Nhà máy sản xuất linh hồn của Nguyễn Nguyên Phước bắt đầu bằng việc nhân vật Lâm đi tìm công việc mới ở một nhà máy khổng lồ, được mô tả kỳ dị “trông tựa như xác một con gián khổng lồ nằm ép mình trên mặt đất” và sản phẩm là “linh hồn”.
Sách Nhà máy sản xuất linh hồn. Ảnh: N. Q. |
Những diễn biến sinh hoạt bất thường, những mảng sáng tối thay nhau chiếm lĩnh không gian, thời gian, nhưng lại không thiếu những chi tiết hài hước truyền tải một nội dung hư hư thực thực.
Chàng trai Lâm có những “phẩm chất” của con người bình thường xung quanh ta, những nhận thức, mong muốn dễ hiểu, và đang thất nghiệp. Như bao người khác đến nhà máy tìm việc, anh được nhận, nuôi ăn ngủ mà khôngg phải qua thử thách nào.
Cái chốn sản xuất ra các linh hồn này có những nguyên tắc đơn giản mà rập khuôn, cứng nhắc đến tàn bạo, là phẳng mọi ý định thay đổi, thậm chí chỉ để biết chân sự thật. Quy trình hàng ngày làm nhân công không biết mình có phải đang lao động hay không, càng không nghĩ đến ý nghĩa, tác dụng của nó càng tốt. “Tất nhiên nhà máy không bỏ sót một ai hết… Nó theo sát từng người một, sẽ kèm cặp, uốn nắn các cậu vào khuôn khổ”.
Trật tự khắc nghiệt này “chuyển hóa các cậu từ những kẻ phá bĩnh, lười nhác, vô kỷ luật, hay đòi hỏi thành những người chăm chỉ, an nhiên tự tại, dễ quy thuận, tuân thủ…”.
Hậu quả tạo ra: “Những người mới trông lúc nào cũng ngơ ngác như gà con lạc mẹ, còn đám người cũ thì thờ ơ như không, tuồng như họ chả quan tâm đến gì”.
Để tồn tại, đa số phải chấp nhận “… việc gì phải bận tâm đến chuyện mình đi có đúng hướng hay không? Mà kiểu gì chả đúng hướng. Có mỗi một con đường thôi mà”. Thế rồi đông qua hè, đám đông ngày càng giống nhau, rập khuôn, chả cần biết mình có làm việc hay không, là con người đang sản xuất hay là sản phẩm.
Trong cái kỷ cương này, Lâm là kẻ nổi loạn. Không phải về đạo đức, mà là muốn tìm biết, để hiểu, có cách ứng xử. Tưởng ai chả có nhu cầu đơn giản, thiết yếu này. Nhưng sa vào hành trình dài lê thê, ngày càng chán chường, sợ hãi mà không thể rút ra, rốt cục anh bị bạn bè, người yêu từ bỏ, ngày càng cô độc.
Cuộc trốn chạy khỏi “nhà máy hay là cái cộng đồng” chấm hết bằng cái chết bi thảm, một kết cục người đọc dễ dự đoán nhưng lại phân vân về ý nghĩa của nó. Kết cấu kiểu “bóc củ hành” của tiểu thuyết không áp đặt thông điệp nào của tác giả, ai nấy cứ tự nghĩ ngợi, hiểu theo cách của mình.
Nguyễn Nguyên Phước không dắt câu chuyện đi theo kiểu kể thông thường. Cũng có tình huống, sắc thái, những giai đoạn chuyển biến nhưng đều là giả tưởng. Sự va đập tạo nên mâu thuẫn, dẫn đến xung đột – thứ truyện nào cũng cần – đều cốt phục vụ quá trình thay đổi nhận thức của Lâm.
Tác phẩm đòi hỏi sự kiên nhẫn ở người đọc. Ảnh: N. Q. |
Lặp chữ, lặp ý, đoạn… hành động truyện chậm, như ru ngủ, tác giả đưa người đọc vào mạch nhủng nhẳng, ma mị, thậm chí chẳng biết có kịch tính kiểu thắt mở nút hay không. Kẻ ưa tiết tấu nảy, cái đẹp của chữ lối truyền thống dễ bỏ dở.
Truyện không có nhân vật, mỗi con người dù có tên chỉ đại diện một ý tưởng, quan niệm. Lối viết này đòi người đọc kiên nhẫn, tiếp cận đến những tầng ý dưới chữ, hiển nhiên cũng kén độc giả.
Cuối cùng, như bao người khác, chính Lâm cũng bị cuốn vào vào nếp sống tù mòn của nhà máy và chẳng còn ý định bỏ trốn khỏi đây.
Có thể hiểu hàm ý ở đây rằng nhà máy chính là cuộc đời, nơi giam hãm con người với đầy những cực hình tinh thần mà ko có cách nào thoát khỏi. Mong muốn một cuộc sống không bầy đàn, cá nhân được tồn tại đúng theo đặc tính riêng của mình, ta cứ coi như đây là một ý tứ của người viết.
Mặt khác, Nguyễn Nguyên Phước từng dịch Soren Kierkegaard, một triết gia hiện sinh – “ông tổ của hiện sinh hữu thần”, nên cũng có thể hiểu rằng đời khó nhận thức, lắm tầng nấc.
Tác giả Nguyễn Nguyên Phước (1976) là nhà văn của thế hệ 7X. Nhà máy sản xuất linh hồn (NXB Trẻ, 2021) là tiểu thuyết mới nhất của anh.
Nguyễn Nguyên Phước học Đại học Bách Khoa Hà Nội, khoa Điện tử Viễn thông. Sau đó, anh sang Nhật làm tiến sĩ ngành Khoa học Vật liệu tại Học viện Công nghệ Toyota, Nagoya, Nhật Bản. Chính trong giai đoạn học tập và làm việc tại Nhật, anh đã bắt đầu viết văn và trở thành nhà văn.
Là tác giả của: Chung một cuộc tình, Chết trong ngày Chúa nhật, Một chuyến đi.