự linh cảm, của niềm tin và đồng thời của sự phân tích khoa học thực trạng và sự vận động của lịch sử.
Dự báo thứ hai còn có ý nghĩa chiến lược sâu sắc hơn, đó là sự khẳng định một quy luật có tính phổ quát của toàn bộ sự nghiệp cách mạng: “Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội”.
Năm 1945, chúng ta đã giành được độc lập dân tộc. Năm 1975, chúng ta đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1991, khi các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, chúng ta đã đứng vững. Cuối thế kỷ XX, chúng ta đã thoát khỏi tình trạng một nước nghèo nàn, kém phát triển và bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Như vậy, có nghĩa là, về mặt chính trị và kinh tế, chúng ta đã giành được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, song trên thực tiễn, đến nay, còn rất nhiều vấn đề lớn lao và hệ trọng trong bản thân sự phát triển của đất nước đang đặt ra gay gắt, trong đó, vấn đề văn hóa với ý nghĩa là toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội, là sự xây đắp và nuôi dưỡng nhân cách con người, là cuộc đấu tranh bền bỉ chống cái xấu, cái ác, cái thấp hèn, sự tha hóa… đã và đang nổi lên như một thách thức dai dẳng nhất, và phía trước, chưa có lời giải đáp thỏa đáng, có sức thuyết phục đối với những thách thức đó.
Điều khẳng định trong Đề cương cách đây 80 năm “phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội” chính là việc phát hiện một quy luật sâu sắc trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Hay nói cách khác, đừng ai ảo tưởng rằng, làm xong cách mạng chính trị hay chỉ tập trung cho phát triển kinh tế đã là bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Công cuộc cải tạo xã hội sau khi cách mạng chính trị thành công và trong khi đẩy mạnh xây dựng và phát triển kinh tế đòi hỏi một tư duy sâu sắc hơn nhiều, đó là, chỉ có thể hoàn thành triệt để công cuộc cải tạo đó bằng cách phải hoàn thành đồng thời cách mạng chính trị, cách mạng kinh tế và cách mạng văn hóa mà Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 gọi là “ba mặt trận”.
Toàn bộ nội dung cơ bản của Đề cương về văn hóa Việt Nam đều xuất phát từ luận điểm gốc trên đây, mà triết lý của nó là phép biện chứng trong xử lý quan hệ giữa ba mặt trận đó. Lơi lỏng mặt trận nào hay chỉ nhấn mạnh mặt trận này, coi nhẹ mặt trận kia đều rơi vào tình trạng bất lợi cho sự phát triển, nếu không muốn nói là có thể dẫn tới xung đột, khủng hoảng xã hội.
Có thể nhận thấy rằng sau 80 năm Đề cương ra đời, tuy có một số nhận định cụ thể đã bộc lộ hạn chế lịch sử của nó, nhưng luận điểm về tính tất yếu tiến hành cuộc vận động văn hóa, xây dựng nền văn hóa mới vẫn giữ nguyên giá trị với ý nghĩa là một quy luật, một đòi hỏi mang tính khách quan và tính thời sự của nó.
Cần lưu ý rằng, không phải tất cả những vấn đề đa dạng, phong phú và phức tạp của đời sống văn hóa Việt Nam trong tiến trình vận động, biến đổi của nó đều được đề cập trong Đề cương, và nhìn từ quan điểm hôm nay, không phải tất cả những nhận định cụ thể đều chuẩn xác, song mục tiêu chủ yếu của Đề cương là khẳng định những quan điểm gốc về chính trị, đặt nền tảng tư tưởng cơ bản để chuẩn bị cho việc tiến hành một sự nghiệp khó khăn và tế nhị: cải tạo nền văn hóa cũ và xây dựng nền văn hóa mới.
Vì vậy, đường lối, quan điểm văn hóa, văn nghệ của Đảng từ sau Đề cương, mặc dù đã phát triển ở trình độ mới, phong phú và hoàn thiện hơn nhiều, nhưng vẫn kiên định giữ vững luận điểm cốt lõi trên.
***
Nếu coi Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là sự khai phá mở đường cho quá trình xây dựng quan điểm, lý luận về văn hóa ở Việt Nam, thì trong 80 năm qua, nhiều luận điểm của Đề cương đã được điều chỉnh, bổ sung, làm phong phú hơn, trong đó, luận điểm cơ bản “văn hóa mới Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung” được điều chỉnh, bổ sung nhiều lần và vươn tới sự hoàn chỉnh trong những năm gần đây.
Năm 1943, nội dung này được thể hiện theo hướng diễn đạt của cặp phạm trù nội dung và hình thức. Về nội dung, yêu cầu rất mới, đó là “tân dân chủ”, tức là phải vượt qua văn hóa phong kiến, văn hóa nô dịch để trở thành nền văn hóa dân chủ mới – một trào lưu đang phát triển mạnh mẽ của văn hóa thế giới giai đoạn lịch sử đó. Đồng thời, do ảnh hưởng của quan niệm Xôviết về văn hóa đa dân tộc của Liên Xô thời kỳ đó, Đề cương coi tính dân tộc của văn hóa thuộc phạm trù hình thức: “tính chất dân tộc về hình thức”.
