Tác giả Kiên Trần. |
Tốc độ toàn cầu hóa tăng nhanh tạo nên nhiều biến động cho nền kinh tế thế giới, đồng thời tác động đến thị trường lao động của Việt Nam. Người trẻ Việt đứng trước những thay đổi lớn trong nhận thức về nghề nghiệp, cách tư duy về cuộc sống và quá trình phát triển bản thân trong tương lai.
“Trào lưu”, “Xu hướng”, “Số đông”… những từ khoá hấp dẫn này xuất hiện trên các trang mạng xã hội với tần suất dày đặc. Ai bắt kịp trend, có sức hút hoặc nội dung hấp dẫn nhanh chóng trở thành một hiện tượng mới lạ, được nhiều công ty săn lùng, tìm kiếm.
Ví dụ đơn giản này cho chúng ta thấy rằng xác suất thành công khi chạy theo số đông rất thấp. Thông thường chỉ 1% trong số đông ở vị trí dẫn đầu. Những người này thường có cá tính riêng, chấp nhận rủi ro và không ngừng đổi mới, sáng tạo.
Cuốn sách Đừng chạy theo số số đông của Kiên Trần một lần nữa chỉ cho chúng ta thấy chân lý không thuộc về số đông theo cách dễ hiểu, dễ tiếp cận. Đây là cuốn sách của một người trẻ đã sống và làm việc trong các môi trường khác nhau, trong nước lẫn quốc tế nên thấu hiểu thực tế vấn đề. Từ đó, anh đưa ra những lý giải phù hợp.
Chân lý không thuộc về số đông
Định kiến xã hội tác động đến xu hướng phát triển của mọi lĩnh vực trong đời sống. Chính điều này kìm hãm quá trình phát triển của một cá nhân hay một nhóm cộng đồng nếu đi chệch hướng so với số đông. Từ đó tạo áp lực vô hình lên đôi vai của người chọn hướng đi riêng biệt. “Chân lý vốn dĩ không thuộc về số đông” – các nhà triết học từ cổ chí kim, từ Tây sang Đông đã chứng minh điều này khi bàn về bản chất xã hội và con người.
Với tuyên bố “Trái đất quay quanh mặt trời”, Galileo đã phải nhận bản án của Giáo hội Italy. Câu chuyện cách đây hơn 5 thế kỷ này để lại cho hậu thế bài học việc phát ngôn và bảo vệ phát ngôn, đồng thời tạo động lực không những trong giới khoa học và cộng đồng nói chung về khả năng sáng tạo cái mới của con người. Những điều mới mẻ luôn phải đứng trước sự dè bỉu bởi định kiến, đôi khi là sự phản kháng quyết liệt, đòi hỏi người tạo nên phải kiên quyết đi đến cùng.
Ngày nay, tốc độ phát triển của mạng xã hội tăng nhanh thể hiện càng rõ tiếng nói của số đông tác động đến các quyết định của một tổ chức hay cá nhân nào đó. Việc này vừa tích cực, vừa tiêu cực.
Nhìn từ góc độ tích cực, chúng ta thấy tiếng nói đại chúng đã góp phần vào quá trình thay đổi nhận thức của một chính sách hay quyết định thiếu tính thực tế. Số đông chỉ rõ các hiện trạng giúp các giải pháp phù hợp hơn, giải quyết vấn đề tốt hơn.
Ngược lại, nhìn từ góc độ tiêu cực, số đông nhấn chìm một hành động đẹp, ý nghĩa hay một hiện tượng mang đậm dấu ấn cá nhân. Ví dụ điển hình là mâu thuẫn nhận thức giữa thế hệ. Trong phạm vi xã hội Việt Nam, thế hệ lão thành đôi khi không hiểu một xu hướng hay trào lưu mới mẻ của giới trẻ, khiến cho khoảng cách thế hệ ngày càng xa.
Thực tế cho thấy rõ nhất khi chúng ta đi làm trong một môi trường làm việc có nhiều người. Việc một ai đó đứng lên chỉ ra khiếm khuyết hay vấn đề chung của đội ngũ rồi bị phản ứng từ đồng nghiệp. Hay khi ai đó đưa ra một giải pháp mới mẻ thì nhanh chóng bị cho là đi ngược lại với số đông. Chấp nhận điều mới mẻ đôi khi sẽ đưa đội ngũ lên một tầm cao mới. Chân lý thiên về lẽ phải và mức độ hiệu quả và chắc chắn không thuộc về số đông.
Sách Đừng chạy theo số đông. |
Người trẻ làm thuê hay làm chủ?
Từ câu chuyện về ý kiến mới mẻ trong đội ngũ, chúng ta liên tưởng đến suy nghĩ làm thuê hay làm chủ của người trẻ hiện đại. Ngày nay, theo dõi các trang mạng xã hội hay vô tình nghe một nhóm người trẻ thảo luận với nhau về công việc, xác suất bạn nghe được cụm từ: “nghỉ việc công ty ra tự làm”.
