Hội Xuất bản Việt Nam, Công ty Đường sách TP.HCM cùng các nhà xuất bản, công ty sách đã cùng thực hiện “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học” với hơn 600 cuốn sách theo sát từng chủ đề, phân môn của chương trình giáo dục hiện hành, hỗ trợ cho quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh.
Trao đổi với Zing, nhà giáo Huỳnh Thế Nhã – Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Chính Nghĩa (quận 5) – chia sẻ về quá trình thẩm định, chọn lọc các đầu sách và sự cần thiết của danh mục trong việc hỗ trợ học sinh.
Phân loại danh mục sách bám sát năng lực của học sinh
– Việc đánh giá và nhận xét “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học” được các thầy cô dựa trên tiêu chí nào, thưa thầy?
– Việc đánh giá “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học” được dựa trên hai tiêu chí là nội dung và hình thức.
Đầu tiên về hình thức, sách được chọn lựa phải phù hợp năng lực đọc của học sinh về số lượng chữ, cách dùng từ phải theo kịp với khả năng của các em từng khối lớp.
Nhất là đối với trẻ lớp 1, số lượng chữ hoặc quá nhiều từ ngữ phức tạp sẽ khiến các em không thể đọc hoặc không nắm bắt được nội dung. Ngược lại, với các học sinh ở khối lớp lớn hơn, nếu số lượng chữ ít, cách dùng từ đơn giản lại không phát huy, rèn luyện được năng lực đọc của các em.
Bên cạnh đó, mặt hình ảnh minh họa của sách cũng phải phù hợp khả năng tiếp nhận, tâm sinh lý của học sinh. Đó cũng là tiêu chí quan trọng đánh giá sách.
Nhà giáo Huỳnh Thế Nhã. Ảnh: NVCC. |
Tiếp theo, về mặt nội dung, mỗi cuốn được chọn lựa, chúng tôi luôn chú trọng việc phù hợp chương trình học, theo từng phân môn. Sách bổ trợ cho từng môn rèn luyện cho học sinh việc đọc có mục đích, giúp các em có nguồn tư liệu phong phú hơn.
Trong việc lựa chọn, chúng tôi cũng chú trọng các quyển sách đảm bảo bám sát chương trình giáo dục phẩm chất cho học sinh, theo định hướng chương trình giáo dục 2018.
– Ngoài việc phân loại theo cấp học, danh mục sách được phân loại theo cách thức nào?
– Bên cạnh việc phân loại sách theo từng chương trình khối lớp, “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học” còn được chia theo từng phân môn.
Đây được xem là giải pháp mang đến sự thuận tiện cho cả giáo viên lẫn học sinh. Các thầy cô dễ dàng tiếp cận nguồn sách của mình. Đối với các em, khi có danh mục sách theo phân môn, việc tìm kiếm tư liệu giúp tiết kiệm thời gian, lựa chọn dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Lấy ví dụ trong môn tiếng Việt có rất nhiều đầu sách phục vụ cho phân môn Luyện từ và câu, Kể chuyện, Tập làm văn… Như vậy, học sinh muốn đọc hiểu sâu về từng phân môn sẽ dễ dàng trong tìm kiếm cũng như nắm bắt nội dung chi tiết hơn.
Giúp học sinh khám phá tri thức
– Theo đánh giá của thầy, “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học” sẽ có giá trị như thế nào trong quá trình dạy và học?
– Theo định hướng chương trình mới, năng lực tự học của học sinh được đề cao. Để phát huy được năng lực tự học, học sinh phải là người chủ động tìm kiếm, tiếp thu kiến thức.
Một số đầu sách hay được giới thiệu tới học sinh vào năm 2018. Ảnh: Tùng Tin. |
“Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học” giống như một nguồn tư liệu dồi dào và sẵn có, được sắp xếp, chọn lọc khoa học. Danh mục sẽ giúp các em có thêm nguồn tìm kiếm thông tin, có điểm tựa xuất phát trong việc chủ động khám phá tri thức hỗ trợ cho quá trình học tập.
