Triển lãm sách trực tuyến kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc đúng ngày 19/5.
Ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, thành viên ban tổ chức triển lãm – trao đổi về chương trình, cũng như các cuốn sách viết về Người được xuất bản trong thời gian gần đây.
Ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông – tại khai mạc triển lãm sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Duy Hiệu. |
Lan tỏa sách, tư liệu về Bác tới cộng đồng
– Triển lãm sách kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra những mảng nội dung nào tới bạn đọc?
– Triển lãm lần này, chúng tôi trưng bày theo 3 không gian chính.
Không gian thứ nhất là những câu chuyện về Bác với mong muốn bạn đọc có thể tìm hiểu về cuộc đời của Bác, học tập và làm theo lời dạy của Bác, bắt đầu từ những mẩu chuyện nhỏ, giản dị nhưng ẩn chứa trong đó những giá trị lớn lao về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Chuyện về Bác rất nhiều nhưng chúng tôi chọn 130 chuyện tiêu biểu kèm thêm nhiều tranh, ảnh do Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng cấp, để tăng thêm sinh động trong từng câu chuyện gửi đến bạn đọc.
Không gian thứ hai được chúng tôi đặc biệt quan tâm là không gian trưng bày các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Như các bạn đã biết, qua các tác phẩm của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại một di sản rất đồ sộ về mặt tư tưởng.
Trong lần triển lãm này, chúng tôi đã lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu nhất để giới thiệu, đặc biệt là bộ Hồ Chí Minh toàn tập và bộ 5 tác phẩm quan trọng được coi là “báu vật quốc gia”, cùng nhiều tác phẩm tiêu biểu khác của Người.
Đặc biệt, hầu hết ấn phẩm trên đã được chúng tôi chuyển sang định dạng sách điện tử với giao diện thân thiện, hấp dẫn như một ấn phẩm, tạo điều kiện bạn đọc dễ dàng tiếp cận, sử dụng.
Không gian thứ ba là khu trưng bày các tác phẩm về người với trên 200 ấn phẩm đến từ trên 10 nhà xuất bản (NXB) và 300 ấn phẩm do thư viện Quốc gia sưu tầm, lưu giữ, hàng trăm ảnh, hàng chục video do Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích lịch sử Hồ Chí Minh và NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật cung cấp.
Đây là những công trình nghiên cứu giá trị, tư liệu quý về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, trong không gian này, chúng tôi trưng bày 75 bộ tem về Bác với giá trị lịch sử vượt thời gian do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sưu tầm, cung cấp.
Bên cạnh không gian triển lãm, tận dụng lợi thế của công nghệ đối với triển lãm trực tuyến, chúng tôi cũng tổ chức nhiều chương trình tọa đàm, giao lưu giữa độc giả với các nhà xuất bản, các nhà nghiên cứu, tác giả để thể hiện lòng tôn kính, biết ơn vô hạn của các thế hệ Việt Nam hôm nay đối với Bác, để cùng nhau học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Trang TrienlamsachHCM.book365.vn. Ảnh: Duy Hiệu. |
– So với triển lãm những năm trước, triển lãm trực tuyến này đáp ứng ra sao nhu cầu của công chúng?
– Rõ ràng so với tổ chức trên thực địa, chúng tôi gặp khó khăn hơn, nhưng triễn lãm trực tuyến cũng đem đến rất nhiều lợi thế, trong đó lợi thế lớn nhất là sức lan tỏa trong cộng đồng.
Nếu tổ chức ở Hà Nội, chúng ta chỉ có thể thu hút được các bạn đọc ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Trong khi đó, tổ chức trực tuyến, chúng ta mới thấy được rằng thực tế các bạn đọc ở vùng sâu, xa cũng có rất nhiều nhu cầu về sách. Đây là điều thật đáng trân quý. Và hội sách trực tuyến giúp họ tiếp xúc dễ dàng hơn với sách.
Tôi cũng mong rằng với sự thành công của hội sách trực tuyến, tại triển lãm lần này, các bạn đọc vùng sâu, xa có điều kiện tiếp cận những tư liệu rất quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh; một mặt giúp ta tôn vinh, tưởng nhớ Người, mặt khác chúng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Không sợ thiếu khoảng trống khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh
– Có rất nhiều sách viết về Hồ Chí Minh, những nguồn tư liệu cũng được khai thác nhiều. Một tác giả muốn viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ có còn nhiều chất liệu để đi vào vùng đề tài này?
– Tôi nghĩ di sản tư tưởng Hồ Chí Minh vô cùng lớn lao, là kim chỉ nam, ngọn đuốc dẫn đường đưa cách mạng Việt Nam đến thành công. Trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hôm nay, tư tưởng đó còn nguyên giá trị.
Việc nghiên cứu, tìm hiểu về giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Vì thế, theo tôi, không bao giờ sợ thiếu khoảng trống.
Các nhà nghiên cứu, các tác giả, bằng tài năng, tâm huyết, chắc chắn sẽ tìm thấy khoảng trống đó để lấp đầy bằng các công trình, tác phẩm giá trị về Người.
Chúng ta đã có những tác phẩm văn học xuất sắc viết về Bác. Chắc hẳn ở thế hệ của tôi, không mấy ai không đọc và say mê tiểu thuyết Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng.
Sau này, một thời gian, số các tác phẩm có ít đi nhưng gần đây, qua cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tôi đã thấy xuất hiện nhiều tác phẩm của các tác giả trẻ khá hay, vượt qua khuôn khổ của cuộc vận động sáng tác, được bạn đọc quan tâm, yêu thích.
Một số đầu sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Cách đây không lâu, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp một số đơn vị tổ chức Lễ trao Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018-2020.
Nhiều tác phẩm văn học, lý luận phê bình văn học về Bác, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được trao giải cao.
Tôi tin rằng với sự tích cực chỉ đạo của các cơ quan, cùng việc vào cuộc của các đơn vị truyền thông, đặc biệt là sự chủ động tích cực của các nhà văn, thời gian tới, chúng ta sẽ có những tác phẩm xứng tầm.
– Theo ông, làm thế nào để có thể khuyến khích các cây bút trẻ tham gia viết về tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh?
– Vừa qua, tôi đã thấy một vài cây bút trẻ bắt đầu tiếp cận mảng đề tài khó này. Cần tạo điều kiện để cây bút trẻ tiếp cận nguồn tư liệu đồ sộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh môt cách sâu sắc, đầy đủ, chân xác.
Tôi hy vọng rằng Hội nhà văn sẽ tổ chức được nhiều trại sáng tác, giúp định hướng cho các tác giả trẻ cách tiếp cận những nguồn tư liệu quý báu về Bác; từ đó, viết nên nhiều tác phẩm xứng tầm cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Người.
– Vừa qua, thông qua sàn Book365.vn, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật cho biết sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh của họ rất được quan tâm. Theo ông, nhu cầu của bạn đọc về sách đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào?
– Tôi tin là việc sách lý luận nói chung, trong đó có sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một trong những nội dung được đông đảo bạn đọc quan tâm. Trong các hội sách gần đây, nhiều bạn trẻ có xu hướng quan tâm các mảng đề tài mới, còn mảng sách lý luận thì đòi hỏi đọc giả lớn tuổi hơn, hoặc những người làm công việc liên quan nghiên cứu, giảng dạy.
Thời gian này, khi hội sách được tổ chức trên mạng, những cuốn sách lý luận chính trị đã mở rộng được đối tượng bạn đọc, thu hút đông đảo những bạn trẻ quan tâm, trong đó có sách về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh.