Trong khi các đơn vị làm sách tiếng Việt đang dần tìm ra hướng rẽ trong mùa dịch thông qua việc đẩy mạnh phát hành online, con đường của các nhà xuất bản ngoại văn còn khá eo hẹp.
Khó khăn của người làm sách ngoại ngữ, song ngữ nằm ở việc “săn” độc giả, bởi trước giờ lượng bạn đọc chủ yếu là người nước ngoài. Đại dịch còn khiến việc vận chuyển các đơn hàng ở khoảng cách xa gặp nhiều trở ngại.
TS Trần Đoàn Lâm, Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Thế giới, lý giải câu chuyện phát hành sách online không tạo ra bứt phá cho đơn vị ông trong mùa dịch.
TS Trần Đoàn Lâm, Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Thế giới. Ảnh: Trần Long. |
Nhà sách không còn cảnh tấp nập
– Đại dịch gây nên sự trì trệ cho nhiều ngành, trong đó có xuất bản. Giữa mùa dịch, ông có cho rằng việc hạn chế tiếp xúc sẽ giúp phát hành sách online gặp nhiều lợi thế?
Việc phát hành sách online trong mùa dịch luôn có hai mặt: Lợi thế và thách thức. Dịch bùng phát khiến người dân có nhiều thời gian để ở nhà cùng gia đình. Đó được coi là lợi thế để mọi người có thêm thời gian giải tỏa căng thẳng. Muốn kết nối với thế giới bên ngoài, có thể sử dụng Internet hoặc đọc sách, báo.
Mặt khác, trong thời gian dịch bệnh, phải thừa nhận rằng mặt hàng ưu tiên của người dân là nhu yếu phẩm. Do vậy, quỹ tài chính trong gia đình phải được cân nhắc khi chi tiêu cho mục đích giải trí. Vì thế tôi nói việc phát hành sách trong mùa dịch có tính hai mặt.
TS Trần Đoàn Lâm, Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Thế giới, chia sẻ những khó khăn đơn vị ông đang gặp phải trong mùa dịch. Ảnh: Trần Long. |
– Đại dịch bùng phát, các sàn thương mại điện tử hoạt động rầm rộ. Theo ông điều này sẽ lấn át đi sự phát triển của các hiệu sách?
Chúng ta đang phải đối diện với cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ tư, các thiết bị điện tử ngày càng phổ biến. Đa phần mọi người đều có thể tiếp cận được với nguồn thông tin online.
Bản thân tôi là một người thuộc thế hệ rất thích đọc sách thực thể. Tôi thích ra những phố sách, cửa hàng sách hoặc đến những triển lãm sách với tư cách là một bạn đọc. Nhưng thời gian gần đây, các nhà sách không còn cảnh tấp nập, có chăng cũng chỉ thấy sự xuất hiện của những người hoài cổ còn giữ được thú vui tao nhã đọc sách.
Một thực tế nữa đó là khi dân số tăng thì không gian lưu trữ sách trong một gia đình sẽ eo hẹp hơn, dẫn đến xu hướng đọc sách online nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi không nghĩ sách online sẽ lấn át hoàn toàn các nhà sách thực thể bởi vì hiện nay vẫn còn nhiều bạn đọc thích được cầm trực tiếp cuốn sách trên tay, cảm nhận vẻ đẹp của nó trước khi quyết định mua.
Phát hành sách online, có nên hay không?
– Thông qua việc tham gia trên sàn book365.vn, NXB Thế giới thu được kết quả như thế nào? Bên cạnh đó, đơn vị ông còn quảng bá sách qua những trang nào?
Với việc tham gia trên sàn book365.vn chúng tôi đặt ra mục tiêu quảng bá thương hiệu của đơn vị mình; đồng thời giới thiệu các ấn phẩm sách, báo ngoại ngữ trên sàn giao dịch bản quyền với các đối tác Âu-Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á.
Đặc thù sách ngoại văn khiến việc quảng bá trên những trang, nhóm đọc sách của người Việt không khả thi.
TS Trần Đoàn Lâm, Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Thế giới
Qua đây, chúng tôi đã bán được bản quyền sách cho một số đối tác, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Tuy nhiên, lượng sách bán được trên sàn cũng không khả quan lắm.
Đặc thù sách của NXB Thế giới khiến việc quảng bá trên những trang, nhóm đọc sách của người Việt không khả thi. Ngoài việc tham gia trên sàn book365.vn, chúng tôi chỉ giới thiệu sách trên Tiki và website chính thức của NXB.
– Nhiều đơn vị đang “bù lỗ” nhờ đẩy mạnh phát hành online. Tại sao đơn vị ông không đi theo xu hướng đó?
Phát hành sách online thật ra là một xu hướng trong công cuộc chuyển đổi số. Đây là một yêu cầu của thời đại và chúng tôi không thể đi ngược lại thời đại. NXB Thế giới cũng buộc phải chuyển mình để đón đầu cuộc cách mạng này. Đây là một cơ hội lớn, tiết kiệm được rất nhiều chi phí, công đoạn.
Tuy nhiên, việc phát hành sách online đối với một đơn vị làm sách ngoại ngữ, song ngữ luôn gặp nhiều khó khăn hơn so với các đơn vị làm sách online tiếng Việt. Chưa kể đến phát hành online thì phải đầu tư được một cơ sở hạ tầng nhất định, đồng thời đơn vị chúng tôi cũng phải tính toán đến các vấn đề về bản quyền, bảo mật thông tin, thanh toán, cơ sở dữ liệu…
Để bứt phá ngay được thì rất khó, đó phải là cả một quá trình và cần sự đầu tư về mặt vật chất lẫn nguồn nhân lực.
