Trong cuốn Cường quốc trong tương lai – Vẽ lại bản đồ thế giới năm 2030, tác giả Hamada Kazuyuki đã đưa ra định nghĩa mới về “cường quốc” và tập “bản đồ thế giới tương lai” – dự đoán về một thế giới sắp đến.
5 trụ cột tạo nên một cường quốc trong tương lai
Cường quốc trong tương lai – Vẽ lại bản đồ thế giới năm 2030 được Hamada Kazuyuki viết vào năm 2019, thời điểm mà cuộc chiến tranh thương mại giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc (G2) leo thang, với những đòn trừng phạt từ hai phía đã làm rung chuyển nền kinh tế thế giới.
Qua quan sát các diễn biễn của hai siêu cường, Hamada Kazuyuki (chính khách, học giả kinh tế chính trị người Nhật) cho rằng thời đại của Mỹ – Trung chia đôi thế giới sẽ kết thúc, thế giới đang chuyển dịch từ thời đại G2 sang G0. Trong vài chục năm tới bản đồ cường quốc thế giới sẽ thay đổi.
Để đi đến bức tranh đó, Hamada Kazuyuki đã phân tích và đưa ra định nghĩa mới về “cường quốc”.
Theo ông định nghĩa cường quốc từ trước đến nay thường nêu ra kèm các điều kiện diện tích quốc gia rộng lớn, dân số đông đúc, tiềm năng kinh tế và quân sự hùng mạnh, có tầm ảnh hưởng chính trị lớn.
Tuy nhiên, nhìn vào tình hình hiện tại và mối quan hệ trên thế giới trong tương lai gần, những điều kiện trên không đủ cho định nghĩa về cường quốc.
Từ những phân tích về việc kết hợp giữa sức mạnh của đô thị, doanh nghiệp và con người vượt ra khỏi biên giới quốc gia; quyền lực theo lối truyền thống e ngại trước các công nghệ mới; việc sử dụng linh hoạt, an toàn các công nghệ mới, Hamada Kazuyuki đưa ra 5 trụ cột tạo nên một cường quốc trong tương lai, đó là:
(1) Mức hài lòng của cư dân sống trong quốc gia đó; (2) Sự tôn trọng những khác biệt và tính đa dạng, các ý tưởng đột phá dễ dàng được chấp nhận và phát triển; (3) Có khả năng tiếp nhận, vận dụng một cách an toàn và sử dụng linh hoạt các công nghệ mới; (4) Đưa ra những giá trị quan mang tính phổ quát khiến nhiều người trên thế giới “muốn trở thành công dân nước đó”; (5) Có nguồn tài nguyên sẵn có để trở nên giàu có (không chỉ các nguồn tài nguyên dưới lòng đất mà còn phải khai thác cả về nhân lực, tài nguyên du lịch…).
Ông cũng cho rằng, các cường quốc hiện nay nếu muốn duy trì vị thế trong tương lai cũng cần có 5 điều kiện trên. Trong trường hợp thiếu một điều kiện nào đó, chắc chắn sức ảnh hưởng của quốc gia đó cũng sẽ giảm đi rất nhiều.
Sách Cường quốc trong tương lai – Vẽ lại bản đồ thế giới năm 2030 do Omega Plus và NXB Thế giới liên kết phát hành. Ảnh: Omega Plus. |
Việt Nam và những triển vọng trở thành cường quốc
Trong cuốn sách, Hamada Kazuyuki dành một phần để nói về tiềm năng và những triển vọng của Việt Nam.
Tác giả cũng dự báo Việt Nam sẽ nằm trong top 20 của thế giới về quy mô kinh tế vào năm 2048 và đất nước của ông – Nhật Bản – cần thắt chặt hơn mối quan hệ với Việt Nam.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (trong lời giới thiệu cuốn sách), dự báo trên là không thể coi thường.
Hamada Kazuyuki là một chính khách Nhật Bản từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng ở tuyến đầu của hoạt động ngoại giao như Thứ trưởng Bộ Nội và Truyền thông, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Thượng nghị sĩ Nhật Bản.
Ông cũng là một học giả kinh tế chính trị uy tín, lấy bằng tiến sĩ chính trị học tại Đại học George Washington – Mỹ và Chủ tịch Viện Nghiên cứu Khoa học Tương lai quốc tế
Đề cập đến tiềm năng và những triển vọng của Việt Nam, Hamada Kazuyuki cho rằng Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế bậc nhất ở Châu Á. Tầng lớp thượng lưu giàu có của Việt ngày càng tăng. Dân số Việt Nam trẻ và bùng phát nhanh chóng. Thị trường tự do, cởi mở, hiện có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư.
Tinh thần vượt lên nghịch cảnh của người Việt Nam rất mạnh mẽ. Việt Nam cũng có một chiến lược ngoại giao khôn khéo và có một chính quyền ổn định…
Ngoài ra Việt Nam có một lớp người trẻ năng động, có tinh thần chịu được thách thức, yêu thích khám phá cái mới. Đây là điều kiện để tạo ra một môi trường cởi mở, áp dụng các công nghệ và phát triển các dịch vụ mới.
Với những điều kiện và lợi thế đó, Việt Nam đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư trên thế giới.
Trên những nhìn nhận, phân tích, Hamada Kazuyuki cho rằng nước Nhật Bản của ông cần thắt chặt thêm mối quan hệ giữa Việt Nam.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nhìn nhận phân tích của Hamada Kazuyuki xuất phát từ lợi ích tương lai của nước Nhật. Đây chỉ là một cái nhìn, một quan điểm để ta tham khảo. Tuy nhiên đây cũng là dịp để ta nhìn lại các tiềm năng, cơ hội hiện tại, cũng như những vấn đề mà đất nước đang đối mặt để có thể bứt phá đến một viễn cảnh cường quốc.