Cách hiểu đó ít nhiều chưa thể hiện được chiều sâu của tính dân tộc của văn hóa, không chỉ là những biểu hiện hình thức mà còn thấm sâu vào toàn bộ nội dung của văn hóa. Trong một thời kỳ khá dài, khái niệm “hình thức dân tộc” còn đơn giản, phiến diện, có tác dụng chi phối sự lãnh đạo văn hóa.
Mười bảy năm sau, tại Đại hội lần thứ III của Đảng (1960), luận điểm trên đã được điều chỉnh và phát triển thành “phát triển nền văn nghệ mới với nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc” để làm rõ hơn đặc trưng tổng quát của nền văn hóa khi chúng ta xác định con đường phát triển của đất nước theo mục tiêu và lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
Khái niệm “nội dung xã hội chủ nghĩa” được thay thế cho “tân dân chủ về nội dung” là sự khẳng định mục tiêu và lý tưởng mới, cao hơn giai đoạn trước của nền văn hóa khi chế độ mới đã được thiết lập. Đặc biệt, thuật ngữ “dân tộc về hình thức” đã được thay thế bằng “tính chất dân tộc”, có nghĩa là, ở đó, tính dân tộc của văn hóa đã bao hàm cả nội dung và hình thức. Đó là sự điều chỉnh quan trọng và cần thiết trong quan điểm về văn hóa.
Hai mươi bảy năm sau, năm 1987, trong Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 28/11/1987 của Bộ Chính trị (khóa VI), cả hai vế trên, một lần nữa, lại được điều chỉnh cơ bản: “Xây dựng… Nền văn hóa xã hội chủ nghĩa đậm đà bản sắc dân tộc”. Cụm từ “nội dung xã hội chủ nghĩa” được thay thế bằng sự khái quát rộng hơn, chỉ mục tiêu và tính chất chung của toàn bộ nền văn hóa. Như vậy, khái niệm trước đây được sử dụng trong nhiều năm, “nội dung xã hội chủ nghĩa”, ít nhiều hạn hẹp đã được điều chỉnh. Đồng thời, nhận thức sâu hơn đặc tính, thuộc tính dân tộc của một nền văn hóa, cụm từ “tính chất dân tộc” được chuyển thành “đậm đà bản sắc dân tộc” nhằm tô đậm, khắc sâu hơn yêu cầu về tính dân tộc của văn hóa Việt Nam đương đại.
Sau Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị bốn năm, vào năm 1991, trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, một lần nữa, luận điểm trên có sự đổi mới rất quan trọng. Cụm từ “văn hóa xã hội chủ nghĩa” trong Nghị quyết số 05-NQ/TW đã được thay thế bằng “văn hóa tiên tiến” và giữ lại cụm từ “đậm đà bản sắc dân tộc”.
Có người cho rằng, ở đây có một bước lùi về hệ tư tưởng khi bỏ đi khái niệm “xã hội chủ nghĩa” để thay thế bằng khái niệm “tiên tiến”. Thực ra, một thời gian dài, chúng ta đã quy chiếu toàn bộ nền văn hóa theo yêu cầu “nội dung xã hội chủ nghĩa”, mà không chú ý đúng mức đến tính phong phú, đa dạng, phẩm chất nhân văn, dân chủ, tiến bộ của một nền văn hóa. Làm nên sự phong phú, đa dạng của nền văn hóa của chúng ta là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời với nền văn hóa đó, cùng với những tác phẩm mà “nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, còn có những giá trị dân chủ, nhân văn, tiến bộ, khoa học của văn hóa dân tộc và của văn hóa thế giới.
Mặt khác, sản phẩm văn hóa là rất đa dạng, tạo nên vẻ đẹp, sự giàu có về tinh thần của một dân tộc, không thể soi chiếu tất cả các sản phẩm đó theo chuẩn mực hệ ý thức, mà phải lấy thước đo là tính tiên tiến, tiến bộ của nó. Như vậy, tất cả các cụm từ “tân dân chủ”, “nội dung xã hội chủ nghĩa”, “văn hóa xã hội chủ nghĩa”, “hình thức dân tộc”, “tính chất dân tộc”, sau gần 50 năm, đã được thay thế bằng luận điểm mới “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Đến Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998), và các nghị quyết sau đó đến gần đây nhất, luận điểm này đã được làm rõ nội hàm của nó. Có thể khẳng định rằng, quá trình tìm tòi trên gắn liền với sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn hóa và là kết quả của sự tổng kết thực tiễn một cách khoa học, nghiêm túc, sáng tạo.
Đó vừa là sự kế thừa khoa học, vừa là sự phủ định biện chứng từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đến các văn kiện tiếp theo. Song, rõ ràng là nền móng vững chắc, sự khai phá mở đường đã bắt đầu đúng đắn từ bản Đề cương lịch sử này. Trong vị trí lịch sử của nó, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 hoàn toàn có giá trị như là một Cương lĩnh đầu tiên, là chiến lược đầu tiên về văn hóa của chúng ta.
You must be logged in to post a comment Login