Mưa cứ lằng nhằng rả rích như hờn dỗi ai. Thường ở tòa soạn giờ này chỉ còn ông bảo vệ ngồi trong “chuồng cu”, mắt hờ hững ngó ra cổng. Hải Đường là người cuối cùng còn ở lại phòng phóng viên. Vừa viết xong một bài cho kịp số báo tới, anh vươn vai, định bụng đội mưa đi kiếm chút gì ăn thì chuông điện thoại nội bộ réo lên.
Chuông điện thoại bao giờ cũng khiến anh hồi hộp, nhất là những lúc xung quanh chẳng còn ai. Mẹ anh có việc phải về quê ít bữa, đêm hôm kia, Hải Đường một mình đưa ngoại vô bệnh viện. Bà cụ khi không sốt cao, mê man. Anh gọi một chiếc taxi đưa bà đi rồi ngồi đợi trước cửa phòng hồi sức suốt ba tiếng đồng hồ. Chị y tá thấy tội nghiệp, bèn nói:
– Anh về đi, sáng hẵng tới, bà cụ bệnh già ấy mà. Để số điện thoại lại đây, có gì tôi sẽ gọi.
Hải Đường về nhà, lên giường nằm đàng hoàng mà lại không ngủ được, tim anh cứ thắc thỏm chờ một cú điện thoại, dù không muốn chút nào.
Anh nhấc ống nghe lên. Ông bảo vệ cho biết có một bạn đọc đang chờ gặp phóng viên dưới phòng khách. Ai vậy? Trời mưa thế này…
Ảnh minh hoạ. Nguồn: BBC. |
Đó là một cô gái trẻ măng, đầu tóc ướt rượt, cô vừa bước xuống từ một chiếc xe buýt rồi lấy hai tay che đầu đi tới đây. Hải Đường nhìn cô gái ướt mưa mà ái ngại, thầm hy vọng không có chuyện gì gấp, chỉ là trời mưa quá, cô tình cờ đi ngang tòa soạn thấy cổng còn mở thì ghé đụt mưa, sẵn hỏi thăm vài chuyện. Nhiều độc giả vẫn hay vậy.
Cô gái tròn người, da mặt căng láng, đôi chân mày rậm dày, mắt to đen mà thật buồn. Có lẽ cũng vì cô mặc chiếc áo thun đen in họa tiết ngoằn ngoèo rối rắm. Hải Đường mới nhìn chiếc áo đã có cảm giác bất an. Cô rụt rè ngồi xuống ghế:
– Anh là…?
– Tôi là phóng viên Hải Đường.
– Em muốn gặp người giải đáp mục “Tâm tình tuổi teen”.
Đó là chuyên mục thu hút nhất trên báo Teen, tuần nào cũng nhận được vài trăm thư điện tử của độc giả học trò. Đa phần là các vướng mắc về tình cảm mới lớn cần được chia sẻ, tâm tình. Có hai người thay nhau giải đáp chuyên mục, trong đó có anh. Hải Đường niềm nở:
– Em gặp đúng người rồi, có chuyện gì nói anh nghe.
Cô gái vẫn căng thẳng, hai bàn tay đan vào nhau, giọng như không còn chút hơi nào:
– Anh có thể cứu một người sắp chết không? – Sao? – Người đó là con gái, bạn thân của em. Đến lượt Hải Đường căng thẳng:
– Sao không đưa bạn em đi cấp cứu, có phải hơn không?
Cô khẽ lắc đầu, buông một câu nhẹ hều mà anh nghe như tiếng sét:
– Ngọc muốn tự tử anh à!
– Sao vậy? Ngọc là bạn em, chắc còn trẻ mà?
– Học cùng lớp với em. Tụi em vừa biết điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông hôm qua.
– À… – Hải Đường thốt lên, cảm thấy vấn đề chưa đến nỗi căng.
Hôm qua là ngày vui buồn của hàng trăm ngàn sĩ tử trước ngưỡng cửa đại học. Người điểm cao thì hò hét, vui mừng, lên mạng khoe tưng bừng. Điểm thấp thì tiu nghỉu, âm thầm tính toán xem mình còn hy vọng vô được trường tốp dưới nào không.
Cũng có không ít bạn đi thi như đi chơi, miễn tốt nghiệp là được, cầm giấy thông hành ùa vào đời kiếm việc gì đó làm. Năm nào cũng vậy, đến mùa này là tuổi 18 xáo trộn tâm lý. Vài tháng nữa, sang tuổi 19, mọi chuyện sẽ đâu vào đó. Ai rồi cũng tìm thấy con đường của mình.
Hải Đường chia sẻ điều này, cô gái vẫn không bớt lo âu:
– Ngọc bạn em không tốt nghiệp nổi luôn. Nó bị điểm liệt môn Văn. Một học sinh từng đại diện trường thi học sinh giỏi quốc gia mà không đậu tốt nghiệp, anh thấy sao?
– Thấy buồn. Nhưng không đến mức phải tự tử.
– Anh biết Ngọc là con ai không?
Cô gái nhắc tên một vị giáo sư bác sĩ nổi tiếng. Người này thì Hải Đường không lạ, ông từng có những buổi nói chuyện truyền cảm hứng cho giới trẻ trên truyền hình. Mẹ Ngọc là giám đốc một công ty dược, gia đình trí thức khá giả. Với lai lịch như vậy con họ học giỏi tầm quốc gia thì đúng kịch bản. Nhưng cuộc sống mà, đâu phải lúc nào kịch bản cũng suôn sẻ. Trục trặc một chút mà đòi tự tử thì nông nổi quá.
You must be logged in to post a comment Login