Connect with us

Sách hay

Khát vọng của thế hệ phi công anh hùng

Được phát hành

,

“Nhật ký phi công tiêm kích” là chìa khóa để giải mã về một con người, qua đó hiện ra cuộc đời, chiến công của thế hệ tuyệt đẹp mang khát vọng thiên thanh.

Nhật ký phi công tiêm kích của trung tướng Nguyễn Đức Soát – một cuốn nhật ký chiến tranh tưởng chừng sẽ nằm yên trong kho tư liệu gia đình – nay nhờ “duyên” lành đã đến được tay độc giả. Chữ “duyên” vốn chỉ dành cho những sự việc không định trước, lại như một tất yếu.

Nhat ky phi cong tiem kich anh 1

Sách Nhật ký phi công tiêm kích. Ảnh: Y.N.

Từ lâu, nhật ký được coi là thể loại văn học, được nhiều nhà văn sử dụng như một thủ pháp văn chương. Nhưng những cuốn nhật ký nổi tiếng nhất lại được viết ra một cách tự nhiên, không mang mục đích làm văn, không vay mượn đến bất cứ thủ pháp nào mà tự nó văn chương hơn cả văn chương, bởi mang đậm dấu ấn cá nhân đặc biệt, gắn với những câu chuyện, trạng thái hoặc sự kiện khác thường, bằng sự trung thực và tin cậy đến tận cùng làm lay động người đọc. Lẽ dĩ nhiên, còn bằng cả cái tài của người viết. Nhật ký phi công tiêm kích là một cuốn sách như thế.

Tác giả vốn là học sinh giỏi văn, nếu không có chiến tranh, chưa chắc ông đã trở thành phi công tiêm kích. Tâm hồn lãng mạn mang hơi hướm “tiểu tư sản” của một thanh niên – người lính va đập với giai đoạn lịch sử đầy biến động, hào hùng và khốc liệt của đất nước.

Phải chăng đó là khởi nguồn lý do ông đã ghi chép cần mẫn và da diết trong suốt quãng thời gian 7 năm (1966-1972), từ anh lính mới tò te bắt đầu học lái máy bay MiG-211 cho đến khi trở thành một trong những phi công có tài xạ kích giỏi nhất của Không quân Việt Nam, đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 27 tuổi.

Cuốn nhật ký đã được bảo đảm bằng sinh mạng của người viết. Nó đã cùng người phi công trẻ bay trên những chiếc tiêm kích MiG-21 dũng mãnh trong mỗi lần xuất kích, để nếu chẳng may chủ nhân không trở về thì nhật ký sẽ cùng anh tan vào “đại dương thứ năm”.

Cho nên, dù là ghi chép riêng tư nhưng tính cá biệt vẫn mang độ tin cậy rất cao. Chuyện của một người nhưng đọc lên sẽ thấy tinh thần, khí phách của một thế hệ thanh niên Việt Nam bước vào cuộc chiến đấu khốc liệt, không cân sức với Không quân Mỹ hùng mạnh; thấy được những chiến công oanh liệt cũng như tổn thất không gì bù đắp nổi của chiến tranh; thấy được cuộc sống, tình bạn, tình yêu, tình đồng chí thật đẹp mà có lẽ giờ đây chỉ còn trong hoài niệm…

Nhat ky phi cong tiem kich anh 2

Trung tướng Nguyễn Đức Soát (thứ ba từ trái sang) cùng các phi công tiêm kích Su-27 đầu tiên của Việt Nam. Nguồn ảnh: Petrotimes/Cục Chính trị Quân chủng Phòng không – Không quân.

Một thế giới quảng đại và rộng lớn, cao cả mà bình dị

Cha tôi, nhà văn Hữu Mai, là tác giả bộ tiểu thuyết Vùng trời. Từ lâu, các chiến sĩ Không quân đã coi cha tôi là người nhà và chúng tôi cũng tự coi mình là thành viên trong gia đình lớn ấy. Đó là lý do tôi may mắn được biết, được gặp “chú Soát” từ khi còn là một cậu học sinh phổ thông và ngưỡng mộ thần tượng của mình vô cùng sâu sắc.

