Tác phẩm “Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam” bản in đầu tiên. Ảnh: Đình Ba. |
Sinh thời, khi nói về mảnh đất Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lí đó không bao giờ thay đổi”. Chân lý ấy, cũng là tinh thần khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà tác phẩm Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam hướng tới.
Vùng đất Nam Bộ vô chủ, hoang hóa thời gian dài
Tác phẩm Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam do GS Vũ Minh Giang chủ biên, được Nhà xuất bản Thế giới ấn hành lần đầu tiên năm 2006, đã trải qua nhiều lần tái bản khác nhau và gần đây được thực hiện bởi Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM.
Sách chia lịch sử Nam Bộ thành 5 giai đoạn với cách trình bày khái quát, dựa vào bằng chứng qua tài liệu sử học, luật học, địa chí, hồi ký như Lương thư, Tùy thư, Chân Lạp phong thổ ký, Gia Định thành thông chí…
Qua những tài liệu đó, chúng ta biết được thế kỷ I đến VII, Nam Bộ thuộc chủ quyền vương quốc Phù Nam gắn với văn hóa Óc Eo, một nền văn hóa bản địa có nhiều lớp cư dân đan xen, quan hệ mật thiết với truyền thống văn hóa người Mã Lai – Đa Đảo.
Sau thời gian phát triển thịnh đạt thành đế quốc biển, Phù Nam suy yếu và thế kỷ VII bị Chân Lạp thôn tính. Vùng đất Nam Bộ thuộc phần cai quản của Thủy Chân Lạp. Nhưng từ thế kỷ VII đến XVI vùng đất này gần như vô chủ, ngập nước và không được khai phá, mà Châu Đạt Quan từng mô tả trong Chân Lạp phong thổ ký cuối thế kỷ XIII khi đi qua vùng đất này. Trong đó có những chi tiết dưới đây:
“Từ chỗ vào Chân Bồ [vùng đất thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu hiện nay] trở đi, hầu hết là rừng thấp cây rậm. Sông dài cảng rộng, kéo dài mấy trăm dặm cổ thụ rậm rạp, mây leo um tùm, tiếng chim muông chen lẫn nhau ở trong đó. Đến nửa cảng mới thấy ruộng đồng rộng rãi, tuyệt không có một tấc cây. Nhìn xa chỉ thấy cây lúa rờn rờn mà thôi. Trâu rừng họp nhau thành từng đàn trăm nghìn con, tụ tập ở đấy. Lại có giồng đất đầy tre dài dằng dặc mấy trăm dặm. Loại tre đó, đốt có gai, măng rất đắng”.
Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh có công lập các đơn vị hành chính ở Nam Bộ năm 1698. Ảnh: Đài Truyền hình Vĩnh Long. |
Lưu dân người Việt khai phá đất Nam Bộ
Từ thế kỷ XVII, lưu dân người Việt ở vùng Thuận Quảng đã tiến hành khai phá các mảnh đất Mô Xoài (Bà Rịa), Biên Hòa (Đồng Nai), lập ra những làng người Việt đầu tiên trên vùng đất Nam Bộ.
Qua hoạt động di dân lập ấp, lập trạm thu thuế; hôn nhân hoàng tộc giữa Đàng Trong – Chân Lạp; mở phố chợ Biên Hòa, Mỹ Tho, Hà Tiên của người Hoa… vùng đất Nam Bộ dần được khai phá.
Đặc biệt, năm 1698 Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh chúa Nguyễn vào Nam kinh lý, lập các đơn vị hành chính, cắt đặt chức việc ở Nam Bộ, vùng đất Nam Bộ từ đây đã thuộc chủ quyền lãnh thổ của nước ta; được chia thành dinh trấn thời chúa Nguyễn, tỉnh thời Minh Mạng.
Giai đoạn 1802-1954 và từ 1954 đến nay, triều Nguyễn, chính quyền thuộc địa, Cộng hòa Pháp… đều công nhận Nam Bộ là một phần lãnh thổ của Việt Nam.
Ở phần tiếp theo, Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam trình bày về cộng đồng các cư dân trên vùng đất Nam Bộ với các dân tộc anh em Kinh, Khmer, Chăm, Hoa, Tày, Nùng… cùng sự đa dạng về văn hóa, tín ngưỡng. Các dân tộc sống đoàn kết, chia sẻ, gắn bó với nhau cùng xây dựng mảnh đất Nam Bộ giàu đẹp, phồn thịnh qua các giai đoạn lịch sử.
Phần cuối của sách, đã trích lục những văn bản pháp lý quan trọng thế kỷ XIX – XX của Việt Nam, Pháp, Campuchia liên quan tới chủ quyền của Việt Nam với vùng đất Nam Bộ và đều công nhận chủ quyền của Việt Nam với vùng đất Nam Bộ.
Sách Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam dù dung lượng trang không nhiều, nhưng nội dung tác phẩm lại cô đọng, súc tích, khái quát những nét cơ bản, sống động và thực chứng về lược sử vùng đất Nam Bộ.
Theo đó, qua những dẫn chứng khoa học, có nguồn trích dẫn rõ ràng từ những tài liệu cổ xưa cho tới cận hiện đại, đã chứng minh Nam Bộ là vùng đất do di dân người Việt khai phá, tạo lập, thuộc chủ quyền Việt Nam với đầy đủ bằng chứng về: lịch sử – văn hóa – địa chính trị, và hơn hết, là cơ sở pháp lý rõ ràng.
Sách đã trang bị lượng kiến thức cần thiết, thuyết phục giúp cho chúng ta hiểu biết, tự hào về mảnh đất hình chữ S với ba miền Bắc – Trung – Nam liền một dải.
You must be logged in to post a comment Login