Bùi Ái Loan (sinh năm 1998) đang là sinh viên năm thứ 3, chuyên ngành Tội phạm học của ĐH Melbourne. Bắt đầu đi du học Australia từ cuối năm lớp 10, Ái Loan cho rằng đây là cơ hội để phát triển bản thân ở lĩnh vực mình đam mê.
Bùi Ái Loan. Ảnh: NVCC. |
Không phân biệt môn chính – môn phụ
Điều khiến Loan thích thú khi theo học cấp 3 tại Australia là học sinh chỉ cần phải học 6 môn. Các em cũng được tự do chọn môn học trong hhơn 90 môn do tiểu bang đưa ra. Nếu một số môn không được giảng dạy tại trường, học sinh có thể đi tới các trường khác để học.
“Có nhiều môn học rất đặc biệt, ví dụ như môn Chăm sóc sức khỏe có tên gọi Health and Human Development. Học sinh đăng ký môn học này sẽ được học những kiến thức nền tảng từ năm lớp 11.
Đến học kỳ II năm lớp 12, mỗi bạn sẽ được phát một con búp bê với kích cỡ như một em bé 3 tháng tuổi và đã lập trình sẵn các hoạt động như người thật để học sinh thực hành.
Bài tập của các bạn là phải thực hiện các thao tác chăm sóc như thay tã, đút ăn… để búp bê nhận diện được học sinh đang thực hiện các bài học. Môn học này sẽ có ích với các bạn có định hướng theo đuổi ngành bác sĩ nhi khoa, điều dưỡng, y tá chăm sóc sức khỏe.
Hay ở môn chuyên về thực phẩm như Food Technology, học sinh được học về an toàn vệ sinh thực phẩm, cách chế biến món ăn. Mỗi tuần, học sinh sẽ được nhà trường chuẩn bị dụng cụ và nguyên liệu để nấu nướng. Môn học này sẽ phù hợp với những bạn mong muốn làm đầu bếp, chuyên viên kiểm định thực phẩm…”.
Loan khi mới sang Australia du học. |
Cứ 6 tháng một lần, trường sẽ có buổi tư vấn nghề nghiệp cho học sinh. Từng học sinh sẽ ngồi trực tiếp với người tư vấn, làm bài trắc nghiệm để đánh giá xem bản thân mạnh về lĩnh vực nào và có đang hạnh phúc với sự lựa chọn về môn học của mình không.
“Sự linh hoạt trong lựa chọn môn học khiến em cảm nhận được, những ngôi trường ở Australia khá trân trọng khả năng khác nhau của mỗi người. Ví dụ, một bạn có thiên hướng nghệ thuật cũng sẽ được đánh giá ngang với một bạn có thiên hướng về kỹ thuật. Và dù học sinh có lựa chọn môn gì, các môn học ấy cũng đều có giá trị tương đương nhau, không có môn nào được coi là môn chính, cũng không có môn nào là môn phụ”.
Điều này, theo Loan, học sinh sẽ không cảm thấy áp lực. Thậm chí, một số môn còn được đưa ra với các mức độ chuyên sâu khác nhau nhằm đảm bảo phù hợp năng lực của từng người.
Cũng nhờ việc định hướng nghề nghiệp từ sớm, học sinh hạn chế tối thiểu việc chọn nhầm ngành ở bậc đại học.
Loan muốn theo đuổi Luật công nghệ thông tin, sở hữu trí tuệ và tội phạm công nghệ. |
Năm lớp 11, Ái Loan chọn học môn Nghiên cứu pháp lý. Mặc dù được giảng dạy ở trường phổ thông, môn học này cũng đã cung cấp cho nữ sinh những hiểu biết cơ bản về hệ thống luật của Úc, quá trình xử lý tội phạm, thụ lý hồ sơ hay được tiếp cận các vụ án nổi tiếng.
Đến năm lớp 12, học sinh sẽ được thầy cô đưa đi thực tế tại tòa án, tham gia vào một phiên tòa để nắm bắt được các quy trình diễn ra.