Rồi đến thời sinh viên du học tại Liên Xô, tôi lại có cơ may gần ông khi ông sang Moskva học “trường tướng” – tức Học viện Bộ Tổng tham mưu Quân đội Liên Xô mang tên Nguyên soái Vorosilov. Tôi nhớ những đêm hai chú cháu nằm trò chuyện tới sáng…

Nhưng phải đến lúc này, khi hào hứng và hồi hộp đọc một mạch đến trang cuối cùng của cuốn nhật ký, tôi mới như được khám phá một thế giới khác, quảng đại và rộng lớn, cao cả mà bình dị hơn những gì mình từng biết về một con người, về thế giới của một phi công tiêm kích.

Ông sinh ra để bay lên. Nỗi buồn lớn nhất của ông là những ngày không được bay. Và niềm vui lớn nhất của ông là khi có lệnh cất cánh. Ông sinh ra để thuộc về bầu trời. Có lẽ đây chính là chìa khóa để giải mã về một phi công, một con người, qua đó hiện ra chiến công và cuộc đời đầy tự hào của một thế hệ tuyệt đẹp mang khát vọng thiên thanh.

Xin nhắc lại câu nói của Claude Debussy, nhà soạn nhạc nổi tiếng người Pháp: Tác phẩm nghệ thuật tạo nên những nguyên tắc, chứ nguyên tắc không tạo nên tác phẩm nghệ thuật. Trong cuốn sách này không chỉ thuần những dòng nhật ký của tác giả. Để bạn đọc tiếp cận văn bản thuận tiện hơn, Nguyễn Đức Soát đã viết thêm những dẫn nhập bối cảnh sự kiện, tương quan lực lượng ta – địch, số phận những nhân vật chính trong nhật ký, những hồi ức và những chiêm nghiệm khi đã có độ lùi lịch sử…

Người đọc sẽ thấy hai cuốn sách trong một cuốn sách. Nhưng đây là sự hòa quyện hợp lý của hai thể loại nhật ký và hồi ký, làm nên sự bổ sung hoàn hảo cho một tác phẩm văn học.

Không ai bắt nhà văn phải viết như thế nào cả. Cuốn sách này ra đời tự nhiên như cuộc sống đã tạo ra nó. Có lẽ là lần đầu tiên, bằng văn bản, cuốn nhật ký đã mở ra thế giới nội tâm của một phi công tiêm kích thành thật và thẳng thắn, riêng tư và xao xuyến, nghiệt ngã và ngời sáng.

Đó là thứ ánh sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong trắng, tận hiến tự-nhiên-ý-thức cho Tổ quốc, nhân dân, Đảng và quân đội, vượt lên mọi thử thách khắc nghiệt, mọi khổ đau và mất mát để đi đến ngày chiến thắng.

Nguồn: https://zingnews.vn/khat-vong-cua-the-he-phi-cong-anh-hung-post1164753.html

Sách hay

Sách về tình thầy trò của hai vị tướng nhận hai đề cử Sách Quốc gia

Được phát hành

,

Bởi

“Một người thầy, một cuộc đời đức độ, nhân văn và rất đỗi bình dị”. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã viết về ông Ba Quốc như vậy trong sách “Người thầy”.

tinh bao anh 1

Ông Ba Quốc (ngồi) và thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: Tư liệu.

Người thầy của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là một tác phẩm giá trị về cuộc đời người tình báo, Thiếu tướng Đặng Trần Đức (tức ông Ba Quốc).

Trong cuốn sách Người Thầy, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã khắc họa sâu sắc mối quan hệ đặc biệt giữa ông và người thầy đáng kính – Thiếu tướng Đặng Trần Đức (tức ông Ba Quốc). Cuốn sách không chỉ kể lại những câu chuyện xúc động mà còn chứa đựng những bài học sâu sắc về lòng trung thành, sự hy sinh và ý chí phụng sự đất nước.