Các ấn phẩm của NXB Thế giới chủ yếu là ngoại ngữ, song ngữ. Ảnh: NXB Thế giới. |
Người làm sách ngoại văn đang phải đối diện với thách thức gì?
– Khi đối tượng độc giả chủ yếu là người nước ngoài, ông gặp khó khăn gì trong việc vận chuyển, giao sách đến tay độc giả trong mùa dịch?
Toàn thế giới đang vật lộn chống lại đại dịch Covid-19, vận chuyển sách gặp nhiều khó khăn.
Cách đây khoảng mấy tháng, khi một đợt dịch bùng phát, có một khách hàng Mỹ đặt mua 10 cuốn sách của chúng tôi để phục vụ cho công việc. Do đại dịch nên thời gian gửi sách kéo dài khá lâu. Vị độc giả kia liên tục gửi email cho chúng tôi, trình bày mong muốn nhận sách sớm. Cuối cùng, ông không đủ kiên nhẫn chờ đợi và nói rằng việc giao hàng chậm trễ đã làm lỡ kế hoạch của ông. Ông quyết định hủy đơn hàng.
Khi chúng tôi liên hệ với phía bưu điện Việt Nam thì họ khẳng định đã chuyển đơn hàng đó sang Mỹ nhưng do Covid-19 nên đã bị ách tắc ở cảng. Sau đó chúng tôi đành phải trả lại tiền cho vị khách hàng kia và chịu mất luôn số sách đó.
Một thời gian sau, số sách ở vùng cảng bị kẹt mới được giao đến tay người đặt mua. Nhận được sách, dù không phải là kịp thời, ông cũng rất xúc động. Ông viết một bức thư cho chúng tôi bày tỏ sự thông cảm trước những khó khăn mà đơn vị làm sách ngoại ngữ gặp phải trong bối cảnh dịch bệnh.
– Việc “săn” độc giả chắc chắn cũng gặp khó khăn, thưa ông? NXB Thế giới định hướng khắc phục khó khăn đó ra sao?
Khó khăn của chúng tôi đầu tiên phải kể đến là lượng khách ít, “săn” độc giả mùa dịch quả thật rất khó khăn vì gần hai năm nay khách nước ngoài không vào được, lượng sách bán được cho đối tượng này bị giảm mạnh.
Từ trái sang: TS Trần Đoàn Lâm, bà Diana Dudzik (tác giả của hai cuốn sách A và V do NXB Thế giới ấn hành) và chồng bà Diana. Ảnh: Trần Long. |
Thứ hai, cũng phải bàn đến văn hóa đọc của chúng ta đã bị giảm sút khi đứng trước các tác phẩm sách thực thể ngoại ngữ, song ngữ do sự cạnh tranh rất mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng.
Khó khăn thứ ba, như tôi đã nói, là việc vận chuyển và thanh toán đối với độc giả là người ngoại quốc.
Hiện tại chúng tôi tập trung phát hành thêm các đầu sách bằng tiếng Việt vì từ năm ngoái đến năm nay, lượng sách phát hành bằng tiếng Việt phần nào duy trì ở mức ổn định. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác làm sách nước ngoài. Đây là một định hướng rất quan trọng. Tuy nhiên, do đại dịch, mọi thương thảo, ký kết hợp đồng đều bị chững lại.
– Vậy việc liên kết với các đơn vị nước ngoài, chuyển ngữ, phát hành sách online trong mùa dịch là một thách thức?
Theo tôi đây là một thách thức. Tuy nhiên phải cảm ơn tới một số đối tác nước ngoài vì hiện nay họ vẫn dành mối quan tâm đặc biệt cho chúng tôi, như Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á.
Lượng độc giả ít, văn hóa đọc sách ngoại ngữ giảm, vận chuyển trong mùa dịch bị cản trở là những khó khăn mà chúng tôi đang phải đối mặt.
TS Trần Đoàn Lâm, Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Thế giới
Hay như vừa qua, bà đại sứ Venezuela đã có buổi làm việc với chúng tôi. Bà xin phép NXB Thế giới dịch một số ấn phẩm sang tiếng Tây Ban Nha. Trong buổi làm việc, bà cũng chia sẻ rằng Venezuela chuẩn bị tổ chức Hội chợ sách quốc tế, nên bà rất quan tâm đến việc tại đó sẽ có những ấn phẩm được dịch từ tiếng Việt sang tiếng Tây Ban Nha.
Hoặc theo chiều ngược lại, các đơn vị xuất bản Hàn Quốc cũng thường xuyên làm việc với chúng tôi để dịch một số tác phẩm từ họ sang tiếng Việt nhằm quảng bá du lịch Hàn Quốc.
Nhưng cũng phải nói thêm rằng đại dịch khiến cho các cuộc gặp gỡ không thể thường xuyên diễn ra trực tiếp mà đều phải thực hiện dưới hình thức online. Giao dịch online hiện vẫn đang trong những bước đi đầu chứ chưa phải lề lối, phương thức làm việc quen thuộc của chúng ta, nên cũng gặp nhiều khó khăn, cần phải có thời gian để làm quen.