Mới đây, cuốn sách Tớ đã học tiếng Anh như thế nào? của tác giả nhí Đỗ Nhật Nam được Bộ Văn hóa Thái Lan mua bản quyền. Trước đó, bộ truyện tranh song ngữ Những chuyến phiêu lưu của mèo Tita của tác giả Búp Bê được Nhà xuất bản Olympia (Anh) phát hành trên toàn cầu.
Có thể thấy những năm qua, hành trình đưa sách Việt ra thị trường xuất bản thế giới có nhiều triển vọng. Mảng sách thiếu nhi cũng thực sự ghi dấu ấn khi bán được bản quyền một số cuốn nổi bật như: Chang hoang dã – Gấu, Những người bạn, Đúng là Tết,Tôi là Bêtô hay Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ…
Sách Đúng là Tết – This is Tết có phiên bản song ngữ được bán thành công sang thị trường Đức. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Niềm vui đối với người làm sách
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng mỗi tác giả khi cầm bút thường không nghĩ đến sứ mệnh cao cả là cuốn sách của mình sẽ được xuất bản tại một quốc gia khác trên thế giới. Họ chỉ đặt trách nhiệm, tình cảm cùng niềm say mê sáng tạo vào từng trang viết.
“Những năm tháng chiến tranh, nhiều tác phẩm dịch chủ yếu mang tính ngoại giao. Còn ở thời điểm hiện tại, khi một cuốn sách Việt được chuyển ngữ và xuất bản trên thế giới, điều đó nghĩa là tác phẩm ấy thực sự có giá trị đối với độc giả nước bạn”, người đứng đầu giới cầm bút trong nước nhận định.
Cuốn sách Lược sử nước Việt bằng tranh có mặt tại Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Ảnh: Kim Đồng Kids. |
Nhà xuất bản Kim Đồng là đơn vị có bề thế làm sách nhiếu nhi. Nhiều cuốn sách của đơn vị này đã có mặt trên thị trường quốc tế như Lược sử nước Việt bằng tranh bán bản quyền cho Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, Đúng là Tết – This is Tết bán cho Đức, 15 bí kíp giúp tớ an toàn: Cẩm nang phòng tránh xâm hại trẻ em bán cho Philippines…
Mới đây, đơn vị này cũng đưa cuốn tranh truyện Những người bạn đến với độc giả Nhật Bản. Trước đó, bản quyền cuốn Chang hoang dã – Gấu được bán thành công cho một đơn vị xuất bản tại Anh và nhượng quyền cho 5 đơn vị ở Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ.
Với dấu ấn của mảng sách thiếu nhi trên thị trường quốc tế mà đơn vị mình đạt được, bà Vũ Thị Quỳnh Liên – Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng – chia sẻ: “Những cuốn sách bán bản quyền và xuất bản tại nước ngoài cho thấy các đề tài và cách thể hiện của tác giả Việt đã được bạn đọc quốc tế quan tâm, đón nhận. Đây là niềm vui rất lớn đối với những người làm công tác sáng tạo trong nước”.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cũng cho rằng trước hết, việc sách thiếu nhi trong nước đến với bạn đọc quốc tế là điều đáng khích lệ đối với tác giả, sau đó là đơn vị làm sách.
Sách Tớ đã học tiếng Anh như thế nào? sẽ có mặt tại Thái Lan. Ảnh: Thái Hà Books. |
Giá trị của sách thiếu nhi được bán bản quyền
Đầu năm nay, bộ truyện tranh song ngữ Những chuyến phiêu lưu của mèo Tita của tác giả Búp Bê (do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành) ra mắt bạn đọc trong nước. Bộ sách gồm 5 tập đưa độc giả nhí đến với thế giới động vật đáng yêu. Qua đó, các em có thể cảm nhận cuộc sống muôn màu và dần hình thành cho mình những kỹ năng cần thiết.
Sau vài tháng ra mắt, Những chuyến phiêu lưu của mèo Tita được Nhà xuất bản Olympia (Anh) phát hành trên toàn cầu, giữ nguyên phần lời tiếng Anh và hình ảnh minh họa trong bộ sách gốc.
Mới đây nhất, tác phẩm Tớ đã học tiếng Anh như thế nào? của Đỗ Nhật Nam (do Thái Hà Books phát hành) được chọn là một trong các cuốn sách của Việt Nam để chuyển ngữ sang tiếng Thái Lan trong chương trình quảng bá văn hóa của các nước ASEAN do Bộ Văn hóa Thái Lan chủ trì.