Cuốn sách Người thầy cho ta thấy mối quan hệ của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và ông Ba Quốc – Đặng Trần Đức không chỉ đơn giản dừng lại ở mức độ thầy trò.

Ông Ba Quốc đã rèn luyện cho người lính trẻ Nguyễn Chí Vịnh biết, hiểu mọi thứ về nghề tình báo. Khi tác giả Nguyễn Chí Vịnh mới ở Việt Nam sang Campuchia ông cho làm ở Phòng N, sau xuống đội X, là đội nhận những nhiệm vụ quan trọng nhất của phòng.

Sau nhiều thử thách thì làm trợ lý trực tiếp cho ông Ba, rồi những bữa cơm chiều rỉ rả chuyện đời thường ông Ba kể chuyện cho học trò nghe về mọi điều đã trải qua trong đời mình, chuyện đời thường nhưng sau mỗi câu chuyện là kinh nghiệm, cách làm việc, đối nhân xử thế… đều là những bài học quý với thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

tinh bao anh 2

Sách Người thầy.

Kể hành trình dọc biên giới phía Bắc những năm còn chiến tranh, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho thấy hình ảnh một người thầy tình báo can trường, đầy trách nhiệm.

Trong một lần di chuyển qua biên giới, khi Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đề nghị đổi vị trí ngồi vì lo ngại pháo kích, ông Ba Quốc đã khẳng định dứt khoát: “Không, tôi ngồi ghế trước.” Hình ảnh ông ung dung trên ghế trước trong bối cảnh biên giới căng thẳng là minh chứng sống động cho tinh thần dũng cảm và trách nhiệm của một người lính tình báo.

Đối với tướng Nguyễn Chí Vịnh, những câu chuyện bên bếp lửa tại nhà người dân ở Lạng Sơn hay những ngày rong ruổi trên đường số 4 đã trở thành những ký ức không thể phai mờ. Trong khoảnh khắc giản dị đó, ông Ba Quốc đã có dịp chia sẻ nhiều bài học từ kinh nghiệm thực chiến, từ lý tưởng sống cho người học trò.

Thông qua những câu chuyện quá khứ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được biết sâu hơn về con người ông. Đó là tình cảm sâu kín của người tình báo vĩ đại với đồng chí, đồng đội, với những người trong gia đình…

Cho đến những năm tháng cuối đời, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh vẫn ở bên người thầy của mình. Vào lúc đó, ông Ba đã tâm sự: “Tình yêu chỉ có một và lý tưởng cũng chỉ có một”. Với ông, tình yêu chỉ có một là tình yêu dành cho cái đẹp và lẽ phải. Lý tưởng của ông cũng vậy, điều cao nhất ông hướng tới là hy sinh tất cả những gì mình có để đất nước có độc lập và hòa bình, người dân được hưởng hạnh phúc.

Cuộc đời của ông Ba Quốc không chỉ là tấm gương sáng về trí tuệ và bản lĩnh mà còn là bài học nhân văn sâu sắc. Cuối cuốn sách, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh viết: “Một người thầy, một cuộc đời đức độ, nhân văn và rất đỗi bình dị”. Tình thầy trò giữa ông Ba và Thượng tướng Vịnh mãi mãi là biểu tượng của tình yêu, lý tưởng và sự hy sinh vì tổ quốc.

Với những giá trị to lớn, cuốn sách Người thầy đã được đề cử ở hai hạng mục là Sách được bạn đọc yêu thích và Sách Văn học – Nghệ thuật tại giải Sách Quốc gia 2024.

