Sau đề nghị tiếp nhận du học sinh về nước của Bộ GD&ĐT, các trường đại học đánh giá đây là cơ hội của họ.
Học sinh phổ thông, du học sinh về nước là đối tượng tuyển sinh tiềm năng cho các chương trình liên kết quốc tế của các trường đại học Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN. |
Thành lập hội đồng khoa học công nhận tín chỉ
Theo PGS.TS Bùi Quốc Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, các trường đại học đều muốn tiếp nhận đối tượng du học sinh về nước, sinh viên quốc tế. Nhưng quan trọng nhất, đối tượng này phải đạt được tiêu chí tuyển sinh của các chương trình mà các bạn có nguyện vọng theo học.
PGS Triệu cho hay mới đây, ĐH Kinh tế Quốc dân đã thông báo tiếp nhận du học sinh Việt Nam có nhu cầu và đủ điều kiện học tập chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của trường.
Hiện, trường triển khai 15 chương trình liên kết đào tạo quốc tế ở tất cả bậc đào tạo đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Ở bậc đại học, trường liên kết đào tạo với 7 đối tác nước ngoài (9 chương trình).
ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng thông báo tiếp nhận du học sinh có nguyện vọng theo học. Việc tiếp nhận dựa trên kết quả học tập, số tín chỉ du học sinh tích lũy trong thời gian học ở nước ngoài. Kết quả này sẽ là cơ sở để xem xét miễn giảm hoặc học bổ sung tín chỉ, học phần cho người học theo chuẩn đào tạo của trường.
Du học sinh có rất nhiều cơ hội nếu muốn tiếp tục học đại học ở Việt Nam. Các trường đại học cũng chào đón bạn trẻ. Chương trình, ngành các bạn đang học ở nước ngoài phải phù hợp, tương thích mức độ nào đó, các trường mới tiếp nhận được.
PGS.TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng phụ trách ĐH Luật TP.HCM, cho rằng trường đại học luôn mở rộng vòng tay đón du học sinh.
Nhà trường cần quy định cụ thể để tiếp nhận sinh viên vào ngành, chương trình, tín chỉ. Với ĐH Luật TP.HCM, nhà trường sẽ thành lập hội đồng khoa học để thảo luận và đưa ra quy định.
Với học sinh tốt nghiệp phổ thông ở các nước và muốn quay về Việt Nam, theo PGS Triệu, điều này tùy theo quy chế tuyển sinh của từng trường, chương trình.
Hiện, một số trường đại học ở Việt Nam dành phần nhỏ chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy để ưu tiên xét tuyển học sinh học chương trình phổ thông quốc tế, chứng chỉ Tiếng Anh hoặc căn cứ điểm thi SAT, ACT…
Nếu không muốn theo học đại học chính quy, học sinh phổ thông ở nước ngoài có thể học chương trình liên kết, do các trường đại học nước ngoài cấp bằng.
Nguyên tắc về tiêu chuẩn đầu vào, công nhận tín chỉ phải được các trường đại học chú trọng khi tiếp nhận du học sinh về nước. Ảnh minh họa: ĐH Việt Pháp. |
Kiểm soát chất lượng chương trình liên kết
Trưởng phòng Đào tạo ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng đa số trường sẽ tiếp nhận học sinh quốc tế, du học sinh Việt Nam vào chương trình liên kết quốc tế.
“Chương trình này được dạy và học chủ yếu bằng tiếng Anh và theo chương trình nước ngoài. Các trường đại học nước ngoài cấp bằng cơ bản phù hợp mục tiêu của du học sinh”, ông Triệu nói.
Ông cũng đánh giá chương trình chính quy của các trường đại học hiện nay, dù giảng dạy bằng tiếng Anh, khó phù hợp đối tượng này.
Có 2 vấn đề, hệ chính quy thường tuyển sinh gắn với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chương trình dù học bằng tiếng Anh, vẫn có một số học phần học bằng tiếng Việt như: Chủ nghĩa Mác – Lênin, giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất.
Dù vậy, PSG Bùi Quốc Triệu đánh giá đây là cơ hội cho các trường đại học trong nước.
“Dịch Covid-19 khiến nhiều người suy nghĩ lại về quan điểm du học. Du học như thế nào cho phù hợp và hiệu quả là cách điều chỉnh trong bối cảnh mới. Nhân cơ hội này, các trường đại học hoàn thiện công tác tuyển sinh, đào tạo, hướng đến đối tượng mới”, PGS Triệu nhận định.
Bình luận về việc Bộ GD&ĐT “tuýt còi” hơn 200 chương trình liên kết quốc tế trong bối cảnh khuyến khích các trường tiếp nhận du học sinh về nước, PGS Triệu cho rằng đây là tín hiệu tốt.
“Việc hậu kiểm, đảm bảo chất lượng các chương trình liên kết cần được quan tâm hơn nữa. Thời gian vừa qua, các trường mở nhiều chương trình liên kết nhưng không đạt chuẩn. Động thái này của bộ cần tăng cường hơn trong thời gian tới”, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Kinh tế Quốc dân bày tỏ.