Bộ phim Mắt biếc do đạo diễn Victor Vũ chuyển thể từ truyện cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh đang được thực hiện, thu hút sự quan tâm của công chúng.
Trong buổi ký tặng độc giả sách Làm bạn với bầu trời tại Hà Nội vừa qua, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trao đổi về phim chuyển thể, chia sẻ về tác phẩm mới nhất của mình.
Không lấy việc bám sát văn học làm thước đo cho phim chuyển thể
– Gần đây dư luận quan tâm nhiều tới những bộ phim chuyển thể của ông. Ông có ưng ý với những truyện của mình khi thành tác phẩm điện ảnh?
– Phim chuyển thể từ truyện ra mắt, được mọi người yêu thích, tạo hiệu ứng xã hội thì tôi vui. Vui ở chỗ từ tác phẩm văn học, từ nguyên liệu của mình mà đạo diễn làm ra tác phẩm tốt.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng độc giả tại Hà Nội hôm 22/9. Ảnh: CLB Đọc sách cùng con. |
Thật ra hai thể loại ấy khác nhau. Làm phim tức là đạo diễn kể lại câu chuyện của mình bằng điện ảnh theo cách kể của họ. Tôi hiểu điều đó, nên không lấy chuyện đạo diễn phải trung thành hoàn toàn tới từng chi tiết của tác phẩm gốc làm thước đo. Tôi chỉ nghĩ giản dị là từ tác phẩm của mình mà đạo diễn làm một bộ phim tốt. Như vậy tôi hài lòng rồi.
Còn nếu làm phim, đạo diễn cứ bám sát, trung thành tuyệt đối truyện mà phim không hay thì tôi cũng đâu muốn. Độc giả văn học và khán giả điện ảnh khác nhau.
– Có khi nào đi xem một bộ phim chuyển thể, ông thấy có những trạng thái cảm xúc khác nhau, hoặc vui mừng hoặc phẫn nộ trước một chi tiết nào đó?
– Phẫn nộ thì không tới mức đó. Tôi đánh giá đạo diễn cũng như nhà văn, đều là những người hoạt động sáng tạo.
Trước đây có những bộ phim chuyển thể từ truyện của tôi, nhất là phim truyền hình, tôi thấy khác xa tác phẩm, đặc biệt là khác về nhân vật thì cũng buồn chút xíu thôi.
Tạo hình Ngạn và Hà Lan trong phim Mắt biếc. |
– Bộ phim “Mắt biếc” đang được thực hiện, ông chờ đợi gì ở tác phẩm này khi ra mắt?
– Nói đến Mắt biếc, độc giả thường thiên về suy nghĩ đó là câu chuyện tình. Nhưng trong Mắt biếc, tôi gửi gắm nhiều hơn câu chuyện tình yêu. Ở đó là câu chuyện của một nhân vật hướng về thành thị, còn một nhân vật hướng về thôn quê.
Sở dĩ nhân vật Ngạn bị mang nặng tình cảm với Hà Lan lâu như vậy là do những câu chuyện hồi nhỏ ở quê nhà. Bao nhiêu kỷ niệm như vậy đều gắn với một miền quê cụ thể. Thành ra Hà Lan trong mắt nhân vật Ngạn gần như là hóa thân của tình yêu xứ sở. Chính vì vậy, tình cảm đó nặng sâu. Tình yêu của Ngạn không thoát khỏi cội nguồn quê xứ.
Đây không chỉ là chuyện tình cảm đơn thuần. Tôi cũng mong đạo diễn chuyển tải được thông điệp ấy, bên cạnh tình yêu của Ngạn dành cho Hà Lan.
Viết về điều tốt, trái tim người cầm bút cũng nhẹ nhàng, vui vẻ
– Với tác phẩm mới ra mắt “Làm bạn với bầu trời”, ông có nghĩ nó sẽ thành phim?
– Khi viết truyện tôi không bao giờ nghĩ nó sẽ thành phim hay không. Đối tượng của tôi là độc giả. Thật ra tôi không thích truyện của mình chuyển thể điện ảnh nhiều quá. Hiện nay có những tác phẩm tôi đã ký hợp đồng với các nhà làm phim rồi.