Nguồn: https://znews.vn/sach-ve-tinh-thay-tro-cua-hai-vi-tuong-nhan-hai-de-cu-sach-quoc-gia-post1512302.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

5 phút chốt đơn

Được phát hành

,

Bởi

Trong 5 phút chốt đơn, Alex Goldfayn miêu tả 16 tác nghiệp mất từ ba đến ba mươi giây trong ngày để bạn có thể tăng thêm từ 50% đến 100% doanh số của mình.

Cần tối đa 20 giây để viết ra mỗi hành động. Không cần tới 20 phút, mà chỉ 20 giây.

Lập kế hoạch và theo dõi ra sao không quan trọng – quan trọng là phải lập kế hoạch và theo dõi nhanh. Như vậy bạn mới có thể theo dõi được thành công của mình. Bạn sẽ nhìn ra làm gì thì hiệu quả. Và quan trọng nhất, bạn sẽ biết phải theo tiếp những việc gì.

Trước hết, hãy cân nhắc lập bảng theo dõi báo giá.

Hầu hết doanh nghiệp không có danh sách đầy đủ và chính xác các báo giá đã được gửi đi. Theo dõi báo giá là một công cụ đơn giản, nhưng có thể có tính cách mạng cho doanh số của bạn. Riêng nó thôi có thể giúp bạn tăng gấp đôi doanh số, chỉ cần bạn biết phải theo tiếp những báo giá nào đã được gửi đi. Chương 12 nói rõ về công tác theo dõi báo giá.

Chot don anh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: Yan Krukau/Pexels.

Bảng Theo dõi Hành động là để viết ra hành động chủ động của bạn, tiến triển, và kết quả trong tuần:

Đây là chỗ ghi lại từng hành động cùng những ghi chú ngắn gọn bạn đã nói gì, khách hàng hiện tại hay khách hàng tiềm năng đã nói gì.

Cột cuối cùng để ghi chú giá trị quy thành tiền nỗ lực của bạn – bất kể cơ hội đấy vừa mở ra hay có bước tiến đầu tiên. Tôi muốn bạn gắn giá trị quy thành tiền với các hành động chủ động ba giây của mình.

Cần tối đa 20 giây để viết ra mỗi hành động. Không cần tới 20 phút, mà chỉ 20 giây. Đọc thêm về công tác theo dõi trong chương 13.

Hệ thống này là chìa khóa tăng trưởng doanh số

Những bảng biểu này sẽ chuẩn bị để bạn thành công mỗi tuần và hiển thị những thành công đó cho bạn thấy. Viết ra mọi thứ sẽ khiến bạn phải có trách nhiệm. Chúng sẽ nhắc nhở bạn phải chủ động giao tiếp mỗi ngày. Chúng sẽ loại bỏ mọi ngờ vực bản thân và khiến bạn can đảm, vì những trang giấy giúp bạn theo dõi ấy sẽ tràn ngập những thành công và chiến thắng. Và chiến thắng đến rất nhanh.

Theo thống kê, một phần năm những lời mời chào sản phẩm bổ sung sẽ được chấp nhận và người ta sẽ mua hàng. Theo tiếp bằng thư chào hàng hay báo giá, và theo thống kê, một phần năm những lần chào hàng như vậy sẽ kết thúc là chốt được đơn hàng.

Hãy gọi cho khách hàng bạn đã không liên lạc gì từ ba tháng trở lên, và trò chuyện thoải mái để xây dựng quan hệ với họ và thảo luận những cơ hội mới. Bạn sẽ cảm thấy dễ chịu. Bạn sẽ làm tốt. Rồi tài khoản ngân hàng của bạn sẽ tăng lên.

Nhưng có thật năm phút mỗi ngày là đủ không?

Có, năm phút mỗi ngày triển khai những giao tiếp chủ động này là đủ.

Sẽ có những ngày bạn dành ra thời gian ít hơn nhiều. Sẽ có những ngày bạn bỏ ra không tới một phút, và trong khoảng thời gian đó, bạn sẽ đặt năm câu hỏi về sản phẩm và dịch vụ bổ sung. Những ngày chỉ dành ra được một phút, bạn vẫn có thời gian để hỏi khách hàng về những sản phẩm họ mua nơi khác mà bạn có thể hỗ trợ họ.

