Từng trải nghiệm môi trường làm việc đa quốc gia, chị Trang Dung chọn New Zealand để cùng gia đình định cư. Là người mẹ có con theo học từ bậc tiểu học lên đại học tại New Zealand, chị Trang Dung đã có những chia sẻ thú vị về chương trình giáo dục, cũng như những bước đệm trợ lực mà các trường xứ kiwi dành cho học sinh trong mỗi lần chuyển cấp.
Đội ngũ giáo viên hỗ trợ từ học tập đến thể chất, tinh thần
“Bước vào bậc phổ thông, học sinh được trải nghiệm một hành trình thú vị nhưng cũng đầy thử thách. Các em sẽ phải tự quản lý thời gian biểu, lịch học tại nhiều lớp với giáo viên khác nhau. Tuy nhiên, bố mẹ không cần lo lắng quá nhiều vì các trường luôn có đội ngũ giáo viên và những người hỗ trợ sẵn sàng đồng hành, giúp đỡ”, chị Trang Dung nhận xét.
Gia đình chị Trang Dung đã có ba thế hệ cùng sinh sống ở New Zealand. |
Mỗi lớp học phổ thông đều có một người phụ trách, có vai trò điểm danh và gửi thông báo hàng ngày. Giáo viên này thường là người liên hệ đầu tiên của phụ huynh/người giám hộ nếu con gặp bất kỳ vấn đề nào cần giúp đỡ. Trong trường hợp người phụ trách lớp không thể giải quyết các vấn đề, trưởng khoa – người hướng dẫn học tập cho học sinh – sẽ hỗ trợ, tư vấn nếu bố mẹ/người giám hộ có thắc mắc hoặc lo lắng về tuổi thiếu niên của con mình. Khi đứng trước một vấn đề chưa được xử lý thỏa đáng, phụ huynh/người giám hộ hoàn toàn có thể liên hệ trực tiếp để gặp hiệu trưởng để trao đổi.
Giống như Việt Nam, chương trình đào tạo bậc học phổ thông tại New Zealand có các giáo viên bộ môn đảm trách những môn học tại trường. Học sinh có thể liên hệ giáo viên bộ môn để được hỗ trợ về kiến thức hoặc phương pháp học. Một trong những ưu điểm của chương trình học phổ thông tại quốc gia này, theo chị Trang Dung, là các em được tiếp cận nhiều môn học: “Ngoài ngôn ngữ và môn khoa học cơ bản, học sinh cũng được lựa chọn thêm bộ môn thể thao, nghệ thuật và hoạt động ngoài giờ”.
Ngoài giáo viên phụ trách, học sinh phổ thông New Zealand còn nhận được hỗ trợ từ giáo viên bộ môn, giáo viên ESOL hay trưởng khoa và hiệu trưởng. |
Riêng với học sinh đến từ các quốc gia mà tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính, nhà trường bố trí giáo viên ESOL (English as a second or foreign language) để giúp các em tự tin theo kịp chương trình và hòa nhập môi trường học tập. Tuy vậy, “các giáo viên cũng khuyến khích bố mẹ nói tiếng Việt với con ở nhà để không bị mai một tiếng mẹ đẻ”, chị Trang Dung chia sẻ.
Để chăm sóc sức khỏe tinh thần, các cố vấn tâm lý sẽ hỗ trợ vấn đề cá nhân của học sinh như căng thẳng hay cô đơn. Tương tự, giáo viên hỗ trợ học tập sẽ giúp đỡ các em khi gặp khó khăn trong học tập hoặc muốn phát triển năng khiếu đặc biệt.
Cuối cùng, một số trường có nhân viên phụ trách dịch vụ y tế cho học sinh, hoặc có trung tâm y tế với đầy đủ bác sĩ, y tá, nhân viên xã hội sẵn sàng hỗ trợ các em khi có nhu cầu kiểm tra, chăm sóc sức khỏe.
“Hệ thống giáo dục New Zealand chú trọng sức khỏe thể chất và tinh thần của người học. Đội ngũ giáo viên, chuyên gia sẽ lắng nghe vấn đề sức khỏe của học sinh, tìm hiểu sở thích, cũng như điều các em làm tốt hoặc giúp các em hạnh phúc. Tất cả yếu tố có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và cảm xúc của trẻ là điều mà đội ngũ này luôn quan tâm”, chị Trang Dung chia sẻ.