Làm chủ luôn là ước mong của nhiều người. Sự thật không phải ai cũng có thể làm chủ. Để trở thành con chim đầu đàn, bên cạnh các khả năng về vốn liếng, khả năng vận hành, quản lý… thì người đó phải có tư duy khác so với số đông.
Ý tưởng mới lạ, độc đáo kết hợp cùng tư duy kinh doanh là nền tảng cho sự phát triển. Kiến tạo xã hội luôn cần người đi đầu, nói đúng hơn là 1% người nổi trội sàng lọc từ số đông. Những người này hiểu được tâm lý đám đông và có khả năng đúc kết thành phương pháp vận hành riêng. Từ đó dẫn dắt đội ngũ về phía trước.
Jack Ma – người được mệnh danh là “ông trùm thương mại điện tử Trung Quốc”, từ trải nghiệm cá nhân và áp dụng vào điều hành công ty Alibaba với phương pháp 996. Một nhân viên làm việc tại Alibaba làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối và làm việc liên tục trong 6 tuần. Chính sách này từng bị phản đối ở Trung Quốc vì ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người lao động. Tuy nhiên, có nhiều người vẫn ủng hộ, lựa chọn phương pháp làm việc này do hiệu quả công việc đem lại.
1% làm chủ này không dừng lại ở đội nhóm mà còn thể hiện ở nhóm người đi trên con đường nghệ thuật. Các tác phẩm điện ảnh hay mọi thời đại, các ca khúc bất hủ, các công trình kiến trúc vượt thời gian, các tiểu thuyết kiệt tác… đều là sáng tạo của những người có tư duy làm chủ. Làm chủ ở đây cho thấy khả năng sáng tạo đỉnh cao của người nghệ sĩ, đồng thời chạm đến trái tim của đông đảo người thưởng thức. Điều này cho thấy khả năng thấu cảm của người nghệ sĩ với nhân loại.
Cân bằng sức khoẻ, gia đình và sự tự do
Áp lực ngày càng đè nặng lên đôi vai chúng ta bởi tốc độ phát triển ngày càng nhanh. Mức độ cạnh tranh lao động trong thị trường ngày càng khốc liệt. Việc này đòi hỏi mỗi người không ngừng nỗ lực và tạo áp lực lên những người còn lại.
Phụ huynh chịu áp lực tài chính nhằm đảm bảo đời sống vật chất cho gia đình. Con cái chịu áp lực học tập để theo kịp bạn bè hoặc làm “nở mài nở mặt” người thân trong gia đình. Người có tuổi áp lực không theo kịp các bạn trẻ về hiệu quả công việc hay khả năng làm việc liên tục. Người trẻ áp lực về cuộc sống sao cho giỏi bằng bạn bằng bè, sao cho có nhà, xe. Người trẻ áp lực phải có người yêu, lập gia đình, sinh con…
Hàng trăm, hàng nghìn thứ áp lực mà mỗi người phải gánh chịu. Vì thế, các vấn đề về sức khoẻ tinh thần ngày càng trở nên phức tạp, nguy hiểm. Nhiều trường hợp thương tâm chỉ vì áp lực cuộc sống đã chọn tự tử thay vì tìm cách vượt qua. Hơn bao giờ hết, cá nhân và cộng đồng phải quan tâm đến việc làm sao giữ được sức khoẻ, gia đình và sự tự do.
Ý tưởng, việc làm thì vô tận. Một mình chúng ta cũng không nào giải quyết hết. Cho nên, giữ sức đi đường dài mới là điều mỗi người cần phải học. Để đạt đến thành công, dĩ nhiên chúng ta phải đánh đổi thời gian, công sức, tiền bạc… và nhiều yếu tố khác. Ba yếu tố kể trên phải tìm cách gìn giữ sao cho cân bằng, mất một trong ba thì cũng không mang đến cho chúng ta niềm hạnh phúc trọn vẹn.
Sức khoẻ là yếu tố quan trọng nhất. Bởi, khi có sức khoẻ, chúng ta mới có khả năng làm việc, gìn giữ hạnh phúc gia đình và tìm kiếm sự tự do trong cuộc sống. Gia đình là nơi nuôi dưỡng cảm xúc và gìn giữ các giá trị truyền thống của dòng họ. Thiếu yếu tố này con người cũng trở nên yếu đuối, không vững vàng. Yếu tố tự do này quyết định chất lượng cuộc sống của một người có tốt đẹp hay không. Làm sao để khi một mình mỗi người vẫn cảm thấy yên và sống tốt.
Nguồn: https://znews.vn/quy-tac-song-cua-nguoi-tre-hien-dai-post1448016.html
You must be logged in to post a comment Login