Hầu hết những lần chủ động gọi điện của bạn sẽ xong xuôi trong vòng năm phút đổ lại, và vẫn có thể thực hiện được nhiều tác vụ ở cột bên phải danh sách.

Có thể dài hơn năm phút không? Có chứ, nhưng không cần phải vậy. Bạn có thể dễ dàng đạt được mọi thứ bạn cần trong những cuộc gọi dưới năm phút. Còn muốn nói hơn năm phút ư? Cứ thoải mái, nếu bạn muốn.

Đây là công việc mang lại niềm vui, tinh thần tích cực, vì bạn đang hỗ trợ khách hàng trong khi cũng giúp chính mình, công ty mình, và gia đình mình. Trong Hệ thống hành động 5 phút chốt đơn, bạn cung cấp thêm giá trị cho khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng, họ sẽ tưởng thưởng nỗ lực của bạn bằng cách mua hàng!

Bạn hỗ trợ họ nhiều hơn, và họ trả tiền cho bạn vì thế. 5 phút chốt đơn là vậy.

Câu chuyện 5 phút chốt đơn thành công

Từ đây một số chương sẽ kết thúc bằng câu chuyện thành công thực sự từ một người bán hàng hay người làm nghề chuyên môn tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Tôi có hai mục tiêu trong các câu chuyện này: trước hết, tôi hy vọng tạo động lực và kích thích bạn triển khai Hệ thống hành động 5 phút chốt đơn; và thứ hai, tôi muốn chứng minh cho bạn thấy cách làm này hiệu quả, và hiệu quả nhanh chóng.

Tất cả những người kể chuyện đều đã tham gia vào một dự án tăng trưởng doanh số cùng tôi, trong đó tôi giúp công ty của thân chủ tăng trưởng trung bình 10-20%. Tôi có biên tập đôi chỗ cần thiết trong những câu chuyện đấy: tôi không nêu tên người cụ thể vì nhiều lý do hiển nhiên, và tôi cũng đổi tên. Nhưng tất cả chi tiết là thật, cũng như những con người đã trải qua các công việc đấy là thật.

Nguồn: https://znews.vn/bi-quyet-20-giay-moi-ngay-de-tro-thanh-sale-gioi-post1512301.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Lịch sử vú – cái nhìn mà bạn chưa từng mường tượng tới

Được phát hành

,

Bởi

Viết về bộ phận được cho là mang nhiều ý nghĩa biểu tượng trên cơ thể phụ nữ, “Lịch sử vú” của Marilyn Yalom là công trình khoa học thuyết phục và đầy hấp dẫn về vú phụ nữ.

Lich su vu anh 1

Tranh sử dụng làm bìa sách: Diana và thần tình yêu của Pompeo Batoni vẽ khoảng năm 1761. Nguồn: wikipedia.

Với rất nhiều thông tin mới mẻ và bổ ích, cùng các phân tích liên ngành được soi sáng và nuôi dưỡng bởi ý thức đấu tranh cho quyền phụ nữ và nữ quyền, Lịch sử vú còn đưa ra những góc nhìn nữ quyền sâu sắc và rất táo bạo .

Lịch sử vú là lịch sử của văn minh nhân loại

Cuốn sách này sẽ khiến bạn “suy nghĩ về vú phụ nữ theo cách bạn chưa từng mường tượng trước đây”. Đó là câu mở đầu vừa gợi tò mò nhưng cũng vừa “khiêu khích” của tác giả Marilyn Yalom.

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà vị giáo sư Pháp ngữ và văn học so sánh này lại mở đầu như vậy. Bởi khi bạn đọc cuốn sách này của bà, bạn sẽ thấy tri thức về vú của mình còn nghèo nàn và tương đối hạn hẹp.

