Năm 2020 chứng kiến sự ra đời một số sách sử cung cấp nhiều tư liệu có giá trị. Bên cạnh đó, công trình giá trị ra đời từ lâu cũng được làm mới.
Việt Nam sử lược
Ra mắt năm 1920, Việt Nam sử lược của học giả Trần Trọng Kim có một vị trí đặc biệt không chỉ bởi nội dung, mà còn vì bối cảnh xuất bản sách lịch sử.
Kỷ niệm 100 năm xuất bản lần đầu cuốn sách này, NXB Văn học liên kết công ty Đông A thực hiện một ấn bản đặc biệt, đầu tư công phu về mặt biên tập và hình thức.
Cuốn sách được thực hiện theo bản in lần thứ 5, năm 1954, của NXB Tân Việt. Đây là ấn bản được tác giả Trần Trọng Kim chỉnh sửa lần cuối. Khi in lại cuốn này, đơn vị thực hiện đã bổ sung thêm một số chi tiết có trong các bản in năm 1920, 1928, 1971.
Sách cũng được bổ sung thêm gần 60 tranh minh họa từ các nguồn tư liệu ở bảo tàng, tranh dân gian, sách báo xưa.
Bản kỷ niệm cũng được bổ sung thêm phần “sách dẫn” từng xuất hiện trong bản in năm 1971, nhằm giúp độc giả dễ tra cứu nhân vật, địa danh, một số mục từ quan trọng.
Sách Việt Nam sử lược – ấn bản kỷ niệm 100 năm bản in đầu tiên. Ảnh: Đông A. |
Lịch sử Việt Nam qua chính sử Trung Hoa
Tác phẩm do nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh dịch, Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM ấn hành năm 2020.
15 năm trước, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh được giáo sư Li Tana, Australia, tặng bộ sách – một tài liệu cung cấp một số thông tin mà sử nước ta chưa đề cập.
Ông đã đọc và dịch sách trực tiếp từ bản gốc tiếng Trung, sau đó tìm lọc trong bộ Nhị thập tứ sử (Hai mươi bốn bộ sử) gồm chính sử các triều đại ở Trung Quốc, chủ yếu là bốn bộ Tống sử, Nguyên sử, Minh sử và Thanh sử cảo. Từ đó, ông đối chiếu những tài liệu liên quan, dịch hoàn chỉnh và lược bớt nguồn tài liệu không phù hợp.
Cuốn sách cung cấp những tư liệu về Việt Nam trong các bộ chính sử Trung Hoa từ Tống sử đến Thanh sử, phản ánh quan hệ bang giao giữa các chính quyền hai nước với một số hoạt động ngoại giao, kinh tế, văn hóa, quân sự…
Sách Lịch sử Việt Nam qua chính sử Trung Hoa. Ảnh: NXB. Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM. |
Một chiến dịch ở Bắc Kỳ
Là sách du ký, ký sự, song Một chiến dịch ở Bắc Kỳ của Charles-Édouard Hocquard lại rất giàu tư liệu lịch sử (đặc biệt là tư liệu ảnh). Năm nay, có 3 đơn vị xuất bản cùng làm cuốn sách này. Phiên bản của Đông A và NXB Văn học liên kết phát hành do dịch giả Đinh Khắc Phách chuyển ngữ.
Charles-Édouard Hocquard (1853-1911) là bác sĩ tình nguyện sang Đông Dương năm 1884 để phục vụ trong quân đoàn viễn chinh.
Với tinh thần phiêu lưu, Hocquard đã đi thăm thú, gặp gỡ, tiếp xúc đủ tầng lớp người, từ những nhà buôn, cu li, quan lại, ký lục, gia đình và trẻ con bản xứ, thậm chí cả vua Đồng Khánh. Ông quan sát từ cảnh vật, kiến trúc đến con người, phong tục… và ghi chép, tìm hiểu, cũng như chụp lại những hình ảnh quan sát được.
Sách Một chiến dịch ở Bắc Kỳ. Ảnh: Đông A. |
Năm 1889-1891, Hocquard cho đăng chuyện kể về chuyến đi của mình với tên Trente mois au Tonkin (Ba mươi tháng ở Bắc Kỳ) trên tạp chí Le Tour du monde (Vòng quanh thế giới). Năm 1892, ông lấy nội dung và hình ảnh minh họa trên cùng với nhà Librairie Hachette xuất bản thành sách mang tên Une campagne au Tonkin.
Nguyễn Tri Phương
Đây là công trình khảo cứu tâm huyết của nhà nghiên cứu Đào Đăng Vỹ, được thực hiện trong 28 năm (1945-1973). Tác phẩm được ấn hành lần đầu vào năm 1974.
Sách Nguyễn Tri Phương. Ảnh: NXB. Tổng hợp TP.HCM. |
Năm 2020, NXB Tổng hợp TP.HCM tái bản có chỉnh sửa, bổ sung so với lần xuất bản đầu tiên năm 1974. Qua đó, tái hiện lại cuộc đời người anh hùng Nguyễn Tri Phương (1800-1873), từ đời binh nghiệp cho đến riêng tư và nhất là công lớn của ông đối với vùng đất phương Nam, điều mà các tác phẩm của Quốc sử quán nhà Nguyễn và tài liệu của Pháp trước đó chưa làm rõ.
Chuyện những người An Nam ở Paris hay sự thật về Đông Dương
Tác phẩm của luật sư Phan Văn Trường từng được xuất bản nhiều kỳ trên tạp chí La Cloche Fêlée (Chuông rè hay Chuông nứt) từ cuối tháng 11/1925 đến giữa tháng 3/1926. Năm 1928, nhà in Đông Pháp – Ng. kim – Dinh, Gia Định in thành sách.
Bản dịch năm 2020 (NXB Đà Nẵng và Omega+ liên kết phát hành) của Sity Maria Cotika và Huỳnh Mai dựa trên bản in năm 1928 của Nhà in Đông Pháp.
Sách Chuyện những người An Nam ở Paris hay sự thật về Đông Dương. Ảnh: Omega plus. |
Đầu thế kỷ XX, chiến lược đối kháng chống thực dân có những thay đổi. Đó là chuyển sang chống thực dân Pháp ngay trong lòng nước Pháp. Cuốn sách giúp chúng ta có thể hiểu rõ hơn hành trạng của một số nhân vật lịch sử hồi đầu thế kỷ XX, cũng như phần nào hiểu được lý do tại sao công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc phải chuyển sang một giai đoạn mới.
Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII-XIX (qua các nguồn tư liệu phương Tây)
Cuốn sách do GS.NGƯT. Nguyễn Thừa Hỷ dịch, chú giải và bổ chú. NXB Khoa học Xã hội và MaiHa Books liên kết ấn hành năm 2020.
Trong số các loại hình tư liệu phong phú, đa dạng, mảng tư liệu phương Tây viết về Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII-XIX là một nguồn tư liệu có giá trị.
Nguồn tư liệu này có thế mạnh ở chỗ đó là ghi lại những điều mắt thấy tai nghe của những nhân chứng đương thời.
Sách Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII-XIX (qua các nguồn tư liệu phương Tây). Ảnh: MaiHa Books. |
Cuốn sách gồm các tác phẩm du khảo của J. Tissanier, Alexandre Rhodes, Philppo de Marini, William Dampier; những nghiên cứu về xứ Đàng Ngoài của Grozier, Gaubil, Horta; du hành và tác vụ của các giáo sĩ dòng tên; những nghiên cứu đời sống xã hội An Nam xưa…