Sau đó, khi trở về lớp, học sinh sẽ đóng vai thẩm phán, luật sư, bị cáo, thư ký, người làm chứng… để thực hiện một phiên tòa giả định, phân tích các điều luật nên áp dụng để xử lý người vi phạm.
“Toàn bộ những kiến thức của 2 năm cuối cấp đã giúp việc học đại học của em trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Cũng chính vì được tiếp cận với các từ ngữ chuyên ngành luật từ năm cấp 3 nên vào bậc đại học, em cũng không còn cảm thấy bị ‘ngợp’ nữa”, Loan nói.
Theo đuổi con đường trở thành luật sư tại Australia
Đỗ ĐH Melbourne, Loan lựa chọn theo đuổi lĩnh vực Tội phạm học, là ngành sẽ hỗ trợ việc học luật chuyên sâu sau này.
Để trở thành luật sư ở Australia có hai con đường người học có thể theo đuổi. Một là sinh viên sẽ học 2 chuyên ngành cùng lúc về luật và một chuyên ngành khác kéo dài khoảng 5,5 năm, sau đó có thêm 1 năm thực tập trước khi thi lấy chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, việc học 2 chuyên ngành một lúc sẽ rất áp lực.
Con đường còn lại là sinh viên sẽ học 3 năm ở bậc cử nhân không thuộc ngành luật và 3 năm bậc cao học (khóa Juris Doctor hoặc L.L.B – cử nhân luật dành cho người đã có một bằng cử nhân quốc tế). Sau đó, người học cũng sẽ có thêm 1 năm thực tập trước khi thi lấy chứng chỉ thực hành luật.
Dù theo con đường nào, để có thể ‘hành nghề’, người học vẫn mất khoảng 7-8 năm.
Được mệnh danh là “ngành học cực nhất nhì ở Australia”, Loan kể, trung bình một tuần, sinh viên phải đọc khoảng 1.000 trang sách với rất nhiều từ ngữ chuyên ngành. Vì vậy, bước vào thư viện dành cho sinh viên ngành luật lúc nào cũng thấy căng thẳng.
“Mọi người bước vào thư viện là chỉ cắm đầu vào đọc. Tất cả tập trung và im lặng đến độ, khi một người bước đi trên sàn nhà vẫn có thể nghe rõ tiếng ‘cộp, cộp, cộp’ theo từng bước giày. Thời điểm thi học kỳ, thư viện luôn trong trạng thái sáng đèn, nếu ai không nhanh chân thì sẽ hết chỗ”.
Học ngành Tội phạm học, theo Loan, nghe rất “ngầu”, những tưởng sẽ học về các vụ án, tâm lý học tội phạm trong các phim trinh thám, nhưng thực tế, ngành học này trang bị những kiến thức nền tảng và đầy đủ về công lý.
Chẳng hạn, môn Hình phạt kiểm soát xã hội giúp sinh viên trả lời câu hỏi: “Liệu việc sử dụng các hình phạt càng nặng có càng khiến xã hội ổn định hơn không?”; “Gốc gác khiến một người phạm tội là gì?”; “Hình phạt tử hình liệu có hợp lý hay không?”; “Những tội nào nên làm phục vụ cộng đồng hơn là đi tù?”…
“Có lần, lớp em cùng ngồi tranh luận xem có nên để người trẻ tiếp xúc với tù tội quá sớm không. Hầu hết đều đồng tình rằng điều đó là không nên vì vô hình sẽ khiến các em bị tổn thương tâm lý, mặc cảm, tự ti… từ đó dẫn tới vòng phạm tội tuần hoàn, ra tù lại mất phương hướng. Trong khi đó, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của hệ thống luật hình sự khi phạt phạm nhân là cải tạo thì chưa đạt được”.
Ngoài việc học, Ái Loan làm Account Manager từ xa cho một công ty Marketing tại Melbourne và làm CEO điều hành tại Hiệp Hội Tin Học Việt – Úc.
Theo Loan, các công việc này giúp hiểu sâu hơn về bức tranh ngành IT và truyền thông tại Australia, giúp cô tự tin theo đuổi luật công nghệ thông tin, sở hữu trí tuệ và tội phạm công nghệ sau này.