“Nhìn từ bên ngoài, vú đại diện cho một thực tại khác, và thực tại này khác nhau tùy theo con mắt của mỗi người nhìn. Trẻ sơ sinh nhìn thấy thức ăn. Đàn ông thấy tình dục. Các bác sĩ thấy bệnh tật. Doanh nhân nhìn thấy những dấu hiệu của đôla. Những người có quyền uy trong tôn giáo biến vú thành biểu tượng tinh thần, trong khi các chính trị gia chiếm dụng nó vì mục đích dân tộc chủ nghĩa. Những nhà phân tâm học đặt vú vào trung tâm của vô thức, như thể nó là phiến đá nguyên khối không thay đổi…”. Marilyn Yalom viết.

Thông thường, chúng ta hay nhìn nhận về vú ở chức năng làm mẹ và chức năng tình dục. Nhưng Marilyn Yalom lại cho chúng ta thấy lịch sử hàng nghìn năm của loài người là lịch sử vú và lịch sử vú là lịch sử của văn minh nhân loại.

Cuốn sách đưa chúng ta vào chuyến du hành vượt thời gian (từ thời các nữ thần Đồ đá cũ đến phong trào giải phóng phụ nữ vào cuối thế kỷ 20), xuyên không gian (từ vùng Trung Đông đến châu Âu và Mỹ…), xuyên qua diễn ngôn của các lĩnh vực khác nhau (bao gồm cả tôn giáo, chính trị, thương mại, khoa học, nghệ thuật…) để chứng kiến thân phận “bảy nổi ba chìm” của vú.

Theo trình tự 9 chương sách: “Vú linh thiêng”, “Vú gợi dục”, “Vú quốc dân”, “Vú chính trị”, “Vú tâm lý”, “Vú thương mại”, “Vú y học”, “Vú tự do” và “Vú trong khủng hoảng”, tác giả cho người đọc nhìn thấy mối liên hệ mật thiết giữa bầu vú người phụ nữ với lịch sử phát triển của nhân loại.

“Khởi thủy là vú mẹ”, mượn lại một lối nói trong Kinh Thánh, Yalom cho rằng đó là nguyên nhân đầu tiên khiến cho bầu vú được tổ tiên loài người xem là một vật linh thiêng, lý do mà vì đó ở thời tiền sử, họ “đã ban tặng cho các tượng nữ thần của mình những bầu vú tuyệt vời”.

Đến lượt các vị nữ thần, họ lại truyền cảm hứng cho các nền văn minh đến sau, từ thế giới Hy La qua đêm dài trung cổ, nơi vú hiện lên như là nguồn cội của sức mạnh nuôi dưỡng và ban phát của “mẹ thiên nhiên” mang tính biểu tượng và người mẹ cụ thể chăm sóc cho đàn con thơ bé của mình.

Sang thời Phục Hưng, tính chất gợi dục đã len lỏi vào trong những bức tranh vốn xuất phát từ truyền thống vú linh thiêng thông qua việc nhấn mạnh vào hành động cho con bú của người mẹ.

Dù cùng thể hiện hành động cho con bú nhưng hội họa Phục Hưng đã khác biệt so với các tranh Thánh trước đấy ở một khía cạnh cơ bản: bầu vú hiện lên vừa như là “một tín hiệu khêu gợi trong nghệ thuật” vừa như để “ám chỉ đến khoái cảm thuần túy”.

Lich su vu anh 2

Sách Lịch sử vú. Ảnh: NXBPNVN.