Ngoài Mắt biếc còn có những cuốn đã ký hợp đồng chuyển thể như Ngồi khóc trên cây, Thiên thần nhỏ của tôi, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ… Tôi thấy như vậy là nhiều rồi, nên đã từ chối hợp tác đề nghị làm phim với những truyện khác. Tôi không muốn chuyển thể nhiều quá, vì nhiều quá thì bão hòa.
– Trong khi nhiều nhà văn khác mong muốn tác phẩm của mình được chuyển thể, thậm chí khi đặt bút viết đã viết sao cho có tính điện ảnh, dễ chuyển thể. Vì sao ông lại từ chối những đề nghị chuyển thể phim?
– Nếu đặt mục tiêu tác phẩm chuyển thể điện ảnh, thì chẳng thà tôi đi viết kịch bản phim cho rồi, tôi còn viết văn làm gì. Hai loại hình có những đặc thù khác nhau. Nếu anh viết cuốn sách mà đặt mục tiêu làm phim thì tự nhiên ngòi bút của mình bị gò bó, câu thúc. Ví dụ trang văn này ta viết độc thoại nội tâm, ta nghĩ nó hay. Nhưng nếu viết để làm phim thì ta phải chú trọng vào việc có hành động gì, hình ảnh gì, giảm bớt độc thoại nội tâm, giảm bớt dòng ý thức. Tự nhiên viết như vậy thì ngòi bút sẽ bị gò bó.
Tôi không có cuốn nào khi viết mà có ý định để làm phim hết.
– Ngay cả khi không có ý định viết để làm phim, nhưng khi tác phẩm chuyển thể điện ảnh tức là nó sẽ được phổ biến tới nhiều đối tượng công chúng. Vì sao ông không chọn cơ hội lan tỏa tác phẩm?
– Làm phim ít thì được. Tôi cũng nghĩ các nhà làm phim nên làm tác phẩm khác nữa, để nền điện ảnh được đa dạng. Nên làm nhiều tác giả, khai thác nhiều chủ đề khác nhau.
Khoảng 1.000 độc giả xếp hàng xin chữ ký nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: NXB Trẻ. |
– Với “Làm bạn với bầu trời”, trong quá trình viết, nhà văn có câu chuyện gì muốn chia sẻ, gửi gắm tới bạn đọc?
– Cuốn này viết có phần giản dị, nhưng nó khó về mặt kỹ thuật; khó ở lựa chọn ngôi kể, kể ở ngôi nào để chuyển tải được đầy đủ nội dung giá trị. Nếu nhân vật chính xưng “tôi” thì không thể nào thể hiện hết những mối quan hệ trong sách. Vì “tôi” nghĩa là anh chỉ biết, tả được những gì anh thấy thôi, còn những chuyện xảy ra sau lưng, làm sao anh thấy được. Khi đó, nhân vật “tôi” nói, thì thành ra tác giả nói mất rồi.
Muốn nói được những chuyện của anh A, anh B, thì nhân vật kể phải ở ngôi thứ ba. Mà ngôi thứ ba thì truyện lại mất đi chất tự sự. Tôi khó khăn khi chọn cách kể là như vậy. Rốt cuộc, tôi chọn nhân vật “tôi” là người dẫn chuyện.
Cuốn này tôi rất ưng ý, vì nhân vật Tèo truyền cảm hứng, truyền cảm xúc tích cực. Đó là một nhân vật tốt, mơ mộng; mặc dù cậu bé bị tai nạn nằm một chỗ. Tôi viết về nhân vật này, mong muốn độc giả khi đọc sẽ thấy ở đó một nhân vật giàu yêu thương, sống vị tha.
Nhân vật chính ở đây khi nhúng trái tim vào tình yêu, cuộc sống ít có cơ hội trở thành một gánh nặng đối với mình hơn. Ở cuối sách, tôi xếp nhân vật này “đứng hạng nhất trong trái tim tôi”.
Khi viết về nhân vật này, viết về những điều tốt đẹp trong cuộc sống, bản thân trái tim người viết, trái tim tôi cũng nhẹ nhàng, vui vẻ. Đó cũng là cơ hội thanh lọc tâm hồn mình, để cuộc sống đẹp hơn. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến bạn đọc, mà còn ảnh hưởng tới cả người viết nữa.