Chương trình học hướng nghiệp theo từng giai đoạn
Chương trình phổ thông ở New Zealand được thiết kế thành 3 giai đoạn: Lớp 9, 10 (junior), lớp 11 (intermediate) và lớp 12, 13 (senior). Ở mỗi giai đoạn, học sinh được trải nghiệm môn học có tính ứng dụng thực tế cao. Vào lớp 9, các em được học dịch vụ chăm sóc khách hàng, tài chính cơ bản… Lớp 11 học kinh doanh nhập môn và những kiến thức, kỹ năng khác như cách phỏng vấn, nhận lại thuế… Lớp 12 tập trung vào môn nghệ thuật khai phóng, giúp các em hiểu bản thân muốn gì và sẽ trở thành ai trong tương lai.
“Có thể nói, bước vào bậc học phổ thông, chương trình giáo dục có định hướng nghề nghiệp và đào tạo nghề rõ rệt”, chị Trang Dung cho biết.
Ở bậc phổ thông, các môn học mang tính định hướng nghề nghiệp hơn. |
Bên cạnh đó, nhà trường còn hỗ trợ người học định hướng công việc tương lai. Học sinh có thể liên hệ cố vấn nghề nghiệp từ lớp 9 để được hỗ trợ sớm, từ đó khám phá các lựa chọn cho con đường phát triển tương lai; tìm và nghiên cứu tài nguyên; kiểm tra yêu cầu đầu vào cho các khóa học; tìm hiểu cơ hội việc làm; chuẩn bị CV và thư xin việc; cải thiện kỹ năng phỏng vấn; đăng ký học bổng đại học; nộp đơn cho các trường đại học ở nước ngoài…
Cùng với đó, trường cũng tổ chức những buổi trình bày/hội thảo về chương trình học cũng như ngành nghề, tìm hiểu cơ hội nghề nghiệp trong đa dạng lĩnh vực. Học sinh có thể thoải mái đặt câu hỏi khi gặp gỡ giảng viên và nhân viên ở các khoa, tham gia lớp học thử, gặp gỡ, cũng như trao đổi với học sinh đang theo học tại trường.
“Open days” là dịp để học sinh tìm hiểu về trường đại học, học viện muốn theo học trong tương lai. Ảnh: Otago University. |
Khi bước vào năm cuối, phụ huynh, học sinh cũng có thể tham gia chương trình “open days” do các đại học, học viện ở New Zealand tổ chức. Đây là cơ hội trải nghiệm không gian học tập, khuôn viên trường và hệ thống cơ sở vật chất (thư viện, phòng thí nghiệm…), tham quan ký túc xá, các khu nhà ở trong trường hoặc do trường quản lý. “Open days” cũng phổ biến ở các trường phổ thông. Theo chị Trang Dung, chị và con từng dự “open days” ở trường Westlake Girls’ High School trước khi quyết định cho bé theo học ở đây.
Trần Bảo Trâm (đứng thứ 3, hàng 2, từ trái sang) – con gái thứ hai của chị Trang Dung đang theo học lớp 9 tại trường Westlake Girls’ High School. |
“Không riêng chương trình đào tạo bậc phổ thông, hệ thống giáo dục New Zealand tạo nền tảng vững chắc để trẻ được lớn lên trong sự quan tâm, tôn trọng và tạo điều kiện để trở thành người như chúng mong muốn mà không phải chịu bất cứ sự gò ép hay áp lực nào. Tôi rất vui vì các con đang được đón nhận một nền giáo dục thỏa đáng”, chị Trang Dung chia sẻ.
New Zealand hiện là quốc gia nói tiếng Anh dẫn đầu toàn cầu về chỉ số giáo dục chuẩn bị cho tương lai. Đây cũng là đất nước có cả 8 trường đại học đều nằm trong top 3% trường đại học tốt nhất thế giới. Ngoài ra, sinh viên quốc tế còn có cơ hội nhận visa làm việc đến 3 năm sau khi tốt nghiệp.
Độc giả có thể tìm hiểu thêm về giáo dục New Zealand và tra cứu ngành học tại các trường cụ thể tại đây.