Lịch sử vú qua góc nhìn kinh tế, chính trị, giới

Trước khi bầu vú bị tình dục hóa chuyển sang bị chính trị hóa trong thế kỷ Ánh Sáng, bầu vú đã có một “thời kỳ chuyển tiếp” rất thú vị, khi nó hiện diện với tư cách “vú quốc dân” trong xã hội công dân Hà Lan thế kỷ 17. Hội họa Hà Lan thời kỳ này đã nhanh chóng xóa bỏ đặc tính phô bày bầu vú nhằm thỏa mãn dục vọng để đặt nó vào trong bức tranh sinh hoạt, hoặc đem đến tinh thần thương yêu của người mẹ đối với con cái…

Đến sau Hà Lan một thế kỷ, tư tưởng Khai Sáng của J.J. Rousseau và “niềm đam mê cho con bú mà ông truyền cảm hứng đã đi xuyên qua địa vị giai cấp, chính trị và biên giới quốc gia” để hình thành một phong trào chính trị rộng khắp ở châu Âu.

Nói về thời kỳ này, Marilyn Yalom cho biết không có thời điểm nào trong lịch sử – ngoại trừ thời đại chúng ta – người ta lại tranh cãi nhiều về vú hơn là thế kỷ 18. Khi các nhà tư tưởng thời Khai minh bắt đầu hành trình thay đổi thế giới, bầu vú đã trở thành một đấu trường cho các lý thuyết gây tranh cãi về loài người và hệ thống chính trị.

Kể từ đó, người ta bắt đầu yêu cầu phụ nữ dâng hiến bầu vú của mình để phục vụ lợi ích quốc gia và quốc tế. Trong thời kỳ chiến tranh và cách mạng, họ được khuyến khích độn vú “cho những chàng lính” hoặc để hở ra như là biểu tượng của tự do.

Không chỉ bị lôi kéo vào đời sống chính trị vú cũng bị lôi kéo vào đời sống kinh tế bởi “khả năng thương mại gần như vô tận” của nó, nhờ vào “sự phát triển của các sản phẩm dành cho vú” và các cách thức mà người ta mua bán “tư thế vú để trần trong nghệ thuật, truyền thông và giải trí, bao gồm cả nội dung khiêu dâm”.

Không chỉ đề cập đến lịch sử vú là lịch sử văn minh nhân loại, trong cuốn sách Marilyn Yalom còn bàn đến nữ quyền và quyền phụ nữ đối với bầu vú của mình, đồng thời nói về bệnh ung thư vú – cú sốc của bệnh tật đe dọa tính mạng của người phụ nữ.

“Ai là người sở hữu đôi gò bồng đảo đó? … Lịch sử văn hóa về vú chắc chắn nằm trong văn cảnh “triều đại của dương tượng” đã thống trị nền văn mình phương Tây trong 2.500 năm qua. Tuy nhiên, vú đồng thời đã có triều đại của riêng mình, chắc chắn là một triều đại được kiến tạo từ những huyễn tưởng của nam giới, nhưng là triều đại ngày càng thể hiện nhu cầu và ham muốn của người phụ nữ, mà rốt cuộc thì vú là của họ”, Marilyn Yalom viết.

Cũng liên quan đến quyền phụ nữ đối với bầu vú, Marilyn Yalom đã nêu ra một điều đáng suy ngẫm, đó là khi mà chỉ lúc lâm trọng bệnh, bầu vú mới thực sự là của riêng người phụ nữ. “Chính thực tại bi thảm của bệnh ung thư vú đã mang lại cho phụ nữ sự sở hữu trọn vẹn bầu vú của mình. Họ đang học, với cú sốc của bệnh tật đe dọa tính mạng, rằng bầu vú của họ thực sự là của riêng họ”.

Tóm lại, Lịch sử vú là lịch sử của văn minh nhân loại. Dù trải qua nhiều khúc quanh trong lịch sử, về cơ bản, vú luôn gắn cả chủ thể nữ – người mang vú và chủ thể chiếm dụng vú vì các mục đích riêng. Và từ cái nhìn này của Marilyn Yalom, chúng ta chắc chắn không thể nhìn bầu vú của phụ nữ như trước được nữa.

Nguồn: https://znews.vn/lich-su-vu-cai-nhin-ma-ban-chua-tung-muong-tuong-toi-post1512098.html

Tiếp tục đọc

Xu hướng