Khi đã có thói quen tìm kiếm và đọc sách theo chủ đề, học sinh sẽ dần học được cách tư duy, chọn lựa sách phù hợp nhu cầu cũng như năng lực của bản thân.
– Theo thầy, hơn 600 đầu sách trong 5 năm học có quá nhiều với cấp tiểu học hay không? Việc hình thành thói quen đọc sách của các em sẽ được nhà trường thực hiện như thế nào?
– Thật ra, 600 đầu sách cho 5 cấp học vẫn là không đủ và chưa phủ đều ở toàn bộ các phân môn. Vì ban đầu khi phát hành sách, hầu hết đều phục vụ cho nhu cầu đọc riêng biệt chứ không phục vụ cho nhu cầu bổ trợ cho từng phân môn.
Điển hình như trong môn Tiếng Việt, sách bổ trợ cho phân môn Luyện từ và câu khá ít và mỏng, hầu hết chỉ tập trung ở phân môn Tập đọc, Kể chuyện, Tập làm văn. Thế nên, ở nhiều phân môn, số lượng sách vẫn không đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của học sinh.
Chưa kể, 600 đầu sách mang đến nhiều sự chọn lựa, thoải mái hơn cho học sinh khi tìm kiếm tư liệu mà không bị quá hạn chế hay gò bó chỉ trong một vài cuốn sách.
Với tôi, 600 đầu sách có thể nhìn con số rất lớn nhưng khi trải dài trong 5 khối lớp cùng nhiều phân môn thì vẫn chưa đủ. Đây cũng không phải số lượng cuối cùng mà sẽ có sự bổ sung, cập nhật những đầu sách mới.
– Việc đưa danh mục sách đến giáo viên, phụ huynh và học sinh sẽ được triển khai thế nào, cụ thể tại trường Chính Nghĩa đã có kế hoạch gì chưa?
– Sau khi có “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học”, chúng tôi đã sắp xếp lại nguồn sách của thư viện, sau đó giới thiệu đến các em học sinh cũng như các bậc phụ huynh về danh mục này.
“Danh mục sách hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học” giống như một nguồn tư liệu dồi dào và sẵn có, được sắp xếp, chọn lọc khoa học.
Thầy Huỳnh Thế Nhã
Trường Chính Nghĩa chú trọng phát triển năng lực đọc sách cho học sinh ở từng khối lớp. Ngay từ khi bước vào lớp 1, các em vẫn chưa biết chữ thì đã tiếp cận thư viện theo cách tìm hiểu về chức năng của khu đọc sách hoặc để các em tiếp cận với sách có kênh hình ảnh nhiều hơn. Đây là cách mà các thầy cô tạo cho học sinh thói quen đọc sách.
Các em lớp lớn cũng là một mạng lưới giúp học sinh nhỏ hơn cùng đọc sách hoặc hướng dẫn các em tìm sách cho phù hợp nhu cầu. Thầy cô cũng thường giúp đỡ học sinh cách tóm tắt nội dung, thông điệp khi các em hoàn thành một quyển sách.
Mỗi tuần, trường có tiết đọc sách hoặc có những giờ học ngay tại thư viện. Việc này nhằm giúp rèn luyện cho học sinh cách chọn lựa được sách theo chủ đề nhanh chóng hơn.
Chúng tôi không chỉ muốn học sinh đọc sách tại trường, lớp mà còn mong muốn tạo được thói quen đọc cho các em ngay tại gia đình. Việc giới thiệu danh mục sách đến phụ huynh sẽ phần nào giúp các bậc cha mẹ thuận tiện trong việc tìm kiếm nguồn sách cho tủ sách gia đình.
Mặt khác, danh mục sách này cũng là nguồn tham khảo, giúp phụ huynh có thể phần nào hỗ trợ hay giúp đỡ con em mình trong quá trình học tập, phát huy năng lực đọc sách ngay tại nhà.