Cuốn sách ra mắt bạn đọc từ năm 2012, nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả trong nước. Đến nay, sách được tái bản 19 lần.
Trong sách, tác giả nhí Đỗ Nhật Nam trả lời cho câu hỏi “Tớ đã học tiếng Anh như thế nào?”. Bên cạnh những câu chuyện dí dỏm cùng phương pháp học tiếng Anh đặc biệt, cuốn sách còn giới thiệu 14 bài luận về nhiều chủ đề khác nhau được Nhật Nam viết trong quá trình luyện thi, mang đến kinh nghiệm bổ ích và niềm hứng thú khi học tiếng Anh.
Bà Phạm Thủy – Giám đốc Đối ngoại truyền thông, Thái Hà Books – chia sẻ: “Xét về mặt nội dung, đây không chỉ là cuốn sách chỉ dẫn học tiếng Anh của một bạn nhỏ đã trải nghiệm thực sự trong hành trình học tập của mình. Ngoài giá trị về mặt kiến thức, cuốn sách còn truyền động lực, cảm hứng cho các bạn nhỏ đến với ngôn ngữ toàn cầu”.
Theo đại diện Thái Hà Books, đây có lẽ chính là giá trị quan trọng khiến Bộ Văn hóa Thái Lan lựa chọn Tớ đã học tiếng Anh như thế nào? cho chương trình quảng bá văn hóa của các nước ASEAN.
Khi mua bản quyền một cuốn sách thiếu nhi, giới xuất bản trên thế giới phải tính đến việc giá trị nội dung tác phẩm đó sẽ tác động như thế nào tới những đứa trẻ ở đất nước họ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Người đứng đầu giới cầm bút trong nước cũng cho rằng khi quyết định mua bản quyền một cuốn sách thiếu nhi, giới xuất bản trên thế giới sẽ phải tính đến hai vấn đề: Một là giá trị nội dung tác phẩm đó sẽ tác động như thế nào tới những đứa trẻ ở đất nước họ. Hai là uy tín của thị trường xuất bản, nơi họ lựa chọn mua bản quyền.
Nhắc tới sách thiếu nhi bán được bản quyền trên thế giới, không thể không kể đến các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh – cây bút chuyên viết cho lứa tuổi thanh, thiếu niên.
Vừa qua, ấn phẩm Tôi là Bêtô của ông (do Nhà xuất bản Trẻ phát hành) được một đơn vị xuất bản của Hàn Quốc mua bản quyền. Tác phẩm gây ấn tượng bởi hình ảnh chú chó thông minh, giàu tình cảm, chuyên chở những triết lý sâu sắc về cuộc đời.
Trước đó, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của ông viết về ký ức ấm áp của tuổi thơ từng được TS Montira Rato dịch sang tiếng Thái Lan, Nhà xuất bản Nanmeebooks phát hành. Sau đó, tác phẩm có mặt tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ.
Vượt khuôn khổ quốc gia, Chang hoang dã – Gấu đã thuyết phục giới làm sách và bạn đọc quốc tế bởi lời dẫn, tranh minh họa sinh động cùng lời nhắn gửi về sự gắn bó giữa con người và thiên nhiên. Câu chuyện ấy lay động trái tim độc giả về sự sống của muôn loài và tầm quan trọng của thiên nhiên.
Nhận xét về tác phẩm này, ông Lê Hoàng – Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – cho rằng tác giả đã khéo léo gieo vào lòng người đọc trẻ sự căm giận trước những hành vi ngược đãi loài vật của con người.
“Chang hoang dã – Gấu không chỉ mang đến cho bạn đọc trẻ câu chuyện về lòng yêu thương, hiểu biết phong phú về các loài động vật hoang dã, mà còn khơi dậy niềm đam mê và trách nhiệm bảo tồn sự sống cho Trái Đất”, ông Lê Hoàng nói.
Cùng sự khởi sắc của mảng sách thiếu nhi khi ngày càng có nhiều tác phẩm đến với độc giả nhỏ tuổi trên thế giới, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng việc Hội Nhà văn Việt Nam coi văn học thiếu nhi là một chiến lược cần đầu tư hơn nữa sẽ khiến mảng sách này thực sự có nhiều khởi sắc trong thời gian tới.