Nhân kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM ra mắt cuốn Chống xâm lăng trong ca khúc Việt Nam của tác giả Trần Văn Nhiệm.
Đây là công trình nghiên cứu cá nhân có tính chất phác họa, hệ thống dòng chảy lịch sử của nền tân nhạc Việt Nam, trong đó nhấn mạnh những ca khúc cách mạng được sử dụng như công cụ chống xâm lăng.
Sách Chống xâm lăng trong ca khúc Việt Nam. Ảnh: Q.M. |
Tác giả Trần Văn Nhiệm, tên thật là Trần Văn Bộ, sinh năm 1936, tại Tân Thanh, Giồng Trôm, Bến Tre. Thời trẻ ông tích cực tham gia các phong trào học sinh, sinh viên ở Bến Tre, sau đó là khu Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định. Ông từng bị chính quyền Sài Gòn tuyên bố tử hình vắng mặt vì có liên quan vụ ném lựu vào xe Đại sứ Mỹ Fredrich Nolting.
Sau ngày miền Nam giải phóng, Trần Văn Nhiệm công tác tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM. Về hưu, ông viết sách truyền thống cách mạng, đặc biệt là về truyền thống anh hùng của thanh niên.
Trong lời mở đầu cuốn Chống xâm lăng trong ca khúc Việt Nam, Trần Văn Nhiệm cho biết ông vốn là người đam mê ca hát, thích và hay hát. Khi dấn thân trong phong trào học sinh, sinh viên, ông được tắm mình trong các ca khúc với những âm điệu rực lửa, đầy khí phách, hùng tráng, với cảm xúc da diết, đong đầy tình cảm dân tộc, với tình yêu Tổ quốc, nghĩa đồng bào.
Và với máu văn nghệ, cùng bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông bắt đầu tích lũy cho mình những bài hát cách mạng và các tư liệu liên quan. Sau bao năm ấp ủ, tích lũy, ông đã hoàn thành cuốn sách Chống xâm lăng trong ca khúc Việt Nam.
Theo ông Lê Thanh Văn, đồng đội, đồng chí của tác giả (bài in trong sách: Người tiếp ngọn lửa truyền thống yêu nước cháy bỏng trong các tác phẩm âm nhạc đến trái tim người đọc), đề tài của cuốn sách này là khám phá mới đối với Trần Văn Nhiệm. Từ trước tới nay, chưa thấy ai làm đề tài này, vì thế, mặc dù không phải dân chuyên môn, những khám phá của Trần Văn Nhiệm là điều đáng quý.
Một điều cũng rất đáng quý nữa là công trình tương đối dày dặn, với hơn 800 trang tư liệu, trong đó có nhiều thông tin mà trước nay không nhiều người biết đến.
Lực lượng văn hóa – văn nghệ (văn công) trên đường Trường Sơn. Nguồn: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. |
Chống xâm lăng trong ca khúc Việt Nam giúp người đọc hiểu được bối cảnh ra đời của dòng nhạc cải cách từ sự du nhập của âm nhạc phương Tây, của những nhóm nhạc tiền phong từng tạo thành trào lưu và có những đóng góp có giá trị trong mỗi giai đoạn, mỗi sự kiện chính trị của đất nước.
Cuốn sách còn cung cấp cho người đọc thân thế sự nghiệp của 70 nhạc sĩ và các tác phẩm tiêu biểu của họ. Có thể kể đến như: Đỗ Nhuận với Tiếng súng Nam Bộ, Du kích ca, Hành quân xa, Chiến thắng Điện Biên…, Văn Cao với Tiến quân ca…, Xuân Giao với Chào sông Mã anh hùng, Cô gái mở đường; Cao Việt Bách với Cung đàn mùa xuân, Tiếng hát từ thành phố mang tên Người; Văn Ký với Tây Nguyên bất khuất, Bài ca hy vọng; Huy Du với Anh vẫn hành quân, Đường chúng ta đi, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát…
Bên cạnh đó, qua Chống xâm lăng trong ca khúc Việt Nam, độc giả có thể cảm nhận được vũ khí sắc bén của âm nhạc trong cuộc chiến khi các ca khúc chạm được vào trái tim người nghe.
Chính những ca từ, điệu nhạc mang âm hưởng cách mạng đã nuôi dưỡng lòng yêu nước, đồng thời như một lời hiệu triệu thúc giục người người hăng hái cầm vũ khí chiến đấu.
Đã có những ca khúc được chép tay, mang trong ba lô trên đường hành quân của các chiến sĩ giải phóng quân, các nam nữ thanh niên xung phong nơi đầu tuyến lửa.
Để rồi trong những phút nghỉ ngơi hiếm hoi, các ca khúc lại được truyền tay nhau và cùng hát vang như xoa dịu nỗi nhọc nhằn, như tiếp thêm động lực giúp chiến sĩ chân cứng đá mềm, tiếp tục hành quân.
Bên cạnh đó, những ca khúc trong phong trào học sinh – sinh viên cũng đã thu hút, tập hợp những người trẻ không kể nguồn gốc xuất thân đứng lên cùng đồng bào tranh đấu chế độ thực dân mới của Mỹ và chính quyền tay sai…
Có thể nói, những ca khúc cách mạng giai đoạn chống Pháp, Mỹ và giai về sau này đã thực hiện tốt sứ mệnh “chống xâm lăng” của mình. Bên cạnh đó, những ca khúc này đã và đang ươm mầm tình cảm dân tộc, lòng tự hào và trách nhiệm công dân đối với những người trẻ hôm nay.